Câu hỏi bây giờ không phải là: “Hoài cổ” có phải là xu hướng hay không, bởi nó đã quá hiển nhiên rồi. Điều đáng băn khoăn là vì sao chúng ta lại nghiện cảm giác “hoài cổ”?
Cảm giác dễ dàng được kết nối thông qua các sự kiện của quá khứ
Lướt một vòng Facebook, bạn dễ dàng bắt gặp một bài đăng vu vơ kiểu: Những thứ mà giới trẻ gen Z không bao giờ hiểu, sau đó liệt kê một loạt những thứ thuộc về thập niên 90, 2000 như: phim Bao Công, trò chơi gỡ mìn trên Window 98, gói mì tôm trẻ em, bộ bài Magic, cửa hàng cho thuê băng hình,… – những thứ tồn tại trước thời kì Internet bùng nổ, thời người lớn chưa có khái niệm về smartphone và trẻ con lớn lên không cần máy tính bảng. Những bài viết như vậy luôn nhận được sự hưởng ứng vô cùng mạnh mẽ từ đám đông. Ta sẵn sàng tag bạn bè mình để nhắc nhau về một thời “tuổi thơ dữ dội”. Những câu chuyện có thể dễ dàng bắt đầu một cách tự nhiên bằng cụm từ “hồi đó” kể cả giữa những người chẳng mấy quen thân.
Quá khứ thường dễ chịu hơn hiện tại
Hoài cổ là một cảm giác kì lạ, nó đưa ra vào một chuyến du hành vượt thời gian, trở về với quá khứ thân thuộc. Khi hiện tại mà ta đang đối mặt có phần u ám, tuyệt vọng thì nhớ về quá khứ có thể là một cách để chữa lành, dù chỉ là trong chốc lát. Kể cả nỗi đau trong quá khứ cũng trở nên êm dịu qua kí ức, bởi chúng ta đã thành công vượt qua nó. Nghĩ về quá khứ, những gì ta đã trải qua nhiều khi mang đến cho ta sức mạnh và sự tích cực để đối mặt với thực tại. Thử nghĩ mà xem: Ta đã từng gặp phải những chuyện còn khủng khiếp, những khó khăn trắc trở như thế kia, thì một chút rắc rối nho nhỏ hiện tại có gì mà không vượt qua được?
Cảm giác hoài niệm – Dùng sao cho đúng liều?
Dù vô cùng trân trọng quá khứ, nhưng chúng ta vẫn phải sống với hiện tại và hướng về tương lai. Cảm giác hoài niệm với một “liều lượng” vừa phải có thể mang đến những cảm xúc tích cực, giúp ta nhớ về điểm xuất phát của bản thân, những bài học, những lần vấp ngã, điều khiến ta trở nên mạnh mẽ và thành công trở thành phiên bản chân thực của chính mình.
Tuy nhiên, nếu đi quá xa, hoài niệm sẽ trở thành một sự trốn chạy thực tại. Biểu hiện là chúng ta khước từ những thứ chúng ta đang có: cảm thấy âm nhạc xưa chất hơn nay, thời trang ngày xưa đẹp đẽ, kì công, văn hoá ứng xử của thanh niên thời nay thật tệ so với trước kia,.. Tất cả những lời chỉ trích này, nếu đã bao giờ xuất hiện trong đầu bạn, thì rõ ràng bạn đang có cái nhìn phiến diện và bi quan về hiện tại. Thế giới luôn có xu hướng phát triển, tức là cái sau tốt hơn cái trước. Kể cả bản thân bạn, cũng đang cố gắng để trở thành một phiên bản hoàn chỉnh hơn của chính mình. Vấn đề là chúng ta có nhìn thấy những thay đổi tích cực đó không?[/text_output]