Tranh thủ giờ nghỉ trưa, nhiều dân văn phòng chi mạnh tay cho một số nhu cầu cá nhân như làm đẹp, “tám” chuyện với đồng nghiệp.
Đi gội đầu dưỡng sinh
Diệu Anh (24 tuổi, nhân viên ngân hàng) được nghỉ trưa 2 tiếng. Bởi vì buổi tối thường xuyên phải tăng ca về muộn, cô bạn tranh thủ giờ nghỉ trưa để làm một số việc cá nhân chẳng hạn như gội đầu. “Tóc khá dài và dày nên mình thường đi gội tiệm cho tiết kiệm thời gian cũng như công sức. Mọi người thường gội đầu buổi tối, nhưng mình lúc nào cũng tan làm 7-8 giờ, về đến nhà chỉ kịp ăn tối, dọn nhà. Do đó, mình thường tranh thủ trưa không ngủ đi gội đầu”.
Bởi vì công ty ở trung tâm Hà Nội, quận Hoàn Kiếm, các tiệm gội đầu khá đắt đỏ khoảng 50-70 nghìn/lần. Đó là chưa kể đến, có đôi lúc cô bạn sẽ đi gội đầu dưỡng sinh 200-300 nghìn đồng/lần. Dù vậy, cô bạn vẫn lựa chọn gội đầu ngoài tiệm để tiện lợi hơn.
“Gội đầu ở nhà mình sẽ phải dậy sớm hoặc gội vào đêm – không tốt cho sức khỏe. Mặt khác, mình luôn trích 10-12% lương hàng tháng, khoảng 2 triệu đồng cho thú vui cá nhân, và dành phần lớn cho việc gội đầu tiệm. Tức là mình sẽ tiết kiệm những khoản tiền khác chẳng hạn như đưa cơm đi ăn trưa, hạn chế mua quần áo mới”.
Diệu Anh cho rằng mỗi người sẽ có những ưu tiên khác nhau trong chi tiêu đặc biệt là khoản mục dành cho “mong muốn”. Có người thích đi du lịch, đi ăn ngoài cùng bạn bè hay uống cà phê mỗi sáng. Còn đối với Diệu Anh, đó là thú vui gội đầu tiệm. Cô bạn cho rằng chỉ cần vẫn kiểm soát được khoản chi tiêu của bản thân, đây hoàn toàn không phải là khoản chi phung phí.
Uống cà phê trò chuyện cùng đồng nghiệp
Ngọc Ánh (27 tuổi, làm việc trong lĩnh vực marketing) thường xuyên đi uống cà phê với đồng nghiệp vào buổi trưa. Cô bạn tự nhận bản thân là một người mê thưởng thức cà phê cũng như “tám” chuyện với mọi người. Do vậy, gần như trưa nào cô cũng cùng đồng nghiệp thân thiết ra ngoài nói chuyện.
“Tụi mình thường sẽ đưa cơm trưa và ăn ở canteen công ty. Một số người sau giờ ăn trưa sẽ đi ngủ, còn mình và đồng nghiệp thân thiết lựa chọn đi “thưởng thức” cà phê. Có đôi lúc khi nhận được thông tin quán cà phê nào đó xinh xắn mở, dù cách văn phòng 3-4 km, tụi mình vẫn lấy xe máy ra đi”.
Mỗi bữa cà phê sẽ rơi vào khoảng 50-70 nghìn, tức là mỗi tháng Ngọc Ánh chi khoảng 1,2 – 1,5 triệu đồng cho 1 buổi trưa “không ngủ”. Cô bạn chia sẻ rằng đôi lúc cũng cảm thấy bản thân chi quá nhiều tiền cho sở thích cá nhân với thời gian đi uống cà phê chỉ khoảng 45 phút. Song, sau khi nhìn lại những giờ làm việc căng thẳng và việc được nói chuyện phiếm với đồng nghiệp thoải mái ra sao, cô bạn cho rằng đây là một khoản không quá tốn kém.
Tuy nhiên, bởi vì nhận ra chi hơn 1 triệu để uống cà phê là một con số không nhỏ nên “hội nhóm” của cô bạn đã bắt đầu giảm tần suất ra ngoài buổi trưa còn khoảng 3 lần/tuần thay vì 5 ngày như trước. Theo Ngọc Ánh, với những khoản chi này, mọi người nên cân nhắc thay đổi tùy thuộc vào tình hình tài chính chẳng hạn như thu nhập, liệu thời điểm đó bạn có đang muốn tiết kiệm nhiều hơn trong mục tiêu trong tương lai gần.
Đi shopping sắm đồ mới, làm đẹp
Cũng giống như Ngọc Ánh, Thảo Trang (25 tuổi, nhân viên văn phòng) thường đi uống cà phê với đồng nghiệp vào buổi trưa. Ngoài ra, cô bạn còn tranh thủ để đi spa cũng như làm nail trong thời gian này. “Mình mua gói triệt lông ở tiệm spa gần công ty. Thông thường nếu sau giờ tan làm mới đi triệt lông, mình sẽ phải chờ khá lâu. Do vậy, mình thường tranh thủ buổi trưa ít người để tiết kiệm thời gian hơn. Ngoài ra, mình làm nail 2 tuần/lần và cũng đi vào buổi trưa”.
Bên cạnh đó, Thảo Trang cũng thường xuyên đi mua sắm vào buổi trưa cùng đồng nghiệp vì sau giờ làm cô bạn chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi. Hơn thế nữa, đây là thời điểm mà mọi người thường sẽ nghỉ ngơi ở công ty nên các quán cà phê hay tiệm spa, cửa hàng quần áo đều khá vắng. Do vậy, cô bạn cảm thấy đi chơi khá thoải mái.
“Đúng là nghe có vẻ mình đã chi rất nhiều tiền chỉ trong 1,5 tiếng nghỉ trưa. Song, mình nghĩ rằng dù không phải làm vào buổi trưa, mình cũng sẽ cần làm nail, đi spa hay mua sắm quần áo vào một dịp khác. Tuy nhiên, có một lưu ý là khi đi mua đồ cùng với đồng nghiệp, mình thường khó kiểm soát tần suất mua quần áo mới. Vì thông thường khi mình thử bộ quần áo nào, đồng nghiệp cũng bảo thấy đẹp và mình lạ … quyết định mua ngay. Do vậy, mình nghĩ là khi đi mua sắm, mọi người nên lên kế hoạch trước, tránh trường hợp đi shopping chỉ để giải trí”.