Bạn đã bao giờ thử tính xem mình dành ra bao nhiêu thời gian để nghiền ngẫm những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng về những tình huống đau khổ, hay nhớ lại những lần thất bại trong cuộc sống chưa? Trong bài viết Negative Thinking: A Dangerous Addiction, tác giả Nancy Colier cho biết, ‘có 80% suy nghĩ của chúng ta là tiêu cực, và 95% là những suy nghĩ lặp đi lặp lại’.
Thật kỳ lạ khi con người dường như luôn bị thu hút bởi những gì gây ra đau đớn, hệt như loài kền kền không thể chối từ một cái xác đã trương thối. Trải nghiệm nào đó càng tiêu cực, chúng ta lại càng có xu hướng ‘tua lại’ nó nhiều lần hơn, trong khi luôn cố gắng mưu cầu hạnh phúc. Nhưng vì sao lại thế?
Vì sao chúng ta thích ‘bị ngược’ khi cứ cố nhớ về những đau khổ đã trải qua? Thật ra, việc tìm về những trải nghiệm đau thương là một nỗ lực thay đổi cảm giác của chúng ta về những thứ không tốt. Giá như có thể hiểu được nỗi đau rõ ràng hơn – bằng cách dành nhiều thời gian hơn với nó – chúng ta sẽ tìm ra cách để loại bỏ nỗi đau khỏi cuộc sống. ‘Tôi sẽ ổn hơn nếu tôi biết được nguyên nhân, giải pháp, và ai là người chịu trách nhiệm cho những gì đã xảy ra.’
Nghịch lý ở đây là, chúng ta tìm về nỗi đau với mong muốn biết được cách vượt qua nó, nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ chỉ càng giữ chặt lấy những gì mình muốn buông bỏ.
Đau đớn, hay bất cứ những thứ mang tính tiêu cực nào khác, đều mang đến cho con người những cảm giác không dễ chịu. Để tránh việc trực tiếp đối mặt với những cảm giác phiền phức đó, tâm trí chúng ta sẽ giành quyền kiểm soát và điều hướng để mọi thứ được xảy ra theo một cách thoải mái, tốt đẹp hơn – ký ức về những trải nghiệm tiêu cực sẽ liên tục bị tái cấu trúc và tái sắp xếp.
Vì thế, chúng ta cứ bám chặt lấy những gì làm mình đau khổ như một cách chăm sóc, tự giúp chính mình. Liên tục nghĩ về những trải nghiệm tồi tệ sẽ khiến cho những nỗi đau ấy càng trở nên có ý nghĩa, nhắc chúng ta nhớ rằng chúng không xảy ra vô cớ và sẽ không chìm vào lãng quên. Thông qua những giờ phút nghiền ngẫm, nỗi đau của chúng ta được tưởng thưởng và tôn vinh một cách xứng đáng. Nếu những chuyến viếng thăm quá khứ này ngừng lại, chúng ta sẽ có cảm giác rằng mình đã vội vàng bỏ rơi một người hùng trước khi kịp nhận ra và ghi nhận công lao của họ.
Nỗi đau cũng là thứ có liên quan mật thiết đến ý thức của mỗi người về bản sắc cá nhân. ‘Câu chuyện đời tôi’ sẽ là gì nếu tôi không liên tục nhắc nhớ mình về những khổ đau đã xảy ra? Chúng ta bám giữ lấy những trải nghiệm tiêu cực, không nỡ lòng để lại nó sau lưng, luôn tìm cơ hội để mang nó vào hiện tại, cho dù nó đã xảy ra từ rất lâu và đã không còn mang lại bất cứ lợi ích nào nữa. Buông bỏ nỗi đau, với nhiều người, đồng nghĩa với việc mất đi kết nối với một tôi mà họ vốn quen thuộc và tin tưởng.
Nếu câu chuyện đời tôi bị quên lãng, tôi cũng sẽ nhanh chóng quên đi mất mình là ai. Và tôi sẽ có thể trở thành ai khác nếu thiếu đi những ý tưởng đã giúp hình thành nên chính mình?
Trên góc độ hiện sinh, chuyến hành trình về lại khổ đau cho phép chúng ta cảm nhận những cảm giác nguyên sơ nhất về cái tôi. Nói cách khác, nó giúp chúng ta biết được rằng mình tồn tại. Suy nghĩ về một vấn đề hay một khúc mắc cần giải quyết sẽ giúp tâm trí được hoạt động. Và vì chúng ta có xu hướng đồng nhất chính mình với tâm trí, nên quá trình suy nghĩ này cũng giúp ý thức về bản thân (sense of self) trở nên sống động và mạnh mẽ hơn. Ý thức về bản thân – hay hình ảnh của mỗi người về chính mình – là cái giúp chúng ta phân biệt mình với những người khác.
Vì thế, từ bỏ quá trình suy nghĩ về vấn đề sẽ dẫn đến một trong những nỗi sợ nguyên thủy nhất của con người – sợ rằng mình không tồn tại. Làm thế nào để tôi biết được mình đang hiện hữu tại đây, ngay lúc này, nếu tôi ngừng suy nghĩ về những thứ khiến tôi phải suy nghĩ, những thứ giúp tâm trí của tôi có thể cảm nhận được chính nó? Làm thế nào để tôi nhận dạng chính mình, nếu không dựa vào tâm trí? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi ngừng quá trình nhắc nhở này lại?
Như vậy, nghiện đau khổ thực chất được thúc đẩy bởi những động lực (có thể nói là) không gây hại, và bản chất quá trình này là không thể tránh khỏi. Nhưng cho dù là thế, nó vẫn gây ra những cảm giác không dễ chịu, đồng thời có nguy cơ gây ra thêm những tổn thương mới nếu chúng ta bị mắc kẹt trong vòng lặp đau khổ này. Vậy, ta có thể làm gì?
#1 – Có nhận thức
Quá trình ‘bẻ gẫy’ bất cứ thói quen nào đều được bắt đầu bằng nhận thức. Tập chú ý đến những khoảnh khắc khi bạn đang chủ động nhớ lại những trải nghiệm tiêu cực của mình, khi bạn đang cố tình hướng sự tập trung vào những thứ làm mình thấy phiền muộn. Đừng ngại ngần khi phải thừa nhận rằng, ‘Tôi đang nghĩ về những đau khổ của mình.’
#2 – Thừa nhận trạng thái ‘mắc kẹt’ hiện tại
Ừ thì bạn tìm về với đau khổ, và giờ bạn đang kẹt trong mớ bòng bong cảm xúc do chính mình gây ra. Chuyện đã vậy, thì cứ để nó vậy. Ngừng lại một chút, và với tất cả những dịu dàng tử tế mà bạn có thể dành ra cho chính mình, hãy dũng cảm thừa nhận rằng mình đang cảm thấy bất lực, rằng mình đang mắc kẹt, rằng mình – chính mình – là người đã tự đưa mình về với khổ đau.
#3 – Tìm hiểu nguyên do
Với thái độ không phán xét, hãy thử thực hiện một màn vấn đáp với tâm trí của chính mình, để xem điều gì khiến ‘bạn ấy’ dẫn dắt bạn về với hồi ức của những trải nghiệm đau khổ này.
– Liệu có phải để giúp bạn hiểu thêm vấn đề, giúp bạn có cái nhìn khác đi về nó?
– Hoặc để giúp củng cố tầm quan trọng và ý nghĩa của trải nghiệm tồi tệ đó với bạn?
– Hay để bảo vệ bạn khỏi nỗi đau tương tự?
– Hm… hay là vì hiện tại thấy tích cực quá, nên tâm trí cần phải hoạt động bằng cách tìm về những đau khổ?
Sau khi đã thực hiện màn vấn đáp đó rồi, bạn sẽ nhận ra một điều, rằng cố gắng ‘hơn thua’ với tâm trí cũng giống như việc lấy một quả chuối để mở ổ khóa vậy. Bạn chỉ đang phí sức vô ích, vì quả chuối không phải là chìa khóa. Lần tới khi bạn lại theo thói quen mà tìm về những trải nghiệm đau khổ, hãy nhắc nhở bản thân rằng suy nghĩ nhiều không thật sự giúp giải quyết được chuyện gì. Vì sao? Vì quả chuối không phải công cụ thích hợp để mở ổ khóa.
#4 – Ngừng suy nghĩ, và bắt đầu cảm nhận
Một khi đã nhận ra cứ mãi suy nghĩ về vấn đề sẽ chẳng đi đến đâu, hãy cố gắng chuyển sự chú ý sang cảm nhận của bạn về vấn đề đó. Hãy tập trung để nhận diện cách mà cơ thể bạn đang tiếp nhận những cảm giác khó chịu của việc nhớ lại nỗi đau này. Nếu không trực tiếp đối diện với chúng, tâm trí bạn sẽ tìm cách tái thiết lập nỗi đau – tức bạn sẽ còn nhớ lại nó nhiều lần hơn nữa – cho đến khi có thể hoàn toàn tạo ra một ‘thực tại thay thế’ những trải nghiệm không mong muốn.
Bạn hãy thử đặt tay lên trái tim, dành cho bản thân những lời an ủi nhẹ nhàng, thậm chí có thể là một lời cầu nguyện để chữa lành cho nỗi đau khổ này, và cố gắng thả mình vào trải nghiệm cảm nhận của cơ thể.
#5 – Lên tiếng phản đối (theo nghĩa đen)
Bạn có thể học cách từ chối tâm trí của mình, giống như cách chúng ta ngăn cản một đứa bé khỏi những thứ gây hại cho chính nó. Hãy thử phát ra tiếng câu nói ‘Không’ hoặc ‘Dừng lại’ để bạn có thể lắng nghe và cảm nhận nỗ lực ngăn cản này bằng các giác quan của mình, thay vì chỉ thầm nghĩ trong đầu.
#6 – Cuối cùng, nếu bạn buông bỏ những suy nghĩ tiêu cực, điều gì sẽ xảy ra?
Đâu là điều tệ nhất có thể xảy ra nếu bạn quyết định thôi suy nghĩ về những trải nghiệm khổ đau của mình? Nếu bạn sống mà không gợi nhắc bản thân về những gì đã xảy đến hay những gì còn đang vướng mắc, thì rủi ro gặp phải sẽ là gì?
Bạn có thể sợ bị mất kết nối với con người trước đây của mình. Nhưng có điều này cần ghi nhớ: hiện tại, bạn đã là một con người khác với mình trong quá khứ, và trong tương lai, bạn sẽ vẫn còn thay đổi. Nếu nỗi đau là thứ giúp bạn trưởng thành, khiến bạn trở thành con người của hôm nay, hãy biết ơn, và tận dụng những trải nghiệm đó để tiếp tục thay đổi tốt hơn trong những ngày sắp tới. Bạn sẽ phát hiện ra rằng mình hoàn toàn ổn và hạnh phúc trong thời điểm này mà không cần phải tìm về thay đổi quá khứ.
Xem thêm:
Đau khổ hay hạnh phúc đều không phải phép tính 1+1=2
10 biện pháp ‘kỳ quặc’ để thấy đời hạnh phúc hơn
7 thử thách “siêu nhỏ” giúp bạn yêu thương bản thân “siêu nhiều”
8 việc nhỏ để nuôi lớn tình yêu bản thân mỗi ngày
Drama không hồi kết: Làm gì khi người yêu cũ hẹn hò với bạn thân?
Thảo luận về bài viết