Có những người sinh ra đã có sẵn nét quảng giao. Họ có thể bắt đầu những cuộc trò chuyện một cách dễ dàng, pha trò bất cứ lúc nào cũng như khiến bầu không khí tốt lên chỉ đơn giản bằng cách nói ra những suy nghĩ của mình. Theo các bài phân loại tính cách hiện nay, họ được coi là những người hướng ngoại.
Trái ngược với nhóm trên trên, người hướng nội lại có thể gặp khó khăn khi giao tiếp với người lạ hoặc những ai mới quen. Trong một vài trường hợp, những người xung quanh có thể cảm thấy người hướng nội hơi lạnh lùng, khó gần. Tuy vậy, dù có sống nội tâm, ta vẫn có thể nâng tầm sức hút của mình bằng một vài gợi ý sau.
1. Nắm quyền chủ động
Bất kể bạn có là người trầm tính hay không, trong nhiều trường hợp, ta vẫn sẽ cần phải kết nối, thu hút sự chú ý của đám đông. Thử thách này sẽ đặc biệt khó nhằn nếu bạn không quen biết ai trong hội nhóm đó. Trong hoàn cảnh này, thay vì cố gắng trở thành một người khác, ép bản thân phải cởi mở hoặc nói những điều sáo rỗng, hãy cứ thoải mái chia sẻ những gì bạn yêu thích và muốn nói với mọi người.
Việc trở thành người nắm quyền chủ động sẽ không khiến bạn trở thành người quảng giao nhưng sẽ phần nào giúp bạn có được sự chú ý và kết nối với những người xung quanh, đồng thời thể hiện được sự độc đáo “ngầm” của bản thân.
2. Hỏi ngược lại đối phương
Nếu đã từng tham gia các khóa học về giao tiếp, chắc chắn những người hướng dẫn sẽ nhấn mạnh với bạn về sức mạnh của việc đặt câu hỏi.
Thế nhưng ta nên hỏi những gì? Làm sao để không biến thành kẻ tọc mạch hoặc khiến người nghe cảm thấy như đang bị chất vấn cũng là một vấn đề cần phải lưu ý. Nếu không cân bằng được giữa việc đặt câu hỏi và lắng nghe, rất có thể ta sẽ vô tình gây ra sự khó chịu khi đang cố gắng tìm hiểu ai đó.
Thay vì đặt ra những câu hỏi có thể khiến người khác thấy không thoải mái, bạn có thể sử dụng những câu hỏi ngược – những câu hỏi nhằm giúp đối phươngg được nói về những gì mình muốn. Hãy nghĩ về cuộc trò chuyện như một ván bóng bàn với những đường chuyền vừa đủ để trò chơi kéo dài chứ không phại “hạ đo ván” đối phương. Nó cho phép bạn điều hướng cuộc trò chuyện trong khi người kia kiểm soát đích đến.
Một số ví dụ của câu hỏi ngược gồm:
- Thật ư? Bạn có thể nói thêm về chủ đề này được không?
- Tôi tò mò về cảm xúc của bạn trước vấn đề này?
- Bằng cách nào mà bạn làm được như vậy?
- Ồ. Tôi không nghĩ tới vấn đề này. Câu chuyện sau đó như nào vậy?
- Sao nữa? Đừng dừng lại ở đó. Tôi muốn nghe nốt câu chuyện.
Hãy để một vài câu cảm thán trước hoặc sau mỗi câu hỏi. Nếu chỉ tập trung vào việc đặt câu hỏi, đoạn hội thoại sẽ có phần thô lỗ hoặc mang tới cảm giác như cuộc chất vấn. Câu cảm thán chuyển tiếp sẽ có tác dụng làm “mềm” câu hỏi, khiến cuộc trò chuyện trở nên tự nhiên hơn.
3. Khiến người kia nói về bản thân họ
Những người quảng giao thường mang đến cho người đối diện cảm giác bản thân mình được tôn trọng. Điều tưởng chừng như phức tạp này thức chất có thể thực hiện một cách dễ dàng.
Hãy để đối phương nói về kỹ năng hoặc một đặc điểm mà họ thấy tự hào. Thay vì để cuộc trò chuyện chìm vào im lặng, bạn có thể đưa ra những gợi ý giúp người kia chia sẻ nhiều hơn về bản thân mình.
Hành động đối chiếu thiếu sót của mình và học hỏi về thành tựu của người khác có thể khiến đối phương tự cảm thấy tầm quan trọng của bản thân mà không cần bạn phải đưa ra những lời tán dương cho có, không thành thật.
4. Dành tặng những lời khen thật lòng
Thật tuyệt làm sao khi nghe thấy người khác khen ngợi đôi mắt hay trang phục của bạn ngày hôm nay. Những lời khen khiên cưỡng sẽ khiến đôi bên cảm thấy khó chịu, nhưng những nhận xét tích cực, chân thành lại có thể khiến hình ảnh của bạn trong mắt mọi người trở nên tốt đẹp hơn. Vậy làm sao để đưa ra những lời tán dương một cách tự nhiên, thành thật? Hãy thử so sánh hai câu nói sau:
Lời khen đầu tiên: Bạn là một nhà văn thật giỏi.
Lời khen thứ hai: Bạn đã làm chủ được ngôn ngữ khi có thể khắc hoạ nên những hình ảnh vô cùng sống động chỉ bằng ngôn từ. Những câu chữ diễn ta về loài chim Hồng y phương bắc tìm bạn đời đến giờ vẫn khắc sâu trong tâm trí của tôi.
Lời khen đầu tiên có phạm trù rộng hơn, trong khi lời khen thứ hai đề cập tới một khía cạnh cụ thể hơn. Chi tiết đó cho thấy lời khen này không phải là lời tán thưởng sáo rỗng mà bạn thật sự hiểu rõ mình đang thích thú trước vấn đề gì. Nó cho thấy bạn đã tiếp cận với tác phẩm của họ, thể hiện sự chân thành trong lời khen.
Kết
Hướng nội chỉ là một nhãn hiệu, không phải thứ quyết định hoàn toàn con người bạn. Dù có là người quảng giao hay sống nội tâm, bạn vẫn sẽ luôn có những cách riêng để thể hiện sức hút của mình, miễn là trong quá trình giao tiếp của mình, bạn vẫn luôn giữ được sự chân thành, tự nhiên và tôn trọng những người xung quanh.
Theo Barry Davret
Có thể bạn quan tâm:
#Nghĩ: Người hướng nội và 6 ‘đặc điểm tính cách’ mà chúng ta nên ngừng cho là thật
#Nghĩ: Phong ba bão táp không bằng kết bạn ở tuổi trưởng thành
“Chân cứng đá mềm” đi dự tiệc và trăm suy nghĩ bộn bề của người hướng nội
Thảo luận về bài viết