Một điều kỳ quặc nữa là: dường như sự kiện thời trang càng đình đám thì càng trình diễn nhiều bộ đồ “không ai dám mặc”. Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao lại như thế, và sau khi trình diễn, cuộc đời những bộ đồ ấy sẽ đi về đâu?
1. Hai trường phái trong trình diễn thời trang
Thời trang có phải chỉ là những mẫu đồ mọi người khoác lên và thể hiện cá tính riêng? Nếu dừng lại ở đó, bạn đã bỏ qua một vai trò đặc biệt giúp thời trang thật sự là lĩnh vực sáng tạo đậm tính nghệ thuật. Các nhà thiết kế không tạo ra những bộ đồ chỉ để bán. Họ tạo ra cả những bộ sưu tập tập trung vào việc tạo hình nghệ thuật. Từ đó, họ truyền tải đến người xem những chủ đề, những câu chuyện, đồng thời cũng mở đầu cho một xu hướng mới.
- Ready-to-wear (thời trang ứng dụng): nơi trình diễn các thiết kế thường gần gũi, dễ ứng dụng. Bạn có thể tìm chúng tại các cửa hàng sau đó.
- High Fashion (thời trang tiên phong): đây là sàn diễn dành cho những thiết kế “không thể hiểu nổi” mà chúng ta đang tìm hiểu.
2. Thời trang không mặc được thì thiết kế để làm gì?
High Fashion là cuộc chơi của chất liệu, màu sắc và hình khối. Trong khi người ngoại đạo đánh giá chúng là những bộ đồ ngu xuẩn, vô dụng thì với người trong ngành, chúng là những tác phẩm nghệ thuật có thông điệp, ý niệm riêng..
Bạn có thể tìm ra ngay những cái tên nổi bật: Rei Kawakubo, Viktor & Rolf và Maison Margiela. Họ là top những nghệ sĩ có thiết kế kỳ quái trên thế giới. Các bộ sưu tập của họ hiếm khi được sự đồng tình của số đông. Chúng đòi hỏi khán giả phải đam mê nghệ thuật, có kiến thức về thiết kế để hiểu và cảm thụ.
Những bộ sưu tập kỳ quái ấy được cho là cái nôi ý tưởng của những mẫu thiết kế Ready-to-wear. Thông thường, sau các buổi High Fashion, các nhà thiết kế sẽ dành 5-6 tháng để phát triển ý tưởng, triển khai cảm hứng của mình thành những mẫu đồ mang tính ứng dụng.
Có lẽ đây chính là lý do chúng mang tên High Fashion – Thời trang tiên phong.
3. Sau buổi trình diễn, cuộc đời chúng sẽ đi về đâu?
High Fashion còn có thêm một biệt hiệu nữa là “không ai dám mặc”. Không dễ để thấy một mẫu thiết kế High Fashion ở đời thường. Thế nhưng, nếu thường xuyên theo dõi các nghệ sĩ, bạn sẽ bắt gặp được vài mẫu đấy. Những nghệ sĩ mặc chúng tự hào rằng mình đang mang một tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa, chứ không xem chúng là một bộ đồ đơn thuần.
Sau khi trình diễn, các thiết kế High Fashion được đưa về phòng trưng bày riêng. Bên cạnh việc bày bán với mức giá hơn ngàn đô, chúng sẽ là bản mẫu để nhà thiết kế tạo ra những bản chuyển thể mang tính ứng dụng.
[/text_output]