#HọNóiLà là những câu chuyện, góc nhìn và trải nghiệm từ các nhân vật khách mời của TML.
Không ít lần chính chúng ta hay những người bên cạnh từng nhìn thấy một bé trai khóc và nói với cậu ấy rằng “con trai thì phải mạnh mẽ không được khóc”, đó là một trong những lần đầu tiên trong đời chúng được truyền cho tư tưởng về tính nam độc hại.
Để duy trì một hình ảnh “chuẩn chỉnh”, đàn ông phải tỏ ra cứng rắn cả về thể chất lẫn tinh thần. Những đặc điểm bên ngoài như râu ria, cơ bắp, giọng nói, cách ăn mặc v.v. thường được dùng để mô tả sự nam tính. Nhậu nhẹt, bia rượu, thể thao, rock, bạo lực đều là những sở thích, tính chất được gắn với sự nam tính.
Trước những áp lực của kiến tạo xã hội (social construct) về tính nam, có không ít người đàn ông đã phải luôn kìm nén cảm xúc, nói dối về những lúc bản thân yếu đuối để giữ hình ảnh nam tính, “trụ cột của gia đình.”
Vì thế, tháng 4 này, The Millennials Life muốn được cùng bạn Hiếu-ck RAY chia sẻ về những lời nói dối của cánh mày râu khi phải cố tỏ ra mạnh mẽ và cứng rắn để xứng với những kỳ vọng xã hội về sự nam tính.
Hiếu-ck RAY – tên thật là Vương Gia Hiếu, được biết đến vai trò là cựu thành viên nhóm nhảy St.319 của Việt Nam và là một vlogger tài năng với kỹ năng quay dựng video không chê vào đâu được.
Bắt đầu du học từ cấp ba với học bổng toàn phần tại Raffles Institution, Singapore (2008 – 2011), Hiếu sau khi hoàn thành A-Levels tại Sing đã chọn Đại học Warwick, Anh để theo đuổi bằng cử nhân ngành Chính trị và Quan hệ Quốc tế (2012 – 2015). Hiện tại, Hiếu đang là Chuyên gia tư vấn chiến lược kinh doanh (Strategy consulting) cho PwC Strategy& London và là một YouTuber tài năng.
– Thạc sĩ ngành Kinh doanh Quốc tế – Cử nhân ngành Chính trị và Quốc tế học tại Đại học Warwick (Anh)
– Kênh YouTube Hiếu-ck RAY với 46,000 subscribers và 7 triệu lượt xem
– Quán quân SVUK’s Got Talent 2015 (BGK gồm Hà Anh Tuấn, MC Diễm Quỳnh, Linh Nga và Aiden Nguyễn)
– Quán quân Special Guest Performer cho SVUK The A Generation 2017 (cùng Vũ Cát Tường và Lê Hiếu)
3 sản phẩm bạn tự hào nhất trong cuộc đời của mình?
Bitcoin mình mua từ năm 2016.
Nhưng nếu trả lời nghiêm túc thì mình tự hào nhất về những sản phẩm sáng tạo của mình:
- Dance choreographies
- Cinematic travel content
- Scrapbook lưu niệm của mình
5 từ miêu tả về bản thân?
Sáng tạo, Lý trí, Hoài cổ, Nhìn xa trông rộng, Hài hước.
Theo bạn, thế nào là nam tính / không nam tính? Hiếu hãy tự nhận xét xem mình có phải là một người nam tính không?
Định nghĩa về “nam tính” có thể được nhìn theo hai khía cạnh: sinh lý và do kiến tạo của xã hội. Mình sẽ chỉ tập trung vào ý thứ 2 thôi.
Tuy xã hội, văn hóa ở mỗi quốc gia là khác nhau, nhưng nhìn chung thì ở nơi đâu những tính cách như “dũng cảm”, “lớn tiếng”, “mạnh dạn”, “khỏe mạnh” và thậm chí “bạo lực” cũng được gắn liền với các bạn trai. Sự “nam tính” còn được thể hiện qua việc người con trai này thích màu gì, có hoạt động thể thao không, có phải là người “đàn ông trong gia đình” không, v.v.
Theo mình, những áp đặt này đến từ nhiều phía – không chỉ từ con trai với nhau mà còn từ phái nữ và những kỳ vọng của họ về những gì được gọi là “nam tính”. Những “chuẩn mực nam tính” này đã được hình thành và tồn tại qua hàng ngàn năm nay rồi và giờ chúng ta là những người kế thừa chúng.
Theo định nghĩa này, mình có thể nhận mình là người “nam tính”.
Hãy kể về một việc làm “nam tính” nhất bạn đã từng làm?
Một trong những việc “nam tính” nhất mình từng làm là xem bóng đá, quát tháo vào màn hình tivi, trong khi đang uống bia.
Những bạn khác có thể trích dẫn những ví dụ như thắng giải đấu vật của trường, chặn đường kẻ cướp bà già, hoặc thậm chí là xung phong nhập ngũ để bảo vệ tổ quốc. Những ví dụ này phần lớn được hình thành từ những tính cách mà xã hội áp đặt lên nam giới như mình đã nêu ở trên.
Bạn định nghĩa thế nào là “nam tính độc hại”?
Sự “nam tính độc hại” phát sinh khi nam giới thể hiện – thậm chí tôn vinh, những hành động, lời nói có hại tới phụ nữ, xã hội và kể cả chính bản thân họ. Bạo lực, văng tục chửi thề để thể hiện “cá tính”, thái độ trọng nam khinh nữ, và xem thường những bạn nam không cùng chung sở thích “nam tính” của mình đều là những biểu hiện của sự “nam tính độc hại.”
Theo bạn, đâu là những áp lực nam tính vô lý nhất mà đàn ông phải chịu đựng?
Mình có thể nhìn vấn đề này qua hai lăng kính khác nhau. Về mặt tài chính, áp lực nam tính vô lý có thể kể đến là kỳ vọng của xã hội vào người đàn ông phải là “trụ cột gia đình” và phải là người đem lại sự ổn định về kinh tế.
Trong thời kỳ toàn cầu hoá và càng nhiều phụ nữ có cơ hội học tập và làm việc, mình thấy vai trò “trụ cột” đó không nên được phân chia một cách trắng đen như vậy. Điều quan trọng là cặp đôi phải có sự thấu hiểu và đồng tình để cùng xây dựng tổ ấm.
Không nên mặc định những suy nghĩ người con trai là người phải gắng lấy hết trách nhiệm kinh tế gia đình, hay việc cơm nước và chăm lo nhà cửa là trách nhiệm của phụ nữ. Đối với mình, đây mới là suy nghĩ cầu tiến và hiện đại.
Từ góc nhìn xã hội, chúng ta quá quen với những câu nói “đàn ông con trai không được khóc”, “đàn ông con trai thì phải mạnh dạn lên”, “đàn ông con trai phải chơi thể thao” v.v. Nếu một bạn trai thích chơi violin thay vì đánh bóng rổ cùng lứa bạn và điều này đem lại niềm hạnh phúc và đam mê cho bạn, vì sao chúng ta phải ngăn cản?
Ngoài ra, việc nam giới bộc lộ tình cảm với bạn bè và cả người thân trong gia đình cũng được coi là yếu đuối. Điều này đôi khi lại làm ảnh hưởng đến những mối quan hệ xung quanh chỉ vì từ bé đến lớn chúng ta không được “lập trình” để biết chia sẻ tình cảm.
Post vào đây một bức ảnh có thể bị coi là “không nam tính” nhưng bạn vẫn thấy “ngầu”. Giải thích 2-3 câu về nó.
Hai năm trước, mình và vợ quyết định chụp ảnh cưới với concept “gender swap”(hoán đổi giới tính). Mình mặc áo vest vắt chéo khà là “điệu đà” và khoác trên mình một chiếc túi handbag. Trong khi đó vợ mình mặc bộ suit nam tính và cool ngầu. Mình rất thích shoot này vì nó rất lạ và khác với những gì phần lớn số đông đã từng làm và thực sự mình cũng không để ý đến suy nghĩ người khác. Đơn giản là mình thích thì mình làm thôi.
Cuối cùng, bạn có thể chia sẻ một quan điểm của bản thân về tính nam độc hại?
Đối với mình, có một sự tương quan giữa áp lực của kiến tạo xã hội về tính nam với nam tính độc hại. Tuy mỗi chúng ta là những thành phần và chịu tác động bởi xã hội (creatures of society), để thay đổi những định kiến trên về định nghĩa nam tính và đẩy lùi nam tính độc hại, chúng ta cần phải nâng cao nhận thức của bản thân và những người xung quanh.
Đối với những bạn nam, mình chỉ có một thông điệp nho nhỏ thôi: hãy hình dung bạn có một cô con gái và hãy đối xử với mọi người xung quanh giống những gì bạn mong muốn cô con gái mình nhận được.
Mình sẽ không hài lòng nếu một người con trai muốn cưới cô con gái mình với suy nghĩ người phụ nữ này phải “dễ nghe dễ bảo”. Vì thế, bản thân mình cũng sẽ tự nhủ sẽ không bao giờ có những suy nghĩ như thế.
Đây cũng là một trong những cách tất cả các chúng ta có thể nâng cao nhận thức của bản thân về “nam tính độc hại.”
Ảnh: NVCC
Xem thêm:
#HọNóiLà: Vănguard – Tập zine đầu tiên trao quyền cho cộng đồng LGBTQ+ Việt Nam
#HọNóiLà: Dusse B – “Việc bắt đầu một cái gì mới đôi khi đúng là một kiểu hành xác…”
#HọNóiLà: Chúng mình hỏi cánh đàn ông, “Lần cuối bạn khóc là khi nào?”
Thảo luận về bài viết