#HọNóiLà là những câu chuyện, góc nhìn và trải nghiệm từ các nhân vật khách mời của TML.
Bài viết có nhiều hình ảnh nhạy cảm, không phù hợp với người dưới 18 tuổi. Hãy cân nhắc kỹ trước khi đọc.
Là một tập zine dành cho LGBTQ+ Việt Nam, Vănguard ra đời với sứ mệnh gắn kết và tôn vinh cộng đồng sáng tạo LGBTQ+ Việt qua các tác phẩm nghệ thuật, văn học và xã hội. Cùng với Aiden Nguyen (phi nhị giới, danh xưng: họ), Thanh “Nu” Mai (phi nhị giới, danh xưng: họ/Nu) đã đồng sáng lập tập zine Vănguard với mong muốn tạo nên một không gian an toàn mà các nghệ sĩ, nhà văn có thể tự do thể hiện cá nhân của mình.
Mọi thứ bắt đầu khá đơn giản. Trở về quê hương Việt Nam vào năm 2014, hai nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt, Aiden và Nu nhận thấy cộng đồng LGBTQ+ nơi đây vẫn chưa nhiều và còn hoạt động rời rạc. Vì thế nên cả hai mong muốn tạo dựng một sân chơi để người trong cộng đồng được sáng tạo và cùng nhau làm nghệ thuật.
Chỉ trong vòng vài tháng sau kỳ nghỉ hè năm 2014, Aiden, Nu và Đăng Bùi (một người bạn cũ đã trở thành thành viên thứ ba của nhóm) đã cố gắng kết nối với các bạn bè, nghệ sĩ underground khác thuộc cộng đồng LGBTQ+ Việt Nam để tạo nên tập Vănguard đầu tiên. Kết quả đã cho ra đời một ấn phẩm toàn cầu tập trung vào nghệ thuật văn học và hình ảnh do các nhà sáng tạo LGBTQ+ Việt Nam tự tay sản xuất.
Các tập zine của Vănguard được trưng bày và nghiên cứu tại các thư viện tạp chí khác nhau trên thế giới. Năm 2019, Vănguard còn được Thư viện Quốc hội Mỹ (Library of Congress) lưu trữ. Không chỉ thế, Vănguard còn được được mời nói chuyện tại Địa Project, DNES & British Council, Cháo Chaosdowntown, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Đại học Northeastern và Đại học M.I.T.
Hiện tại, Vănguard đã trải qua 5 kỳ làm zine và đang trong giai đoạn tìm kiếm đồng đội để hoàn thiện số thứ 6. Do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới cản trở việc di chuyển của Vănguard cũng như các nghệ sĩ, kì zine lần này sẽ được thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Vì thế, nếu các độc giả của The Millennials Life mong muốn được chia sẻ những câu chuyện của mình đến với nhiều người hơn, hãy liên lạc với với Vănguard thông qua Facebook hoặc trang web www.vanguardzine.com
Bên cạnh đó, để các bạn có cái nhìn toàn diện về zine cũng như hiểu sâu hơn về Vănguard, The Millennials Life đã có một buổi gặp và trò chuyện với Nu – đồng sáng lập Vănguard. Một cuộc nói chuyện của những con người cách nhau nửa vòng trái đất đã giúp chúng ta được mở mang tầm mắt về bộ môn nghệ thuật của “những cộng đồng chúng-tôi-biết-mình-ít-và-nhỏ” này, cũng như hiểu hơn về quyển zine dành cho cộng đồng LGBTQ+ đầu tiên tại Việt Nam.
1. Tên Vănguard đến từ đâu?
Cái tên Vănguard đến từ một hôm đi Đà Lạt, đang nằm trên xe thì mình và Aiden chia sẻ việc cảm thấy lạc lõng ở đây.
Vì hai đứa đến từ New York nên hay đi chơi và khi rảnh thì lại vào bảo tàng, phòng tranh. Lúc mới về Việt Nam, hai đứa khó hòa nhập vì đa số các bạn chơi với nhau theo nhóm, có ít các triển lãm cá nhân cho nghệ sĩ, nên ý tưởng làm zine ra đời.
Vanguard trong tiếng Anh có nghĩa là người tiên phong. Tụi mình chơi chữ và dùng chữ văn trong văn hóa để làm nên tên tập zine của tụi mình. Mục tiêu của Vănguard là để đảm bảo tiếng nói cộng đồng LGBTQ+ được nghe thấy và nhìn nhận.
2. Vănguard đã có cho mình bao nhiêu cuốn zine? Tác phẩm nào phản ánh vấn đề lớn nhất của thế hệ các bạn?
Năm 2014, Vănguard ra đời với tập zine đầu tiên bao gồm bảy nghệ sĩ, nhà văn và bạn bè. Mỗi năm khi có dịp về Việt Nam, tụi mình lại cho ra thêm một quyển cho đến nay đã là năm kì.
Kì số 5 đánh dấu cột mốc tụi mình đã tổ chức một buổi triển lãm tại Dorchester Art Projects – Boston gồm tất cả các nghệ sĩ của năm tập zine và các bạn nghệ sĩ biểu diễn.
Vănguard khuyến khích tất cả mọi đề tài mà bạn muốn khám phá nên tụi mình hầu hết không có theme (chủ đề) nhất định. Nhưng vậy mà mỗi tập zine đều phản ánh lên góc nhìn và ảnh hưởng của các nghệ sĩ và nhà văn trong các vấn đề về xã hội, gia đình, tình cảm và tâm lý đương thời.
Hiện tại thì bọn mình vẫn duy trì Vănguard và tác phẩm là sự im lặng của hai đồng sáng lập để tìm ra cho mình giải pháp tiếp theo sau mùa Covid này. Việc tụi mình im lặng và nghỉ ngơi cũng rất quan trọng cho quá trình làm việc chung của hai đứa. Tụi mình đều có công việc và đời sống riêng nên dành thời gian cho việc chu toàn và chăm sóc bản thân là điều thiết yếu.
3. Được biết mỗi kì zine của Vănguard sẽ là một lần “bắt tay” với các nghệ sĩ khác nhau, điều kiện nào để các bạn lựa chọn người đồng hành cùng mình?
Chỉ cần bạn là người Việt trong cộng đồng LGBTQ+ thì bạn đều có thể gửi tác phẩm, không quan trọng bạn sống ở đâu, khả năng như thế nào, loại hình nghệ thuật bạn chọn là gì. Tụi mình chỉ không chấp nhận những tác phẩm phân biệt giới tính, chủng tộc, cơ thể và kì thị trong bất kì trường hợp nào.
4. Những thuận lợi và khó khăn nào trong quá trình làm zine ở Việt Nam?
Khi mới làm nên những tập zine đầu tiên thì việc in ấn khá khó khăn. Vì zine có những hình ảnh và bài viết tự do và đa dạng mà không phải nhà in nào cũng từng thấy qua nên họ thường từ chối. Mình nghĩ họ không nhận in đa phần vì họ xem qua và tự xét nó không phù hợp với “thuần phong mỹ tục” nên tự kiểm duyệt và từ chối.
Điều thuận lợi và may mắn nhất là về yếu tố con người. Các bạn nghệ sĩ và khán giả ở Việt Nam như chờ đợi điều này từ lâu. Họ mở lòng với điều mới mẻ và ủng hộ các dự án vì cộng đồng.
5. 3 điều bạn không hài lòng nhất về công việc của mình?
Thật sự thì không có khó chịu gì cả, vừa làm vừa chơi với đam mê là vui lắm rồi.
6. Làm zine về cộng đồng LGBTQ+ ở Việt Nam có khó?
Cộng đồng nghệ thuật nói chung và LGBTQ+ Việt nói riêng đang tự khẳng định mình không còn là cộng đồng nhỏ nữa. Họ là những người tài giỏi, có năng khiếu, có đầu óc và mắt thẩm mỹ cao. Họ hoạt động tích cực trong xã hội, nên họ thường là các nhà lãnh đạo và những người đi đầu trong mọi phong trào. Sự khó khăn đến từ rào cản của các kết nối xã hội và sự mặc định cho một lề lối, nên cộng đồng vẫn còn rời rạc và chưa có sự hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ.
Khi đọc zine của Vănguard mọi người sẽ thấy rất nhiều ảnh nude xen lẫn với cả bài viết về gia đình, tình cảm, những điều rất thân thuộc mà ai cũng trải qua chứ không hề chỉ toàn đề tài to lớn bên ngoài. Qua đó đọc giả được mời vào hoặc hé nhìn về một phần cuộc đời của một ai đó. Từ đấy mà tạo nên sự đồng cảm cho riêng mình.
7. Những kỉ niệm đáng nhớ và đáng quên nhất khi làm zine?
Mình có rất nhiều kỷ niệm khi làm zine với Vănguard. Từ những lần gặp những người bạn đầu tiên ở Việt Nam như Đăng Bùi, Long Long, Tín, Đạt, Tizone, Phương…đến lúc mất đi những người bạn mà mình yêu quý như nghệ sĩ Lan Anh và Công Thành. Có nhiều việc không thành công nhưng cũng không đáng quên, từ đó mà tụi mình học hỏi được nhiều thứ hơn.
8. Những điều quý giá nhất các bạn đã nhận được khi làm zine?
Ngoài việc mong muốn là nơi mà nghệ sĩ tin tưởng, thì điều đáng quý nhất đó là giới thiệu được các bạn nghệ sĩ LGBTQ+ Việt đến thế giới qua các tập zine được đọc, lưu giữ và nghiên cứu ở các bảo tàng, trường đại học, thư viện…
9. Góp ý “đáng quên” nhất mà team từng nhận được trong suốt quá trình làm việc?
Tụi mình từng bị hỏi rất nhiều là vì sao chọn làm zine nhưng lại không bán với giá cao hơn, làm thành một tập sách ảnh, nói chung các vấn đề xoay quanh việc có lợi nhuận. Việc làm zine không để tạo ra công cụ quy đổi đó, mà là để giải tỏa một khối năng lượng khổng lồ cho tinh thần. Chỉ cần zine đến được với nhiều người và các bạn vẫn có thể đọc zine online miễn phí thì mục tiêu của tụi mình đã đạt được.
10. Nhân vật hư cấu nào các bạn cảm thấy thú vị nhất?
Howl trong Howl’s Moving Castle. Mình thấy anh bạn này thú vị, có thể làm bạn, nếu bị kẹt trong đó luôn thì có thể di chuyển đi khắp các tầng không gian khác và sẽ không bị chán.
Về Vănguard:
Website | Facebook | Etsy
Xem thêm:
“Girls Gone Wild” – Tập zine thêu tay về nữ quyền cấp tiến
Zine – Tiếng nói của những cộng đồng chúng-tôi-biết-mình-ít-và-nhỏ
#HọNóiLà: Cậu bé Thỏ và TUỒNG – Tấm Gương Tâm Khảm: Chúng ta nên mở lòng và yêu thương nhiều hơn
Thảo luận về bài viết