Thời trang không chỉ dừng lại ở lụa-là-gấm-vóc mà trang phục còn phản ánh bối cảnh lịch sử và góc nhìn của xã hội.
Trong quá khứ, đã từng có lúc thời trang được sinh ra chỉ để phục vụ cho tầng lớp giàu có, người da trắng với thân hình mảnh mai – đặc biệt là những đối tượng thuộc giai cấp trung lưu trở lên tại phương Tây, nơi mà hình thái kinh tế xã hội chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản làm chủ đạo.
Sau này, khi chủ nghĩa Đế quốc trở nên hùng mạnh, các nước phương Tây mang tư duy “người dẫn lối” đến các nước thuộc địa châu Á và châu Phi để thực hiện trách nhiệm “khai sáng văn minh.” Sự phân cấp của thời trang từ đó lại càng rõ nét và ảnh hưởng sâu rộng.
Một ví dụ điển hình là Charles Frederick Worth và sự ra đời của haute couture vốn khai sinh chỉ dành cho người giàu. Cho đến khi các cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra, quần áo trở thành mặt hàng phố biến dưới dạng may sẵn, cùng với sự đấu tranh giữa các giai cấp trong xã hội ngày càng phức tạp, thời trang lúc này mới được mở rộng cho mọi người.
Tuy thế, len lỏi đâu đó trong những sàn diễn, các phương thức tiếp thị, quảng cáo của ngành thời trang và việc phô bày giá trị thẩm mỹ may mặc vẫn còn đầy hạn hẹp trong một nhóm đối tượng nhất định. Và để thay đổi điều đó, không ít những cột mốc giành sự bình đẳng trong thời trang đã lần lượt ra đời.
Cột mốc sắc tộc
Có thể nói rằng, sự phân chia sắc tộc là điều nhạy cảm và luôn gây nhức nhối nhất với giới mộ điệu. Trong lịch sử, không chỉ trong lĩnh vực may mặc, người da đen đã luôn đấu tranh mãnh liệt để thoát khỏi vị trí nô lệ của tầng lớp da trắng. Chưa dừng lại ở đó, sau này khi chủ nghĩa Đế quốc lan rộng khắp thế giới, vị trí của người châu Á trong thế giới thời trang cũng gần như vô hình đối với các cường quốc phương Tây.
Vì thế, đã từng có thời gian sự xuất hiện của một màu da khác ngoài da trắng trong các chiến dịch quảng bá thời trang là điều gần như không có.
Thực tế, sự đa dạng sắc tộc trên các sàn diễn đã không xuất hiện cho đến tận năm 1973 – một sự kiện làm “chấn động” giới mộ điệu khi nhà xuất bản Mỹ Eleanor Lambert đã lần đầu tiên cho 12 người mẫu da đen trình diễn thời trang Mỹ đến châu Âu tại Palace of Versailles.
Bên cạnh đó, và năm 1966, cột mốc thay đổi sắc tộc này một lần nữa được đánh dấu trong ấn phẩm Vogue Anh với hình ảnh của Donyale Luna – một người phụ nữ da màu lần đầu tiên xuất hiện trên bìa tạp chí thời trang. Dù đây là bìa ảnh mang tính biểu tượng của cả một kỳ tạp chí lớn, nhưng gương mặt của người mẫu lại bị che gần hết theo yêu cầu của biên tập viên nhằm giấu đi sắc tộc của người mẫu.
Cho đến tận 8 năm sau, tờ Vogue đã mời người mẫu Beverly Johnson Broke xuất hiện trên bìa tạp chí, dù màu da của cô không phải chủ đề mà tạp chí hướng tới. Nhưng theo chính lời kể của Broke, việc được xuất hiện trên bìa ảnh lớn là điều không dễ dàng gì và hiển nhiên đó cũng là một bước đột phá lớn.
Một biểu tượng của làng thời trang – “báo đen” Naomi Campbell lần đầu tiên lên bìa trong sự nghiệp của mình với tờ Vogue Pháp, dù trước đó cô đã là nàng thơ của không ít nhà thiết kế danh tiếng. Một câu chuyện hậu trường kể rằng, lần đó, chính nhà thiết kế huyền thoại Yves Saint Laurent đã có ý định sẽ không thực hiện quảng cáo nếu toà soạn không thực hiện điều đó.
Còn về phía người mẫu gốc Á, Du Juan là người đầu tiên lên bìa vào năm 2005. Bức ảnh của cô chụp bởi Patrick Demarchelier cho tạp chí Vogue Pháp. Nhưng khi đó, Juan vẫn phải “nhường đất” cho người mẫu Úc Gemma Ward xuất hiện cùng. Giới mộ điệu đã phải đợi thêm 8 năm nữa, người mẫu châu Á đầu tiên xuất hiện độc lập trên bìa Vogue Ý đó là Fei Fei Sun vào năm 2013.
Thực tế mà nói, yếu tố sắc tộc ở những giai đoạn này, nếu có xuất hiện thì vẫn xuất hiện dưới tâm lý “nhân tố mới lạ” chứ chưa thực sự ý thức về bình đẳng. Tuy nhiên, những cột mốc ấy đã thực sự mở ra chân trời mới cho ngành thời trang.
Cho đến hiện nay, xã hội đã trở nên bình đẳng sắc tộc hơn – không chỉ riêng ở lĩnh vực thời trang mà còn ở nhiều góc độ khác. Một siêu mẫu da màu trở thành nhân vật quyền lực nhất nhì làng thời trang thế giới đã không còn là điều quá xa lạ. Những người mẫu đa sắc tộc đã xuất hiện ở mọi ấn phẩm trên toàn cầu. Các thương hiệu không ngừng hướng đến những vùng đất phương Đông và ca ngợi văn hoá, vẻ đẹp nơi đây. Điều đó càng khẳng định mọi dân tộc đều có quyền hưởng thụ giá trị của thời trang.
Cột mốc giới tính
Tại địa hạt thời trang, có lẽ chưa lúc nào cuộc đấu tranh giành lấy bình đẳng giới và khẳng định nữ quyền lại thôi sôi sục. Dù cho phụ nữ luôn là trung tâm sáng tạo của lĩnh vực này, nhưng xuyên suốt chiều dài lịch sử, họ luôn phải đóng mình theo những khuôn khổ mà xã hội đề ra.
Và ngay trong thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước – khi mà cái nhìn của số đông còn gay gắt, các mẫu thiết kế phá cách vẫn cứ lần lượt ra đời đòi quyền bình đẳng giới.
Đầu tiên cần phải kể đến huyền thoại Coco Chanel. Đó là năm 1926, cả thế giới đã thực sự ngỡ ngàng khi bà đã “nổ phát súng” nữ quyền đầu tiên với việc giải phóng đôi tay cho phụ nữ bằng chiếc túi 2.55.
Bên cạnh đó, bà cũng trao cho phái đẹp vẻ sang trọng, quyến rũ cùng Little Black Dress bằng cách cắt ngắn những chiếc váy và đưa những quy chuẩn trang phục nam giới vào thiết kế cho phụ nữ. Nữ thiết kế huyền thoại này chính là người đặt ra những tiêu chuẩn vượt thời đại cho nữ giới bằng tư duy thời trang thiên bẩm, cùng lối sáng tạo phá cách.
Tiếp ngay sau đó là một cột mốc năm 1966 đã đi vào lịch sử thời trang, khi Yves Saint Laurent may tuxedo cho nữ giới. Thiết kế mang tên Le Smoking đã trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý và gây tranh cãi nhất thời điểm bấy giờ. Mặc kệ mọi định kiến, Yves Saint Laurent cùng với như một tuyên ngôn đầy tự tôn của phái đẹp khi khoác lên người một thiết kế mà xã hội cho rằng chỉ dành cho đàn ông. Vẻ kiêu hãnh của bộ trang phục này được xem là biểu tượng bất hủ cho cuộc cách mạng nữ quyền, sức ảnh hưởng của nó vẫn kéo dài cho tới tận hôm nay.
Bên cạnh sự đấu tranh giành bình đẳng giữa nam – nữ, còn một cuộc đấu tranh khác cũng không kém phần sôi nổi – đó là của cộng đồng LGBTQ+. Hàng loạt các tuyên ngôn thời trang khẳng định sự giải phóng giới, các mẫu thiết kế mở rộng mọi biên độ giới tính xuất hiện mạnh mẽ. Từ hình các nghệ sĩ nam như Billy Porter, Harry Styles và Jaden Smith diện trang phục nữ giới đến sự lên ngôi của hàng loạt người mẫu phi giới tính, sự phân biệt giới trong thời trang đang dần bị xóa nhòa. Và giới Millennials và thế hệ Z chính là nhóm người tạo ra làn sóng ủng hộ mạnh mẽ nhất.
Cột mốc tuổi tác, hình thể
Sự đa dạng hóa trong lĩnh vực thời trang ngày nay càng lúc càng được thể hiện rõ rệt. Bên cạnh những vấn đề phân biệt vốn đã rất quen thuộc như chủng tộc và giới tính; thì độ tuổi và hình thể cũng là một rào cản lớn của sự bình đẳng thẩm mỹ trong thế giới thời trang.
Nếu như trước đây, các nhà thiết kế luôn đòi hỏi người mẫu của họ phải có thân hình mảnh mai, càng gầy càng đẹp, thì những báo động về sức khỏe đã khiến người ta phải nhìn nhận lại về vấn đề này.
Năm 2016 là dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên, một gương mặt người mẫu có hình thể to lớn (plus-size) xuất hiện trên bìa Sports Illustrated chủ đề áo tắm. Cô gái đó chính là Ashley Graham.
Và ngay sau sự kiện đó, vào tháng 1/2017, Graham một lần nữa xuất hiện trước công chúng – lần này là trên bìa tạp chí Vogue Anh. Cô trở thành một phần của đế chế thời trang, từ những show diễn của Dolce & Gabbana cho đến Michael Kors và Christian Soriano, hay quảng bá trang sức cho David Yurman Fall 2018. Sự thành công của Graham đã mở ra một cái nhìn khác về cái gọi là “tiêu chuẩn thẩm mỹ.”
Rào cản về độ tuổi trong thời trang cũng bị phá bỏ vào năm 2018, với sự kiện vị giám đốc sáng tạo Anthony Vaccarello của nhà mốt Saint Laurent đã cho Betty Catroux, 73 tuổi, là gương mặt đại diện trong chiến dịch quảng bá. Bên cạnh đó, 18 người mẫu trung niên (trên 50 tuổi) được chọn trình diễn và xuất hiện trong 11 chiến dịch quảng cáo thời trang của nhà mốt nước Pháp.
Chính những cột mốc bình đẳng này đã mở ra một thời đại mới, một thời đại mà sự đa dạng và phổ quát giờ đây là yếu tố được coi trọng hàng đầu trong giới thời trang.
Kết
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, thời trang vừa đóng vai trò thẩm mỹ, vừa là phương thức đấu tranh của nhân loại. Dù là đấu tranh ở góc độ nào – giới tính, sắc tộc, tuổi tác, hình thể, giai cấp…, cũng đều thống nhất một điều: Trong thời trang, mọi đối tượng đều bình đẳng.
Tham khảo: Lofficiel Vietnam
Xem thêm:
Vì sao các thương hiệu thời trang Việt lừng danh một thời ngày càng im tiếng?
3 Boutique chuyên sưu tầm thiết kế của những thương hiệu độc đáo
Thảo luận về bài viết