#HọNóiLà là những câu chuyện, góc nhìn và trải nghiệm từ các nhân vật khách mời của TML.
Xin chào mọi người! Trước tiên, xin tự giới thiệu, tụi mình là Duy Nguyễn và Quỳnh – hai thành viên thường trực (và thường xuyên nghĩ ra chuyện mới để làm) ở Du Bút. Duy Nguyễn chịu trách nhiệm nội dung – đề tài, sản xuất và phân phối; còn Quỳnh chịu trách nhiệm phần hình ảnh, thiết kế, định hướng mỹ thuật. Bọn mình làm việc cùng nhau để tìm kiếm, hợp tác xuất bản những tác phẩm thú vị từ tác giả Việt Nam và nước ngoài trong mảng sách sáng tạo và nghệ thuật.
Ngoài ra, Du Bút còn có nhiều thành viên không thường trực, đảm nhận các khâu còn lại của quy trình xuất bản, tham gia theo dự án khác nhau. Đó là biên tập viên Phúc Du (Ê có khi nào…?, Thị trấn Hoa Mười Giờ), biên tập viên Quả cà kì diệu (Cẩm nang cỏ cây kì quái), chế bản Dung Trang (Về nơi có nhiều cánh đồng, Thị trấn Hoa Mười Giờ), chế bản Việt Linh (Mùa hè bất tận, Thị trấn Hoa Mười Giờ), họa sĩ Trúc Nhi Hoàng (Bí ẩn của Đảo Lớn, Chàng Sà-ma hiếu thảo),… và nhiều bạn trẻ tài năng, tâm huyết khác của làng sáng tạo Việt Nam.
Trước khi vào phần phỏng vấn, Quỳnh và Duy Nguyễn có thể giới thiệu đôi nét về Du Bút được không?
Ôi, cứ giới thiệu bản thân xong quên mất… Du Bút hình thành từ năm 2015. Lúc ấy, thị trường sách nghệ thuật, sáng tạo chủ yếu là sách được dịch từ nước ngoài, trong khi xung quanh mình có vô số tác giả, họa sĩ, nghệ sĩ Việt Nam hay ho và tài năng – thậm chí nổi danh quốc tế – nhưng lại không được biết đến ngay chính quê nhà.
Thế là tụi mình – một nhóm người trẻ, mỗi đứa một nghề – đã tập hợp lại với nhau, tạo thành đủ một quy trình xuất bản, và cho “ra đời” một công ty sách độc lập với trọng tâm là các tác phẩm sáng tạo của tác giả và họa sĩ Việt Nam. Bọn mình lấy tên Du Bút, có nghĩa là những chuyến du hành bắt nguồn từ ngòi bút; những thế giới mở ra qua câu chuyện, qua tác phẩm, qua tranh vẽ của các tác giả. Tụi mình mong muốn Du Bút sẽ là cầu nối giữa người làm sáng tạo Việt Nam và độc giả Việt.
Giữa năm 2016, Du Bút cho “xuất xưởng” đứa con tinh thần đầu tiên, Land Animals Origami – Động Vật Trên Cạn. Đây cũng là tác phẩm về nghệ thuật xếp giấy đầu tiên hoàn toàn do nghệ sĩ Việt Nam thực hiện. Từ 2018, Du Bút tập trung một phần lực vào việc phát triển mảng truyện tranh dành cho người lớn. Đến năm 2021, bọn mình đã xuất bản hơn 20 ấn phẩm sáng tạo của các tác giả trẻ Việt Nam.
Du Bút đã làm những quyển sách cho thấy gấp giấy không phải là trò con nít (Land Animals Origami – Động Vật Trên Cạn, Nguyễn Tú Tuấn, 2016), bỏ phố về vườn chẳng nên thơ như bạn tưởng (Về nơi có nhiều cánh đồng, Phan, 2019), viết ít chữ có thể sâu sắc không kém gì viết nhiều (Ê có khi nào…?, Sói Ăn Chay, 2020), tuổi học trò không chỉ có mộng mơ (Mùa hè bất tận, Lâm Hoàng Trúc, 2021). Sắp tới bọn mình sẽ mang đến cho mọi người những thứ hay ho khác, ví dụ như thực vật chẳng phải thứ “rau rác” (Cẩm nang cỏ cây kì quái, Suguhara Hisao, 2021), hay nghề nail không hề là một nghề tay chân bình dân như bao người hình dung (Lột được vỏ chanh, mở được tiệm nail; Lâm Bảo Thi, 2021).
Khoe một chút nữa nè, dự án Ê có khi nào…? do Du Bút thực hiện và Mùa hè bất tận do Du Bút hợp tác cùng June Comics xuất bản lần lượt là top 25 và top 13 dự án sáng tạo của năm trong cuộc thi HaloDOT 2021 do Halography Vietnam tổ chức. Đặc biệt, dự án Truyện tranh Jataka do tụi mình khởi xướng đã vinh dự được chọn làm “Dự án của năm” tại HaloDOT 2021.
Vậy ai sẽ là đối tượng độc giả mà Du Bút hướng đến? Với chúng mình, không có giới hạn tuổi tác nào dành cho sáng tạo cả. Trẻ nhỏ sẽ có tác phẩm sáng tạo phù hợp với trẻ, và người lớn sẽ có sự sáng tạo dành cho người lớn. Tụi mình cũng không muốn chỉ làm sách để phục vụ cho một nhóm người nhỏ. Các sách của Du Bút được lựa chọn và thiết kế với tâm niệm: chỉ cần bạn chịu đọc và cởi mở thì đã có thể tận hưởng những ấn phẩm của tụi mình.
Hai bạn nghĩ điều gì khiến Du Bút khác biệt với các đơn vị phát hành khác trên thị trường?
Chắc là công ty sách xuất bản chậm nhất chăng? Và liều nhất nữa?
Nói là “liều” vì đối với Du Bút, mỗi tác phẩm không chỉ dừng lại ở quyển sách. Bọn mình xem mỗi tác phẩm như một dự án riêng biệt, và sẽ làm mọi thứ trong khả năng để tạo ra một trải nghiệm trọn vẹn, đa giác quan nhưng mượt mà, thống nhất. Tụi mình không ngại những thử nghiệm mới.
Như ở Ê có khi nào…?, Du Bút không chỉ xem đây là sách giấy, mà còn trao cho nó một khả năng khác: hình ảnh chuyển động – qua công nghệ AR, để bạn đọc có thể tương tác, “xem” sách theo một chiều mới.
Hay đối với Thị trấn Hoa Mười Giờ, tụi mình đã tái tạo cả thị trấn ngoài đời thật dưới dạng mô hình đất sét, mời bạn đọc cùng dạo chơi và trở thành “đồng bọn” của bọn nhóc Ổi, Cóc, Xoài “quậy như giặc”. Buổi triển lãm thu hút hơn 3.000 lượt khách tham dự trong 3 tuần.
Những dự án do Du Bút khởi xướng hoặc đầu tư đều có website riêng, trailer cho sách để tạo một trải nghiệm mượt mà, thống nhất từ những tiếp xúc đầu tiên của bạn đọc với tác phẩm.
Điều gì trong quá trình làm sách khiến Du Bút thấy hạnh phúc nhất?
Là khi thấy mọi người thích thú, bất ngờ, thậm chí bối rối khi cầm sách Du Bút trên tay. Một độc giả từng nói “không biết xếp sách của Du Bút vào thể loại gì”. Mình nghĩ đây là một lời khen hơn là lời phàn nàn. Điều đó cho thấy những dự án của Du Bút cũng lớn lên, phát triển từng ngày, và không lặp lại chính mình.
Du Bút làm sách không chỉ để đọc một lần rồi thôi. Một niềm vui khác là khi người đọc nhận ra những tình tiết cài cắm vui vui – những “easter egg” tụi mình cố ý để lại. Nhưng nói gì thì nói, miễn mọi người đọc sách là Du Bút hạnh phúc rồi. Một quyển sách chỉ thực sự “sống” khi được độc giả cầm lên và đọc.
Ra mắt sách Về nơi có nhiều cánh đồng (T12/2019)
Ba (3) điều Quỳnh và Duy Nguyễn ước mình biết trước khi bắt đầu lĩnh vực phát hành sách?
Một, làm sách khiến tụi mình “giàu có” về nhiều thứ, trừ tài chính. Sách là mặt hàng tiêu thụ rất chậm. Tuy bọn mình may mắn đều có những công việc khác để cân đối, duy trì hoạt động của Du Bút nhưng đôi khi nhìn chi phí sản xuất mà cũng xỉu up xỉu down nhiều phen. Nhất là khi mình luôn cố gắng đẩy chất lượng sản phẩm lên mức cao nhất, đầu tư để sản xuất tương xứng với chất lượng của nội dung.
Hai, mọi lỗi lầm đều phải trả giá bằng tiền. Nhưng khi làm sách thì còn phải trả giá thêm bằng tài nguyên: bằng giấy, bằng mực, bằng kẽm, bằng rất nhiều nguyên liệu không tái chế được.
Ba, Du Bút có lẽ là những người làm xuất bản trẻ nhất trong làng xuất bản chăng?
Các bạn có thể nói một chút về Ê có khi nào…? và Mùa hè bất tận?
Đây là hai bản thảo mà ngay khi đọc lần đầu tiên, Du Bút đã cảm thấy là phải xuất bản, phải đưa những câu chuyện này đến người đọc bằng mọi giá.
Ê có khi nào…? là một dự án thú vị; thú vị từ cái hẹn đầu tiên khi anh Sói Ăn Chay chỉ đưa tụi mình bản thảo dài… 4 trang A4, gồm 300 câu đều bắt đầu bởi cụm “ê có khi nào…?”.
Nhưng đừng tưởng ai cũng viết được nhé. 300 câu này đều đã được tinh chỉnh nhiều lần, vận dụng mọi kỹ thuật của copywriting. Tụi mình chưa bao giờ thấy tiếng Việt vui thú, màu nhiệm và đẹp đẽ đến thế. Vì vậy, chúng mình đã hợp sức để nghĩ phần hình ảnh tinh nghịch, linh hoạt biến hóa, làm sao cho tương xứng với phần chữ vốn đã rất hay này. Du Bút rất vui khi có thể hợp tác cùng Vũ Tuấn Anh và Lan Anh Ng, 2 họa sĩ – designer tài năng và vô cùng “chịu chơi” để tạo ra Ê có khi nào…?.
Mùa hè bất tận lại là một trường hợp khác. Du Bút đã hâm mộ và yêu mến phong cách của Lâm Hoàng Trúc từ Đường hoa, nhưng Mùa hè bất tận khiến tụi mình vô cùng bất ngờ trước sự trưởng thành trong cách kể lẫn phong cách nghệ thuật của Trúc.
Câu chuyện của hai đứa trẻ tên Phương, tuy giả tưởng, nhưng chắc chắn là một phần rất thật mà nhiều đứa trẻ của thế hệ chúng mình lẫn thế hệ sau đã, đang và sẽ trải qua.
Du Bút mong không chỉ người trẻ, mà các vị phụ huynh cũng sẽ cho Mùa hè bất tận một cơ hội.
Quỳnh và Duy Nguyễn nghĩ gì về thị trường truyện tranh Việt Nam hiện nay? Có vẻ như chúng ta vẫn đang thiếu những bộ truyện nổi bật có thể gây sốt và được chú ý như một số tựa manga đã từng làm được?
Ở góc độ xuất bản và phát hành, tụi mình nghĩ khó có thể so sánh độ “gây sốt” của truyện tranh Việt Nam so với các nền công nghiệp truyện tranh đã có vị thế như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Âu Mỹ.
Khác biệt đến ngay từ cách tựa truyện tiếp cận với độc giả. Lấy ví dụ ở Nhật Bản, các tựa truyện không phải vừa xuất bản là đã nổi tiếng ngay mà đều được phát hành thông qua hình thức tạp chí truyện tranh. Các tạp chí này phổ biến tương tự báo giấy, được bày bán khắp nơi, hướng đến đối tượng người dùng phổ thông và trẻ em. Mỗi tạp chí như vậy đăng một lúc 10-20 tựa, mỗi tựa 1 chương. Dựa vào sự bình chọn, yêu thích của độc giả mà một bộ truyện có thể đi tiếp hay phải dừng sớm. Khi số chương trên tạp chí đã có kha khá, NXB mới tổng hợp thành cuốn để xuất bản trong nước và thị trường thế giới.
Như vậy, những tựa manga chúng ta cầm trên tay tại Việt Nam đều là những ấn phẩm đã có độ thành công nhất định tại Nhật Bản, đã được nền công nghiệp manga và độc giả Nhật thẩm định, công nhận chất lượng. Có hàng ngàn ấn phẩm manga không hay ra đời mỗi tháng, mỗi năm và liên tục bị đào thải bởi độc giả hay bởi chính tạp chí, NXB mà chúng ta không biết tới.
Còn ở Việt Nam, tác giả truyện tranh Việt Nam vẫn còn thiếu những “bệ phóng” để tiếp cận độc giả. Mọi người chủ yếu chia sẻ qua mạng xã hội, các hội nhóm, cộng đồng – và gần đây là các nền tảng cho phép upload truyện tự sáng tác.
Những năm gần đây, đã có nhiều đơn vị quan tâm hơn, bắt đầu đầu tư vào mảng truyện tranh Việt Nam. Tuy vậy, chúng ta vẫn còn thiếu những sự sàng lọc, thẩm định hay định hướng, cố vấn để cải thiện chất lượng nội dung từ phía người xuất bản. Nhưng tụi mình lạc quan về tương lai, vì mình biết các biên tập viên truyện tranh trong ngành cũng đã và đang nâng cao trình độ, học hỏi rất nhiều để có thể cùng tác giả nâng cao chất lượng nội dung truyện tranh Việt Nam.
Hai bạn tâm đắc nhất điều gì về các tác phẩm sách / truyện tranh Việt Nam trên thị trường nói chung?
Sách Việt ngày càng đẹp, in ấn, trình bày hình thức ngày càng đa dạng, tỉ mỉ và áp dụng nhiều công nghệ mới. Các bạn hoạ sĩ tài năng đã tham gia vào ngành xuất bản nhiều hơn, cho ra đời những quyển sách có chất lượng mỹ thuật đỉnh hơn cách đây 5-10 năm rất nhiều.
Tụi mình tin sách giấy vẫn có chỗ đứng vì sẽ luôn có những người trân trọng vẻ đẹp của kỹ thuật làm sách, cũng như có những trải nghiệm chỉ có thể có ở sách giấy.
Hai bạn có thể chia sẻ một thất bại hoặc một sự cố bất ngờ nhất mà Du Bút từng gặp phải. Theo Quỳnh và Duy Nguyễn, vì sao điều đó lại xảy ra? Cá nhân hai bạn cũng như tập thể Du Bút đã học được bài học gì từ sai lầm đó?
Đã là sự cố thì bất ngờ rồi chứ đâu ai cố tình *cười*.
Nhưng chia sẻ… thiệt lòng, thì tụi mình không phải là những người có background ngành in hay sản xuất, mọi thứ đều phải học. Vậy nên “vấp ngã” nhiều lắm. Nhưng nhờ ngã nhiều, làm nhiều, quan sát thực tế nhiều thì mình mới rút được kinh nghiệm, mới làm tốt hơn được. Chứ nói như anh Sói Ăn Chay là: ê có khi nào… làm đúng hoài thấy mình sai sai?
Quy trình làm sách có rất nhiều công đoạn, dù có cố gắng hết mức cũng khó có thể đảm bảo không có sai sót. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến giới hạn của máy móc, kỹ thuật in ấn tại Việt Nam hiện tại. Đòi hỏi một quyển sách hoàn hảo 100% là điều vô lý, tuy nhiên bọn mình luôn có những chuẩn mực, tiêu chí để quản lý chất lượng sản phẩm – làm sao để cân bằng giữa chất lượng và khả năng bán được của sách.
Sai lầm mệt nhọc nhất chắc là in sai barcode. Cách giải quyết là dán chồng thủ công từng chiếc mã vạch ở phía sau sách. Nghe đơn giản nhưng mà một mình dán 3,000 quyển sách thì tiền đình luôn chứ không đùa.
Những va vấp này dạy cho tụi mình bài học lớn nhất là không có gì tầm thường. Mọi công đoạn đều cần sự cẩn thận, tỉ mỉ, làm việc có tâm; nếu không, chỉ một sự cẩu thả nhỏ thôi sẽ có thể kéo theo chuỗi domino thiệt hại khủng khiếp về sau.
Vui vui một chút, nếu có được sức mạnh siêu nhiên, Quỳnh và Duy Nguyễn muốn đó sẽ là gì?
Hai bạn có thể chia sẻ về “hành trình” mà một quyển sách sẽ trải qua trước khi đến tay độc giả?
Nói đơn giản thì có thể có 3 giai đoạn chính sau:
(1) Duyệt bản thảo
– Sàng lọc: Biên tập viên (BTV) tiếp nhận, tìm, sàng lọc, hoặc đặt hàng tác giả để viết theo đề tài.
– Kiểm tra nội dung: BTV tiến hành kiểm tra nội dung, kiểm tra đạo văn, kiểm tra độ chính xác của nội dung.
– Thương thảo: BTV sẽ gửi lại các góp ý, phản hồi và làm việc với tác giả.
– Soạn và ký hợp đồng: Nếu tác giả đồng ý tiếp tục với các yêu cầu chỉnh sửa của BTV.
(2) Xử lý bản thảo
– Biên tập nội dung: BTV làm việc cùng tác giả để sắp xếp nội dung, thêm bớt sao cho có trình tự hợp lý.
– Biên tập hình ảnh: BTV hình ảnh làm việc cùng tác giả để đề ra định hướng mỹ thuật, cách triển khai, tìm họa sĩ, lên storyboard.
– Kiểm tra lỗi morat: chuyên viên sửa bản in sẽ dò soát lỗi chính tả, dấu câu, ngắt dòng (rớt dòng, rớt chữ, …).
– Dàn trang – Chế bản: xếp hình và chữ lên trang giấy, công việc này chủ yếu do các bạn thiết kế đồ hoạ/kỹ thuật viên chế bản thực hiện.
– Làm bìa
– Xin giấy phép xuất bản
(3) In ấn – phát hành
– Lựa chọn giấy: in sách có tranh, hình ảnh đòi hỏi sự cân nhắc kỹ hơn về giấy để hình ảnh in ra đạt được chất lượng cao, xứng đáng với công sức, sự đầu tư của mọi người. In màu và in đen trắng cũng có những đặc điểm riêng, cần cân nhắc loại giấy sao cho phù hợp.
– Bình bản kẽm
– In và thành phẩm
– Phát hành và phân phối đến đại lý
– Quảng bá, truyền thông, tổ chức sự kiện ra mắt, …
Mỗi gạch đầu dòng trên đều là 1 công đoạn, cần ít nhất 1 người tham gia. Một quyển sách muốn chào đời trung bình sẽ có khoảng 8-10 người tham gia “nhào nặn”. Vai trò của ai cũng quan trọng cả.
Nếu muốn ra sách với Du Bút thì tác giả cần phải đáp ứng yêu cầu hay tiêu chí gì?
Tiêu chí chọn lựa và xuất bản của Du Bút là những tác phẩm thể hiện sự tìm tòi, quan điểm sáng tạo của tác giả/nghệ sĩ/họa sĩ Việt Nam. Đó có thể là artbook, là sách minh họa, là truyện tranh, là zine, là bất kỳ hình thức nào, miễn là có sử dụng nghệ thuật thị giác.
Du Bút quan tâm đến những góc nhìn mới lạ, không sáo mòn, bắt nguồn từ thấu hiểu thực tế – nếu có thể khiến người đọc nhận ra định kiến của mình thì càng tốt – và cách bạn kể câu chuyện ấy bằng hình ảnh.
Làm việc cùng tụi mình thì chỉ cần: câu chuyện hay, cách thể hiện tốt, tác giả có tâm, hợp tác để tụi mình có thể và tin tưởng, tôn trọng nhau.
Nếu không tính các yếu tố liên quan đến tài chính, thì những lý do nào sẽ khiến Du Bút từ chối một lời mời hợp tác?
Điều đầu tiên là bọn mình sẽ từ chối các bản thảo chưa đạt chất lượng để xuất bản, hoặc từ những tác giả không có mong muốn nhận góp ý để tác phẩm trở nên tốt hơn.
Kế tiếp là Du Bút sẽ không ưu tiên các bản thảo truyện chữ (truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết) hoặc sách nghiên cứu, phi hư cấu, vì đã có rất nhiều NXB, công ty sách làm tốt các thể loại này.
Một lời khuyên nho nhỏ từ Du Bút, đó là hãy nghiên cứu kỹ định hướng của mỗi NXB, mỗi công ty sách trước khi gửi bản thảo. Dĩ nhiên vẫn có thể có ngoại lệ nếu bọn mình nhìn thấy được những điểm đặc biệt của tác phẩm. Nói chung xuất bản cũng cần cái duyên nữa.
Nếu phải quay về thời phong kiến và được diện kiến Hoàng thượng, Quỳnh và Duy Nguyễn mỗi người sẽ mang theo quyển sách hay bộ truyện tranh nào để làm cống phẩm?
Q: Mình sẽ mang theo quyển Xứ Mèo của Phan để Hoàng thượng biết là trong tương lai, triều đình thuộc về loài mèo chứ không phải loài người.
N: Mình nghĩ còn tùy thuộc đó là vị Hoàng đế nào để cân nhắc quyển sách phù hợp.
Ba (3) nhà xuất bản mà hai bạn yêu thích nhất?
Q: Mình rất mê sách của Laurence King, No Brow và Sendpoints. Nếu là NXB Việt Nam thì mình “xuống tiền” thường xuyên cho sách của Đinh Tị, Đông A và Kim Đồng.
N: Vì thích đọc truyện tranh nên mình là fan của Dark Horse và Darguard. Ở VN thì mình thích truyện tranh của NXB Trẻ.
Một (1) điều mà hai bạn muốn nhắn nhủ đến Du Bút trong 2 năm tới?
Ảnh: NVCC
Thực hiện: Nghi To – Mi Nguyen
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
OCD và những trải nghiệm “giường chiếu” chưa bao giờ kể
Food stylist Lê Ngọc Hưng – Food Stylist có phải là công việc “chiêu trò”?
Ngô Di Lân – Người Việt trẻ có thật sự thờ ơ với chính trị?
Hanniefu – Giới tính và ngoại hình không “chụp ra” những bức ảnh đẹp
Thảo luận về bài viết