Theo số liệu từ các nền tảng mua sắm trực tuyến, kể từ khi series Emily in Paris ra mắt trên Netflix, lượt tìm kiếm các sản phẩm và các thương hiệu xuất hiện trong series đã tăng lên đáng kể.
Emily in Paris có lẽ là một trong những series “gây chia rẽ” nhất: hoặc là bạn cực kỳ thích, hoặc là bạn cực kỳ ghét, hoặc (rắc rối hơn) là bạn sẽ trải nghiệm cả hai thái cực thích – ghét khi xem phim. Người ta nói về mọi thứ liên quan đến Emily in Paris, từ cách phim khắc họa người Pháp (đó là chưa kể đến cách phim mô tả người Mỹ ở Pháp) đến việc… kỳ cục như uống rượu vang vào bữa sáng.
Thời trang cũng là một trong những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm trong Emily in Paris (dù sao đi nữa thì series này cũng nói về thời trang mà). Và hãy xem những bộ trang phục có phần “táo bạo” trên màn hình đã ảnh hưởng thế nào đến ngành thời trang ngoài đời thật.
Thật ra, phần trang phục của phim đã được mọi người quan tâm từ trước khi series chính thức lên sóng Netflix, với hai lý do: Patricia Field – “phù thủy” phía sau tủ quần áo đáng mơ ước của series Sex and the City – trở thành người thiết kế trang phục cho Emily in Paris, và Chanel cũng ra thông báo hợp tác với series.
Phục sức của các nhân vật trong Emily in Paris nhận về cả khen ngợi lẫn chỉ trích. Nếu bạn thuộc phe chỉ trích và còn đang bận bày tỏ quan điểm về những đôi giày cao gót cao-một-cách-vô-lý hay những chiếc mũ càng nhìn càng lố lăng, thì đồng thời sẽ có người khác đang bỏ thời gian và công sức ra săn lùng tất tần tật những thứ Emily từng mặc lên người.
Cụ thể, từ khóa Emily in Paris outfits (Những bộ quần áo trong Emily in Paris) tăng 242% từ hôm 5/10. Còn trên Afterpay, nón bucket (bucket hat) đã lọt top 10 phụ kiện hàng đầu sau khi series ra mắt.
Nền tảng mua sắm Lyst đã tổng hợp một báo cáo đầy đủ về “cơn sốt” Emily ở Paris. Trong đó, lượt tìm kiếm “mũ bucket Kangol” tăng 342%, “mũ beret đỏ” tăng 100%.
Túi xách của Emily cũng là một item được quan tâm khác: lượt tìm kiếm “túi Aldo” tăng 64%; “túi máy ảnh Jelly Snapshot của Marc Jacobs” tăng 92%; và với chiếc túi Nicola của Kate Spade mà Emily sử dụng, nhu cầu của khách hàng với thương hiệu đã tăng 34%.
Về phương diện quần áo, những chiếc váy Lily Collins diện trong series hiện đang là đối tượng săn lùng của phụ nữ toàn thế giới. Cụ thể, lượt tìm kiếm thương hiệu Ronny Kobo đã tăng 22% sau tập Emily mặc chiếc váy xanh họa tiết da rắn của hãng. Báo cáo về lượt tìm kiếm các sản phẩm thuộc BST của Chiara Ferragni cũng tăng 60%. Đặc biệt, chỉ 48h sau khi tập đầu của series lên sóng, lượt tìm kiếm “váy Ganni” đã tăng lên 289%.
Và tất nhiên không thể không nhắc đến cái tên Chanel. Web bán hàng Thredup cho hay họ đã bán được nhiều hơn 25% các sản phẩm của Chanel trong vòng 2 tuần sau khi series công chiếu. Số lượt người dùng toàn cầu nhấp vào liên kết của Chanel trên nền tảng Stylight tăng 30% trong tuần đầu công chiếu.
Còn trên nền tảng mua sắm Vestiaire Collective, ngoài chỉ số tìm kiếm dành cho Chanel tăng 11,8% toàn cầu, lượt tìm kiếm cho các nhãn hiệu quần áo khác mà nhân vật Emily từng mặc cũng tăng đáng kể: Off-White (22,2%), Kangol (16,2%), Marc Jacobs (27,9%), Chiarra Ferragni Collection (46,1%), Alice + Olivia ( 25%) và Staud (65,6%).
Khán giả có thể thích hoặc ghét nhân vật Emily, nhưng chúng ta không thể phủ nhận sức ảnh hưởng rất thật của nhân vật này. Không biết trong phần tiếp theo, Emily sẽ “thay máu” tủ quần áo các cô gái toàn cầu thế nào đây.
Thảo luận về bài viết