Hiệu ứng Hào Quang (Halo effect) là một dạng thiên vị nhận thức, trong đó ấn tượng chung của chúng ta về một người sẽ ảnh hưởng đến cách mà chúng ta suy nghĩ, đánh giá các mặt tính cách khác của họ.
Một ví dụ tuyệt vời về hiệu ứng hào quang chính là ấn tượng của chúng ta về những người nổi tiếng. Khi hâm mộ một người, ta sẽ thấy họ là người hấp dẫn, thành công, dễ thương, dù có thể trong thực tế, không phải bất cứ ưu điểm nào chúng ta cảm nhận ở trên cũng đúng sự thật.
Vậy hiệu ứng hào quang – Halo Effect là gì?
Ngoại hình chính là một nhân tố quan trọng góp phần tạo ra hiệu ứng hào quang. Những cá nhân có vẻ ngoài hấp dẫn thường có xu hướng được đánh giá cao hơn về mọi mặt.
Tuy nhiên, hiệu ứng này không chỉ dựa trên nhận thức của chúng ta về vẻ ngoài hay sức hấp dẫn. Nó còn có thể bao gồm các đặc điểm khác mà con người cho rằng có cùng một mẫu số. Ví dụ, một người hòa đồng, dễ gần sẽ được nhìn nhận như một người tốt bụng. Hoặc nếu ai đó là chuyên gia trong một lĩnh vực, ta có thể cho rằng họ cũng sẽ xuất sắc ở nhiều lĩnh vực khác.
Bản thân thuật ngữ này có thể sử dụng như một phép liên tưởng khi dùng sự “tỏa sáng” làm hệ quy chiếu. Trong nghệ thuật, tôn giáo, vầng hào quang thường được khắc họa trên đầu của một vị Thánh, nhằm thể hiện rằng đó là người tốt và được ánh sáng mặt trời chiếu rọi.
Nhìn chung, hiệu ứng hào quang chính là khi nhìn vào những khía cạnh tích cực của một người, vật hoặc sự kiện, nhận thức của chúng ta có thể bị tác động, từ đó sinh ra những đánh giá thiên vị về các phẩm chất khác.
Lịch sử của hiệu ứng hào quang
Hiệu ứng hào quang ra đời vào năm 1907 bởi nhà tâm lý học người Mỹ Frederick L. Wells (1884-1964). Nhưng phải đến năm 1920, thuật ngữ tâm lý này mới được biết đến rộng rãi nhờ Edward Thorndike. Trong bài viết mang tên “The Constant Error in Psychological Ratings” (Tạm dịch: Những lỗi thường xuyên trong việc đánh giá qua tâm lý), nhà tâm lý học Thorndike đã yêu cầu các sĩ quan chỉ huy trong quân đội đánh giá một loạt phẩm chất ở những người lính cấp dưới. Những đặc điểm này bao gồm khả năng lãnh đạo, ngoại hình, trí thông minh, lòng trung thành và sự đáng tin cậy,.v.v…
Mục tiêu của Thorndike là xác định việc đánh giá một tiêu chí sẽ ảnh hưởng đến các khía cạnh khác như thế nào. Ông nhận thấy rằng, nếu vị sĩ quan chỉ huy đánh giá cao một phẩm chất nào đó, các phẩm chất khác của người đó cũng sẽ có điểm số cao tương tự và ngược lại.
Vậy tại sao ấn tượng chung của chúng ta về một người có thể ảnh hưởng tới cách chúng ta đánh giá tính cách của họ? Theo các nhà nghiên cứu, sự hấp dẫn về ngoại hình đóng một vai trò quan trọng trong cách đánh giá. Khi chúng ta nhận xét một người có ngoại hình hấp dẫn, chúng ta cũng sẽ tin rằng họ là một người tốt tính, hiền lành và thông minh. Một nghiên cứu khác còn cho thấy rằng các thẩm phán thường sẽ có cái nhìn bớt hà khắc hơn dành cho những bị cáo có ngoại hình ưa nhìn.
Tuy nhiên, hiệu ứng hào quang cũng có những tác động tiêu cực. Trong một vài nghiên cứu khác, các nhà khoa học cho rằng khi gán những phẩm chất tích cực cho một người, ta cũng có thể liên tưởng đến nhiều khía cạnh tiêu cực khác. Ví dụ, một người có vẻ ngoài xinh đẹp có thể bị coi là không trung thực, dùng ngoại hình của mình để đạt được mục đích và thao túng người khác.
Ảnh hưởng của hiệu ứng hào quang
Hiệu ứng hào quang có thể ảnh hưởng đến nhiều hoàn cảnh trong cuộc sống.
Trong giáo dục
Người ta phát hiện ra rằng nhờ hiệu ứng hào quang mà giáo viên và học sinh sẽ có những cách ứng xử khác nhau.
Một nghiên cứu đã nhờ một nhóm 28 người đánh giá bảng điểm của hơn 4500 học sinh. Họ sẽ đánh giá sự hấp dẫn của các em học sinh dựa trên ảnh thẻ trên học bạ, theo thang từ 1 (rất không hấp dẫn) tới 10 (rất hấp dẫn). Học sinh được chia vào 3 nhóm dựa trên các nhận định về sự hấp dẫn: dưới trung bình, trung bình và trên trung bình.
Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ so sánh điểm của học sinh giữa các lớp học trực tiếp truyền thống và các lớp online. Kết quả cho thấy những học sinh có ưu thế về ngoại hình khi học online có điểm số thấp hơn đáng kể khi học trực tiếp trên lớp.
Tại công sở
Các chuyên gia cho rằng hiệu ứng hào quang cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta đánh giá và được đánh giá hiệu suất làm việc. Người giám sát có thể nhận định giá trị của nhân viên dựa trên một đặc điểm hơn là toàn bộ quá trình làm việc của họ. Ví dụ, sự nhiệt tình hoặc thái độ tích cực của người lao động có thể làm lu mờ việc người đó thiếu kiến thức hoặc kỹ năng. Điều này giúp họ nhận được sự đánh giá cao hơn từ đồng nghiệp bất chấp kết quả thực tế không hề đạt được kì vọng tương ứng.
Hiệu ứng hào quang còn có thể có tác động đến thu nhập. Bài nghiên cứu được công bố trên Journal of Economic Psychology (Tạp chí Tâm lý Kinh tế) cho thấy, trung bình, những người phục vụ đồ ăn có ngoại hình hấp dẫn sẽ kiếm được tiền boa nhiều hơn khoảng 1.200 USD mỗi năm so với người có vẻ ngoài không ấn tượng.
Những ứng viên đang tìm việc sẽ là một trong những đối tượng có thể cảm nhận rõ ràng nhất sự tác động của hiệu ứng hào quang. Nếu người tham gia phỏng vấn được cho là hấp dẫn, đáng yêu, nhiều khả năng họ cũng sẽ được đánh giá là người thông minh, có năng lực làm việc và có phần trăm được tuyển dụng cao hơn.
Trong marketing
Các nhà tiếp thị cũng tận dụng hiệu ứng hào quang để bán sản phẩm và quảng bá dịch vụ. Ví dụ ,khi người nổi tiếng đưa ra ý kiến tích cực về một món hàng nào đó, nếu chúng ta có cái nhìn tích cực hoặc thiện cảm với người quảng bá, sự thích thú đối với sản phẩm cũng sẽ tăng lên đáng kể.
Kết
Khi đánh giá một người khác, hãy cân nhắc xem ấn tượng chung của chúng ta về họ sẽ ảnh hưởng tới việc nhìn nhận toàn bộ các mặt tính cách khác như thế nào? Liệu khi nhìn thấy một người thuyết trình giỏi, có phải ta sẽ cho rằng họ cũng sẽ là người thông minh, tử tế và chăm chỉ không? Hay khi nhìn thấy một nam diễn viên đẹp trai, liệu bạn có cho rằng anh ta là một người toàn diện?
Tất nhiên, nhận thức được hiệu ứng hào quang không hẳn sẽ giúp chúng ta tránh được việc đánh giá hoặc quy chụp người khác. Tuy nhiên, khái niệm này sẽ
giúp ta có thêm kiến thức để cân nhắc xem liệu mình có đang đưa ra những phán đoán một cách phiến diện, chóng vánh và quá chớp nhoáng hay không?
Theo Very Well Mind
Có thể bạn quan tâm:
The Chameleon Effect: Khi mỗi chúng ta đều là tắc kè hoa
Humble-bragging: “Khiêm tốn” nhưng vẫn phải khoe
Hiệu ứng Pygmalion: Hiệu ứng tâm lý từ lời khen của một người
Thảo luận về bài viết