Tờ tiền giấy đầu tiên của Việt Nam (1884 – 1945)
Tờ tiền giấy đầu tiên được lưu thông ở Việt Nam là đồng Đông Dương có mệnh giá 100 đồng bạc, do Ngân hàng Đông Dương của Pháp phát hành và và lưu thông tại ba nước Lào, Campuchia và Việt Nam từ năm 1884 đến năm 1945.
Mặt trước của tờ tiền bạc Đông Dương có in hình ba cô gái mặc trang phục truyền thống của ba quốc gia, và mặt sau ở mỗi tờ tiền của mỗi nước sẽ khác nhau. Theo đó, tờ bạc Campuchia có mặt sau là hình ảnh đền Angkor, của Lào là một thiếu nữ đang hái hoa cúng lễ, và Việt Nam có hình của vua Bảo Đại.
Tiền giấy do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành (từ 1945)
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, tiền đồng cũng chính thức được in và lưu thông, thay thế cho đồng bạc Đông Dương.
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành hai loại tiền là Giấy bạc Việt Nam và Tín phiếu.
Giấy bạc Việt Nam (còn gọi là Giấy bạc tài chính) phát hành từ năm 1945 – 1951 và được lưu hành rộng rãi chủ yếu tại miền Bắc Việt Nam và khu vực Trung bộ.
Mặt trước tiền đồng có dòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa in bằng chữ quốc ngữ, chữ Hán và hình Chủ tịch Hồ Chí Minh – nên người Việt Nam thời ấy luôn gọi tiền giấy là giấy bạc Cụ Hồ. Mặt sau in hình về công, nông, binh và dòng chữ Giấy bạc Việt Nam. Giá trị giấy bạc được ghi bằng tiếng Việt, Miên, Lào; số dùng là Ả rập. Trên mỗi giấy bạc đều có chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Giám đốc Ngân hàng Trung ương.
Ở Nam Bộ, do tình hình chiến sự với Pháp lan nhanh nên một số vùng căn cứ kháng chiến từ năm 1947 được lưu hành giấy bạc riêng, chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ. Tín phiếu (hay Phiếu tiếp tế) được dùng để lưu hành nội bộ trong các tỉnh thành như Tây Ninh, Trà Vinh và Cần Thơ, giúp lưu thông lương thực và nhu yếu phẩm trong phạm vi các tỉnh và với chính quyền trung ương.
Lưu hành hai đồng tiền tại hai miền Nam – Bắc (1950-1975)
Từ năm 1954 đến năm 1975, nước ta bị phân chia thành hai hai miền Nam – Bắc, mỗi miền lại có một loại tiền riêng nhưng vẫn gọi chung là tiền đồng.
Ngày 06/05/1951, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập. Tiền giấy do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành chính thức được đưa vào sử dụng – cũng là lúc quá trình in và phát hành Giấy bạc Cụ Hồ kết thúc vai trò lịch sử. Hình thức tiền ngân hàng khá giống với trước đây và chỉ thay đổi về các bức hình in ở mặt sau cùng màu sắc ở mỗi mệnh giá tiền.
Bên cạnh đó, khi Mỹ tiếp quản miền Nam ngay sau Pháp vào năm 1954, ảnh hưởng của Mỹ bắt đầu len lỏi vào cuộc sống người dân miền Nam. Việt Nam Cộng hòa cũng bắt đầu cho phát hành tiền giấy. Phong cách thiết kế gần giống với tiền đô la của Mỹ – với bốn góc của tờ tiền là mệnh giá tiền, hình ảnh in trên tờ tiền về người nông dân, người lính và các anh hùng dân tộc.
Tiền sau giải phóng 1975
Sau giải phóng đất nước 30/04/1975, tiền lưu hành ở miền Nam mất giá và được đổi tên thành tiền giải phóng. Bên cạnh đó, chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiệm vụ thu đổi tiền cũ ở cả hai miền, thống nhất tiền tệ toàn quốc, đánh dấu thời kỳ phát triển mới trong tiền tệ nước ta.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chịu trách nhiệm phát hành các loại tiền kể từ đó cho đến nay.
Tiền Việt Nam ngày nay
Tiền 500 đồng Việt Nam: Cảng Hải Phòng
Hình ảnh được tin trên tờ tiền Việt Nam mệnh giá 500 đồng là cảng Hải Phòng nằm tại hai quận Hồng Bàng và Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Được hình thành từ năm 1876, trải qua hơn 142 năm phát triển, cảng Hải Phòng được xem là cửa khẩu giao lưu hàng hóa, xuất nhập khẩu quan trọng của quốc gia.
Tờ 1,000 đồng Việt Nam: Cảnh khai thác gỗ Tây Nguyên
Tờ tiền 1,000 đồng là hình ảnh khai thác lâm sản (gỗ) của đồng bào các dân tộc người Tây Nguyên.
Tờ 2,000 đồng Việt Nam: Xưởng dệt Nam Định
Tờ 2,000 đồng là hình ảnh các cô công nhân đang làm việc tại Xưởng dệt Nam Định. Đây từng là nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương và là nơi phát triển mạnh của phong trào công nhân thời kỳ cách mạng. Bối cảnh sản xuất tại Xưởng Nam Định được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chọn in lên tờ tiền 2,000 đồng, phát hành vào năm 1988 cho đến nay.
Tờ 5,000 đồng Việt Nam: Nhà máy thuỷ điện Trị An
Nhà máy thủy điện Trị An Đồng Nai, được xây dựng năm 1984 và đưa vào hoạt động năm 1991. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng cung cấp hàng tỷ Kwh mỗi năm cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tờ 10,000 đồng Việt Nam: Cảnh khai thác dầu khí
Mỏ dầu Bạch Hổ được tái hiện trên mặt sau của tờ tiền 10,000 đồng polymer. Bạch Hổ thuộc bồn trầm tích Cửu Long, cách bờ biển Vũng Tàu 145km, trữ lượng khoảng 300 triệu tấn và được khai thác thương mại từ giữa năm 1986.
Tờ 20,000 đồng Việt Nam: Phong cảnh Chùa Cầu, Hội An, Quảng Nam
Bất cứ ai đến Hội An đều không thể không ghé qua Chùa Cầu, hay còn gọi là cầu Nhật Bản bởi trước đây cây cầu này do thương nhân Nhật góp tiền xây dựng từ thế kỷ XVII. Nay là biểu tượng của phố cổ Hội An.
Tiền 50,000 đồng Việt Nam: Phong cảnh Huế
Nghênh Lương Đình và Phu Văn Lâu bến sông Hương (Thừa Thiên – Huế) được xây dựng dưới thời Nhà Nguyễn dùng làm nơi nghỉ chân của nhà vua trước khi lên thuyền rồng thưởng ngoạn cảnh sông Hương hoặc làm nơi hóng mát.
Tiền 100,000 đồng Việt Nam: Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Văn Miếu – Quốc Tử Giám – trường Đại học đầu tiên tại Việt Nam được in trên tờ tiền 100,000 đồng. Công trình Khuê Văn Các tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.
Tiền 200,000 đồng Việt Nam: Vịnh Hạ Long
Hòn Đỉnh Hương – Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Phiến đá có hình một lư hương khổng lồ đứng giữa biển khơi như một vật linh thiêng cúng tế trời đất. Đây là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam – bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh.
Tiền 500,000 đồng Việt Nam: Phong cảnh nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên
Tờ tiền 500,000 đồng là tờ tiền có mệnh giá lớn nhất hiện nay ở Việt Nam, hình ảnh ngôi nhà năm gian ở làng Sen (Nam Đàn, Nghệ An), gợi nhắc về làng quê Việt giản dị. Ngôi nhà thuộc khu di tích Kim Liên, một trung tâm du lịch lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa – lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình.
Nguồn: VietNamFinance, Vạn Vật Hình Thành, dulichvietnam
Xem thêm:
Quốc kỳ Việt Nam qua những thăng trầm lịch sử
Có gì bên trong Dinh thự Tổng lãnh sự quán Pháp?
Xe đạp – Những chiếc xe chở nặng ký ức ngày xưa
Thảo luận về bài viết