Doomscroll có thể coi là một căn bệnh mới của kỷ nguyên Internet
Có một thực tế là các tin tức gần đây đều rất u buồn và ảm đạm – một đại dịch toàn cầu khiến 1.15 triệu người thiệt mạng, trận cháy rừng do biến đổi khí hậu gây ra vẫn đang tàn phá Bờ Tây nước Mỹ, phân biệt chủng tộc kéo dài, trận lũ khủng khiếp ở Miền Trung nước ta cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, v.v.
Những tin tức xấu tràn ngập khắc tivi, báo đài, và mạng Internet. Tần suất sử dụng mạng xã hội đã tăng lên đáng kể khi mọi người dành nhiều thời gian ở nhà hơn do dịch bệnh. Theo thống kê của Nielsen, số lượng người xem TV hàng tuần tại Mỹ đã tăng 1 tỷ giờ trong thời gian cách ly xã hội vào tháng Tư vừa qua. Đồng thời, lượng người dùng tiếp cận các phương tiện truyền thông cũng đã bùng nổ hơn bao giờ hết. Theo VNExpress, người Việt dành ít nhất 2.38 giờ đồng hồ mỗi ngày trên mạng xã hội. Không thể phủ nhận rằng mạng xã hội có những tác dụng tích cực, đặc biệt là trong thời điểm chúng ta cần cập nhật thông tin về dịch bệnh nhanh chóng nhất. Tuy nhiên, nó cũng đem lại vô vàn tác dụng phụ và doomscroll cũng nằm trong số đó.
Doomscroll: Thói quen dìm mình trong dòng thác tin xấu
Mới đây, từ điển Merriam-Webster đưa hai thuật ngữ doomscroll (hay doomsurf) vào danh sách theo dõi. Theo định nghĩa của Merriam-Webster, doomscrolling “là thuật ngữ mới, đề cập đến xu hướng tiếp tục lướt, đọc những tin tức xấu, mặc dù tin tức đó khiến người tiếp nhận phiền muộn, chán nản hoặc trầm cảm.” Cũng theo Merriam-Webster, trong thời gian gần đây, nhiều người đang bị cuốn vào việc đọc liên tục các tin tức tiêu cực về bệnh dịch, thiên tai mà “không có khả năng dừng lại.”
Đọc tin tức là một cơ chế tự vệ
Roxane Cohen Silver, giáo sư tâm lý học tại Đại học California, Irvine – người nghiên cứu tác động của việc tiếp xúc với tin tức tiêu cực sau vụ tấn công khủng bố 9/11 đã phát biểu: “Chúng tôi phát hiện ra rằng những người tiếp xúc nhiều với tivi sau tuần đầu tiên của cuộc tấn công có dấu hiệu bị ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất nhiều hơn những người không tiếp xúc,” bà chia sẻ.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu lan rộng và trở thành cơn ác mộng toàn cầu, Silver và các đồng nghiệp đã xuất bản một bài báo, dự đoán rằng hậu quả về sức khỏe thể chất của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Lý do là bởi cách chúng ta tiếp nhận luồng tin tiêu cực hoàn toàn khác so với hai thập kỷ trước, khi điện thoại thông minh còn chưa xuất hiện.
Silver nói: “Đại dịch là một thảm họa mãn tính, chúng ta vẫn phải chống lại nó từ quá khứ cho đến tương lai. Đó như là một vòng lặp luẩn quẩn.Thế nhưng khi bối cảnh truyền thông thay đổi, mọi thứ dường như càng trở nên mất kiểm soát.”
Bộ não con người được cấu tạo để tiếp nhận tin tức. Bản năng tiến hóa khiến não chúng ta khai thác và nhận biết càng nhiều thông tin càng tốt, không cần biết nó tốt hay xấu, nhằm mục đích bảo vệ sự an toàn của chính chúng ta (theo Pamela Rutledge – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Truyền thông).
“Nếu lo lắng về điều gì đó, bạn sẽ tò mò muốn tìm hiểu thông tin về nó. Cảm giác hiểu biết sẽ khiến ta thấy an tâm hơn trước những điều tồi tệ. Theo cơ chế tự vệ, khi phát hiện ra nguy hiểm, con người bắt buộc phải thăm dò môi trường xung quanh mình. Đó là một “mệnh lệnh” sinh học,” Rutledge chia sẻ.
Mắc kẹt trong vòng xoáy tin xấu
Theo tâm lý học, sự lo lắng sẽ khiến chúng ta tìm đến các phương tiện truyền thông để lấy tin tức nhằm trấn an bản thân, nâng cao cảnh giác và phòng ngừa những nguy hiểm có thể xảy ra. Song thay vì thực sự giúp ích, những dữ liệu này sẽ khiến chúng ta cảm thấy bất an, sợ hãi nhiều hơn.
Đây không hẳn là lỗi của truyền thông hay mạng xã hội. Mesfin Bekalu – một nhà nghiên cứu về sức khỏe và y tế công cộng tại Đại học Harvard cho rằng: Mặc dù đa phần những tin tức trên internet là tiêu cực, song con người có xu hướng bỏ qua các tín hiệu tích cực mà tập trung vào những mối lo nhiều hơn. Cộng hưởng với thuật toán của mạng xã hội, các thông tin tiêu cực được nhiều người quan tâm cũng theo đó mà xuất hiện thường xuyên hơn, biến doomscroll trở thành một “đại dịch” tồn tại song song và không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, vấn đề này không phải chỉ mới xuất hiện gần đây. Từ những năm 1970, “hội chứng thế giới xấu xa” (mean world syndrome) đã tồn tại. Khái niệm này hình thành bởi quá trình tiếp xúc lâu dài với nội dung bạo lực trên truyền hình, dẫn tới niềm tin rằng thế giới thực chất là một nơi nguy hiểm hơn so với những gì con người tưởng tượng rất nhiều
Làm thế nào ngăn chặn doomscroll?
Hạn chế dùng điện thoại làm chuông báo thức
Mỗi sáng thức dậy, việc với tay tắt chuông báo thức từ điện thoại sẽ khiến bạn lướt tin, kiểm tra email và mạng xã hội một cách vô thức. Việc này thể khiến bạn mất nhiều thời gian “nằm lì” trên giường để xem những tin tức mới.
Thói quen này cũng có thể làm bạn mất đi động lực cho buổi sáng. Nếu chẳng may một loạt tin tức tiêu cực ập đến đầu ngày, chẳng phải là một điềm báo cho một ngày đen đủi sao?
Xác định rõ mục đích dùng điện thoại
Trước khi nhấc điện thoại lên, hãy tự hỏi xem bạn cần nó để làm gì. Đôi khi chúng ta không thể ngừng tò mò về những thông tin mới, đặc biệt là khi có những sự kiện trọng đại đang diễn ra trên thế giới. Đó là lý do tại sao bạn cần rèn luyện để chọn lọc thông tin và mục đích sử dụng di động của mình.
Đồng thời, hãy ấn định thời gian xem tin tức hằng ngày. “Hãy chọn 2-3 thời điểm trong ngày để xem tin tức, và giới hạn mỗi lần xem trong vòng 15-20 phút thôi,” chia sẻ của nhà tâm lý học Michael Ceely, “Bạn có thể tự nhủ với bản thân rằng, những tin tức quan trọng xảy ra thì chắc chắn bạn sẽ biết được [từ những nguồn tin khác].”
Bật chế độ “không làm phiền, tắt thông báo”
Việc đọc tin không xấu, cho đến khi bạn không tìm được điểm dừng cho những luồng dữ liệu vô tận. Hãy biết khi nào bản thân cần thời gian nghỉ ngơi, tránh xa khỏi những bài tin tiêu cực.
Tâm trí bạn sẽ khó lòng tập trung để làm việc hay học tập nếu điện thoại cứ liên tục hiện thông báo. Những con số màu đỏ cứ tăng dần đều, những tiếng tin nhắn “ching chong” đầy ám ảnh đó sẽ khiến bạn mở ngay chiếc điện thoại smartphone của mình và “đắm chìm” trong thế giới thông tin.
Khi về nhà sau ngày làm việc căng thẳng, bạn có thể tắt thông báo chuông điện thoại để tránh bị làm phiền. Tìm một hoạt động nào đó, chẳng hạn như nấu ăn hay đọc sách, trồng cây để thay thế cho thói quen lướt điện thoại. Chỉ khi bạn biết cân bằng lượng tin tiếp nhận mỗi ngày, bạn mới có thể làm chủ được cuộc sống tinh thần của mình.
Hãy cho bản thân thời gian để làm quen với những thói quen này
Không thói quen mới nào là dễ dàng cả. Đừng hối thúc bản thân phải phá vỡ những tật xấu và thuần thục những thói quen mới. “Bộ não con người còn thông minh hơn chiếc smartphone. Nó sẽ tiếp thu và làm quen với những cố gắng hằng ngày. Hãy cho não bộ thời gian vừa đủ để thích nghi với lối sống mới,” chia sẻ Tiến sĩ Aditi Nerurkar – bác sĩ chuyên khoa phục hồi tâm lý tại Trường Y Harvard.
Kết
Doomscrolling chắc chắn không thể ngăn chuyện xấu xảy ra, cũng chưa chắc giúp ta có sự chuẩn bị tốt hơn cho những gì sẽ đến. Cảm giác hiểu biết mang lại sự nhẹ nhõm, nhưng đi cùng với nó luôn là sự tra tấn tinh thần đến từ ma trận các thông tin tiêu cực.
Năm 2020 chẳng khác một cuộc đua marathon đường dài, cố gắng chạy thật nhanh chỉ càng làm ta kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần trước khi kịp chạm đến vạch đích.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Những “hàm cá mập” chuyên nuốt dữ liệu người dùng trên sóng Internet
Nghiện thông tin – Khi những thông tin dù vô bổ nhất cũng đủ để người ta ‘phê’
#LocalZine: Việt Nam có Internet không? – Câu hỏi ngớ ngẩn nhưng hot không tưởng trên Quora
Thảo luận về bài viết