Phần 1: Khi sự cô đơn được khắc họa trên màn ảnh
Chungking Express (1994)
Đạo diễn: Wong Kar-wai (Vương Gia Vệ)
Trùng Khánh Sâm Lâm là minh chứng rõ ràng, rằng những câu chuyện tình dang dở cũng có thể thăng hoa trên màn ảnh. U sầu, cô đơn, lạc lõng, tất cả những thứ cảm xúc tưởng chừng tiêu cực dưới bàn tay tài hoa của Vương Gia Vệ bỗng dưng lại lãng mạn và đẹp đến nao lòng.
Chungking Express là câu chuyện về hai anh Cảnh sát, #223 (Kim Thành Vũ) và #663 (Lương Triều Vỹ) – hai con người đau khổ vì tình.
Những hộp dứa hết hạn hay chiếc khăn mặt rách bươm cũng có thể gợi lên nỗi buồn của người thất tình. Không có gì tồn tại mãi mãi. Người ta hoàn toàn “có thể thích dứa hôm nay và thích thứ khác vào ngày mai”.
Lấy cảm hứng từ trào lưu Làn sóng mới (Nouvelle Vague) của điện ảnh Pháp, Chungking Express mang tính sáng tạo đồng thời cũng có tính chiêm nghiệm và triết lý. Sự cô độc của nhân vật được Vương Gia Vệ khắc họa bằng những thủ thuật độc đáo như kéo dài (stretch) và in lặp khung hình (step-printing). Kết quả của chúng là những cảnh phim chậm rãi vô cùng đặc trưng.
Không chỉ bắt mắt và thu hút (bạn sẽ khó gặp được những cảnh thế này trong phim của người khác), step-printing còn là cách Vương Gia Vệ kể chuyện. Nó cho phép ông “kéo giãn” thời gian, nhấn mạnh sự kịch tính của những khoảnh khắc hay những chi tiết quan trọng. Khung hình mờ nhòa của step-printing còn giúp ông làm nổi bật sự cô đơn và lạc lõng của nhân vật – chủ đề xuyên suốt trong Trùng Khánh Sâm Lâm.
Uzak (2002)
Đạo diễn: Nuri Bilge Ceylan
Được nhà làm phim người Thổ Nhĩ Kỳ Nuri Bilge Ceylan đảm nhiệm từ kịch bản cho đến đạo diễn, Uzak là một câu chuyện tối giản và nhẹ nhàng. Mahmut (Muzaffer Özdemir) là thành công với công việc nhiếp ảnh, tuy nhiên anh luôn cảm thấy chán nản và thất vọng. Mahmut cho Yusuf (Emin Toprak) – một người họ hàng cùng quê – ở nhờ để tìm việc.
Nếu đây là một bộ phim khác thì ‘cặp đôi’ kỳ quặc này sẽ có một khởi đầu khó khăn, tuy nhiên sau đó cả hai dần hóa giải những hiểu lầm, dỡ bỏ những rào cản giữa họ và khán giả sẽ nhận được một (hoặc nhiều hơn một) bài học nhất định.
Uzak không thế. Đây là một bộ phim về những hoạt động vụn vặt, những thứ chúng ta làm thường ngày – xem TV, đi dạo trên con đường đầy gió, hút thuốc, ngóng xa xăm ra cửa sổ. Cả hai nhân vật, Yusuf và Mahmut, đều nhìn rất nhiều thứ: ngắm biển, trông ra màn tuyết trắng nhợt nhạt, thậm chí nhìn lén những cô gái mà cả hai không tài nào tiếp cận được.
Tuy nhiên, những hành động giản đơn này đã góp phần tạo nên một trong những bộ phim được đánh giá là đẹp và chạm đến xúc cảm người xem nhiều nhất – một kiệt tác của sự u sầu.
Tony Takitani (2004)
Đạo diễn: Jun Ichikawa
Được chuyển thể từ một truyện ngắn của Haruki Murakami, bộ phim của Jun Ichikawa kể về cuộc đời Tony Takitani.
Mẹ qua đời khi sinh cậu, không được cha quan tâm, đến trường thì bị tẩy chay và hắt hủi. Lớn lên, những tưởng sau cùng thì cuộc đời của Tony cũng có một chút ánh sáng, nhưng vợ anh cũng mau chóng qua đời, để lại cho anh nỗi nhớ day dứt cùng một căn phòng lớn chất đầy quần áo.
Tony (Issei Ogata) cố gắng trốn tránh cảm xúc và xua đuổi những ký ức đau buồn bằng cách ‘xóa sạch’ cuộc sống và ngôi nhà của mình. Anh bầu bạn với một căn phòng trống. Với cách sử dụng màu trầm, hoạt cảnh tĩnh quay dài, vị trí nhân vật đặt thấp trong khung hình và các cảnh dài về hoạt động đơn độc, Tony Takitani là ví dụ khắc nghiệt của chủ đề “sự cô đơn chết người”.
Lights in the Dusk (2006)
Đạo diễn: Aki Kaurismäki
Aki Kaurismäki có phong cách điện ảnh riêng biệt: đối thoại tối thiểu, bố cục tĩnh, nhân vật khắc kỷ và khiếu hài hước đậm chất Phần Lan.
Trong phần cuối cùng của trilogy Finland – sau Drifting Clouds (1996) và The Man without a Past (2002) – Kaurismäki kể câu chuyện về Koistinen (Janne Hyytiäinen) – một nhân viên bảo vệ tại trung tâm thương mại. Anh là một người ‘khờ khạo’, không giỏi giao tiếp, và không nhiều bạn.
Koistinen tình cờ lọt vào mắt xanh của tên trùm một băng đảng tội phạm đang lên kế hoạch cướp trung tâm thương mại. Anh bị bọn chúng lợi dụng để có được mật mã và chìa khóa vào cửa.
Christine (2016)
Đạo diễn: Antonio Campos
Christine Chubbuck là một phóng viên ở Florida – người đã tự bắn chết mình ngay trên sóng truyền hình vào năm 1974. Câu chuyện của cô đã trở thành chủ đề cho 2 bộ phim – Kate Plays Christine của đạo diễn Robert Greene và Christine của Antonio Campos.
Đạo diễn Campos và biên kịch Craig Shilowich cho rằng chính cô đơn và trầm cảm là nguyên nhân dẫn đến vấn đề của Christine, chưa kể nỗi thất vọng của cô với nơi tình trạng phân biệt giới tính nơi làm việc trong bối cảnh những năm 1970 và bản chất của truyền thông – ngành nghề của cô.
Rebecca Hall đã tái hiện xuất sắc một hình tượng phụ nữ vừa có thể gai góc, chủ động, đôi khi hơi thô bạo, nhưng đồng thời cũng là một người dễ bị tổn thương với lòng nhạy cảm sâu sắc.
Liên tiếp những sự việc xảy ra khiến lòng tự trọng vốn đã mong manh của Christine càng thêm xói mòn, biến nỗi cô đơn thành một thứ gây tổn hại tâm lý cao độ. Dù cho động cơ thật sự của nhân vật là gì thì Christine vẫn là bộ phim thể hiện sự thấu hiểu nỗi cô đơn và cách nó ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người trong chúng ta.
Xem thêm:
Phim Việt trên bước đường “thách thức” Hội đồng kiểm duyệt với những đề tài cấm kỵ
5 khoảnh khắc làm nên lịch sử của Lễ trao giải Oscar
Những bộ phim hoạt hình Disney làm người lớn phải suy nghĩ
Trần Thùy Mai và quyển tiểu thuyết đạt giải nhất của Hội nhà văn Việt Nam: Từ Dụ Thái Hậu
Thảo luận về bài viết