#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tường cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Có khi nào bạn “bỗng” thấy ghen tị với bạn thân của mình khi họ thông báo một tin tức tốt đẹp chưa? Hoặc, đã bao giờ bạn nảy sinh cảm giác chống đối, không còn muốn về phe bạn mình trong các cuộc cãi vã nữa?
Có một vở kịch ngắn của Samuel Beckett, tên là Đến và Đi (Come and Go). (link) Ba nhân vật chính (thật ra cả vở cũng chỉ có ba người này) là bạn thuở nhỏ của nhau. Toàn bộ bối cảnh câu chuyện diễn ra xung quanh một cái băng ghế. Nếu một người (tạm gọi là người A) đứng lên đi khỏi đó, hai người còn lại (B và C) lập tức chụm lại nói xấu A.
Sau khi A quay về, một trong hai người B và C sẽ đứng lên rời đi. Lần này, đến lượt A và người còn lại nói xấu người vắng mặt. Cứ thế, những liên minh hai-đối-một tạm bợ liên tục được tạo thành, với mỗi lần là một mục tiêu công kích mới.
Nội dung nghe chán ngắt, nhưng ngẫm lại, những nhân vật trong vở kịch của Beckett đang hiện diện xung quanh và trong chính chúng ta. Trong cuộc đời này, ở mỗi giai đoạn, chúng ta đều có một (hoặc một số) người thân thiết với mình tại thời điểm ấy.
Tuy nhiên, rất khó để khẳng định rằng tất cả những tình bạn trên đời này đều suôn sẻ, thuần khiết, và tràn đầy tình yêu thương. Không ít lần, mặc dù bên ngoài nhảy múa tưng tưng nhưng trong lòng chúng ta ít nhiều lại “gợn” chút cảm giác ghen tỵ khi biết đứa bạn thân liên tiếp đạt được thành tựu. Đôi khi chúng ta lại nhận ra mình đang vô thức bàn tán về những khuyết điểm hoặc thói xấu của một người bạn khi người ấy đang không có mặt trong cuộc trò chuyện với mọi người.
Trở lại với những nhân vật Đến và Đi. Liệu họ có ngạc nhiên không nếu phát hiện ra chính mình cũng trở thành đối tượng trong những cuộc buôn chuyện? Rằng mình sắm cả hai vai kẻ bắt nạt và nạn nhân? Ừm… có thể.
Tại sao họ lại làm vậy với tôi?
Đa phần những tấm chiếu mới mua sẽ có xu hướng tin tưởng vào sự khoan dung người khác dành cho mình, cả lúc trước mặt và khi sau lưng. Nói đến sự “ngây thơ” này, nhà văn Anthony Trollope nhận định:
Thật khó hiểu làm sao! Chúng ta có thể dành cả tâm trí cho công cuộc nhận xét người khác một cách không hề khoan nhượng, nhưng lại có xu hướng nghĩ rằng người khác không làm vậy với mình. Đó là chưa kể chúng ta còn thấy tức giận và tổn thương sau khi biết sự thật rằng họ đã làm như vậy.
Anthony Trollope
Nếu xét trên góc độ những mối quan hệ bạn bè, nhận định này không vô lý chút nào. Chúng ta tin rằng bạn bè là những người luôn luôn đứng về phía ta, bảo vệ ta khi ta không thể tự bảo vệ mình. Không sai! Thế nhưng việc này không phải lúc nào cũng diễn ra, và không phải tất cả những người bạn của chúng ta đều sẽ làm thế. Chuyện này cũng không có gì (nên) ngạc nhiên cả, vì khi cẩn thận xét lại thì, đâu phải lúc nào chúng ta cũng đứng về phía bạn mình hay thật sự chúc mừng thành công của họ.
Trường hợp khác, khi chúng ta có “trót” bàn tán sau lưng bạn mình, ta thường dễ dàng biện hộ cho hành vi đó, rằng “bạn bè quan tâm nhau nên mới thế”, hoặc “nói ra để nó còn biết mà sửa chữa”. Tóm lại, chúng ta sẽ luôn có một lý do cao cả nào đó cho những hành động này, và người bạn kia… chẳng việc gì phải buồn (không biết ơn thì thôi).
Thế nhưng, đổi lại thì bao nhiêu người trong chúng ta hoan nghênh và sẵn sàng chấp nhận chuyện người khác nhận xét sau lưng về khuyết điểm của mình, cho dù người khác đó có là “cạ cứng” của ta đi nữa?
Nếu tôi như thế, liệu tôi có phải người xấu không?
Tuy nhiên, cần làm rõ rằng yếu tố ác ý trong tình bạn không đồng nghĩa với việc tình bạn đó không chân thành, hay chỉ có người xấu tính mới nghĩ vậy. Hiện tượng frenemies xuất hiện ở cả những người có phẩm chất tính cách đáng ngưỡng mộ.
Trong một cuộc phỏng vấn, nữ diễn viên Claire Bloom đã nói về bạn mình, Gore Vidal, như sau: “Anh ấy không bao giờ phô bày phần thô lỗ bên trong ra với công chúng. Tôi chưa bao giờ nghe anh nói câu nào gây tổn thương đến bạn bè. Gore là một người tuyệt vời. Tôi thích buôn chuyện về những người bạn của mình. Anh ấy thích buôn chuyện về công chúng.”
Tuy nhiên, Vidal phản bác: “Chính tôi đã viết thế này: mỗi khi bạn mình thành công, tôi lại chết một ít trong lòng.”
Sigmund Freud – một cái tên tiêu biểu về sự bi quan khi nhận xét về bản chất con người – đã đưa ra nhận xét về tính hai mặt ẩn giấu của tình bạn. Trong quyển Giải mã giấc mơ, ông nói rằng đối với ông, đôi khi bạn bè và kẻ thù trùng hợp lại là “cùng một người.” Ông dẫn chứng câu chuyện về tình bạn thời thơ ấu giữa ông và Johann – con trai của người anh cùng cha khác mẹ với ông. Theo Freud, ông và Johann yêu thương nhau, nhưng theo người thân, thì cả hai cũng “xô xát và đổ lỗi cho nhau”.
Freud nhận định rằng việc ta vừa có cảm xúc tích cực vừa có cảm xúc tiêu cực đối với cùng một người vẫn xuất hiện trong mối quan hệ bạn bè khi ta lớn. Tuy nhiên, vẫn có khác biệt: khi còn bé, hai thái cực cảm xúc xen kẽ nhau. Phút trước vừa yêu, phút sau đã ghét. Khi lớn lên, mọi chuyện không còn như vậy. Tâm lý và cảm xúc của người trưởng thành phức tạp hơn.
Vì sao người ta hay nói những tình bạn thuở bé thì đẹp hơn?
Chúng ta thường nhận định rằng những mối quan hệ bạn bè đã phát triển từ lâu, như kiểu những tình bạn “thanh mai trúc mã” sẽ tốt đẹp và thuần khiết hơn những mối quan hệ ta có sau này. Lý do có thể vì khi chúng ta còn bé, cho dù có xô xát xô xát và cãi vã đến mức nào nhưng sau đó vẫn không nghỉ chơi nhau. Trẻ con có khả năng tự thanh lọc bản thân khỏi sự dồn nén của cảm xúc tiêu cực, như một nghi thức tẩy rửa, để sau đó tiếp tục trở về làm bạn của nhau.
Buồn thay, người lớn thường không chọn cách hành xử như vậy. Một khi họ phát hiện bất cứ năng lượng tiêu cực nào, dù là từ bản thân hay từ đối phương, họ sẽ hoặc chấm dứt mối quan hệ này hoặc chấp nhận rằng đối phương vừa là một người bạn nhưng một phần cũng là một kẻ thù.
Sự trộn lẫn giữa thiện chí và ác ý là một hiện tượng xảy ra trong nhiều dạng mối quan hệ, không riêng gì quan hệ bạn bè. Tình cảm cha mẹ dành cho con cái hay tình cảm giữa anh chị em trong gia đình vẫn có thể không thuần khiết như người ta hy vọng. Mâu thuẫn tồn tại trong tình bạn và cả tình yêu (ngay đến những tình yêu theo lý là “yêu vô điều kiện”, như tình cảm giữa cha mẹ và những đứa con).
Kết
Những vấn đề liên quan đến mối quan hệ bạn-hay-thù được đem ra bàn luận nhiều gần đây, ví dụ như làm thế nào để tự bảo vệ bản thân khỏi những “người bạn” như vậy.
Tuy nhiên, liệu bạn có xác định được rõ ràng đối phương là bạn bè hay là kẻ thù của mình không? Giữa hai loại người này vốn đã không có ranh giới rõ ràng (vì vẫn tồn tại dạng quan hệ bạn-hay-thù) nên chúng ta cũng không thể phân định rạch ròi giữa những người ta xem là bạn với những người bạn-hay-thù này. Cùng lắm, nó chỉ là một dải phân cách mỏng manh.
Nếu bạn thực sự muốn đảm bảo rằng không ai trong số những người xung quanh là một người vừa bạn vừa thù như thế, thì cuối cùng bạn sẽ chỉ còn lại rất ít bạn mà thôi.
Nhìn chung, mặc dù bạn bè là người yêu thương ta nhưng đôi khi họ cũng lỡ chân bước vào lãnh thổ bạn-hay-thù. Anh chị em và cha mẹ ta cũng có thể. Việc này không có gì đáng báo động. Vì chúng ta phải miễn cưỡng thừa nhận rằng chính ta cũng có khả năng làm thế. Có lẽ nếu chúng ta khoan dung hơn với người khác, tha thứ cho những điều không hoàn hảo trong tình yêu họ dành cho ta, thì đổi lại, họ cũng sẽ làm tương tự.
Thảo luận về bài viết