Hôm nay là một ngày thứ hai đầu tuần, không biết tâm trạng của các bạn khi đi làm cảm thấy như thế nào? Có hào hứng không, hay cảm thấy ủ rủ, mệt mỏi, không có năng lượng để đi làm. Cảm xúc đi làm của mình cũng lên xuống thất thường, có lúc ủ rột, có lúc lại ngập tràn ‘mood’ làm việc. Bài viết này sẽ chia sẻ một số tips để tăng mood cho mỗi ngày đi làm.
1/ Hiệu ứng “người mới, ngày đầu“
Mình nhớ những ngày đầu tiên mới bắt đầu công việc ở một chỗ làm mới, mình rất hào hứng, tò mò và cẩn trọng. Hào hứng được làm việc trong một môi trường mới, tò mò về công việc và văn hóa công ty và cẩn trọng khi làm việc bởi mình là người mới. Chính hiệu ứng ‘người mới, ngày đầu’ này khiến mình cảm thấy công việc rất thú vị và luôn mới mẻ, từ đó bản thân cảm thấy nhiều năng lượng làm việc hơn.
Thông thường sau khoảng vài tháng/năm quen với công việc thì chúng ta dễ bị rơi vào trạng thái quen thuộc. Việc làm quen tay, những con người gặp quen mặt, dễ dẫn đến tình trạng chán đi làm. Công việc thấy không còn gì mới mẻ, không có gì để phát triển nên không còn hứng thú đi làm.
Khi gặp tình trạng trên, bạn hãy thử đặt mình vào vị trí tưởng tượng rằng ngày mai đi làm nếu là ngày đầu tiên thì mình sẽ làm gì? Mình có thể hẹn gặp một đồng nghiệp để cafe tìm hiểu về công việc, hay có thể dành thời gian tìm cách quy trình hóa để công việc hiện tại trơn tru hơn không?
2/ Lên kế hoạch trước cho cả tuần và từng ngày tiếp theo
Một trong những lý do có thể khiến cho việc ngày mai đi làm mang đến tâm trạng mệt mỏi chán chường là do ngày mai có quá nhiều hoặc quá ít việc. Quá nhiều việc khiến bản thân cảm thấy bị ngợp, không biết giải quyết việc gì trước, việc gì sau, thành ra có suy nghĩ là bỏ hết không làm gì cả cho khỏe. Quá ít việc tức là đi làm chẳng biết làm gì, cứ ngồi lướt Facebook và đọc báo cho hết ngày.
Để giải quyết phần nào vấn đề này, mình lập kế hoạch theo tuần và bẻ nhỏ ra thành kế hoạch cho từng ngày. Cứ mỗi thứ 6 hoặc Chủ Nhật hàng tuần, mình sẽ dành ra 30 phút để lên kế hoạch cho tuần tiếp theo. Việc lên kế hoạch rất đơn giản, mình viết ra lịch từ thứ 2 đến thứ 6 của tuần tới, trong mỗi ngày dựa vào lịch mình có những công việc nào cần giải quyết, ai cần gặp, thời gian mỗi cuộc họp hoặc để giải quyết mỗi việc là bao lâu rồi mình ghi ra. Việc ghi ra hết giúp mình thấy rằng ngày nào nhiều việc, ngày nào ít việc, deadline nào đang đến gần để có sự sắp xếp lại cho phù hợp.
Tuy lên kế hoạch như vậy nhưng chắc chắn mỗi ngày thực tế sẽ phát sinh ra những việc ngoài dự kiến. Những việc này có thể gây ảnh hưởng đến lịch mình đã dự định. Đó là lý do cuối mỗi ngày mình cần có bước kiểm tra lại kế hoạch xem có cần điều chỉnh gì cho những ngày tiếp theo hay không.
3/ Đo mood mỗi ngày, kết hợp theo dõi tập luyện, ăn uống và nghỉ ngơi
Để tăng được mood thì mình cần biết hiện tại mood của mình ở mức như thế nào. Hiện nay có một số ứng dụng có thể giúp bạn check-in cảm xúc vào nhiều khung giờ khác nhau mỗi ngày, hoặc đơn giản bạn có thể ghi vào note điện thoại giống như mình. Mỗi ngày vào ba khung giờ sáng ngủ dậy, trưa nghỉ giữa giờ làm và tối trước khi đi ngủ, mình sẽ ghi lại cảm xúc và chấm điểm chất lượng theo thang điểm từ 1-5. Cuối tuần hoặc cuối tháng mình tổng kết lại vào bảng Excel để xem cảm xúc trung bình và cảm xúc thay đổi qua các ngày trong tháng như thế nào.
Cảm xúc thực ra gắn chặt với sức khỏe thể chất. Để cải thiện sức khỏe cảm xúc thì mình phải chăm sóc sức khỏe thể chất. Mình sẽ thử cải thiện thông qua việc đưa một số bữa ăn sạch vào lịch ăn hàng ngày, tập thể dục 30 phút mỗi ngày và ngủ đúng giờ vào một khung giờ nhất định. Việc này cần một thời gian vài tháng để thay đổi chứ không thể thay đổi được ngay. Khi mới thay đổi, ví dụ mới bắt đầu tập luyện, sáng hôm sau bạn có thể cảm thấy đau nhức, uể oải và mood thấp. Tuy nhiên hãy tiếp tục duy trì và theo dõi, khả năng cao là dần dần bạn sẽ thích nghi và thấy ổn hơn.