#HọNóiLà là những câu chuyện, góc nhìn và trải nghiệm từ các nhân vật khách mời của TML.
Có thể bạn không biết, Props Styling vẫn còn là một khái niệm mới lạ, đến nỗi chính khách mời của bài viết này cũng gặp khó khăn mỗi khi phải trả lời thắc mắc của mọi người về công việc của mình với người ngoài ngành, đặc biệt là gia đình.
Bật mí nhanh thì Props Styling là công việc liên quan đến quản lý, thiết kế đạo cụ. Để hiểu rõ hơn về công việc này, The Millennials mời bạn cùng theo dõi phần “tâm sự qua chữ” của bạn Uyên Trương – một props stylist hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, với châm ngôn “không có đam mê cũng chẳng sao, chỉ cần mê cuộc sống là được”.
Bạn có thể giới thiệu một chút về mình không?
Xin chào, mình là Uyên Trương, nhưng mọi người vẫn thường gọi là Bún. Mình hiện đang làm việc tự do liên quan đến sản xuất hình ảnh, chủ yếu là Set Design & Props Styling. Hy vọng qua lần chia sẻ này, các bạn sẽ hiểu thêm về một nghề ít được nghe đến cũng như sẽ có nhiều động lực hơn trên con đường tìm kiếm một công việc yêu thích cho bản thân mình.
Props styling có vẻ vẫn còn là một công việc mới và lạ đối với nhiều người Việt. Bạn có thể giải thích một chút về công việc này không?
Mình luôn gặp khó khăn để giải thích công việc mình đang làm với người ngoài ngành, đặc biệt là gia đình (cười).
Hiểu ngắn gọn, tất cả những gì xuất hiện trong khung hình mà không phải là con người thì sẽ do Props Stylist quản lý. Đó có thể là đạo cụ sưu tầm, tự làm, hoặc bối cảnh tự thiết kế v..v.. Props đơn giản là đạo cụ để chụp ảnh, quay phim.
Tại sao Bún lại chọn Props styling mà không phải những công việc khác?
Từ nhỏ mình đã có thói quen quan sát về những điều bản thân thích và không thích. Nhưng một đứa trẻ thì không thể nào biết chính xác mình sẽ theo nghề gì, dù biết rõ sau này lớn lên sẽ làm việc liên quan đến nghệ thuật.
Mình đã từng học thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa, được gặp những người thực sự đam mê và giỏi công việc họ đang làm. Từ đó, mình nhận ra điều mình thích không phải chỉ là thiết kế, mà chính là cảm giác tạo ra được một sản phẩm mà mình có thể đụng chạm cầm nắm. Và làm props (đạo cụ) là một trong những nghề như thế – mình có thể tạo ra một thứ gì đó hiện hữu ngay trước mắt mình.
5 gạch đầu dòng quan trọng cần hoàn thành trước khi trao sản phẩm đến tay khách hàng?
Số lượng, kích thước, màu sắc, trừ hao những gì chắc chắn cần và dự phòng những gì có thể cần.
Niềm vui lớn nhất trong công việc hiện tại? Props đã thay đổi cuộc đời bạn ra sao?
Mình nghĩ mình không có ước mơ hay đam mê gì lớn. Điều khiến mình vui nhất với công việc hiện tại chính là cảm giác được làm những gì mình có khả năng và được tin tưởng. Làm việc với props thỏa mãn được thú vui sưu tầm và “tạo ra” của mình. Nó giúp cuộc sống mình thú vị hơn.
Props đầu tiên Bún làm là gì? Khi mới làm props thì đâu là những khó khăn bạn gặp phải?
Không nhớ nổi props đầu tiên. (Cười)
Mọi thứ ban đầu đều mới với mình. Cái gì mới thì cũng luôn mang lại hai cảm xúc song song – vừa hào hứng vừa sợ hãi. Khó khăn lớn nhất có thể là việc mình phải cân bằng hai cảm xúc đó. Bản thân mình cũng phải luôn không ngừng học hỏi những điều mình chưa biết cũng như cố gắng tận dụng những kiến thức có sẵn của bản thân.
Bún có thể khoe với bọn mình project bạn yêu thích nhất không?
Cho đến thời điểm hiện tại project mình yêu thích nhất là PINO – READY 2BHOME. Đó là một dự án cá nhân mình cùng làm với DigiStory Studio.
Đề bài ban đầu chỉ đơn giản là làm lại một chiếc thùng thu gom pin đã qua sử dụng, nhưng sau đó tất cả mọi người trong team đều rất hào hứng với tạo hình mà mình làm nên đã phát triển thành một bộ ảnh, thậm chí là chuyển động và làm thành những đoạn stop motion ngắn cho nhân vật PINO.
Toàn bộ nguyên vật liệu mình dùng để tạo hình đều là “ve chai” mà mình xin được, không hề có phác họa cụ thể, mình chỉ ngồi đó nhìn đống đồ cũ và tưởng tượng ra PINO từng phần một. Mình muốn “tái chế” ra PINO và cho PINO một mái nhà, cũng giống như pin đã qua sử dụng cũng cần có nơi để về.
3 điều (tính cách hoặc kỹ năng) một người cần có khi làm props styling?
Bạn cần phải là một người có tư duy về mặt hình ảnh tốt, cẩn thận và … kiên nhẫn.
Hãy kể về một props kì công nhất mà Bún đã thực hiện.
Đối với mình, đạo cụ luôn luôn là một thứ kỳ công và mỗi một project đi qua mình gần như kiệt sức (cười). Cũng như bao nghề khác, nó đòi hỏi công sức và cái tâm của người làm rất nhiều để tạo ra sản phẩm hoàn thiện cuối cùng, nên là props nào của mình cũng là “kì công” hết.
Những điều chỉ có người làm props mới hiểu được? Bún đã làm gì với những dự án props đã hoàn thành? (gỡ bỏ, giữ lại, hay tái sử dụng)
Chắc chỉ có người làm props mới hiểu được tại sao lại “tốn thời gian” như vậy. Nói chính xác hơn, “tốn thời gian” không có nghĩa là thời gian dành ra bị lãng phí, mà là vì muốn sản phẩm chỉn chu nên mới cần đầu tư thời gian. Nhiều lúc đạo cụ trông có vẻ đơn giản, nhưng mà bạn biết đó, cái gì càng đơn giản thực ra lại càng khó.
Bún và mọi người trong team thường giữ lại một số props đặc biệt để làm kỉ niệm. Nếu có thể tái sử dụng thì mình mang về. Nhưng phần lớn thì sẽ do phía nhà sản xuất quyết định.
Một yêu cầu dở khóc dở cười từ khách hàng mà bạn không thể quên được?
Chuyện nghề thì có thể kể đến sáng mai cũng chưa hết, nhưng đáng nhớ nhất đó là có khách hàng đã yêu cầu mình giảm chất lượng lại để tiết kiệm kinh phí, có nghĩa là dù làm xấu hơn họ cũng chấp nhận. Mình thực sự không biết nên khóc hay nên cười khi nghe câu đó.
Một siêu năng lực bạn muốn có?
Teleport. Bưng props mệt quá. Đi làm mình luôn đùm đề các thứ nên mình ước gì búng tay một phát tới ngay chỗ làm.
Props styling có phải là một nghệ sĩ?
Mình nghĩ là không. Nếu vậy người ta sẽ gọi mình là artist đúng không?
Nghệ sĩ tạo ra tác phẩm với mong muốn được giãi bày suy nghĩ và hình ảnh trong đầu họ. Người xem có thể hiểu hoặc không hiểu. Mình nghĩ Stylist nghiêng về thiết kế hơn. Sản phẩm tạo ra cần phải chuẩn xác, dùng được, rồi mới đến đẹp.
Tại sao props đang trở nên ngày càng quan trọng?
Mình nghĩ là do nền công nghiệp sản xuất hình ảnh nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang trở nên rất phát triển. Bao quanh chúng ta là hình ảnh mà. Để tạo nên hình ảnh, cần cả một ê kíp hùng hậu phía sau. Ai cũng quan trọng cả, không thể thiếu người nào.
Vì vậy với mình, ai cũng nên được tôn trọng và trân trọng.
Bún có lời khuyên nào cho những bạn mới theo đuổi nghề làm props không?
Mình muốn nhắn nhủ các bạn trẻ đừng tuyệt vọng. Bạn có thể chưa tìm được ước mơ hay đam mê, nhưng mình hy vọng bạn sẽ “mê” cuộc sống này. Khi đó, dù bạn làm gì, bạn cũng sẽ thấy vui. Và nếu muốn theo nghề props, hay bất kì nghề gì, cứ theo thôi, cứ làm thôi, rồi sẽ có chỗ cho mình.
Một nhận xét hay đánh giá dành cho sản phẩm của mình mà Bún nhớ nhất?
Mình luôn bất ngờ khi nhận được phản hồi từ team hay từ người ngoài. Lần mình nhớ nhất đó là khi mình nhận được chữ “Respect”. Đó có lẽ là tinh thần mà mình luôn muốn nhận và trao cho mọi người.
Mini game: The Millennials Life sẽ đặt ra 5 câu hỏi. Bạn chỉ được chọn 1 trong 2 và giải thích ngắn gọn trong một câu.
1. Hợp tác với người quen hay làm việc với người lạ
Người lạ – Trước lạ sau quen mặc dù mình sợ người lạ kinh khủng khiếp.
2. Một công việc khiến mình giàu có hay khiến mình vui vẻ
Vui vẻ – Vui thì có thể kiếm thêm tiền.
3. Đồ ngọt hay đồ mặn
Đồ mặn – Mặc dù mình khá thích ngọt, nhưng không thể sống thiếu đồ mặn được.
4. Cái nào tệ hơn: Nói xấu hay Thất hứa
Thất hứa – “Giám thị coi thi không giải thích gì thêm!”
5. Ban ngày hay buổi đêm
Ban ngày – Dù sao sáng sủa vẫn hơn.
Ảnh: NVCC
Xem thêm:
#HọNóiLà: YouTuber Sunhuyn – “Tuổi 25 với mình là đắng, mềm, thức tỉnh, thấu hiểu và cân băng”
#HọNóiLà: Chef T.U.N.G Dining – “Nếu một ngày ngừng làm bếp, sáng tạo là điều mình luyến tiếc nhất”
#HọNóiLà: Photographer Pushinnii – “Lúc không có ‘mood’ mình khó có thể sáng tạo được”
Thảo luận về bài viết