Tôi có một sở thích kỳ lạ, cơ mà cũng khá tốn tiền, đó là ăn cốm. Gần như tháng Mười năm nào, tôi cũng tốn kha khá tiền lương của mình vào gánh hàng cốm đầu hẻm.
Mà kể ra Hà Nội cũng lạ, đi khắp hang cùng ngõ hẻm của thế giời này, ăn từ côn trùng động vật đến mỹ vị cao lương. Thế mà mỗi khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài, sau vài ba câu hỏi thăm xã giao, tôi lại hỏi anh tài xế “Mùa này đã có cốm chưa anh?”
Hà Nội, không vội được đâu.
Có lẽ, cái tính đầm đầm, chầm chậm, từ từ, không vội vã đã ăn sâu vào tính cách, nếp sống và cả món ăn của người dân xứ kinh kỳ. Cốm cũng nhẹ nhàng trong vòng xoay ấy. Món ăn này dung dị nhưng chứa đựng sự thanh khiết trắng trong của mùa thu, tinh tế của đất trời.
Cái bùi bùi thơm thơm trong cốm là kết tinh của nắng gió trong hạt thóc nếp non, là “cái chất quý trong sạch của Trời”, là “phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ”.
Nhớ ngày đầu biết yêu, để dành cả tuần được ít tiền, mua cho cô bạn cuối lớp gói cốm. Từng hạt cốm ấy nhỏ nhỏ xinh xinh, được gói trong lá sen xanh ngát, buộc lại bằng những sợi rơm vàng. Hai đứa đèo nhau trên từng con phố, thi thoảng cho nhau từng miếng cốm nhỏ. Hạnh phúc sau giản dị đến thế.
Nụ hôn ngày ấy, môi em cũng phảng phất mùi cốm thơm.
Cốm không thể làm ra bởi những người vội vã, từng gói cốm ra đời là tâm huyết của những cầu kỳ, chăm chút, tỉ mỉ. Từ những hạt lúa non, rồi lúa khum ngọn, hạt sữa trong vỏ trấu ở độ vừa nhất. Từng thời điểm, đều yêu cầu sự chuyên nghiệp của người thợ lành nghề. Lúa đem về được tuốt bằng tay, rồi lấy một cái nồi thật to, cho hết tất cả lúa vào mà rang. Giã cốm thì phải thật nhẹ nhàng, mạnh tay tý thôi là bao nhiêu hạt cốm bị vỡ ra hết. Cốm rang xong, giã dẻo rồi thì gói trong lá sen xanh.
Ngày ấy, cùng lũ bạn được về tới làng Vòng, xem người ta làm cốm. Thấy nhà nào cũng rộn tiếng giã, đâu đâu cũng phảng phất mùi thơm cốm rang.
Ăn cốm cũng không phải cứ ào ạt mà ăn, ăn-thế-ông-bà-la-cho. Mở gói cốm nhè nhẹ, ghé mũi gần hơn như một thói quen để ngửi được mùi thơm cốm trong lá sen nhỏ. Nhâm nhi một tý nhúm cốm nhỏ, nhấm nháp thong thả, từ tốn để cảm nhận được vị ngọt đang tan dần trong miệng.
Thi thoảng tôi được người ta cho bịch cốm, tôi chịu, không thể ăn được. Không phải tôi khó tính đâu, nhưng cốm muốn ngon, muốn thơm, muốn truyền tải được tất cả những gì tinh tuý nhất, tinh hoa nhất, cần phải được gói trong lá sen. Cốm và lá sen giống như có sự hoà hợp đến lạ lùng, kiểu kiểu như ngồi chuyện trò với một thiếu nữ Hà Thành, cô hiểu biết, dịu dàng, thi thoảng lại cười e lệ, thế thôi, cũng đủ khiến cho bao chàng trai đất Việt đem hình ảnh ấy về, tối cố gắng ngủ mơ thấy.
Cốm ăn một mình cũng ngon, ăn chung với mấy thứ khác lại càng ngon. Có ngày tôi thèm ăn chuối tiêu chấm cốm, thưởng thêm tuần trà Phố Nhĩ nữa. Bấy nhiêu thôi mà cũng tưởng như đang thưởng thức hải sản, mỹ vị, cao lương nơi nào.
Cốm còn được dùng làm thành nhiều món ăn khác, món nào tôi thấy cũng có nét thú vị riêng. Nào là bánh cốm, rồi bánh phu thê, đến xôi cốm, chè cốm, và có cả chả cốm. Nhưng với tôi, hương vị thuần chất của hạt cốm vẫn là thứ tinh tuý nhất mà tôi yêu. Như tôi yêu mùa thu, yêu con gái Hà Nội vậy.