Với ảnh hưởng của dịch bệnh năm nay, Tuần lễ Thời Trang bản địa Toronto (IFWTO) đã diễn ra với hình thức trình diễn trực tuyến từ ngày 26 đến 29 tháng 11.
Tổ chức 2 năm 1 lần và hiện đang là show thời trang bản địa lớn nhất tại Bắc Mỹ, IFWTO năm nay gây ấn tượng không chỉ bởi những màn catwalk và những bộ sưu tập tiềm năng, mà còn bởi trải nghiệm đa nền tảng, những đoạn phim ngắn ghi lại quá trình xây dựng một bộ sưu tập và những buổi thảo luận thời trang trực tiếp. Dù là thời trang đường phố hay phụ kiện, những nhà thiết kế – xuất thân từ các bộ lạc khác nhau – đều truyền vào tác phẩm của họ những nét đặc trưng văn hóa của bộ lạc và chú trọng tính bền vững của thời trang.
Sage Paul, nhà sáng lập và giám đốc sáng tạo của IFWTO cho hay, “Tuần lễ này được xây dựng dựa trên cộng đồng và cách mỗi người chúng ta sống. Việc nhận ra mình đến từ đâu và những gì ta được truyền lại là điều vô cùng quan trọng. Dù chúng tôi tổ chức một tuần lễ thời trang, chúng tôi cũng chú trọng việc đưa mọi người lại gần nhau hơn.” Ông cũng hy vọng rằng tuần lễ này sẽ tạo cơ hội cho các nhà thiết kế có cơ hội thể hiện cũng như bán các mẫu quần áo, còn người mua có thể nghiên cứu và tìm được món đồ họ cần.
Dù phải trình chiếu trực tuyến, tuần lễ thời trang này vẫn đem lại những trải nghiệm mới lạ và những điểm nhấn về các vấn đề sốt dẻo trên toàn cầu: về môi trường và thời trang bền vững. Sau đây là 5 điều bạn cần biết về tuần lễ này.
1. Format trình diễn khác lạ
Có hơn 15 nhà thiết kế bản địa đã đến với IFWTO năm nay. Từng BST được trình chiếu qua các đoạn phim ngắn được đạo diễn bởi chính IFWTO. Các người mẫu vừa catwalk vừa trình diễn những vũ đạo bản địa. Nhà sáng lập Sean Paul cũng nói thêm sự sáng tạo này giúp người xem có thể thấy như họ đang có mặt tại show diễn, tận mắt chứng kiến những màn biểu diễn này. Những đoạn phim này đều có thể xem trên trang YouTube chính thức của IFWTO.
2. Các BST trung thành với nguồn gốc văn hóa của mình
Các BST trong IFWTO năm nay đều lấy cảm hứng từ văn hóa và con người bản địa. Hai chị em NTK Aunalee Boyd-Good và Sophia Seward-Good của thương hiệu Ay Lelum, một thương hiệu quần áo đời thứ hai của bộ tộc Coast Salish* đã sử dụng các bản in và đường dệt truyền thống trong văn hóa của họ trên những chiếc áo choàng và những bộ trang phục theo phong cách athleisure. Đặc biệt, không thể không nhắc đến những họa tiết như trục xoay và con đại bàng của bộ tộc này. Boyd-Good cho biết: “Trong văn hóa Coast Salish, trục xoay là thứ mà phụ nữ bộ tộc tôi coi trọng nhất, bởi phần lớn mọi người đều làm nghề dệt và may.” Seward-Good chia sẻ: “Đại bàng đã mang lại ánh nắng mặt trời khi con người phải sống trong bóng tối. Biểu tượng này đại diện cho hy vọng và lời cầu nguyện rằng chúng ta sẽ thoát khỏi màn đêm kéo dài này.” Trong khi đó, những NTK khác như Warren Steven Scott (từ bộ lạc Nlaka’pamux Nation) lấy cảm hứng từ quần áo làm từ cây tuyết tùng ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương và thổi đó hơi thở hiện đại; Evan Ducharme (từ bộ lạc Métis) cũng sử dụng cách dệt lấy cảm hứng từ đai quấn Métis*.
*Coast Salish: một bộ lạc sống ở Nanaimo, British Columbia
*Đai Métis: một phụ kiện quần áo của người Métis, có thể dùng như thắt lưng, khăn quàng cổ.
3. Những thiết kế mới lạ
Tuy lấy cảm hứng từ những thiết kế truyền thống, một số thương hiệu, đặc biệt là thời trang đường phố, đã đưa một góc nhìn mới về cách những người bản địa ăn mặc. Người sáng lập Mobilize (hãng thời trang có trụ sở ở Edmonton), ông Dusty LeGrande, đã kết hợp với nghệ sĩ Sabr, cho ra đời những mẫu áo poncho xẻ tà với dòng chữ “I Am Enough” phía trên.
NTK chia sẻ, “Chúng tôi muốn tạo ra những bộ trang phục đề cao tình yêu bản thân. Bản thân tôi là một người đàn ông của bộ lạc, còn Sabr là một phụ nữ da màu Hồi giáo. Cả hai có rất nhiều trải nghiệm và câu chuyện để kể”.
Trong khi đó, Miss Chief Rocka, một thương hiệu quần áo và phụ kiện Nēhiyaw, đã phối những món trang sức kết cườm đầy tinh xảo của mình với trang phục mang đậm phong cách thập niên 80 như đồ vải spandex màu neon và kính mắt to bản. Nghệ sĩ Mohawk Skawennati đem đến IFWTO một BST kết hợp giữa vải dệt kim sa và họa tiết rằn ri, phối hợp cả hai thứ một cách hoàn hảo trên nền những chiếc áo sơ mi ruy băng truyền thống.
4. Một trải nghiệm hoàn toàn trọn vẹn
Ngoài các bộ phim ngắn, trong khuôn khổ tuần lễ IFWTO cũng diễn ra nhiều sự kiện khác. Trên website của IFWTO xuất hiện các gian chợ ảo, bày bán tác phẩm của các NTK bản địa. Một số item đặc biệt có thể kể đến như: những trang phục kết cườm từ NTK Skye Paul (Running Fox Beads); giày da kết cườm và lót lông của nghệ sĩ Anishinaabe Sheila Demerah. Paul nói, “Chúng tôi vận hành như một công ty tổng hợp. Nếu gian chợ IFWTO hết hàng, mọi người có thể sang website chính thức của các NTK để tiếp tục mua nếu họ yêu thích chúng.”
Ngoài ra, IFTWO cùng Đại học Ryerson đã cùng nhau tổ chức một chuỗi các buổi thảo luận trực tiếp, bao gồm buổi trò chuyện với nghệ sĩ Métis hàng đầu Christi Belcourt, cũng như các buổi thảo luận về cách các nhà thiết kế người bản địa tận dụng và tôn trọng truyền thống văn hóa từ vùng đất của họ, bên cạnh nhiều chủ đề khác.
5. Thời trang bền vững
Tính bền vững là một phần không thể tách rời trong thiết kế bản địa, và những NTK đã làm nổi bật đặc tính này trong BST của họ. Đơn cử như Mobilize đã tái sử dụng những chiếc áo hoodie vintage hoặc các mẫu khác trong BST rồi tùy chỉnh chúng. LeGrande chia sẻ, “Tôi mua ở các cửa hàng đồ cũ, nhưng đa số những món tôi kiếm được là do trao đổi đồ và từ chính gia đình mình. Có một mẫu trench coat còn nét bút Sharpie, vì cái đó chính tay tôi vẽ vào hồi nhỏ mà.”
Những nghệ sĩ như Tania Larsson (thợ kim hoàn người Gwich’in), Bobby Itta (nghệ sĩ thời trang người Inupiaq) và những người thợ may khác đã chia sẻ về cách họ loại bỏ chất thải, sử dụng các nguyên liệu một cách có ý thức, đồng thời không quên “trả lại” những gì họ đã lấy đi từ Đất Mẹ. Larsson chia sẻ, “Đó là quá trình tìm hiểu bản thân và tôn vinh truyền thống của chúng tôi, cũng như thấy được những điều đó đáng quý và thiêng liêng đến nhường nào. Đồng bào và quê hương là thứ chúng ta nên đặt lên trên hết thảy.”
Thảo luận về bài viết