#KhôngQuạu là series tổng hợp, chia sẻ và nêu quan điểm của TML về những hiện tượng gần đây với mong muốn khai thác góc nhìn tích cực nhất từ những câu chuyện xung quanh ta.
Sự đảo lộn của mọi quy tắc đạo đức
Mới đây, trên khắp các fanpage, group lớn nhỏ xôn xao vụ việc nữ du học sinh Việt tại Hàn với tên Facebook là Đ.D (21 tuổi) kể về câu chuyện bị bốn thanh niên xâm hại tình dục tập thể nơi đất khách. Theo đó, vụ việc đã xảy ra từ cuối tháng 1/2020 và những kẻ xâm hại “đã bị Tòa án Hàn Quốc xử trục xuất về nước.
Tuy nhiên, một trong những đối tượng bị kết tội sau khi về Việt Nam vẫn tiếp tục viết bài bôi nhọ, lăng mạ Đ.D. Nữ nạn nhân buộc phải viết bài đăng dài để kể chi tiết và tường tận vụ việc với mong muốn “cảnh tỉnh các bạn nữ nơi đất khách” đồng thời mong muốn mọi người xung quanh có cái nhìn công tâm hơn với em.
Câu chuyện gây càng gây xôn xao khi phía những người bị tố cáo lại khẳng định bản thân bị “gài”, và vì đã bị trục xuất về nước nên phải lao động chân tay khổ sở, trong khi gia đình không khá giả gì. Thậm chí, bố mẹ phải cầm cố sổ đỏ để trả tiền bồi thường cho Đ.D.
Cộng đồng mạng “năm người mười ý”
Ngay sau khi sự việc được đăng tải lên mạng xã hội, cộng đồng mạng dường như vẫn đang ở trạng thái hoang mang với những thông tin được các bên đưa ra. Hiện tại, bài đăng của Đ. D trong nhóm đã thu hút tới xấp xỉ 70,000 lượt cảm xúc và hàng chục nghìn bình luận đứng ra bênh vực. Điều đó chứng tỏ mức độ quan tâm của mọi người đối với câu chuyện này là rất lớn. Từ đó cũng đã nổ ra hai luồng tranh cãi trái chiều.
Nhiều người đã vô cùng phẫn nộ với hành động của nhóm nam thanh niên, đồng thời bày tỏ sự thương cảm với sự mất mát và đau đớn của Đ.D, rằng một mình ở nơi đất khách mà phải chịu đựng điều đó thì đúng là không có từ ngữ nào tả nổi.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác thì vẫn có không ít người bày tỏ hoài nghi trước câu chuyện mà nữ sinh Đ.D đăng tải. Nhiều người cho biết, vì Đ.D. cũng từng có “phốt” trong quá khứ nên sự việc cũng chưa thể đáng tin. Họ cảm thấy câu chuyện mà chàng trai chia sẻ có phần thực tế và đáng tin hơn.
Chúng ta có đang sống trong một nền văn hóa cưỡng hiếp?
Rape culture – Văn hóa cưỡng hiếp là một thuật ngữ được tạo ra bởi các nhà nữ quyền ở Mỹ vào những năm 1970s.
Emilie Buchwald – tác giả quyển sách “Sự chuyển đổi của văn hóa cưỡng hiếp” – đã định nghĩa văn hóa cưỡng hiếp “là sự tổng hợp giữa niềm tin vào việc khuyến khích nam giới tấn công tình dục và ủng hộ bạo lực đối với phụ nữ. […] Nó điều hướng cách mà xã hội đang đổ lỗi cho nạn nhân bị tấn công tình dục và bình thường hóa hành vi tấn công tình dục của nam giới.”
Trong văn hóa cưỡng hiếp, cả nam và nữ đều cho rằng, bạo lực tình dục là một điều nghiễm nhiên của cuộc sống, không thể tránh được. Không chỉ thế, nền văn hóa này khiến phụ nữ phải coi rằng những sự đe dọa tình dục được thể hiện bằng nhiều dạng như quấy rối bằng miệng, đụng chạm hay cưỡng hiếp xảy ra một phần là do lỗi của họ. Văn hóa cưỡng hiếp chấp nhận sự khủng bố về mặt thể xác hay cảm xúc thông qua lời nói hoặc hành vi đối với phụ nữ giống như một quy chuẩn, một điều nghiễm nhiên trong cuộc sống như kiểu: làm hoa phải cho người ta hái, làm gái phải cho người khác trêu.
Những số liệu về quấy rối và tấn công được coi như quy chuẩn xã hội rằng: cứ 1 trong 4 phụ nữ đang tuổi phát triển, 1 trong 6 phụ nữ trưởng thành, 1 trong 33 nam giới là nạn nhân của tấn công tình dục. Số liệu này thậm chí còn xuất hiện cao hơn ở những phụ nữ chuyển giới, với 1 trong 3 nữ chuyển giới và 1 trong 6 nam chuyển giới bị tấn công tình dục.
Rape culture – vì sao người ta thích đổ lỗi cho nạn nhân?
“Không có lửa làm sao có khói”, chúng ta vẫn thường cho rằng những nạn nhân bị xâm hại tình dục là “lửa”, châm ngòi cho “khói” – hành vi bị xâm hại, xảy ra với họ. Việc đó được gọi là victim-blaming (đổ lỗi cho nạn nhân).
Tư tưởng đổ lỗi nạn nhân cho rằng, bằng một số hành vi cụ thể nào đó, nạn nhân đã âm thầm mong muốn tội ác xảy ra với mình. Một số hành vi “đáng trách” thường gặp bao gồm:
- Đi chơi vào buổi tối
- Chụp hình khỏa thân
- Mặc quần áo bó, váy ngắn, v.v.
- Thích gần gũi
- Trở nên say xỉn
Điểm chung của những việc làm đó là gì? Những thứ mà chúng ta cho là “đáng trách” mà nạn nhân thực hiện để “mời mọc chuyện xấu xảy ra” thực ra lại là quyền lợi và quyền tự do mà mỗi con người đều có – và “con người” ở đây bao gồm cả phụ nữ.
Khi chúng ta đi theo chiều hướng “tại nạn nhân mà ra”, chúng ta đã quên mất rằng tên tội phạm mới thực sự là người gây ra tội ác chứ không phải là nạn nhân, quần áo hay những bức hình của họ.
Tội ác xảy ra khi tội phạm lựa chọn để xâm phạm ai đó. Hiếp dâm, cưỡng hiếp, trộm cắp, quấy rầy, phát tán ảnh mang tính gợi dục mà không có sự đồng ý của chủ nhân, v.v. là những quyết định của một ai đó để xâm phạm một ai khác.
Là một cộng đồng mạng thông minh, chúng ta nên làm gì?
Đứng trước một sự việc có tính chất nghiêm trọng và nhiều tình tiết rối rắm đan xen như thế này thì quả thật là cư dân mạng và dư luận sẽ rất dễ hoang mang, thậm chí dễ gây ra những hiệu ứng ngược gây tổn hại tinh thần tới các nhân vật chính trong vụ việc và còn có 1001 “thuyết âm mưu” khác theo như ý kiến của cư dân mạng.
Vì thế ở thời điểm này chúng ta cũng nên có những cách hành xử văn minh sau:
- Không phản ứng quá gay gắt, tiêu cực, đả kích hay phán xét bất cứ nhân vật nào trong câu chuyện.
- Thay vào đó hãy tiếp thu, lắng nghe và chắt lọc kỹ các thông tin một cách cẩn thận để chờ đến khi câu chuyện được các cơ quan ban ngành có quyền thẩm định và lên tiếng.
- Đọc thông tin để đúc kết bài học hoặc giá trị kiến thức, đừng để bản thân vô tình tiếp nhận những nguồn năng lượng tiêu cực và vô tình ảnh hưởng đến cuộc sống đời thật.
Tham khảo: Yêu thương và tự do, Beautiful Mind VN
Xem thêm:
Nạn nhân của cưỡng hiếp trên màn ảnh đều phải chết?
Rape-revenge: Khi nạn nhân lên tiếng “Đây không phải cái kết của tôi”
#Thoáng: Tình dục cưỡng ép – Khi nạn nhân bị chính đối tác tình cảm lạm dụng
Thảo luận về bài viết