Ở đất nước nơi những sắc màu bắt mắt luôn hiện diện như Ấn Độ, sắc tộc Banjara (cư trú vùng Tây Bắc đất nước) nổi bật với những chiếc áo trang trí họa tiết thêu tay, những chiếc váy dài đính cúc xà cừ xúng xính theo mỗi bước chân, và những món trang sức bằng bạc hiện diện trên người.
Khoảng 1.500 năm trước, một số người thuộc sắc tộc này đã rời Ấn Độ, di chuyển về phía Tây đến châu Âu. Hậu duệ của họ ngày nay chính là những người chúng ta quen gọi là gypsy hay người Di-gan.
Tên gọi chính thức của dân Di-gan là người Roma (Romani people). Gypsy (hay Gipsy) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp Αἰγύπτιοι (Aigyptioi) (tiếng Hy Lạp hiện đại là γύφτοι, gyphtoi), do niềm tin sai lầm rằng người Di-gan bắt nguồn từ Ai Cập (Aigyptioi). Mặc dù gypsy là một cách gọi phổ biến, nhiều tổ chức Di-gan cũng sử dụng cái tên này nhưng phần đông người Di-gan không tự gọi mình là Gypsy vì đây là một từ mang nét nghĩa tiêu cực, gắn liền với những định kiến về việc dân Di-gan là tộc người lang thang, chuyên nghề lừa đảo, trộm cắp.
Người Di-gan di chuyển liên tục từ vùng đất này sang vùng đất khác trong khoảng một thiên niên kỷ không phải vì họ là những người phóng đãng, không thích định cư (như nhiều người lầm tưởng), mà là để sinh tồn. Ước tính có khoảng nửa triệu người đã bị tiêu diệt bởi Đức Quốc xã. Các chế độ chính trị sau đó cũng ra sức loại bỏ ngôn ngữ và văn hóa của họ.
Ngày nay, từ gypsy thường được dùng để chỉ lối sống hoặc một phong cách thời trang, chứ không dùng để gọi người Di-gan nữa.
Phong cách du mục đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước. Trong một buổi chụp ảnh của tạp chí Look năm 1967, dàn mẫu xuất hiện với bộ mặt “nâu hóa” do được bôi bẩn bằng đất và bụi, mặc váy dài và crop top và “lăn lê” tạo dáng bên trong một nhà kho. Sau khẩu hiệu Let yourself go Gypsy! của Look, các tạp chí và chuyên trang thời trang khác cũng bắt đầu go Gypsy.
Khi tìm kiếm hashtag #gypsystyle, bạn sẽ thấy khoảng 1,2 triệu bài đăng đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, từ Mexico, Ả Rập, đến Ấn Độ. Ngoài ra, không khó để bắt gặp những bức ảnh của phụ nữ da trắng nhưng phục sức theo lối bện tóc (dreadlocks), mặc váy dài, đeo turban; hoặc những bức ảnh chụp bên bờ biển với những bộ bikini đan móc, váy ren mỏng,… và được hashtag #gypsystyle. Có vẻ như bất cứ điều gì gắn liền với một lối sống độc đáo, những chuyến du lịch, hay phong cách gợi cảm, thì người ta đều gọi nó là gypsy.
Erika Varga – NTK của thương hiệu thời trang cao cấp Romani Design – cho biết, “Thời trang hiện đại được truyền cảm hứng rất nhiều từ văn hóa Roma: váy dài tung bay, sử dụng đồng tiền làm họa tiết trang trí, sử dụng mô-típ hoa hồng, khăn trùm đầu dikhlos,… nhưng chúng ta chưa bao giờ thực sự cảm thấy biết ơn về điều đó cũng như bỏ thời gian để tìm hiểu nguồn gốc của nó cả.”
Ảnh: The National
Thực tế, chúng ta đang lạm dụng thuật ngữ gypsy, đồng thời vô tình xem nhẹ lịch sử cũng như những gì tộc người Di-gan đã phải trải qua khi mang trên mình tên gọi này. Một số người vô tư sử dụng từ gypsy, như NTK người Mỹ gốc Ấn Viji Reddy khi cô cho ra mắt dòng thời trang mang tên Gypsy Soul. Tuy nhiên, những người thuộc nguồn gốc Roma vẫn đang không ngừng đấu tranh để gypsy trở thành một từ ngữ bị lỗi thời và sẽ nhanh chóng bị lãng quên.
Theo Erika Varga, sản phẩm của cô hấp dẫn những khách hàng thuộc giới trí thức, nghệ sĩ châu Âu, và những người gốc Roma có tâm nguyện khoác lên người những bộ trang phục mang cảm hứng dân tộc. “Đối với họ, đây không chỉ đơn thuần là việc mặc quần áo, đây còn là lời tuyên bố đầy kiêu hãnh của người Roma về nguồn gốc của mình.”
Mặc dù người Roma có thể tiếp thu các nền văn hóa từ những quốc gia khác nhau nơi họ sinh sống, nhưng thời trang Roma vẫn có những nét chung. Trang phục kín đáo, váy dài, áo dài (hoàn toàn không có chuyện hở eo hay khoe ngực), mặc dù theo xu hướng gần đây thì các mẫu váy và đầm đã được thiết kế để ôm lấy dáng người mặc hơn. Các chất liệu được sử dụng là những loại vải mềm nhẹ như lụa, muslin. Quần áo của người Roma thường “tốn vải” vì những chi tiết gấp và cách ráp vải cắt xéo để tạo độ bay bổng cho trang phục. Phần trang trí và những phụ kiện khác sẽ bao gồm khăn choàng đầu, các chi tiết thêu tay và đính ren. Hoa tai dạng tròn bằng vàng hoặc bạc sẽ được sử dụng trong những ngày lễ hoặc những dịp trang trọng.
Sự phát triển về phong trào nữ quyền hiện tại ở Roma đồng nghĩa với việc càng nhiều phụ nữ Roma sẽ có cơ hội “vùng lên” nắm quyền kiểm soát hình ảnh của chính họ trong mắt giới thời trang cũng như người tiêu dùng toàn cầu. Phụ nữ Roma càng được trao quyền độc lập, tự chủ, càng có cảm giác an toàn và được lắng nghe thì ngày càng sẽ có nhiều người mạnh dạn phát triển sự nghiệp riêng của mình, mà thời trang là một trong số đó.
Lời khuyên của Varga là hãy mua sản phẩm từ những thương hiệu thời trang Roma hoặc trực tiếp từ những người thợ có gốc gác Roma. Đó không chỉ là những cuộc mua bán mà còn là dịp để bạn trò chuyện, tìm hiểu văn hóa, biết về lịch sử một dân tộc, để những bức ảnh vận đồ ren áo trễ vai hời hợt thôi không còn xuất hiện trong hashtag #gypsystyle nữa.
Hãy để #gypsystyle được chìm vào quên lãng.
Thảo luận về bài viết