#WorkHoursLove là series các câu chuyện thú vị về mọi ngành nghề, thể hiện tinh thần tích cực, tiến bộ của người Việt Nam do The Millennials Life hợp tác sản xuất nội dung với cộng đồng Digikigai
Buổi trò chuyện International Product Teams Collaboration Challenges and Opportunities với sự góp mặt của hai khách mời đặc biệt: chị Joanna Chilicka – Co-founder và Product manager Onteractive và anh Alex Hoang – Co-founder và Head of Design Onteractive, hứa hẹn mang đến những kinh nghiệm, giải pháp hữu ích để tìm ra “giấy thông hành” vào các thị trường khó tính nhưng tiềm năng lớn như Mỹ hoặc châu Âu!
Bài viết được The Millennials Life biên tập từ
nội dung podcast International Product Teams Collaboration Challenges and Opportunities
Joanna và Alex có thể giới thiệu về mình trước khi chúng ta vào phần phỏng vấn?
Joanna: Xin chào, tôi là Joanna Chilicka, người Ba Lan, đồng sáng lập của Onteractive. Tôi được đào tạo chuyên ngành về thương hiệu (branding) và truyền thông. Công việc của tôi tại Onteractive xoay quanh việc phát triển thương hiệu và những sản phẩm chúng tôi cung cấp.
Onteractive được thành lập tại Ba Lan. Hai năm sau đó, nhận thấy tiềm năng vô cùng lớn của thị trường Việt Nam nên chúng tôi về đây để xây dựng đội ngũ. Song phần lớn khách hàng của Onteractive vẫn là từ thị trường Âu-Mỹ vì chúng tôi hiểu rõ hơn về văn hóa và nhu cầu của họ. Hơn nữa, cả tôi lẫn Alex đều từng có thời gian sinh sống cũng như kinh nghiệm làm việc với các khách hàng từ thị trường này trước đây.
Alex: Đồng nghiệp và khách hàng gọi tôi là Alex, nhưng tên thật của tôi là Đạt. Tôi bắt đầu sự nghiệp của mình với vị trí kỹ sư phần mềm. Nhưng thành thật mà nói thì công việc đó với tôi không mấy hào hứng.
Trong một lần tình cờ cách đây 8 năm, sếp yêu cầu tôi dùng photoshop để thiết kế cho một khách hàng nước ngoài. Tôi làm thử và “bén duyên” với design từ đó. Cứ vừa làm vừa tìm tòi học hỏi. Thời điểm ấy thì design vẫn là một công việc tương đối mới mẻ, không nhiều nơi đào tạo chuyên nghiệp.
Sau đó, tôi chuyển sang Ba Lan, tiếp tục làm freelance trước khi cùng Joanna sáng lập Onteractive. Trong công ty, tôi lo phần kỹ thuật (tech), Joanna chịu trách nhiệm mảng kinh doanh. Nhưng thi thoảng tôi vẫn làm design.
Trong suốt thời gian này, khách hàng của tôi đa số từ thị trường Âu-Mỹ. Chúng tôi không “xa lánh” thị trường Việt Nam. Chính xác hơn, chúng tôi muốn tạo ra thêm nhiều giá trị cho thị trường này. Việc làm việc với thị trường Âu-Mỹ giúp chúng tôi học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm để có thể chia sẻ lại chúng cho thị trường Việt Nam.
Ngoài những kiến thức về văn hóa và xã hội học, Joanna còn có trải nghiệm thực tế về chuyện là người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam. Chắc hẳn bạn có những góc nhìn thú vị về văn hóa làm việc đội nhóm và cách để hợp tác tốt hơn với các khách hàng từ thị trường khác?
Joanna: Hiện tại, hoạt động chính của Onteractive là ở Hà Nội. Chúng tôi không gặp nhiều vấn đề khi làm việc nội bộ. Thử thách thật sự là với khách hàng, vì hầu hết họ đều đến từ Âu-Mỹ. Khác biệt văn hóa là không thể tránh khỏi, ngay cả đối với tôi, dù khi so sánh thì tôi vẫn “gần” với khách hàng hơn hầu hết những người còn lại trong team. Vì thế, chúng tôi cần nhận thức rõ sự khác biệt cũng như nguồn gốc của chúng.
Một cách tổng quát nhất, chúng bắt nguồn từ những khác biệt cốt lõi về môi trường và nền văn hóa mà ta quen thuộc. Điều chúng ta cần làm là nghiên cứu về nền văn hóa của khách hàng hoặc đồng đội. Về cơ bản thì nó cũng như cách chúng ta nghiên cứu về đối thủ tiềm năng hoặc nhóm khách hàng mục tiêu dưới góc nhìn doanh nghiệp thôi.
Chúng ta nên tìm cách để được tiếp xúc nhiều hơn về văn hóa, cũng như đừng ngại tương tác để hiểu hơn về “đối tượng” ta đang muốn tìm hiểu. Và quan trọng là phải kiên nhẫn. Văn hóa cần thời gian để làm quen.
Tóm lại, nghiên cứu, giao tiếp, kiên nhẫn, và cởi mở là những từ khóa mà tôi muốn nhấn mạnh nếu bạn làm việc với đồng nghiệp hoặc khách hàng từ một thị trường / môi trường văn hóa khác.
Là kỹ sư phần mềm, cộng với kinh nghiệm về UX/UI design, Alex có thể chia sẻ những phương pháp để vượt qua khoảng cách giữa trình độ nhân sự trong nước so với yêu cầu của khách hàng nước ngoài?
Alex: Thật ra designer người Việt khá nổi tiếng trong cộng đồng quốc tế đó chứ! Rất nhiều người làm việc cho các agency hàng đầu tại Mỹ và các nước châu Âu khác nữa.
Nếu muốn ra biển lớn, tôi nghĩ có 2 việc quan trọng: kỹ năng, và hiểu biết. Có kỹ năng để biết làm gì, và có hiểu biết để biết làm như thế nào mới đúng. Vì nếu chỉ vẽ tốt, code giỏi, nhưng không làm đúng những gì khách hàng cần, thì việc đó không có ý nghĩa gì nữa.
Làm thế nào để có kỹ năng? Hiện nay tôi cho rằng việc đó không khó. Chúng ta có thể học rất nhiều thứ từ internet, từ những chủ đề vĩ mô cho đến những thứ cụ thể hơn nhiều lần. Về cơ bản thì các đơn vị tư nhân đều như nhau cả thôi. Bạn chỉ cần nghiên cứu và học hỏi những kỹ năng cần thiết. Cái khó là làm sao biết được bạn muốn học gì hoặc cần tập trung vào điều gì. Chính vì thế, việc quan trọng thứ hai chính là có hiểu biết.
Để biết về thị trường và văn hóa, tôi nghĩ chỉ có cách là tiếp xúc với nó càng nhiều càng tốt. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vì chỉ tiếp xúc thì tức là bạn chỉ mới “nhìn” nó qua lăng kính của mình mà thôi. Muốn thật sự “nhúng chân” vào đó theo đúng nghĩa đen, bạn cần tìm kiếm cho mình những trải nghiệm thực tế. Có nhiều cách để làm việc đó lắm, ví dụ như kết bạn chẳng hạn *cười*.
Và cuối cùng là đừng ngại thử nghiệm. Tôi thấy người Việt Nam còn quan trọng chuyện phải làm mọi thứ thật tốt, thật hay. Chúng ta sợ sai. Chính tôi cũng còn đang gặp trở ngại với việc này. Nhưng nếu bạn muốn cái gì cũng tốt mà lại không thật sự bắt tay làm, thì làm sao biết được nó có được như bạn mong muốn hay không.
Nói thế nhưng nếu đứng trên lập trường đội nhóm thì mọi chuyện phải khác. Onteractive vẫn đang chập chững những bước đi đầu tiên. Chúng tôi hướng đến việc xây dựng một văn hóa hợp tác. Ngoài training công việc, tôi còn để các bạn cùng tham gia trong những buổi gặp gỡ khách hàng để hiểu hơn về nhu cầu của họ và biết cách bảo vệ ý kiến của mình sao cho khéo léo.
Alex và Joanna có thể chia sẻ về sai lầm thường gặp nhất của doanh nghiệp khi muốn hướng ra thị trường quốc tế?
Joanna: Chúng tôi từng làm việc với khá nhiều doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế. Thường thì đó sẽ là những cái tên mảng e-commerce như Gempages, Shopify, hoặc Shopbase.
Nhưng nếu nói đến những sản phẩm được phát triển ngay từ thị trường Việt Nam thì lại không có bao nhiêu. Cá nhân tôi thấy như thế khá đáng buồn, vì thị trường Việt Nam hoàn toàn không thiếu năng lực để làm việc ấy.
Sai lầm gặp phải ở đây chính là chúng ta đánh giá thấp tầm quan trọng của khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như kiến thức về thị trường quốc tế trước khi thật sự đặt chân vào đó. Số tiền bỏ ra ban đầu có thể lớn, nhưng đó là một khoản đầu tư xứng đáng và chắc chắn có tác dụng về lâu dài.
Việc đem một sản phẩm hoặc một đội nhóm quốc nội đi “chào bán” cho thị trường quốc tế có khá nhiều thử thách. Thế nhưng liệu nó có ưu điểm gì hay không?
Alex: Ưu điểm lớn nhất (và dễ thấy nhất) là chi phí. Mức sống ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước Âu-Mỹ, chi phí thuê mướn nhân sự vì vậy là lợi thế cạnh tranh hàng đầu của chúng ta.
Tuy nhiên nếu nhân sự chất lượng thì chi phí không thành vấn đề. Nhiều khách hàng của tôi tìm đến Việt Nam không phải vì giá rẻ, mà vì họ không có được nhân sự đủ tốt ở mảng đang cần.
Ưu điểm quan trọng thứ hai chính là tinh thần cầu tiến và động lực của nhân sự tại thị trường Việt Nam. Chắc hẳn mọi người cũng từng nghe rằng dân Bắc Âu “trầm cảm” lắm. Căn bản vì họ không có nhiều động lực hay mục tiêu gì để phấn đấu cả – tiêu chuẩn sống hiện tại của họ đã rất cao rồi.
Về mặt này, người Việt Nam có ưu thế hơn hẳn. Chúng ta đã tụt lại phía sau quá lâu. Vì thế động lực phát triển của chúng ta vô cùng lớn. Động lực đó thúc đẩy thái độ cầu tiến và tinh thần học hỏi của nhân sự Việt Nam. Chẳng những thế còn học rất nhanh nữa! Nói vui thì người Việt Nam lúc nào cũng là những người “bắt trend” nhanh cả.
Joanna: Tôi muốn bổ sung một chút về động lực dưới góc nhìn văn hóa. Tôi nhận thấy rằng đa số người Việt đều có áp lực phải thành công, phải có khả năng lo lắng, chăm sóc cho gia đình mình sau này. Điều này khác với văn hóa phương Tây với câu hỏi thường thấy là “Tôi làm được gì cho bản thân?” thay vì “Tôi làm được gì cho gia đình?” Đó cũng là một dạng động lực để thúc đẩy người Việt Nam cố gắng không ngừng. Cá nhân tôi ngưỡng mộ tinh thần đó.
Đâu là thử thách lớn nhất khi làm việc với khách hàng quốc tế?
Joanna: Ngôn ngữ chắc chắn là một thử thách, đặc biệt nếu bạn đến từ những nước mà tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính thức.
Thế nhưng từ kinh nghiệm làm việc với khách hàng quốc tế, thử thách lớn nhất với tôi đó chính là yêu cầu của họ về mặt kỹ năng. Mặc dù tài nguyên không thiếu nhưng kỹ năng của nhân sự Việt Nam vẫn còn đang bị hạn chế ở khá nhiều mảng khác nhau. Điều tốt ở đây là tôi nghĩ mọi người nhận thức rõ về điều đó và đang ra sức học hỏi, trau dồi để cải thiện.
Vấn đề còn lại… Tôi biết điều này phụ thuộc nhiều vào khác biệt văn hóa, nhưng tôi hy vọng nhân sự Việt Nam – đặc biệt là nhân sự trẻ – có thể bớt ngại ngùng để tự tin thể hiện bản thân, thể hiện năng lực hơn. Khi đó, bạn không chỉ chứng minh được mình, mà còn trở thành một đại diện vô cùng thuyết phục cho quê hương của bạn nữa.
Cuối cùng, Alex và Joanna có lời khuyên nào dành cho những đơn vị đang ấp ủ ước mơ vươn ra biển lớn với những khách hàng quốc tế?
Alex: Lời khuyên của tôi là tìm bạn đồng hành đi nhé, như tôi này *cười*.
Có người đi cùng là rất quan trọng đấy. Chúng ta muốn ra đến thị trường nào, hay thậm chí là chỉ đi làm ở công ty mới đi nữa, thì việc có người bên cạnh vẫn rất cần thiết, đặc biệt khi họ là người đã có kiến thức hoặc có trải nghiệm thực tế tại nơi ta sắp đến. Công việc mới lúc nào cũng sẽ thuận lợi hơn nếu bạn biết trước về văn hóa công sở và liệu rằng bạn có thể tạo ra giá trị gì ở nơi ấy hay không.
Đứng ở phía ngược lại – tức phía thị trường – thì vai trò của người này cũng rất quan trọng. Cứ thử tưởng tượng một nhóm người không quen biết đột nhiên vào nhà đòi lấy thức ăn, ai lại không lập tức “xù lông” lên chứ? Nhưng nếu nhóm người lạ đó đi cùng một người bạn của gia chủ thì mọi việc sẽ khác đi rất nhiều.
Ngoài ra, đừng quên tạo lập những kết nối cần thiết cũng như tìm hiểu về thị trường trước đó. Việc này có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, miễn sao phù hợp với kế hoạch phát triển và tình hình thực tế của mỗi doanh nghiệp.
Cảm ơn Joanna và Alex vì buổi trò chuyện này!
Theo dõi Alex Hoàng và Joanna Chilicka: Digikigai Thought Leader
Xem lại toàn bộ nội dung Fireside Chat: JobHopin Podcast
Tham gia Digikigai và theo dõi thêm các số sau: Cộng đồng Digikigai
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Thảo luận về bài viết