“Trái với yêu thương không phải ghét bỏ, mà là thờ ơ.”
Tưởng tượng nhé, bạn gặp được một người tuyệt vời. Bạn có cảm tình với họ. Đối phương hài hước, dễ gần, tinh tế, và quan trọng nhất, họ ý thức được cảm xúc của bạn, cũng không tỏ thái độ từ chối hay tránh né gì cả. Hai người trò chuyện với nhau vui vẻ, hẹn hò nhau vài lần. Mọi chuyện diễn tiến tốt đẹp. Bạn tin rằng họ cũng “cảm giác như mình” và cái khả năng cả hai thành đôi cao gần bằng đỉnh Everest.
Nhưng rồi bỗng nhiên, người kia biến mất. Nhắn tin không seen (chứ đừng nói trả lời). Điện thoại không bắt máy. Bạn cố gắng liên lạc với họ trong vô vọng, đồng thời lục lọi kỹ trí nhớ của mình xem đã có chuyện gì xảy ra. Nếu sau khi nghĩ nát óc vẫn chưa nhớ được thì cũng bình thường thôi, vì làm gì có gì xảy ra để mà nhớ lại?
Nói cho chính xác, đối phương không biến mất, chỉ có bạn đã được tự động “chuyển đổi” từ người thường sang một thực thể siêu nhiên nào đó có khả năng tàng hình trong mắt họ. Không một lời giải thích, không một câu tạm biệt. Bạn chính thức bị “đá” khỏi mối quan hệ chưa bao giờ bắt đầu này.
Việc người này đột nhiên “biến mất” khỏi cuộc sống của người kia không phải điều gì mới mẻ, thế nhưng thời gian trước đây, hành vi này thường chỉ đặc trưng ở những người gặp vấn đề về tâm lý, hoặc đơn giản chỉ do bạn đã xui xẻo gặp phải phường lừa lọc chuyên nghiệp. Ngày nay, ghosting – tên gọi của hiện tượng trên – không còn là hành vi đặc trưng của “bọn lưu manh” nữa mà đã trở nên chuyện thường ngày ở… mọi nơi, đặc biệt là trong văn hóa hẹn hò hiện đại với trợ thủ là những nền tảng hẹn hò online.
Tại sao người ta làm thế?
Về cơ bản, ghosting là một lời từ chối. Đối phương không muốn cùng bạn tiếp tục phát triển mối quan hệ của hai bên nữa. Điểm khác biệt của nó với những lời từ chối hoặc chia tay “thông thường”, đó là họ đã lược bỏ hết những “Em rất tốt nhưng anh rất tiếc…” rườm rà không-cần-thiết mà đi thẳng đến bước cuối cùng của mọi cuộc chia ly: bước đi.
Nếu có ai xếp loại những hành vi ích kỷ trên đời này, chắc chắn ghosting không bao giờ vắng mặt trong top đầu. Chúng ta muốn thoát khỏi một mối quan hệ (bất kể đó là tình bạn hay tình yêu), đồng thời không muốn cảm xúc và tâm lý cá nhân bị ảnh hưởng, cũng không muốn trải qua bất kỳ sự khó chịu nào khi phải trực tiếp nói lời chia tay hay giải thích rõ ràng cho người kia. Và chúng ta quyết định cứ vậy mà… yên lặng ra đi. Thế còn không ích kỷ thì là gì?
Ghosting có xu hướng xảy ra trong những mối quan hệ online, nơi sự lãng mạn bắt đầu (và kết thúc) khá chóng vánh. Việc quen biết nhau qua dating app, không có nhiều mối liên hệ chung giữa hai người, cùng với tâm lý “vui được lúc nào vui lúc đó” khiến chúng ta dễ dàng từ bỏ đối phương mà không cần lo lắng về những hệ lụy xã hội khác như trong trường hợp cả hai có bạn chung, hoặc quen biết nhau thông qua bạn bè giới thiệu. Quay mặt vào nhau thì thành quen, quay lưng một phát lại thành lạ. Ra đi (âm thầm) chưa bao giờ tiện lợi đến thế!
Tại sao chúng ta không nên làm thế?
Vì cảm giác đột ngột bị bỏ lại là một cảm giác tồi tệ. Ghosting khiến bạn bối rối, đau đớn, cảm giác bị phản bội, không được tôn trọng, bị lợi dụng và dễ dàng bị vứt bỏ như đồ nhựa dùng một lần.
Ghosting xảy ra, tức là bạn đã bị từ chối. Nỗi đau tinh thần khi bị từ chối không khác những đau đớn thể chất là bao. Nhưng ngoài mối liên hệ sinh học này, vẫn còn những thứ khác khiến bạn cảm thấy đau khổ khi bị ghosting.
Bạn không biết nên phản ứng như thế nào
Ghosting gây nên tâm lý mơ hồ. Có nên lo lắng không? Biết đâu người ta đột ngột ngã bệnh, được hàng xóm đưa vào viện, và hôn mê đến giờ? Hay là cứ đợi thêm một lúc nữa? Có khi hôm nay người ta bận đột xuất và sẽ gọi lại ngay khi có thể? Không biết việc gì đã xảy ra dẫn đến khó khăn trong việc xác định cảm xúc bản thân, kết quả là bạn không có cơ sở nào để điều chỉnh hành vi của chính mình cho phù hợp cũng không tìm được cách giải quyết nào cụ thể.
Bạn mất niềm tin vào bản thân
Không chỉ khiến bạn thắc mắc về bản chất của mối quan hệ của hai người, ghosting còn khiến bạn không ngừng tự vấn, đôi khi mất niềm tin vào chính mình. Tại sao mình không cảm nhận được chuyện này? Mình đã bỏ qua những “điềm báo” nào? Mắt nhìn người của mình có vấn đề thật sao? Chắc chắn là mình đã làm sai điều gì rồi, nhưng mà là cái gì mới được? Làm sao để việc này không lặp lại lần nữa với mình?
Sự tự vấn này là kết quả của các hệ thống tâm lý cơ bản nhằm điều chỉnh “vị thế” của bạn mỗi khi có vấn đề gì xảy ra, và chuyển tiếp thông tin đó trở lại bạn thông qua các cảm giác về giá trị bản thân và lòng tự trọng. Khi bạn gặp phải lời từ chối, lòng tự trọng có thể giảm đi, và bạn sẽ cảm thấy “vị thế”, hay nói cách khác là giá trị bạn tự cảm nhận về bản thân tuột dốc không phanh. Khoa học chứng minh rằng những người có lòng tự trọng thấp sẽ có ít opioid (một chất giảm đau tự nhiên) được giải phóng trong cơ thể họ hơn sau khi bị từ chối so với những người có lòng tự trọng cao. Nếu đã nhiều lần trải nghiệm ghosting hoặc nếu lòng tự trọng của bạn thấp, bạn có khả năng cảm thấy đau đớn hơn nhiều lần và sẽ mất nhiều thời gian hơn để vượt qua nó.
“Liệu pháp im lặng” là một hình thức tra tấn tinh thần
Bị ghost đồng nghĩa với việc bạn mất cơ hội lên tiếng. Bạn không thể bào chữa, không được cầu xin, không có cơ hội được lắng nghe những cảm xúc của mình cũng như không nhận được bất cứ một câu trả lời nào cho những thắc mắc chất chồng trong tâm trí. Bạn bị “cắt đứt” hết nguồn cung cấp những thông tin cần thiết khả dĩ cho việc xử lý chuyện vừa xảy ra. Ghosting là biện pháp tuyệt vời để bịt miệng ai đó và cứ thế bỏ mặc họ loay hoay giải quyết vấn đề họ không hề gây ra.
Làm gì khi “chuyện đã rồi”?
Ghosting là dấu hiệu rõ ràng cho thấy đối phương không muốn, hoặc không thể, cho bạn một câu trả lời thỏa đáng cũng như một kết thúc chính thức. Có thể bạn sẽ bị ám ảnh bởi việc liên lạc với họ đến khi nào nhận được phản hồi, tuy nhiên hãy cố gắng đừng làm thế. Người ta không trả lời tin nhắn, chẳng việc gì mình phải tốn thời gian soạn một đoạn văn thống thiết lâm ly rồi ngồi canh từng cái thông báo nhảy ra trên màn hình.
Cho dù bạn có thành công trong việc khiến họ trả lời, hay thậm chí quay trở lại, thì liệu việc tiếp tục mối quan hệ với một người luôn sẵn sàng rời đi không lời từ biệt bất cứ lúc nào có phải là điều nên làm không?
Lý do của người kia có là gì đi nữa, thì đến cuối cùng, đây vẫn là vấn đề của họ, không phải của bạn. Ghosting không xảy ra để bạn cảm thấy bản thân vô giá trị hay không xứng đáng được yêu thương, mà nó là lời khẳng định về sự hèn nhát và thiếu trưởng thành về mặt cảm xúc của đối phương khi họ không nhận thức được tác động do hành vi của mình gây ra, hoặc tệ hơn nữa là biết nhưng không bận tâm.
Đồng thời, đừng đánh đồng hành vi xấu của một người cho tất cả những người khác và né tránh những mối quan hệ trong tương lai. Làm những thứ khiến bạn vui vẻ. Gặp gỡ những người khiến bạn hạnh phúc. Tuy nhiên cần cẩn trọng hơn trước khi bắt đầu một mối quan hệ mới hay trước khi quyết định quẹt phải ai đó trên Tinder, một lần nữa.
Thảo luận về bài viết