#Thoáng là series những bài viết thuộc chủ đề tình dục dưới lăng kính cởi mở và hiện đại.
Kinh dị là một trong những thể loại linh hoạt. Không chỉ bởi sự phong phú của các bộ phim trong nhánh nhỏ (từ kiểu found-footage đến các phim chém giết), mà còn đến vô vàn câu chuyện mà các đạo diễn có thể kể (từ những phim quái vật đến kinh dị tâm lý). Hơn thế nữa, các nhà làm phim đã không ít lần gài gắm chủ đề và kỹ thuật làm phim kinh dị vào các thể loại khác, thậm chí là vào những thể loại tưởng như không liên quan gì đến sự rùng rợn — như hài lãng mạn (Warm Bodies) hay nhạc kịch (The Rocky Horror Picture Show).
Tuy nhiên, khán giả hiếm khi đánh giá thể loại này vượt ra khỏi yếu tố giải trí của nó. Cảm giác hồi hộp khi bị rượt đuổi bởi zombie, hay cú giật mình chết người từ một kẻ sát nhân, đủ để khiến người xem lơ đi những tầng ý nghĩa sâu sắc mà phim muốn truyền tải.
Trên thực tế, điều này khá đúng với rất nhiều phim và series thuộc thể loại kinh dị. Ví dụ, những cái bẫy trong loạt phim Saw (2003–2021) có thể rất sáng tạo, nhưng lại dễ khiến người ta tự hỏi liệu bộ phim còn muôn nói gì thêm ngoài những cảnh sát hại ghê tởm đó không.
Từ góc độ của các nhà phê bình, quan điểm này cũng chẳng khác gì cho lắm. Ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt như The Silence of the Lambs (1991) và Get Out (2017) — từng đoạt giải Oscar ở hạng mục “Phim hay nhất” và “Kịch bản gốc xuất sắc nhất”, các đạo diễn phim kinh dị thường gặp khó khăn trong việc nhận được sự công nhận vượt ngoài phạm vi của những giải như “Hiệu ứng xuất xắc” hay “Trang điểm xuất xắc.”
Thế nhưng trong những năm gần đây, quan niệm này có vẻ đang dần thay đổi đối với bộ phận một số khán giả. Trong năm 2024, nhiều bộ phim kinh dị như The First Omen, Abigail, Longlegs hay Speak No Evil đã nhận được sự khen ngợi từ giới phê bình và khán giả. Những bộ phim này không chỉ mang lại cảm giác hồi hộp quen thuộc mà còn sâu sắc về chủ đề.
Trong số đó, có một bộ phim đặc biệt nổi bật hơn cả — The Substance. Dù không hẳn là “đáng sợ” theo nghĩa thông thường, bộ phim này thuộc một thể loại thường bị coi là quá cực đoan để được tôn trọng, đó là “Kinh dị thể xác” (tiếng anh là “Body Horror”).
Thể loại “Kinh dị thể xác” (Body Horror) là gì?
Nhiều nhà phê bình và tác giả định nghĩa “kinh dị thể xác” (body horror) là một nhánh nhỏ của thể loại kinh dị, gắn liền với việc khắc hoạ nỗi kinh hoàng lên cơ thể con người thông qua những biến đổi. Những sự chuyển hóa này thường được thể hiện bằng những thay đổi cực đoan hoặc tổn thương vật lý đến các nhân vật. Sự hủy hoại, lai tạp và biến hình là những chủ đề thường xuyên được khai thác bởi các đạo diễn kinh dị thể xác.
Thoạt nhìn, những bộ phim này có vẻ như cố tình gây cảm giác ghê tởm cho khán giả bằng những cảnh máu me thô tục; mục đích duy nhất là để phục vụ yếu tố giải trí và tạo sốc. Tuy nhiên nếu nhìn kỹ hơn, ta có thể thấy lớp bề ngoài khủng khiếp đó lại phản ánh những vấn đề xã hội và tư tưởng phức tạp.
Đằng sau những cảnh máu me, thể loại body horror muốn nói gì đến người xem?
Nếu người xem có thể nhìn qua những hình ảnh tứ chi, thịt da và biến dạng, phim thuộc thể loại kinh dị thể xác có thể đầy tính nghệ thuật, và thậm chí là ẩn dụ tinh tế cho những chủ đề bị coi là cấm kỵ.
1. Sự lạ lẫm của tình dục
Tình dục là một chủ đề phức tạp để thể hiện trên phim; có lẽ vì trong đời thực, đây cũng là một vấn đề nhạy cảm.
Cách tiếp cận của các nhà làm phim khi khai thác chuyện tình cảm và tình dục tuổi teen sẽ không thể giống như đối với người trưởng thành, đó là còn chưa kể đến những vấn đề cụ thể hơn như yếu tố ái vật (fetish) hay mâu thuẫn về xu hướng tình dục của một người. Hơn nữa, nếu chỉ nói trong phạm vi của sự thức tỉnh tình dục; thì ta đã có vô số chủ đề để khám phá rồi, như dậy thì hay những bất an về ngoại hình chẳng hạn.
Thông thường, nhiều bộ phim tâm lý sẽ có cái nhìn “màu hồng” hơn đời sống thật. Nó thường được mô tả theo hơi hướng hài hước hoặc như một trải nghiệm phiêu lưu; những cảnh hay câu chuyện xoay quan lần “ân ái” đầu tiên trong đời thường mang màu sắc hấp dẫn và sẽ thay đổi cuộc sống nhân vật.
Nhưng tình dục không phải lúc nào cũng hào nhoáng hay vui vẻ như thế, đặc biệt với sự hiện hữu của quan niệm về trinh tiết trong xã hội, luôn tạo ra áp lực tâm lý lớn (đặc biệt là với phụ nữ); và lần đầu quan hệ có thể là một trải nghiệm đầy căng thẳng, thậm chí kinh khủng. Sự chiếu rọi những bất an này lên cơ thể là chủ đề thường thấy trong phim kinh dị thể xác.
2. Sự lột xác của cơ thể người như hàm ý về việc phát triển bản thân
Lột xác hay biến hình là một phép ẩn dụ thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim thuộc thể loại body horror. Thông qua sự biến đổi cơ thể, những bộ phim kinh dị thể xác có thể truyền tải những thông điệp sâu xa về tâm lý và cảm xúc, đặc biệt là trong mối quan hệ con người.
Trong phim The Fly (1986) của David Cronenberg, lột xác và biến hình là một yếu tố trọng điểm. Nhân vật chính, Seth, ban đầu là một nhà khoa học thành công và đang trong một mối quan hệ tốt đẹp với Veronica. Tuy nhiên, khi anh vô tình kết hợp DNA của mình với một con ruồi, cơ thể anh bắt đầu biến đổi một cách kinh khủng. Sự biến hình này không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn làm thay đổi tính cách và tinh thần của Seth, biến anh dần dần thành một thứ gì đó không còn là con người.
Bộ phim sử dụng sự suy thoái và biến đổi này để làm ẩn dụ cho sự đổ vỡ trong các mối quan hệ. Ban đầu, Veronica sẵn lòng chấp nhận sự thay đổi của Seth và cả 2 đều tìm cách thích nghi. Nhưng khi sự biến hình trở nên nghiêm trọng, Veronica không còn có thể phủ nhận sự thật rằng Seth không còn là người đàn ông mà cô yêu nữa.
Cuối cùng, Veronica buộc phải đối diện với thực tế rằng mối quan hệ của họ không thể tiếp tục, và sự biến hình của Seth thành quái vật tượng trưng cho điểm kết thúc không thể tránh khỏi.
Như vậy có thể thấy,The Fly sử dụng hình ảnh kinh dị thể xác để phản ánh những khó khăn trong việc duy trì tình yêu khi một người thay đổi đến mức người kia không còn nhận ra nữa, và phải tìm cách bước tiếp mà không có họ. Bộ phim khi đó cho rằng, đôi khi, những thay đổi trong con người và mối quan hệ có thể trở nên quá lớn, đến mức ta buộc phải chấp nhận sự tan vỡ.
3. Phê phán những điều thực sự “kinh dị” ngoài đời
Mặc dù sự biến đổi cơ thể trong phim body horror đúng là có phần cực đoan và gây cảm giác ghê sợ cho khán giả, nhưng nhiều đạo diễn của các bộ phim này luôn khuyến khích khán giả vượt qua những hình ảnh hiện hữu trên màn hình để khám phá những sự thật ghê rợn đã trở nên quá bình thường trong xã hội.
Trong phim Videodrome (1983), David Cronenberg muốn lên án việc kiểm duyệt và tình trạng làm ngơ của tập thể trước những bất cập trong cơ chế xã hội. Phim không chỉ đơn thuần nói đến sự biến đổi cơ thể của nhân vật chính hay sự hòa nhập kỳ quái giữa con người và công nghệ, mà nhằm phản ánh về những “quái vật” trong xã hội — như nghèo đói, sự kiểm duyệt hà khắc, và tham nhũng — vốn đã được chúng ta bình thường hóa thông qua truyền hình. Theo ông Cronenberg, sự suy thoái của xã hội là do chính xã hội tạo ra, chứ không phải do phim ảnh gây nên.
Ông cũng từng nói rằng:“Nếu hình ảnh bạo lực có thể gây ra bạo lực, thì mọi người hẳn chắc đã trở nên bạo lực từ lâu rồi; vì chúng ta liên tục bị bủa vây bởi những hình ảnh này.” Ý ở đây, vị đạo diễn muốn nhấn mạnh rằng các hình ảnh kinh dị không nhất thiết gây ra tội ác, mà có lẽ chính xã hội đang tự chọn những hình ảnh đó để tự bao bọc mình trong nỗi kinh dị.
Ví dụ, các truyện cổ tích như Hansel và Gretel với cốt truyện về một kẻ ăn thịt trẻ em, hay Nàng Tiên Cá kể về sự hy sinh đau đớn để đổi lấy đôi chân, có ẩn chứa những yếu tố kinh dị mà xã hội coi là bình thường cho trẻ nhỏ. Đây là một phép so sánh để nêu bật rằng kinh dị thể xác không khác biệt nhiều về mặt khai thác những chủ đề tăm tối so với các thể loại khác; nó chỉ bị đánh giá khắt khe hơn do cách thể hiện.
Nói cách khác, body horror là một cách giúp khán giả thấy rõ hơn các yếu tố tăm tối trong đời thực đã được xã hội chấp nhận và xem như bình thường, và từ đó đặt câu hỏi liệu những điều này có thực sự nên được coi là “bình thường” hay không.
Một vài bộ phim kinh điển của thể loại Body Horror
Thể loại kinh dị thể xác đã tạo ra nhiều tác phẩm kinh điển khiến khán giả bị ám ảnh bởi những hình ảnh biến đổi cơ thể kỳ quái. Một trong số đó là Tetsuo: The Iron Man (1989) của Shinya Tsukamoto.
Bộ phim kể về một người đàn ông bị ám ảnh bởi việc cấy ghép kim loại vào cơ thể. Một ngày nọ, anh gặp tai nạn và dần bị biến đổi, khi kim loại bắt đầu mọc ra từ da thịt, biến anh thành một cỗ máy sống đầy kinh hoàng. Bộ phim miêu tả sự hòa quyện giữa cơ thể và công nghệ theo cách đầy rùng rợn, thể hiện sự ám ảnh của con người với công nghệ và mất kiểm soát đối với chính cơ thể mình.
Một tác phẩm khác nổi bật trong thể loại này là The Thing (1982) của John Carpenter. Phim kể về một nhóm nhà khoa học tại một trạm nghiên cứu ở Nam Cực vô tình phát hiện một sinh vật ngoài hành tinh có khả năng giả dạng và hòa lẫn vào cơ thể người khác.
Sinh vật này xâm nhập vào cơ thể của con người và biến đổi từ bên trong, tạo ra những cảnh kinh hoàng về sự biến đổi ghê rợn và mất nhân dạng.The Thing không chỉ là một câu chuyện kinh dị đơn thuần mà còn phản ánh nỗi sợ mất kiểm soát, khi chính những người xung quanh có thể không còn là chính họ nữa.
Những bộ phim kinh điển này đã góp phần làm nên sức hút đặc biệt của thể loại body horror; không chỉ lấy sự biến đổi ghê rợn của thể xác làm yếu tố giải trí, mà còn ẩn ý những thông điệp sâu xa hơn về nỗi sợ trong xã hội.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- #Thoáng: Ngành khiêu dâm còn có thêm 10 thuật ngữ khác mà chắc hẳn bạn chưa biết
- #Thoáng: Sexsomnia (Miên Dâm) là gì? Liệu nó có thực sự tồn tại?
- #Thoáng: Dirty talk là gì? Và vì sao nhiều cặp đôi thích làm chuyện đó?