#WorkHoursLove là series các câu chuyện thú vị về mọi ngành nghề, thể hiện tinh thần tích cực, tiến bộ của người Việt Nam do The Millennials Life hợp tác sản xuất nội dung với cộng đồng Digikigai
Sau những tháng “trầm mặc” vì dịch bệnh, con dân ngành Marcom đã sớm trở nên “trầm cảm” vì những sự kiện truyền thông chủ yếu được tinh giản hoặc diễn ra online. Đã đến lúc ngành Marcom thức dậy, vươn vai và đón một “bình thường mới” với thật nhiều bước tiến trong sự nghiệp.
Vậy nghề Marcom có gì hay? Con đường sự nghiệp của một Marcom có những ngã rẽ nào? Làm sao để cân bằng giữa sự tự do cá nhân, sáng tạo, vui vẻ, lạc quan với sự nghiêm túc, kỷ luật, có trách nhiệm – những đức tính cần có trong ngành nghề sôi động này?
Hãy cùng gặp gỡ anh Nguyễn Khoa Mỹ – Chủ tịch Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam (VNPR) và Co-founder & CEO của MConsultant, để trò chuyện nhiều hơn về ngành nghề thú vị này.
Đôi nét về diễn giả:
– Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại của tập đoàn Coca-Cola Đông Nam Á và Anheuser-Busch InBev ASEAN.
– Bắt đầu sự nghiệp từ năm 1997, ở vị trí chuyên viên quan hệ quốc tế tại Bộ Văn hóa và Thông tin ở Hà Nội. Anh đã dấn thân vào Thành phố Hồ Chí Minh để theo đuổi sự nghiệp, hỗ trợ các công ty đa quốc gia lớn như British Petroleum (BP), Philip Morris International, Amway, Coca-Cola và Anheuser-Busch InBev.
– Hiện, anh Nguyễn Khoa Mỹ là Chủ tịch Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam (VNPR), một tổ chức chuyên nghiệp hoạt động thúc đẩy nghề quan hệ công chúng và tham gia tích cực vào các vấn đề xã hội, môi trường, văn hóa và giáo dục tại Việt Nam.
Bài viết được The Millennials Life biên tập từ
nội dung podcast Marcom Career: Reawakening Your Passion for Work
COVID-19 đã tạm lắng xuống, tuy nhiên dịch bệnh vẫn có thể bùng nổ trở lại bất cứ lúc nào. Với góc nhìn của người trong nghề, anh Mỹ có thể chia sẻ thêm về những khó khăn mà dân marcom đã, đang, và sẽ phải đối mặt trong thời gian tới?
Hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều phải gánh chịu hậu quả nặng nề do dịch bệnh. Tất cả lĩnh vực – từ nông nghiệp đến công nghiệp, từ sản xuất đến dịch vụ – đều chịu tác động không nhỏ. Chúng ta là một phần của xã hội, dù làm marcom hay làm bất kỳ ngành nghề nào cũng phải đối mặt với những khó khăn cả.
Khách hàng cắt giảm ngân sách, bản thân chuỗi cung ứng của ngành kinh tế bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh hàng hóa không lưu thông từ nhà máy ra cửa hàng, không xuất hiện tại cửa hàng, người tiêu dùng không tiếp cận được hàng hóa đó, người làm tiếp thị truyền thông sẽ phải làm gì đây?
Mình lấy ví dụ đơn giản thế này: Cửa hàng, siêu thị không mở cửa, làm thế nào để đặt các chuỗi pop-up hay làm activation? Người tiêu dùng không ra khỏi nhà, làm sao xem biển quảng cáo ngoài trời? Tổ chức sự kiện ở chỗ đông người không được, chỗ nhỏ người cũng không xong. Tất cả mọi thứ đổ dồn về môi trường digital.
Mình không bi quan đến độ mở đầu câu chuyện bằng hình ảnh tiêu cực thế này. Nhưng mình nghĩ nó là tiền đề cần thiết để đi sâu vào buổi thảo luận ngày hôm nay. Khó khăn mà marcom đối mặt là vấn đề đã được nhắc lại rất nhiều trong suốt 2 năm vừa rồi. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có tiếp tục xem COVID-19 là một trở ngại phải vượt qua hay chấp nhận bước vào thế giới sống chung với dịch.
Trước những khó khăn như anh vừa chia sẻ, liệu chúng ta có còn cơ hội phát triển hay mở ra xu hướng mới với marcom không? Chẳng hạn nếu nói mọi thứ đều dồn về digital thì chúng ta cần hiểu về nó như thế nào?
Trước khi nói đến digital, mình sẽ nói về chúng ta trước. Con người có sức mạnh rất ghê gớm. Trong một sự kiện do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức, một người anh nổi tiếng trong giới đã chia sẻ thế này, “Chúc mừng chúng ta đã tái sinh! Mặc dù chặng đường trước mắt còn rất dài, nhưng hôm nay, chúng ta nên chúc mừng sự tồn tại của chính mình và sống một cuộc đời có ý nghĩa trong những ngày tháng sắp tới.”
Với mình, đây là một thông điệp vô cùng mạnh mẽ. Nhìn lại chặng đường đã qua, mình nhận thấy bản năng sinh tồn của con người là rất lớn – không gì chặn đứng được chúng ta, trong khó khăn nếu không có giải pháp này thì sẽ có giải pháp khác.
Công nghệ, truyền thông tiếp thị, hay thế giới số đều đã phát triển từ rất lâu về trước. Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch thì tốc độ tăng trưởng được đẩy nhanh hơn. Có thể nói nếu không có COVID-19, sẽ mất đâu đó 5-10 năm để chúng ta đạt được đến vị trí mình đang đứng ngày hôm nay.
Đẩy nhanh sự ứng dụng công nghệ là điều mà chúng ta phải bắt kịp bằng mọi cách. Công nghệ nên được xem là một cơ hội chứ không phải một rào cản. Đừng nên nghĩ rằng “mấy cái số số” là thứ gì đó quá xa vời để rồi phải khổ sở, phải vật lộn với nó.
Suy cho cùng thì hiện tại, ta đang sống trong thế giới số đó bằng mọi giác quan mà mình có. Công nghệ đã, đang, và sẽ là một phần không thể tách rời của công việc và cuộc sống. Vậy bản thân là người làm nghề, chúng ta cần khéo léo ứng dụng những gì mình làm hàng ngày dựa trên phương pháp tiếp thị truyền thông đã được học – tức có nghĩa là làm một cách có chủ đích hơn, thay vì chỉ sử dụng nó một cách bình thường.
Sáng tạo nội dung và liên tục đổi mới trong bối cảnh các phương tiện truyền thông ngày càng đa dạng là một thực tế mà những “chiến binh” marcom đang phải đối mặt hàng ngày. Điều này có thể dẫn đến việc cạn kiệt ý tưởng, từ đó gây chán nản trong công việc vì không nghĩ ra gì mới. Anh có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm và đưa ra một vài lời khuyên cho các bạn gặp phải tình trạng này?
Con người được sinh ra với các sắc thái cảm xúc khác nhau. Chúng ta không nên cưỡng bức mình vào một trạng thái duy nhất và xem những cái khác là “không phải mình”. Tuy nhiên, thái độ của chúng ta với cuộc sống phản ánh cách chúng ta sống như thế nào – tức nếu “chọn” ở lại với trạng thái nào nhiều nhất thì cuộc sống của bạn cũng thể hiện ra như vậy.
Chán nản là có thật. Mình cũng không thể nào bảo mọi người đừng chán nản được. Sáng tạo là một trong những nghề dễ bị “điên” nhất. Nghĩ không ra, hoặc làm một sản phẩm không ai công nhận, không bán được, với người sáng tạo mà nói thì đó là những lúc khủng khiếp.
Nhưng chúng ta là những nghệ sĩ làm truyền thông tiếp thị, điều giúp chúng ta khác biệt với những người làm công việc sáng tác thuần túy (nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, …) là phương pháp.
Quy trình sáng tạo đều có phương pháp, có mô hình (như mô hình sand clock, hoặc business model canvas) để chúng ta dựa vào đó mà khai triển. Khi thấy chán nản, cũng có những phương pháp giúp chúng ta vượt qua sự tự phát cảm xúc để đừng thấy bi quan mỗi lúc thất bại.
Mình là người làm nghề, lúc đi nhận brief thì cố gắng nắm thật chắc, hiểu thật kỹ ý khách hàng. Sau đó bám chặt quy trình, brainstorming phát triển ý tưởng. Làm việc thì phối hợp cùng team, sử dụng các hệ thống quản lý công việc hiệu quả. Thực hiện tốt các việc này, chúng ta tránh được chuyện trở thành “người sáng tạo cô đơn”, nếu có thất bại thì cũng không quá chán nản.
Về yếu tố tinh thần, mặc dù không cố gắng loại trừ nhưng cũng đừng nên thỏa hiệp với sự chán nản của bản thân. Ngoài chuyện sống có trách nhiệm với chính mình, chúng ta còn những người xung quanh, những người phụ thuộc mình nữa. Thế nên đôi khi mình phải rất kỷ luật, dùng hết sức mạnh để chế ngự những lúc chán nản vô lối.
Ngoài ra, chúng ta hoàn toàn có thể giải lao. Cứ nghỉ ngơi, tham gia những gì bạn thích. Theo đuổi một số môn thuộc nghệ thuật biểu đạt là điều mình khá thích gần đây. Các bạn có thể vẽ tranh, thu âm, nặn tượng, … để cho chính mình thôi, không cần khoe ai cả. Nó giúp chúng ta vượt qua sự ức chế tinh thần mỗi lúc bi quan.
Martech (ứng dụng công nghệ vào tiếp thị) là một khái niệm không quá xa lạ, nhưng trong thời điểm dịch bệnh thế này thì mọi người biết đến khái niệm này nhiều hơn. Theo anh thì martech đã thay đổi marcom như thế nào và người làm marcom cần làm gì để bắt kịp và thích nghi trong thời đại công nghệ lên ngôi?
Truyền thông tiếp thị kiểu truyền thống liên quan khá nhiều đến việc tay chân – làm khảo sát thì phát phiếu cho khách hàng, làm sampling thì ra siêu thị mời sản phẩm, làm OOH thì ra ngoài trời giăng biển, …
Hiện tại, chúng ta sống trong thời đại của công nghệ. Nhưng không phải người làm truyền thông nào cũng được sinh ra để làm chủ công nghệ. Cách đây vài năm, chỉ riêng việc chuyển đổi từ truyền thông tiếp thị truyền thống sang truyền thông tiếp thị xã hội đã là một quá trình chuyển đổi khá nặng nhọc với nhiều người, chứ chưa nói đến việc chuyển sang martech.
Công nghệ đã trở thành một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống. Mấu chốt ở đây chính là học. Mình cũng thuộc hàng “lớn tuổi” rồi, nhưng hàng ngày vẫn lọ mọ tìm hiểu để không tụt hậu. Học đi đôi với hành để biết được nó như thế nào, ứng dụng ra làm sao. Có vậy thì mới làm chủ được cả cuộc chơi lẫn “cuộc làm”. Chứ nếu mỗi ngày cứ lướt tường Facebook, xem video Youtube, post ảnh Insta, làm clip TikTok mấy tiếng mà lại lười áp dụng những kỹ năng đó vào nghề nghiệp thì bạn vẫn chỉ là tay chơi thôi, chứ chẳng phát triển được gì với nghề cả.
Dân marcom đa phần hay bị đánh giá là tham công tiếc việc, dẫn đến dễ gặp áp lực. Làm thêm giờ cũng là một hiện tượng thường xuyên diễn ra, đặc biệt trong những “mùa” cao điểm. Anh Mỹ có lời khuyên nào về cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống?
Việc các bạn truyền thông tiếp thị làm ngoài giờ nhiều là có thật, đặc biệt là trong môi trường agency. Chúng ta chịu rất nhiều áp lực – từ khách hàng, từ dự án, từ các công việc nội bộ, từ việc quản lý, … rất nhiều thứ.
Thật ra thì nghề nào cũng thế thôi, không phải mỗi marcom. Chúng ta đối mặt với sự thật, không nên trốn tránh nó. Nhưng như vậy không có nghĩa là thỏa hiệp. Cân bằng là việc quan trọng cần nhớ.
Cuộc sống bề bộn, bận rộn, tuy nhiên đâu đó vẫn có cách để quản lý nó. Theo mình, chúng ta nên làm quen với một số kỹ năng cơ bản: quản trị thời gian, quản lý dự án, lãnh đạo bản thân, và làm việc nhóm. Cân bằng không đơn thuần là gạt hết công chuyện để làm việc cá nhân. Nó là việc học và áp dụng các kỹ năng để quản lý công việc tốt hơn, vẫn đảm bảo tiến độ và chất lượng mà không phải OT quá nhiều.
Cảm ơn anh Nguyễn Khoa Mỹ vì buổi trò chuyện này!
Xem lại toàn bộ nội dung Fireside Chat: JobHopin Podcast
Tham gia Digikigai và theo dõi thêm các số sau: Cộng đồng Digikigai
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Thảo luận về bài viết