Trong thế giới rượu có một vị vua được tất thảy mọi người công nhận nhưng chẳng bao giờ quan tâm đến danh hiệu hay ngôi vị ấy. Đó là loại rượu được tất cả thần dân sành rượu truyền miệng, công nhận và hết mực ngưỡng mộ, đó chính là – Gin.
Sự so sánh này không hề phóng đại vì không giống như những vị vua khác như Whisky, Vodka hay Tequila đều được mọi người uống theo shot. Gin dù đều được mọi người yêu mến và ưa chuộng nhưng lại không phải thứ đồ uống thường được dùng để uống riêng.
Rượu Gin là gì
Để tránh những kiến thức hàn lâm quá phức tạp, tôi sẽ diễn giải cho dễ hiểu. Gin chính là Vodka có thêm hương vị. Được tạo ra bằng cách phối một dòng rượu mạnh trung tính với những thảo dược phổ biến mà trong đó là quả bách xù.
Hương thơm của hoa, cam, thảo mộc chính là những yếu tố khiến Gin được ưa chuộng dùng làm rượu nền cho rất nhiều loại cocktail phổ biến.
Nguồn gốc và lịch sử rượu Gin
Hầu hết bất cứ chai Gin nào tôi thấy trên quầy Bartender đều xuất phát từ London, nên mặc nhiên tôi đã nghĩ Gin là hình ảnh một quý ông Anh Quốc lịch lãm và đẳng cấp. Nhưng khi ngồi trao đổi với vài người bạn tôi mới biết hóa ra trước giờ mình đã nhầm lẫn tai hại.
Gin – Một phát minh ngẫu nhiên vào những năm 1600
Muốn hiểu rõ hơn, chúng ta phải đi ngược lại những năm 1600, khi đó một nhà khoa học người Hà Lan đã bào chế dầu của quả bách xù như một loại thuốc và ông thêm nó vào rượu và chưng cất cùng với các loại thực vật khác để người bệnh cảm thấy dễ uống hơn.
Điều không ai ngờ rằng là thức uống trở nên quá ngon, đến nỗi người dân khắp vùng phải giả bệnh để mua thứ thần dược “ngon lành” vốn chỉ có ở các hiệu thuốc. Nhu cầu tăng cao khủng khiếp, và rồi các nhà máy chưng cất nhỏ dần ra đời.
Thứ thần dược giúp tăng sự dũng cảm vào những năm 1620
Trong cuộc khởi nghĩa chống lại Tây Ban Nha của Hà Lan. Anh Quốc – với vai trò là đồng minh của Hà Lan đã cử những binh lính thiện chiến của mình đến giúp đỡ. Khi đó, những người lính đến từ xứ sở sương mù đã không khỏi thắc mắc, sao người dân Hà Lan lại có thể chiến đấu anh dũng và quả cảm đến như vậy?
Hóa ra, sự dũng cảm thần kỳ này đến từ một thức uống có tên là “Gin” được những binh lính nhấm nháp từ những chai nhỏ đeo bên thắt lưng. Sau khi chiến tranh kết thúc,người Anh cũng đã bày tỏ một tình yêu to lớn với loại đồ uống này và lập tức đem về nước mình phát triển.
Bi kịch của một đế quốc đến từ chai rượu Gin những năm 1720
Ngay sau khi vua William đệ tam lên ngôi, ông đã đánh thuế rất cao những loại rượu được nhập khẩu từ nước ngoài và khuyến khích người dân sản xuất Gin bằng những loại ngô tự trồng ở Anh.
Đây cũng là lúc sự kiện Gin Craze nổi tiếng diễn ra vào khoảng đầu thế kỷ 18. Hơn 7.000 cửa hàng rượu mạnh mọc lên khắp London và Gin được biết gọi là “thuốc phiện của người nghèo”, nghe đâu người ta còn nói rượu Gin còn rẻ hơn nước lã.
Bức họa nổi tiếng của William Hogarth đã mô tả hình ảnh về sự tan vỡ xã hội được cho là do rượu Gin gây ra. Bức tranh này được đặt tên là “Mother’s ruin” với hình ảnh người mẹ mải mê uống rượu mà làm rơi đứa con của mình.
Ông vua này thật kỳ lạ, vừa khiến người ta mê muội nhưng cũng khiến người ta ghét cay ghét đắng. Người ta mê thứ đồ uống này vì nó ngon đến mức khiến bất ai nếm qua cũng phải chìm trong cơn nghiện. Đồng thời người ta cũng ghét nó vì những hậu quả do cơn nghiện rượu Gin gây ra. Chung quy lại bản thân rượu không có lỗi, lỗi nằm ở bản chất của mỗi chúng ta, có chăng rượu cũng chỉ là một nhân tố giúp khuếch đại nội tâm của mỗi người.
Những con mèo đen trên phố London những năm 1750
Để cải thiện tình hình điêu tàn lúc bấy giờ. Một đạo luật rượu Gin đã được thông qua và chỉ cho phép các nhà bán lẻ có giấy tờ hợp lệ mới được kinh doanh loại đồ uống này. Mức tiêu thụ giảm xuống, và chỉ những thương hiệu chất lượng mới được tồn tại.
Tuy nhiên hoạt động mua bán trái phép vẫn tiếp tục với việc sản xuất một phiên bản ngọt ngào được gọi là Old Tom Gin, được bán chui trên đường phổ bởi các cửa hàng có biểu tượng con mèo đen.
Sự thống trị của Gin trong thế giới cocktail
Mặc dù cocktail được cho là đã tồn tại từ rất lâu trước khi chúng thành mốt như hiện nay. Tuy nhiên, đến những năm 1960 khi công thức pha chế cocktail bắt đầu xuất hiện trong các cuốn sách về đồ uống thì rượu Gin chính thức trở thành thứ đồ uống không thể thiếu trong các buổi tiệc.
Phong vị của kẻ thống trị
Gin sử dụng thành phần chính là các loại ngũ cốc thân thuộc như lúa mì, lúa mạch và mạch đen. Tuy nhiên thứ tạo ra hương vị khác biệt chính là quả bách xù cùng nhiều loại thảo dược khác như hồi, quế, rễ bạch chỉ, vỏ bưởi, vỏ cam,…Cũng không có gì khó hiểu khi xuất phát điểm của Gin là thuốc chứ không phải rượu.
Rượu Gin có một sự mạnh mẽ, lan tỏa trong hương vị theo một cách rất dứt khoát khiến Gin được ví như một người đàn ông quyền lực. Có lẽ vì lý do này mà nhiều người khó nuốt nổi Gin theo shot, dù hương vị của nó nguyên chất không hề thua kém Whisky một chút nào. Rượu Gin có 4 loại chính phổ biến: London Dry Gin, Plymouth Gin, Old Tom Gin và Genever Gin.
Chốt lại
Trong khi thế giới rượu ngày nay đang bị xâm chiếm bởi ông hoàng Whisky với sản lượng tăng dần theo từng năm. Vị vua không ngai – Gin vẫn rất được lòng thần dân mê rượu trong các quán bar, không xuất hiện ồn ào náo nhiệt nhưng vẫn luôn hiện diện trong những ly cocktail ngon nhất.
Gin không cần một chiếc vương miện hay bất cứ danh xưng nào để chứng tỏ sức ảnh hưởng của mình. Đó là thứ đồ uống sẵn sàng đứng đằng sau để giúp rất nhiều loại rượu khác tỏa sáng chứ không mong muốn xưng bá một mình – người đàn ông quyền lực ngầm của thế giới cocktail.
#BócRượu là series bóc tách những câu chuyện ngày xửa ngày xưa về các loại “Đồ uống có cồn vui vẻ”. Trong văn hóa thưởng rượu, một ly rượu chỉ thực sự trọn vẹn khi người dùng được lắng nghe những câu chuyện đằng sau món đồ uống đó.
Ảnh bìa: sublime-digital
Thảo luận về bài viết