Người Việt Nam chuộng thức ăn truyền thống hơn vì họ nghèo, không có đủ tiền để ra những cửa tiệm đồ ăn nhanh như McDonald’s. Còn ở Philippines, chúng tôi có hàng ngàn cửa hàng đồ ăn nhanh. Các quốc gia nghèo khó như Việt nam thì không phải là địa chỉ tiềm năng cho các thương hiệu đồ ăn nhanh đến.
Bình luận trên của một người Philippines trong nhóm cộng đồng We Are Asean là nguồn cơn cho những tranh cãi nảy lửa khắp các trang mạng xã hội.
Liệu có phải vì người Việt nghèo nên các chuỗi cửa hàng ăn nhanh mới thất bại tại thị trường Việt Nam?
Sự chênh lệch lực lượng giữa các cửa hàng ăn nhanh tại Việt Nam và thế giới
Nhờ vào sự tiện lợi và giá cả phù hợp túi tiền, đồ ăn nhanh là ưu tiên hàng đầu của nhiều người tiêu dùng trên thế giới và ngày càng được mở rộng quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên, đi ngược lại với tốc độ tăng trưởng ở các nước bạn, tương lai phát triển của chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh lại vô cùng “bấp bênh”, đối mặt với nhiều nguy cơ thất bại tại thị trường Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia Đông Nam Á nói chung.
Số liệu cho thấy, McDonald’s đã có hơn 600 cửa hàng tại Philippines. Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại, con số cửa hiệu của thương hiệu này tại Việt Nam chỉ là 22. Và không chỉ riêng thương hiệu quốc tế phát triển ở Philipines, chuỗi thức ăn nhanh Jollibee của quốc gia này cũng tơhast triển mạnh mẽ với hơn 450 cửa hàng trên thế giới.
Thật ra vấn đề các chuỗi thức ăn nhanh thế giới thất bại khi “hạ cánh” tại Việt Nam không mới mẻ gì. Còn nhớ video Tại sao McDonald’s thất bại tại Việt Nam của kênh truyền hình CNBC Mỹ phát sóng tháng 9/2018 cũng đã từng chỉ ra những con số đáng cảnh báo của các chuỗi cửa hàng ăn nhanh tại quốc gia 90 triệu dân này.
Theo đó, McDonald’s có hơn 36,000 địa điểm tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Burger King cũng không kém cạnh gì khi có cho mình 16,000 cửa hiệu. Ngành công nghiệp thức ăn nhanh ước tính trị giá hơn nửa nghìn tỷ đô la, và chưa có dấu hiệu thụt giảm.
Tuy nhiên, các “ông lớn” này đều “đầu hàng” tại thị trường Việt Nam.
Vì người Việt “kỳ thị” đồ ăn Tây?
Còn nhớ lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 2014, McDonald’s đã được người Việt đón nhận rất nồng nhiệt. Người dân địa phương đã xếp hàng dài chờ đợi để được thưởng thức món burger Big Mac huyền thoại của thương hiệu ăn nhanh hàng đầu nước Mỹ. Trong tháng đầu tiên có mặt tại Việt Nam, McDonald’s đã có khoảng 400,000 thực hàng ghé thăm.
Không chỉ riêng lĩnh vực thức ăn nhanh nước ngoài mới được chào đón như thế tại Việt Nam. Starbucks cũng đã từng có một thời gian được “cưng chiều” tại quốc gia hình chữ S này, khi có hơn 3 vòng người đã xếp hàng và chờ đến hơn 2 giờ đồng hồ góc bùng binh Phù Đổng Thiên Vương chỉ để mua được một ly cà phê những ngày đầu thương hiệu này vừa có mặt tại Việt Nam.
Như vậy, Việt Nam không hề “kì thị” đồ ăn ngoại mà ngược lại còn rất chào đón. Không phải tất cả các thương hiệu đồ ăn nhanh du nhập vào Việt Nam đều thất bại, khi vẫn có nhiều thương hiệu và cả các hãng pizza vẫn có chỗ đứng riêng cho mình tại thị trường Việt.
Tuy nhiên, trải nghiệm “thử một lần cho biết” và thói quen tiêu dùng hàng ngày là hai phạm trù khác xa nhau. Người Việt có tính tò mò, thích sự mới mẻ, nên việc xếp hàng dài để thưởng thức những món ăn ngoại nhập là điều dễ hiểu.
Mặc dù người Việt vẫn thi thoảng tìm đến những cửa hàng đồ ăn nhanh của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, nhưng hầu hết họ không ghé đến thường xuyên bởi chúng không phải là lựa chọn hàng đầu.
Việt Nam nghèo hơn Philippines? Cần nghĩ lại!
Tôi thấy phần lớn người Việt Nam không đủ tiền mua những món ăn đắt tiền ở McDonald’s, vì thu nhập của họ rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với thu nhập của người Philippines.
Tuy nhiên, theo thống kê của ADB, tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 của Philippines là 20%, gấp hơn 5 lần so với con số 3.5% tại Việt Nam cùng thời điểm.
Tờ Nikkei (Nhật) cho biết, Việt Nam đã “bỏ xa” Philippines nếu xét về mức thu nhập bình quân đầu người; và chỉ trong 2 năm tới, quốc gia hình chữ S có thể vượt mặt Philippines cả về quy mô nền kinh tế.
Vậy nên, nói Philippines phát triển và giàu mạnh hơn Việt Nam chỉ qua việc đếm các thức ăn nhanh được mở, e rằng là lộng ngôn và thiếu căn cứ.
Giữa một cái burger giá $3 USD và một tô bún bò Huế giá $1,5 USD, bạn sẽ chọn món gì?
Nếu nói về lí do chính mà các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh như McDonald’s hay Burger King thất bại tại Việt Nam, thì đơn giản là vì người Việt có nhiều lựa chọn tốt hơn cả về tầm giá, độ ngon, dinh dưỡng và cách chế biến.
Trên Quora, một độc giả đã đặt vấn đề: Nếu lựa chọn giữa một cái bánh hamburger nhỏ bé giá $3 USD với một tô bún Việt Nam có nhiều thịt, rau, nhân mì hơn với giá $1,5 USD, bạn sẽ chọn món gì?
Đó là một câu hỏi có lẽ nhiều người thừa biết câu trả lời. Đại đa phần du lịch nước ngoài đến Việt Nam đều không muốn ghé vào những tiệm đồ ăn nhanh – mặc dù chúng quen thuộc, vì họ biết rằng nền ẩm thực Việt Nam là vô cùng đáng thưởng thức.
Theo đó, mức giá tối thiểu để một người lớn ăn đủ no tại một cửa hàng thức ăn nhanh vào khoảng $5 USD/bữa ăn (tương đương khoảng gần 120,000 VND). Với số tiền đó, người Việt có thể dễ dàng lựa chọn những món ăn tốt hơn về nhiều mặt – kinh tế, sức khỏe, trải nghiệm,…
Chẳng hạn như đặt lên bàn cân, người Việt dễ dàng so sánh việc sử dụng $4 USD (khoảng 92,000 VND) để mua bánh mì thay vì lựa chọn Big Mac, sẽ kinh tế và hiệu quả như thế nào cho túi tiền và chiếc bụng rỗng. Tại những tiệm bánh mì nổi tiếng, mức giá cao nhất cho một ổ bánh mì đủ nhân đủ thịt rơi vào tầm giá $2 USD (khoảng 50,000 VND). Với số tiền còn lại, thực khách vẫn dư dả để uống cà phê hoặc mua một cốc chè tráng miệng.
Không chỉ bánh mì, ẩm thực Việt Nam đa dạng và phong phú với hơn 200 món ăn đường phố khác nhau bỗng chốc khiến menu của những thương hiệu đồ ăn nhanh quốc tế trở nên “lép vế.”
Fast food có thật sự “fast” như hàng ăn dọc đường của Việt Nam?
Các hãng thức ăn nhanh tự hào về chữ “fast” của họ, nhưng tại Việt Nam, CNBC từng thẳng thắn thừa nhận rằng, sẽ là dại dột nếu đem “fast” ra so sánh với các tiệm ăn Việt Nam.
Đầu bếp nổi tiếng thế giới Gordon Ramsay từng ví hệ thống ẩm thực đường phố Việt Nam là “ma trận.” Thực khách có thể tìm thấy các cửa hàng đồ ăn ở bất cứ con phố, ngóc ngách nào – từ thành phố đến những vùng quê.
Các thương hiệu đồ ăn nhanh quốc tế thường được mở các trung tâm thương mại – những vị trí đắt đỏ và dễ nhận biết, nhưng những nơi đó có hàng trăm ngàn quán ăn đường phố vây quanh. Chưa kể đến thói quen “quẹo lựa” của người Việt lại là rào cản lớn nhất để họ có thể tiếp cận dễ dàng với các quầy ăn nhanh nằm ở lầu 4, lầu 5 của các trung tâm mua sắm lớn.
Rất hiếm người Việt lựa chọn đồ ăn nhanh để ăn sáng vì các cửa hàng nước ngoài chậm và không thuận tiện bằng các quán ăn vỉa hè. Cho bữa ăn trưa, người Việt ưa thích việc mang cơm nấu nhà theo ăn – vừa hợp vệ sinh, lại còn tiết kiếm. Còn buổi tối, họ sẽ lựa chọn những nhà hàng để hẹn hò cùng bạn bè, người thân hoặc ấm cúng hơn là quây quần cùng gia đình ăn cơm tối.
Kết
Dẫu cho có là một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu và được cả triệu người ưa chuộng thì vẫn luôn có nguy cơ thất bại ở một quốc gia, vùng lãnh thổ nào đó. Việc thâm nhập thị trường chưa bao giờ là điều “dễ ăn” – đặc biệt là ở lĩnh vực ẩm thực khi phải phù hợp với văn hóa, khẩu vị, sở thích, tài chính của người dân bản địa.
Các chuỗi đồ ăn nhanh thường thất bại ở Việt Nam bởi rất nhiều lí do, nhưng điều tiên quyết nhất chính là người Việt có nhiều lựa chọn tốt hơn sản phẩm của các thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng cả về giá cả, độ ngon, cách chế biến, đặc biệt là cũng “nhanh” không kém.
Tham khảo: Vietnam Business Insider
Xem thêm:
#84: Ẩm thực Việt – Hoa không chỉ để ngắm, hoa còn dùng để ăn
Lạ lẫm các món ăn fusion làm theo ẩm thực Việt
Việt Nam được bình chọn là điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á
Thảo luận về bài viết