Một cử chỉ nhỏ nhặt thể hiện qua đôi tay có thể giải mã được rất nhiều thông điệp. Từ hành động úp bàn tay xuống hay ngửa lên, hay những lần bắt tay ngoại giao cũng có thể phần nào thể hiện được tâm tư và suy nghĩ của một người.
Bàn tay
Một số người “nói bằng tay.” Họ truyền đi những thông điệp ẩn sau những cử chỉ tưởng chừng như vô nghĩa nhưng thật ra lại đang “để lộ” khá nhiều tâm tư, suy nghĩ của bản thân.
Khi người ta trở nên cởi mở và thật lòng, họ sẽ vô thức để lộ một hoặc cả hai lòng bàn tay. Trong những năm 1990, nhiều nhân viên bán xe hơi được đào tạo để quan sát lòng bàn tay mở của khách hàng khi họ đưa ra lý do tại sao không thể mua xe. Nhiều người khi bị chất vấn trực tiếp và đưa ra những câu trả lời không trung thực, họ sẽ trả lời với đôi tay được giấu ở phía sau hoặc trong túi quần. Khi ai đó chìa hai tay ra và dùng hai lòng bàn tay mở trong lúc giao tiếp, họ đang gửi một “tín hiệu” rằng người nói chuyện với mình là đối tượng đáng được tin cậy.
Lòng bàn tay ngửa lên
Khi bạn nói với lòng bàn tay hướng lên trên, theo góc độ lịch sử, thì có nghĩa là bạn không có vũ khí, bạn“an toàn,” và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của mọi người. Bàn tay mở lên thường có tác động tích cực lên người khác. Kết hợp với cánh tay rộng mở, cử chỉ này truyền tải sự chấp thuận, cởi mở và tin tưởng.
Khi kết hợp với cái nhún vai, điều này có nghĩa là cam chịu hoặc thừa nhận điểm yếu, hoặc để nói rằng: “Tôi không hề biết gì cả.”
Lòng bàn tay úp xuống
Trái ngược với lòng bàn tay mở lên thể hiện sự an toàn, cử chỉ hướng lòng bàn tay xuống dưới lại mang ý nghĩa uy quyền. Hành động này ngụ ý rằng người nói là đối tượng có thẩm quyền, đang yêu cầu, đôi khi là bắt ép ai đó làm theo ý mình. Khi một người sử dụng hành động này trong đối thoại, họ muốn chứng minh rằng bản thân là người đứng ở vị trí cao hơn. Lòng bàn tay hướng xuống cùng với ngón tay duỗi thẳng thể hiện sự uy quyền, thậm chí là tính vượt trội và thách thức.
Bởi thế mà có lẽ, cử chỉ úp lòng bàn tay xuống đôi khi có ý nghĩa tiêu cực, dễ dàng gợi nhớ đến kiểu chào của Đức Quốc Xã, một trong những cử chỉ mang tính áp bức nhất lịch sử. Hành động này đã để lại ấn tượng đến nỗi tới hiện tại, người ta vẫn tin rằng bàn tay úp xuống là một dấu hiệu của sự chuyên chế và độc đoán.
Động tác này cũng thể hiện sự tự tin và cho thấy bạn biết mình đang nói gì, đôi khi nó còn truyền tải sự cứng rắn. Khi kết hợp với việc “chém” tay vào không khí, hành động này còn mang ý nghĩa truyền đạt sự bất đồng mạnh mẽ.
Lòng bàn tay đóng, ngón tay trỏ
Việc đóng lòng bàn tay với một ngón tay trỏ thẳng là một hành động thể hiện thẩm quyền khác mà diễn giả hoặc các chính trị gia thường dùng để nêu ý kiến của mình. Tuy nhiên việc chỉ tay vào đối phương thường được cho thô lỗ và là một sự xúc phạm (đặc biệt là ở châu Á).
Người ta có hành động này khi muốn đối phương phải làm theo điều mình nói. Đó cũng là một cách để nói chen ngang và át lời người khác, thường là với thái độ đầy công kích và giận dữ. Khi thể hiện cử chỉ này với đồng nghiệp hoặc những người ngang hàng, nó cho thấy sự ngạo mạn, xung đột, và thái độ lấn lướt.
Một số nghiên cứu về diễn giả đã được phân tích bởi các chuyên gia ngôn ngữ cơ thể là Allan và Barbara Pease. Họ phát hiện ra rằng khi người thuyết trình với lòng bàn tay khép lại và ngón trỏ đưa ra phía trước, khán giả thường sẽ cảm thấy rằng người trước mặt mình là một kẻ hung hăng, hiếu chiến và thô lỗ, mặc dù họ đang nói những lời dễ chịu.
Hơn nữa, các chuyên gia cũng cho rằng trong số tất cả các nhóm thử nghiệm của họ, cử chỉ này ghi nhận được thấp nhất lượng khán giả lưu giữ thông tin – hay nói cách khác, chính cử chỉ được cho là thô lỗ này đã phần nào làm giảm thiểu hiệu suất truyền tải thông điệp đến người nghe. Nếu thật sự muốn nhận mạnh ý của mình, hãy thử chạm ngón tay cái vào ngón trỏ khi nói chuyện để tránh trường hợp “đe dọa” người nghe.
Bắt tay
Bắt tay là một hình thức chào hỏi cổ xưa, được người La Mã sử dụng đầu tiên nhằm thể hiện tình giao hữu – mặc dù cách bắt tay của họ hơi khác so với chúng ta – nắm lấy cẳng tay thay vì lòng bàn tay. Từ thế kỷ 19 trở đi, bắt tay trở thành một cách chào hỏi, bày tỏ thiện chí trong hợp tác kinh doanh hoặc thể hiện sự giao lưu bằng hữu. Ngay cả ở châu Á, nơi hình thức chào hỏi và tạm biệt vốn là hành động cúi chào, thì việc bắt tay cũng đã dần dần trở thành một chuẩn mực trong giao tiếp.
Bắt tay thống trị
Như những gì đã thảo luận bên trên, cử chỉ lòng bàn tay hướng lên hay úp xuống cũng được áp dụng tương tự cho động tác bắt tay. Cách ai đó bắt tay bạn cũng có thể truyền đi rất nhiều thông điệp “ngầm.”
Nếu ai đó nghiêng tay, để lòng bàn tay của bạn hướng lên, họ đang muốn thống trị bạn. Khi ai đó “chiếm ưu thế” với cái bắt tay này, tín hiệu không lời họ gửi đi là: “Tôi có thể khiến người này làm những gì tôi muốn.” Khi một người muốn giao tiếp với bạn cùng lòng bàn tay hướng xuống sẵn, buộc bạn phải ngửa tay lên, điều đó truyền đạt thông điệp rằng họ đang ở vị trí quyền lực hơn bạn.
Bắt tay phục tùng
Trong một vài trường hợp, bạn sẽ phải thể hiện rằng mình ở vị trí yếu thế hơn. Một cái bắt tay phục tùng có thể giúp bạn gửi đi tín hiệu này. Cách đơn giản nhất chính là mở lòng bàn tay hướng lên trên một chút. Hành động này sẽ hiệu quả khi bạn muốn người kia biết rằng bạn đang đưa ra lời xin lỗi chân thành, hay một sự đồng tình vô điều kiện.
Cú bắt tay thiết lập quan hệ bình đẳng
Cách tốt nhất để đạt được sự bình đẳng trong khi bắt tay đơn giản là duy trì cả hai lòng bàn tay ở vị trí thẳng đứng. Nếu người kia cố gắng đạt được “ưu thế,” hãy lắc nhẹ cánh tay và đưa họ về “đúng vị trí.” Điều này cũng áp dụng được khi ai đó đề nghị một cái bắt tay phục tùng với bạn. Hãy kiểm soát và làm chủ tình huống bằng cách đặt cả hai lòng bàn tay của bạn theo chiều dọc. Điều này tạo ra không khí tôn trọng và bình đẳng lẫn nhau.
Làm thế nào để lấy lại uy quyền khi ai đó cố thống trị bạn với một cú bắt tay?
Đôi khi, một người muốn thể hiện quyền lực của họ đối với bạn bằng cách“nhanh trí” đưa tay ra với lòng bàn tay đã hạ xuống, buộc bạn phải nắm lấy bàn tay của họ trong tư thế thể hiện sự phục tùng.
Có một giải pháp giúp bạn dễ dàng lật lại tình huống. Sau khi nắm lấy tay họ, hãy đồng thời đưa bàn tay còn lại đặt lên phía trên, dùng cả 2 tay mình nắm chặt như cách thể hiện quyền lực và “phản đối” một cách khôn khéo. Sau đó tùy vào tình hình, cả hai có thể xoay chuyển thành một cú bắt tay bình đẳng.
Xoa lòng bàn tay
Đôi lúc, cử chỉ xoa hai lòng bàn tay vào nhau không chỉ đơn thuần để tạo nhiệt giữ ấm cho cơ thể mà còn thể hiện nhiều thông điệp hơn thế. Giống như hầu hết các tín hiệu phi ngôn ngữ, tuỳ theo từng ngữ cảnh, việc cọ sát hai lòng bàn tay lại sẽ có những ý nghĩa khác nhau. Do đó bản phải cẩn thận khi đưa ra những phán đoán về cử chỉ này.
Khi ai đó xoa hai lòng bàn tay vào nhau, họ thường mong đợi điều gì đó tích cực sẽ xảy ra. Cử chỉ tự xoa tay thường dùng để giảm bớt căng thẳng, hoặc thể hiện sự phấn khích khi trông chờ một điều gì đó.
Một hình thức khác có ý nghĩa tương tự là bẻ đốt ngón tay – điều này thể hiện sự sẵn sàng hành động, thường gắn với nam giới.
Chạm các đầu ngón tay vào nhau
Khi một người chống khuỷu tay trên bàn cùng các ngón tay chạm nhẹ vào nhau, họ đang thể hiện phong thái tự tin. Bạn sẽ thấy cử chỉ này ở các luật sư và kỳ thủ khi họ tìm ra được cách loại bỏ đối thủ.
Thông qua các nghiên cứu về ngôn ngữ cơ thể, hai chuyên gia đàm phán Nierenburg và Calero đã phát hiện ra rằng, cử chỉ này còn thể hiện trạng thái lo lắng hoặc chứa những cảm xúc tiêu cực. Có ba biến thể của việc đan ngón tay: nắm chặt trước mặt, nắm chặt với bàn tay đặt trong lòng khi ngồi và buông thõng tay xuống, đan các ngón khi đang đứng.
Tất cả những điều này dẫn đến một nguyên tắc chung cần nhớ: mức độ đan chặt tay càng cao thì thái độ của một người càng lo lắng và có xu hướng tự vệ. Bạn có thể giải thoát cho họ khỏi trạng thái tâm lý này bằng cách đưa cho người đó một chai nước, hoặc chủ động yêu cầu high five với họ. Khi một ai đó có thể thả lỏng đôi tay, không bó buộc bộ phận này bằng các động tác nắm chặt ngón hay bắt chéo, người đó sẽ trở nên cởi mở và dễ tiếp thu hơn.
Thảo luận về bài viết