Triển lãm tranh sơn dầu Giấc Mơ Rực Rỡ của họa sĩ Khổng Đỗ Duy, khai mạc từ ngày 03.01 tại phòng tranh tư nhân Huyen Art House, là một hành trình nghệ thuật khám phá những ký ức và hoài niệm sâu sắc. Tác phẩm của anh là sự hòa quyện giữa văn hóa truyền thống dân gian và hơi thở hiện đại, phản ánh tình yêu và sự trân quý dành cho những giá trị xưa cũ.
Khổng Đỗ Duy chia sẻ rằng, nghệ thuật với anh là cách lưu giữ những ký ức đẹp, là nơi những câu chuyện dân gian và tuổi thơ được kể lại bằng cảm xúc qua từng nét cọ. Hoạ sĩ thường tìm thấy cảm hứng từ những vật dụng gần gũi như chiếc radio cũ, đồng tiền xu hay máy khâu xưa; và xem đó như món quà quý giá mà cuộc sống ban tặng. Đối với anh, ký ức là trạng thái giúp con người kết nối với vẻ đẹp của quá khứ và trân trọng hiện tại để hướng đến một tương lai giàu cảm xúc.
Đến với Giấc Mơ Rực Rỡ, người thưởng lãm có thể nhận thấy cái sự hoài niệm về tuổi thơ, cái ký ức màKhổng Đỗ Duy nói; hiện lên trong từng bức tranh. Có thể nói, triển lãm không chỉ là lời nhắc nhở về những giá trị truyền thống mà còn là khát vọng đưa người xem trở về không gian xưa cũ trong tiềm thức ấy, nơi quá khứ và hiện tại cùng hòa quyện.
Đồng môn nghệ thuật nói gì về Giấc Mơ Rực Rỡ?
Theo giám tuyển của triển lãm là nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi, Khổng Đỗ Duy khéo léo tái hiện “bộ tứ thẩm mỹ” quen thuộc trong văn hóa người Việt: “Nhất chữ, nhị tranh, tam sành, tứ mộc.” Tuy nhiên, anh không chỉ phục dựng mà còn canh tân những giá trị này. Các bức tranh của Duy, dù lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian hay hoa văn cổ, đều thể hiện sự giao thoa tinh tế giữa tính cổ điển và sự đổi mới.
Lý Đợi nhận xét rằng Khổng Đỗ Duy đã mang đến một tinh thần ước lệ-tượng trưng mới mẻ, khắc họa một thực tại mơ ước, nơi những giá trị truyền thống được làm sống động qua sắc màu và bố cục hài hòa.
Đặc biệt, trong chủ đề vinh hoa – phú quý thường thấy ở tranh Đông Hồ, Duy không còn bó buộc trong hình ảnh quen thuộc như em bé ôm gà hay ôm vịt, mà mở rộng bằng cách khai thác các biểu tượng lễ trí và nhân nghĩa một cách hiện đại. Điều này không chỉ tân kỳ về mặt thẩm mỹ mà còn góp phần định hình phong cách riêng biệt trong tranh Tết của anh.
Ngoài ra, hoạ sĩ Trần Vĩnh Thịnh, viết trên tạp chí Mỹ Thuật (số 383, tháng 11-12/2024), cũng dành những lời khen “có cánh” cho triển lãm Giấc Mơ Rực Rỡ. Vĩnh Thịnh nhận định rằng tranh của Khổng Đỗ Duy toát lên sự khiêm tốn, ân cần – những phẩm chất rất gần với tính cách đời thường của tác giả.
Với những hình tượng quen thuộc trong đời sống như cánh cửa, khối đá, chạn bát, hay chiếc lồng chim, Khổng Đỗ Duy đã nâng tầm chúng, tạo nên một không gian thấm đẫm hơi thở làng quê Việt Nam. Bảng màu rực rỡ, ấm áp hòa quyện với nét dân dã, khiến các tác phẩm không chỉ gợi nhớ mà còn trân trọng vẻ đẹp của sự giản dị. Những hình ảnh này dường như phản ánh một giấc mơ tuổi thơ của một cậu bé miền quê nghèo Sông Lô – nơi những ước mơ về cuộc sống đủ đầy vẫn âm ỉ trong từng nét cọ.
Người hoạ sĩ đặc biệt ấn tượng với cách Khổng Đỗ Duy ghi lại những dấu ấn ký ức thông qua các vật dụng tưởng chừng nhỏ bé và bị lãng quên. Những hình ảnh như bình gốm, lọ hoa, hay đồng xu cổ được sắp đặt một cách tinh tế, vừa để nhấn mạnh giá trị văn hóa, vừa khơi gợi cảm giác bồi hồi, hoài niệm. Các chi tiết như mây ngũ sắc, họa tiết thủy ba cổ và những chậu bonsai cũng góp phần làm nổi bật không gian tranh đầy chất thơ.
Về mặt kỹ thuật, anh cũng đánh giá cao cách người hoạ sĩ sử dụng chất liệu sơn dầu để tạo nên những mảng màu trầm mộc, giúp tranh có độ sâu và giữ được tinh thần cổ xưa.
Điểm đặc biệt trong những bức tranh của Giấc Mơ Rực Rỡ là sự kết hợp hài hòa giữa ký ức và hiện thực. Những bông hoa mùa xuân, lá cành mùa hạ, hay sen mùa thu đều đậm đà chất dân gian, làm người xem cảm nhận không khí Tết cổ truyền. Vĩnh Thịnh nhấn mạnh rằng, với những ai xa quê, tranh của Khổng Đỗ Duy sẽ khơi dậy nỗi nhớ da diết về quê hương, về những ngày xưa đầy ắp kỷ niệm.
Một số tác phẩm nổi bật tại triển lãm
Trong số hơn 20 tác phẩm được trung bày trên 2 tầng lầu của triển lãm, 3 tác phẩm dưới đây có lẽ là chính là ví dụ tiêu biểu cho sự biểu đạt về những chủ đề của triển lãm muốn mang tới cho người xem: Nét đẹp dân gian, sự hoài niệm về một thời đã qua, cũng như sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại – tất cả được truyền tải qua sự tinh tế trong việc sử dụng màu sắc và bố cục của họa sĩ.
Ngoài những bức sơn dầu trên toan được trình diện trên khổ hình chữ nhật ngang thường thấy, Khổng Đỗ Duy cũng mang đến người xem những tác phẩm được vẽ trên những kích thước khác như hình tròn và vuông – 2 trong số đó thuộc về hình chữ nhật đứng, với tên gọi Hương sắc tháng tư và Trái ngọt.
Hương sắc tháng tư gợi lên sự nhẹ nhàng, thanh tao của mùa xuân với hình ảnh bình hoa loa kèn nổi bật trên nền đỏ. Cách phối hợp giữa các gam màu nóng và lạnh tạo nên sự tương phản mạnh mẽ, làm nổi bật vẻ đẹp tinh khiết của hoa. Các đường nét trang trí phía sau như cửa sổ và họa tiết sóng mây gợi nhắc không gian văn hóa truyền thống, nhưng được tái hiện một cách hiện đại và sống động.
Trong khi đấy, hình ảnh trong Trái ngọt đặc tả ngay chính giữa là cây hồng trĩu quả đỏ rực, nổi bật giữa khung nền màu ấm, tạo cảm giác vừa trù phú vừa bình yên. Cây cành khẳng khiu nhưng tràn đầy sức sống, thể hiện sự sinh sôi và năng lượng của thiên nhiên. Khung cảnh gợi nhắc hình ảnh sân vườn trong các gia đình xưa, mang đến cảm giác gần gũi, gắn bó với đời sống thường nhật. Gam màu đỏ cam chủ đạo mang tính biểu tượng, gợi lên sự thịnh vượng và may mắn.
Tác phẩm Mùa đi qua với kích thước rộng hơn, cho ta thấy được toàn cảnh về cách thức mà người hoạ sĩ đặt để bố cục cũng như không gian đang muốn gợi lại trong lòng người xem.
Bố cục phức tạp với nhiều chi tiết, từ chậu hoa quả đến các vật dụng cổ xưa, tạo nên một không gian đậm chất dân gian và hoài niệm. Những gam màu xanh lam và cam được phối hợp tinh tế, không chỉ làm nền mà còn khơi gợi cảm giác mát lành và ấm áp đan xen. Tên gọi Mùa Đi Qua cũng có thể ngầm hiểu như lời nhắc nhở về dòng chảy của thời gian, về những kỷ niệm đã từng hiện hữu và để lại dấu ấn.
Đôi nét về hoạ sĩ
Họa sĩ Khổng Đỗ Duy, sinh năm 1987 tại Vĩnh Phúc, là một nghệ sĩ trẻ tài năng trong lĩnh vực hội họa Việt Nam. Anh tốt nghiệp chuyên ngành hội họa tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, nơi anh đã rèn luyện và phát triển kỹ năng nghệ thuật của mình.
Chuyên về chất liệu sơn dầu, Khổng Đỗ Duy tạo ra những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, thể hiện sự dung dị và ấm áp của cuộc sống thường nhật. Các tác phẩm của anh thường khắc họa những góc nhà thân thuộc, lọ hoa cau, cành đào, gợi nhớ phong vị Tết xưa, mang đến cho người xem cảm giác gần gũi và hoài niệm.
Khổng Đỗ Duy có mối quan hệ mật thiết với nhóm họa sĩ Đa Diện. Kể từ khi bắt đầu sáng tác chuyên nghiệp vào năm 2012, anh đã tham gia hàng loạt triển lãm cùng nhóm, từ Đa Diện 1 (năm 2018 – tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh) đến Đa Diện 8 (năm 2022 – tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài). Nhóm Đa Diện được biết đến với việc tổ chức các triển lãm đa dạng, quy tụ nhiều họa sĩ với phong cách và kỹ thuật khác nhau, tạo nên một không gian nghệ thuật phong phú và đa chiều.
Ngoài ra, anh cón tham gia nhiều triển lãm nghệ thuật khác, như: Triển lãm Giao lưu văn hóa nghệ thuật Quốc tế Hoa Liên tại Đài Loan, tham gia trại sáng tác Quốc Tế Hanoi Art Connecting 6 và 7 tại đại học Kiến trúc Hà Nội/đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, cũng như triển lãm cá nhân Những Ký Ức Không Phôi Pha tạinhà triển lãm29 Hàng Bài vào đầu năm 2024.
Một số thông tin về triển lãm Giấc Mơ Rực Rỡ:
- Địa điểm: Huyen Art House, Số 8A, Đường Đặng Tất, Phường Tân Định, Quận 1.
- Thời gian trưng bày: Từ 03.01 – 12.01.2025.
- Giờ mở cửa: 09:00 – 17:00
- Mở cửa tự do.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- Triển lãm “Đồng Chìm Đáy Nước” của Ca Lê Thắng: Những cống hiến cho nghệ thuật trừu tượng
- #LocalZine: Những khu chợ và sự trù phú, giàu có của văn hóa Việt Nam
- “Designer” vẽ bảng hiệu quảng cáo ở Sài Gòn trước năm 1975 như thế nào?