Gần đây, một bài đăng trên Facebook của ban nhạc rock Ngũ Cung Pentatonic với tiêu đề “Rock đang chết! Chết nhục nhã” chia sẻ những cảm xúc và trăn trở về rock Việt đã nhận nhiều sự quan tâm của những khán giả yêu mến thể loại âm nhạc đầy máu lửa này.
Cuối thập niên 1990, rock trở nên sôi động trở lại với những ban nhạc từng làm mưa làm gió làng nhạc Việt như Bức Tường, Microwave, Ngũ Cung,… Nam ca sĩ hàng đầu nhạc Việt, Tùng Dương cũng thường sáng tác và trình diễn những bài hát mang thiên hướng rock.
Rock trụ vững qua nhiều thời gian bất chấp những xu hướng văn hóa khác. Đó là nền âm nhạc văn minh cách chúng ta cả một Thái Bình Dương. Dù chưa bao giờ được thừa nhận đại chúng, rock Việt vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc Việt nói chung và người yêu rock Việt nói riêng.
Câu chuyện về một thể loại nhạc “nặng” đến với khán giả Việt
Rock là một thể loại âm nhạc đại chúng được bắt nguồn từ cách gọi ngắn gọn của cụm từ “rock and roll” vào những năm 1950 ở Mỹ. Nhà báo Robert Christgau từng miêu tả ca từ nhạc rock là một “dung môi hấp dẫn” với cách diễn tả đơn giản và phần điệp khúc lặp lại, cùng với đó là “vai trò” thứ yếu của rock là “đi liền với âm nhạc – hoặc chung hơn là những tiếng ồn.
Rock bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ những năm 50 – 60 (thời kì quân Mỹ đổ bộ vào Việt Nam) và dần len lỏi vào cuộc sống của một bộ phận thanh niên Sài Gòn. Rock Việt ra đời chào đón với những nhóm nhạc đầu tiên toàn lấy tên Tây và hát nhạc Tây. Từ đầu thập niên 1970, hàng loạt ban nhạc trẻ đúng phong vị Mỹ cũng xuất hiện nhưng sau đó dần chìm xuống bởi sự phát triển của nhạc trẻ Sài Gòn.
Đến tận những năm 90, liên hoan nhạc trẻ Nhà Văn hóa Thanh niên năm (1992) và Unplugged (1994) đã kích thích lòng tự tin và niềm đam mê của các rocker Việt, và bắt đầu dấy lại phong trào chơi nhạc trong các trường Cao đẳng – Đại học ở Sài Gòn. Dưới tác động mạnh mẽ của nhạc rock thế giới với vô số các dòng chảy đang liên tục phát triển, người chơi lẫn người nghe được tiếp cận với nhiều góc cạnh hơn của nền âm nhạc thế giới, và giới rocker Sài Gòn lại một lần nữa đi tìm bộ mặt mới cho mình sau những năm tháng bị tụt lại.
“Rock đang chết! Chết nhục nhã”
Nếu như trong quá khứ, từ thập niên 1990 đến những năm 2000, nhạc rock từng là ngọn cờ đầu suốt hàng thập kỷ, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực văn hóa và giải trí, thì số lượng người chơi rock, nghe rock ngày nay đang ngày một giảm đi.
Các tụ điểm rock thường là những quán bar, rock café hay beer club – đã từng là như vậy, nhưng nay những sân khấu này gần như đã thuộc về các thể loại khác, như rap chẳng hạn. Các ban nhạc rock ầm ĩ một thời đã lần lượt tan rã.
Nhiều rocker có kỹ năng tốt nhưng phần lớn họ đều không sống được bằng thu nhập từ tác phẩm của mình. Một số vẫn “giữ lửa” và kiếm sống bằng rock, như chơi nhạc ở những sự kiện nhỏ lẻ, đám cưới hay một vài quán bar. Nhưng cũng có không ít người đã tìm công việc khác để mưu sinh. Hầu hết rocker hiện nay đều chỉ chơi rock để thỏa mãn niềm đam mê của bản thân, họ không chú trọng trong việc xây dựng hình ảnh và truyền thông bài bản chứ chưa kể đến vấn đề kinh doanh từ âm nhạc.
Không thể phủ nhận nhạc rock đang ngày càng gặp nhiều khó khăn. Làm rock rất tốn tiền và công sức. Một nghệ sĩ rock phải hiểu qua các kiến thức nhạc lý, nhạc cụ, hòa âm phối khí, v.v. – công việc đòi hỏi sự nghiêm túc và sáng tạo. Nhiều nghệ sĩ theo đuổi nhạc rock đang loay hoay không biết đâu mới là hướng đi phù hợp.
Người chơi rock đã ít, số lượng người nghe rock cũng ngày hơi thưa thớt đi. Đối tượng khán giả của rock từng là sinh viên và những người trẻ đang trong độ tuổi tràn đầy nhiệt huyết. Nhưng sinh viên thời nay không còn như những năm 2000 hay 2005 nữa, giờ đây họ thích nghe nào là nhạc indie hay các thể loại như pop, rap hay lofi.
Nhưng sự thật có phải thế?
“Âm nhạc Việt chứ không chỉ riêng rock tách biệt với thế giới, thiếu cọ xát dẫn tới lạc hậu, manh mún và chộp giật. Chính từ sự lạc hậu đó dẫn tới việc rất dễ hài lòng với bản thân, ảo tưởng. Trong một nền công nghiệp âm nhạc lạc hậu như vậy thì không chỉ rock mà âm nhạc nói chung đều chưa thu hút được công chúng.”, Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ.
Nhạc rock Việt không phải đang chết mà cũng không thật sự đang sống. Nhạc hiphop hay R&B phổ biến hơn trên nền tảng streaming hay radio nhưng ở những sân khấu trực tiếp, rock vẫn mãi đứng ngôi vua.
Nhạc sĩ Phương Uyên cũng đã từng nói: “Chẳng có gì gọi là chết, sóng sau đẩy sóng trước, hết vòng rồi lại quay về, chỉ cần một nhân tố xuất sắc xuất hiện. Nhân vật có thể xoay chuyển guồng quay, nhân vật có đủ lực đánh tan các con sóng khác.”
Sân chơi phải do người chơi tạo nên, không ai làm sẵn cho chúng ta chơi cả. Ngoài sự sáng tạo trong âm nhạc, nghệ thuật thì người chơi nhạc hay rocker còn phải sáng tạo trong sự tiếp cận và đưa sản phẩm của mình đến gần với khán giả.
Vài năm trở lại đây, vẫn có nhiều nhóm nhạc rock hoạt động và cho ra lò nhiều ca khúc hay, được khán giả ủng hộ nhiệt tình.
“Anh lớn” Microwave sau một thời gian không hoạt động nhiều thì nhóm trở lại với MV Thiên Cổ. Microwave có thể xem là một trong những anh đại của làng Rock Việt. MV nhạc Rock hoành tráng và được đầu tư cả kĩ xảo 3D. Đoạn bass và tiếng guitar siêu đỉnh đã khơi dậy tình yêu rock trong nhiều bạn trẻ Việt.
Ngọt là một trường hợp cải biến rock rất thú vị. Đó là nhóm nhạc indie được nhiều bạn trẻ yêu thích bởi những ca từ sâu sắc và ý nghĩa. Âm nhạc của họ không hẳn là rock chính thống nhưng tinh thần rock thì được thể hiện một cách tươi mới. Chuyển Kênh mang phong cách Pop Rock nhẹ nhàng và khá cuốn cho những bạn mới làm quen với Rock.
The Flob đang được coi là “hơi thở mới” của rock Việt với các thành viên toàn trong độ tuổi U20. EM OII là tác phẩm đặc trưng của nhóm, với thứ âm nhạc gần gũi, mộc mạc và còn đậm chất bản năng.
Cá Hồi Hoang cũng chính là một band nhạc rock-alternative cuốn hút cả giới trẻ hai miền Nam – Bắc. Nghệ thuật là để sáng tạo, không cần quá cực đoan, lên gân. Cánh Đồng là ca khúc ấn tượng nhất của nhóm với MV đẹp và nhạc cũng rất bắt tai.
Kết
Rock là âm nhạc của tập thể. Nó không phải là một cái beat nhạc bạn download từ trên mạng xuống rồi ngân nga theo hoặc mang đi hát giao lưu đơn thuần ở ngoài phố đi bộ Nguyễn Huệ. Rock là một cuộc chơi nhạc-sống, nơi âm nhạc phát ra từ nhạc cụ thật chứ không phải từ cái file karaoke.mp3. Rock là một tổ hợp những người chơi nhạc, những mảnh ghép tuy đâu đó trong bài sẽ có dịp tỏa sáng, nhưng nhất định phải có nhau để bài hát trọn vẹn.
Mew Amazing
Nghe rock cũng như xem tranh, lúc đầu bạn đứng xa để xem toàn cảnh bức tranh, bố cục và nội dung. Sau đó bạn đến gần hơn để xem từng chi tiết. Và cuối cùng nếu bạn là người am hiểu về hội họa, bạn sẽ phân tích từng nét cọ, cách pha màu của người vẽ tranh để cảm nhận được vẻ đẹp của bức tranh đó.
Hi vọng một ngày nào đó, khán giả Việt nói riêng cũng như trên toàn thế giới nói chung sẽ nhìn nhận được giá trị thật sự của thể loại nhạc này.
Tham khảo: Báo Tuổi Trẻ, Nguyễn Trọng Thiện
Thảo luận về bài viết