Có đến hai Kelly Marie Tran trong bài viết này.
Người đầu tiên đầy tự hào và nhiệt huyết, mạnh mẽ nói với mọi cô gái trẻ người Mỹ gốc Á rằng, họ không cần phải có những lọn tóc vàng, đôi mắt to tròn và làn da trắng như ngọc để có thể đóng chính trong phim.
Người còn lại, là một hình ảnh xa xưa trong ký ức.
Kelly Marie Tran (tên thật: Trần Loan) sinh ngày 17/1/1989 trong một gia đình Việt Nam. Bố mẹ cô là dân tị nạn. Khi còn ở Việt Nam, ông là một người vô gia cư, sau khi qua Mỹ thì làm việc cho Burger King, còn mẹ thì làm nhân viên nhà tang lễ.
Cô tốt nghiệp ngành truyền thông tại Đại học California, Los Angeles. Đam mê diễn xuất, Tran lần đầu xuất hiện trong những tiểu phẩm của trang Youtube College Humor từ năm 2011. Đến 2013, cô tham gia đóng web series Ladies Like Us, cùng lúc đó làm việc trợ lý tại một đơn vị tuyển dụng.
2015 đánh dấu bước đột phá mới trong sự nghiệp của Tran khi cô được chọn đóng vai Rose Tico trong loạt bom tấn Star Wars. Nhân vật của cô là em gái của Paige Tico – được thủ vai bởi Ngô Thanh Vân. Rose Tico trong Star Wars: The Last Jedi là vai chính đầu tiên trong thương hiệu Star Wars được một diễn viên không phải người da trắng thể hiện.
Diễn xuất của Tran trong vai này là một trong những dấu mốc sự nghiệp cũng như là thời khắc đáng tự hào đối với cô. Tuy nhiên, sau khi phim ra mắt, nhiều người lên tiếng chế giễu Tran về màu da, gốc gác và cả ngoại hình, cân nặng của cô. Tran trở thành nạn nhân của một cuộc bắt nạt công khai khi liên tiếp nhận những lời đe dọa tính mạng. Thậm chí trang Wikipedia về cô cũng bị sửa đổi thành nội dung chế nhạo.
Tháng 8 năm 2018, The New York Times xuất bản bài viết của Tran với nội dung phê phán nền văn hóa đã gạt cô ra bên lề xã hội vì màu da của mình. Trước đó không lâu, Tran đã phải xóa những bài đăng trên Instagram trước sự công kích từ những người hâm mộ Star Wars quá khích.
Sau sự việc này, Kelly Marie Tran đã bắt đầu tin vào những bình luận phân biệt chủng tộc và giới tính từ những kẻ bắt nạt trên mạng. “Họ tiếp tục ‘kể’ một câu chuyện mà tôi đã nghe cả đời mình. Rằng tôi ‘dị biệt’, rằng tôi lạc loài, rằng tôi không đủ tốt, đơn giản vì tôi không giống như họ.”
Thế nhưng, những thành công phòng vé thời gian gần đây như Crazy Rich Asians hay Minari – một bộ phim được giới phê bình đánh giá cao – đã thay đổi quan điểm của cô về ngành công nghiệp phim ảnh. “Tôi đã học được cách đưa ra yêu cầu về những thứ mình muốn, cũng như tin tưởng vào những nhận định của mình. Tôi chỉ ước gì mình được lớn lên trong một thế giới dạy tôi điều đó từ khi còn nhỏ.”
Trong dự án gần đây nhất, Raya and the Last Dragon, Kelly Marie Tran lồng tiếng cho nhân vật chính Raya. Điều này đồng nghĩa với việc cô là nữ diễn viên gốc Đông Nam Á đầu tiên nhận vai chính trong một bộ phim hoạt hình của Disney. “Tôi cảm nhận một tinh thần trách nhiệm vô cùng lớn. Nói thật thì, tôi đã không ngủ trong hai tuần.”
Kelly Marie Tran cho biết, nhìn ở một góc độ tích cực thì Star Wars đã giúp cô “chuẩn bị” cho những áp lực với việc trở thành một nàng công chúa Disney, sự bùng nổ của những câu chuyện về người châu Á và có gốc Á, cùng với những ưu nhược điểm của một cuộc sống không mạng xã hội.
Có phải bạn chủ ý nhắm đến những vai diễn chuyên phá vỡ rào cản không?
Tôi còn ước đó là sự thật đấy! Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể làm thế này. Trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên có vai chính trong phim Star Wars, là nàng công chúa Disney gốc Đông Nam Á đầu tiên – đây là những điều mà trước đây chưa từng có ai trông-giống-tôi có thể làm được.
Trong bài viết trên New York Times, bạn đã đề cập đến việc bị quấy rối và bắt nạt sau vai diễn trong Star Wars: The Last Jedi. Với sự thành công của các bộ phim châu Á và gốc Á gần đây, bạn có nghĩ Hollywood đã bắt đầu thay đổi không?
Tôi rất vui mừng khi có nhiều bộ phim như Crazy Rich Asians, Parasite, và Minari đã và đang được thực hiện. Tôi tự hào là một phần của sự thay đổi đó – tạo ra những bộ phim tôn vinh hình ảnh con người từ mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, tôi nghĩ vẫn còn nhiều việc cần phải làm, vì gần đây vẫn còn rất nhiều tội ác chống lại người châu Á xảy ra.
Nếu biết trước sẽ bị bắt nạt, bạn có tham gia Star Wars không?
Tôi nghĩ mình vẫn sẽ tham gia thôi. Bộ phim đầu tiên là một trải nghiệm tuyệt vời – kiểu như được nhận vào Hogwarts vậy. Giờ nhìn lại, tôi không có gì để hối tiếc. Star Wars giống như cảm giác lần đầu biết yêu. Rồi chuyện tình đó tan vỡ và trận chia tay thì tệ thật sự. Nhưng sau đó, tôi đã học cách yêu lần nữa, và giờ đang trong một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Raya. Tôi đã vượt qua được khủng hoảng.
So với 3 năm trước đây thì bạn đã khác như thế nào?
Ở thời điểm khởi đầu, tôi đã rất lo sợ. Tôi tự tạo áp lực cho chính mình. Hoặc là làm mọi thứ cho đúng vào, hoặc là sẽ chẳng còn cơ hội nào nữa. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi đã mạnh mẽ hơn rất nhiều. Tôi đã không còn sợ hãi nữa. Tôi cũng thôi bắt ép bản thân, học cách yêu cầu những gì tôi muốn. Trời đất, ước gì 10 năm trước đây tôi biết cách làm điều này.
Ví dụ một số thứ bạn cảm thấy thoải mái để yêu cầu được không?
Những dự án mà tôi muốn hoặc không muốn tham gia. Cá nhân tôi không muốn nhận những công việc củng cố những định kiến và rập khuôn về người châu Á – rằng người châu Á phải thế này thế kia, rằng là người châu Á có ý nghĩa như thế nào.
Tôi cũng rất kiên quyết về việc đặt ra những giới hạn. Từ khi rời bỏ mạng xã hội, đời sống tinh thần của tôi đã khá hơn rất nhiều. Người ta cứ nói đi nói lại rằng “Kelly này, cô sẽ không có cơ hội nhận tài trợ của thương hiệu nào đâu đấy.” nhưng tôi không quan tâm cho lắm. Tôi biết đâu là điều tốt nhất cho bản thân, và rằng tôi đang hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Đâu là điều đáng khích lệ nhất về ngành công nghiệp giải trí lúc này?
Tôi được truyền cảm hứng nhiều nhất từ những người đấu tranh không mỏi mệt để được lắng nghe, không chỉ trong cộng đồng châu Á, mà còn là người da màu, người chuyển giới, LGBTQ+, và những cộng đồng ít có cơ hội lên tiếng khác.
Vào những thời khắc đen tối nhất trong đời – khi tôi buồn bã và cảm thấy bất an về mọi thứ – thì những câu chuyện của họ đã an ủi tôi rất nhiều. Tôi đã có lại hy vọng, khi biết rằng mọi người đang lên tiếng kể câu chuyện của mình, và thật sự được lắng nghe.
Xem thêm:
Justice League #SnyderCut – Câu chuyện phía sau dòng hashtag (P1)
Justice League #SnyderCut – Câu chuyện phía sau dòng hashtag (P2)
Justice League #SnyderCut – Câu chuyện phía sau dòng hashtag (P3)
Lana Condor đã sẵn sàng chia tay “Những chàng trai năm ấy”
“Float” và “Wind” – Hai phim hoạt hình ngắn Pixar phát hành nhằm ủng hộ cộng đồng người gốc Á tại Mỹ
Thảo luận về bài viết