Có lẽ do ảnh hưởng cái phong thái “ung dung tự tại” của người Á Đông, thói quen hít drama – “buôn dưa lê, bán dưa chuột” đã trở thành một thú vui không thể thiếu của người Việt. Khi thì ngồi nhâm nhi cà phê buổi sáng vào những ngày cuối tuần cùng bạn bè để than vãn về một tuần bị khách hàng dí chạy deadline không kịp thở. Lúc thì kéo ghế chụm đầu buôn dưa lê chuyện tình anh A chị B hẹn hò nơi công sở ngay tại bàn làm việc. Hay các mẹ gặp nhau trong chợ rồi xì xào về chuyện anh nọ chị kia trong xóm sắp lên chức làm bố làm mẹ. Thậm chí, những mẩu chuyện đâu đâu của những người lạ không quen không biết lại trở thành một chủ đề được bàn tán rầm rộ khắp các trang mạng xã hội.
Nhưng điều gì làm nên sức hút của những câu chuyện phiếm?
Các nhà nhân chủng học tin rằng trong suốt lịch sử loài người, những câu chuyện phiếm là cách để con người chúng ta gắn kết với nhau, và đôi khi lại là một công cụ để cô lập những người không “ủng hộ” nhóm.
Có một động lực mạnh mẽ để lôi kéo, kích thích ta muốn biết về cuộc sống của người khác. Không ít những ngôi sao nổi tiếng đã phải chật vật, khốn khổ khi có hàng trăm nghìn người theo sát và tò mò về đời sống cá nhân của mình. Và khi phát hiện một sự kiện “không mấy hoàn hảo” của người khác, những “bà tám hóng hớt” lại trở nên hả hê và vui sướng. Trong tiếng Đức có một từ được dùng để diễn tả cảm giác thoải mái khi chứng kiến một người bất kì gặp rắc rối. Schadenfreude là khi lấy bất hạnh của người khác để làm niềm vui cho bản thân.
Một nghiên cứu cho biết có một mối liên hệ giữa sự ghen tị và cảm giác Schadenfreude. Theo đó, cảm giác ghen tị sẽ kích hoạt vỏ não vành trước (anterior cingulate cortex) khiến bạn cảm thấy “nhói đau” khi chứng kiến ai đó giỏi hơn mình. Tuy nhiên khi thấy một người gặp thất bại, khu vực tưởng thưởng trong não bộ sẽ ngay lập tức được kích hoạt, tiết ra oxytocin (hormone hạnh phúc) khiến bạn cảm thấy sung sướng và nhẹ nhõm hơn.
Giáo sư Đại học Northeastern, Tiến sĩ Jack Levin – tác giả của cuốn Gossip: The Inside Scoop, nói rằng những câu chuyện phiếm đôi lúc lại tốt cho sức khỏe tinh thần người thích “buôn dưa.” Tin đồn, “drama,” chuyện phiếm, v.v. là một các liên kết xã hội vô cùng hiệu quả, khiến người ta chịu mở lòng với nhau, trở nên thân thiết hơn và thắt chặt những mối quan hệ với những người xung quanh. Tất nhiên, những câu chuyện phiếm phải vô hại và chỉ “lưu hành nội bộ” với mục đích mua vui, và đừng lạm dụng biến nó thành những lời đặt điều nói xấu cực đoan, độc hại.
“Hội bà tám” và thói quen “hít drama” của họ
Tuy được gọi với danh xưng “bà tám,” nhưng không phải chỉ mỗi “bà” mà các “ông” cũng có thể “gia nhập” vào “xóm nhà lá” để cùng bàn tán, chia sẻ đủ mọi chuyện trên đời. Gia vị chính để làm nên một nhóm hội hóng hớt chuyện đời chính là đặc tính “drama” của những “bà tám.” Để khiến một câu chuyện đời thường nhạt nhẽo trở nên cuốn hút, không cách nào hiệu hơn việc “chuyện bé xé ra to.” Dù chỉ là những mẩu chuyện lặt vặt nhàm chán, nhưng với “khả năng” nghiêm trọng hóa và phóng đại vấn đề, chúng lại trở thành một bộ drama dài tập. Bởi từ hài đến bi, từng chi tiết đều được thổi phồng và tân trang một cách hoàn chỉnh. Đắp chỗ này, nặn chỗ kia, dậm mắm thêm muối, và thói quen bóp méo sự thật sẽ khiến những câu chuyện họ kể sẽ trở nên cầu kỳ, giật gân lạ thường.
Bản chất của những “bà tám” tốt tính đều xuất phát từ cái tính vô lo vô nghĩ, để ý và quan tâm người khác. Đôi khi cuộc sống nhàm chán, những mẫu chuyện phiếm trong ngày lại khiến họ “có thêm thông tin,” và để học cái sai của người khác để biết còn tránh. Họ vô hại, không xấu tính, có khiếu kể chuyện, nhưng có cái tật bao đồng, nhiều chuyện, thích soi mói lại đôi khi hơi phiền phức.
Bên cạnh những bà tám chính hiệu đó, các bạn trẻ ngày nay cũng “học đòi” theo khi thói quen “hóng hớt drama” trở thành một “đặc sản” của cộng đồng mạng. Nhiều người trẻ cho rằng “drama” là “món ăn tinh thần” ngày nào cũng phải có, nếu không có thì ngày hôm đó “nhạt nhẽo” không để đâu cho hết. Thêm nữa, khi cuộc đời quá nhiều “drama” thì tất nhiên cũng phải “hóng” để còn hòa nhập, trò chuyện cùng mọi người nếu không muốn trở thành “người rừng.”
Nhiều bạn trẻ cho rằng, những câu chuyện của người khác lại cho họ thêm nhiều góc nhìn khác về cuộc sống, đôi khi lại quá “trần trụi” mà trên sách báo hay các phương tiện truyền thông chính thống lại ít thấy hơn. Những tin tức “bóc phốt” nghe chừng như là việc làm của những kẻ “vô công rỗi nghề,” nhưng thật chất lại truyền đạt những bài học về cuộc sống, dạy người xem sống như thế nào để không “sai” như những vụ bê bối rùm beng khắp trên mạng xã hội. “Drama” có thể cho người xem những sự thật được che đậy sau bức bình phong hào nhoáng của một người, để rồi bản thân tự nhủ rằng không nên đặt quá nhiều niềm tin vào ai đó, và phải có cái nhìn cẩn trọng hơn vào những gì mình thấy.
Mặt trái của “hóng drama” – những kẻ bắt nạt
Việc tụm năm tụm bảy, kết bè kéo phái để bàn chuyện phiếm, “hít drama” lại đôi khi trở nên cực đoan và độc đoán khi nội dung của những vấn đề được mổ xẻ với mục đích công kích hay làm tổn thương người khác.
Hiện nay, các vụ “drama” thường được lan truyền với tốc độ chóng mặt nhưng độ xác thực vẫn luôn là một dấu hỏi lớn khiến người “hít drama” có khả năng tiếp nhận thông tin lệch lạc. Hơn nữa, những đối tượng bị “bóc phốt” sẽ trở thành con mồi của vô vàn lời nói cay nghiệt.
Vài năm gần đây, bắt nạt qua mạng (cyber-bullying) đã trở thành vấn đề nhức nhối đối với cộng đồng mạng, là một nỗi ám ảnh với nhiều người, đặc biệt là bộ phận thanh thiếu niên bị “bóc phốt.” Bắt nạt qua mạng là hành động sử dụng công nghệ thông tin để làm tổn hại hay quấy rầy người khác với chủ ý xấu, bao gồm hành vi tung lên Internet những hình ảnh, bài viết, tin đồn gây ảnh hưởng tới uy tín của nạn nhân.
Hàng loạt những thông tin về các sao Hàn đã chọn cái chết để “giải thoát” bản thân khỏi những lời cay nghiệt của cộng đồng mạng. Theo tờ Reuters, năm 2019, chỉ trong vòng 1 tháng đã có đến 2 nghệ sĩ Hàn tự kết liễu đời mình – làm dấy lên sự quan tâm của công chúng về những vụ công kích nhắm vào mỗi cá nhân và nạn bắt nạt trên mạng. Kết quả của một cuộc khảo sát ý kiến được thực hiện bởi Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố vào ngày 04/09/2019 cho thấy:
- 21% thanh thiếu niên ở Việt Nam tham gia khảo sát thừa nhận mình là nạn nhân của hiện tượng bắt nạt trên mạng.
- 3/4 trong số họ khẳng định các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Snapchat và Twitter là những nền tảng phổ biến nhất xảy ra bắt nạt trên mạng.
- 44% thừa nhận chính họ có trách nhiệm chấm dứt bắt nạt trên mạng và 30% cho rằng đó là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng.
Để biết rõ hơn về nạn bắt nạt và những hậu quả khôn lường của nó, tham khảo bài viết này
Cho đến thời điểm hiện nay thì drama đối với “hội bà tám” chính là thú vui hằng ngày khi đó là dịp để họ được nói ra những vấn đề bất bình và nỗi lòng của bản thân mình. “hóng drama” căn bản là vô hại nếu người “hóng” văn minh và biết điểm dừng. Đôi khi, chính những việc làm thiếu suy nghĩ của một người lại trở thành gây ra những hậu quả đáng tiếc cho người trong cuộc. Và khi sự việc đã trở nên không thể cứu vãn được nữa, thì nỗi ân hận và những lời xin lỗi sẽ không có tác dụng gì nữa.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Doomscroll: Thói quen dìm mình trong tin buồn
Sống sót trong thời đại quá tải thông tin