#KhôngQuạu là series tổng hợp, chia sẻ và nêu quan điểm của TML về những hiện tượng gần đây với mong muốn khai thác góc nhìn tích cực nhất từ những câu chuyện xung quanh ta.
Một pha xử lý thiếu chuyên nghiệp từ phía Sơn Tùng M-TP?
Câu chuyện về trách nhiệm với “gà nhà”
Cộng đồng mạng thời gian gần đây đã dấy lên những lùm xùm về chuyện tình cảm và đời tư của “gà nhà” trực thuộc công ty M-TP Entertainment của Sơn Tùng.
Nếu ở làng giải trí Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, khi “gà nhà” gặp những bê bối liên quan đến đời tư, sự nghiệp, phát ngôn… thì gần như ngay lập tức, đơn vị chủ quản cần phải đưa ra những phát ngôn, có thể nhằm bảo vệ họ, cũng như trấn an dư luận, hoặc tỏ thiện chí sẽ vào cuộc làm rõ các vấn đề.
Một ví dụ cụ thể và khá tương đồng với trường hợp của Sơn Tùng là trường hợp của nam idol Hàn Quốc, Kang Daniel.
Vào tháng 8/2019, nghệ sĩ thần tượng Hàn Quốc Kang Daniel bị “khui” ra tin đồn hẹn hò với nữ ca sĩ Jihyo của nhóm nhạc Twice. Chỉ mất vài tiếng, công ty do chính Kang Daniel làm CEO đã xác nhận chuyện hẹn hò của chính nam thần tượng này. “Ông lớn” JYP – công ty quản lý của Jihyo, cũng lên tiếng khẳng định ngay sau đó.
Cần biết rằng, vào thời điểm đó, cả Kang Daniel và Jihyo đều đang là những nghệ sĩ thần tượng nổi nổi tiếng nhất Hàn Quốc, có khá đông người hâm mộ phản đối, nhưng cũng có rất nhiều người đồng ý và chúc phúc cho cặp đôi.
Dù tin đồn có đúng hay sai, công ty chủ quản vẫn nên đưa ra một lời giải thích, những phát ngôn “hợp tình hợp nghĩa” để thể hiện trách nhiệm với nghệ sĩ của mình, sự tôn trọng khán giả, cũng như khẳng định phong cách làm việc chuyên nghiệp của phía nhà quản lý.
Nhưng đi ngược lại với phong thái chuyên nghiệp trên, trước những sóng gió không ngừng tấn công “gà nhà” – từ chuyện hẹn hò đến chuyện lộ ảnh nhạy cảm, M-TP là công ty chủ quản hay chính Sơn Tùng là người trong cuộc vẫn chưa một lần lên tiếng.
Không cần thanh minh, biện hộ, hay giải thích quá dài dòng, điều mà người hâm mộ và phía khán giả nói chung cần nhất vẫn là một phát ngôn rằng “chúng tôi đã nhận thấy được sự nghiêm trọng của vấn đề”, tốt hơn thì sẽ “giải quyết sự việc một cách thỏa đáng và công minh nhất.” Song, M-TP lại không có một động thái nào.
Đồng ý rằng chuyện tình cảm là vấn đề cá nhân của nghệ sĩ, có thể giữ kín để tôn trọng cuộc sống riêng tư của họ. Nhưng rõ ràng là sự việc đã không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến người trong cuộc, mà còn liên lụy đến cả một số các bên không liên quan. Mặc dù trong quá khứ, Sơn Tùng chưa từng lên tiếng xác nhận về câu chuyện tình yêu của mình , nhưng hiện tại vấn đề còn xoay quanh việc “gà nhà” đang bị phần đông cư dân mạng chỉ trích là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Xét trên phương diện công ty chủ quản, việc để “gà nhà” phải đối diện với nhiều luồng tin bất lợi, trong khi họ vốn là một người chưa có nhiều kinh nghiệm dấn thân vào làng giải trí, thì xem ra, Sơn Tùng chưa chuyên nghiệp và thực sự thiếu trách nhiệm.
Xét trên phương diện con người, Sơn Tùng không hề lên tiếng về vụ lùm xùm đời tư và để hai người con gái “đứng mũi chịu sào”, còn bản thân thì lên đọc diễn văn “Thương em” và các Sky vẫn xuýt xoa “Ôi thương Sếp quá.” Một pha xử lí quá kém đến từ Nguyễn Thanh Tùng rồi!
Rất nhiều lời bao biện cho rằng trước giờ Sơn Tùng không bao giờ chưa bao giờ lên tiếng dù gặp phải scandal nhỏ hay lớn, chỉ im ỉm một thời gian sau đó comeback lại được “tẩy trắng” một cách diệu kỳ, thậm chí dường như cả V-net “mất trí nhớ”. Và cứ thế, Sơn Tùng được lại được tung hô lên thành số một Vpop.
Đôi khi im lặng để mọi việc lắng xuống đôi khi là một cách hay. Nhưng liệu đây là “im lặng là vàng” hay “im lặng là đồng ý”?
Trách nhiệm với khán giả và người hâm mộ
Không thể phủ nhận rằng Sơn Tùng là một viên ngọc quý cho nền âm nhạc Việt Nam. Từ việc nam ca sĩ “đi lên từ hai bàn tay trắng,” đến việc trở thành một trong những ca sĩ đầu tiên có thể khiến cho thế giới ít nhiều chú ý hơn đến nền âm nhạc non trẻ nước nhà, rất khó để ngó lơ tài năng của Sơn Tùng.
Tuy nhiên, không thể dựa vào những thành công trên mà bênh vực Sơn Tùng bởi những câu chuyện bê bối gần đây liên quan đến vấn đề bản quyền.
Việt Nam luôn là một “điểm đen” về vấn đề bản quyền. Cần phải thẳng thắn rằng, phần lớn chúng ta đang “nhập lậu” hoặc “dùng chùa” khá nhiều những phần mềm, phim ảnh, từ bên ngoài. So với trong khu vực, Việt Nam tiếp cận Netflix, Disney Plus, HBO Max, Spotify, Apple Music, Youtube Premium… chậm hơn nhiều. Và một khi đã “vào” rồi, thì nạn ăn cắp thông tin, xài tài khoản dùng thử… cũng khiến các đơn vị nước ngoài ngao ngán.
Do đó, không thể lấy lý do “xài chùa” để bao biện cho một hành vi xâm phạm tác quyền, không được lấy cái lỗi sai của người khác để minh oan cho bản thân, đặc biệt là với một ca sĩ hàng đầu của làng nhạc Việt.
Đạo nhạc là một vấn đề rất nghiêm trọng. Trong quá khứ, có khá nhiều bài báo và bình luận nước ngoài nói về Sơn Tùng M-TP đạo nhạc. Khi đó, một số cư dân mạng Hàn Quốc đã tràn vào những MV của Sơn Tùng để xúc phạm anh và hình ảnh Việt Nam. Nam ca sĩ lập tức được người hâm mộ Việt Nam bênh vực và mọi chuyện đã lắng xuống ngay sau đó.
Tuy nhiên, ta không thể so sánh những bình luận từ “những người ngạo đạo” (ở đây là những người nghe thiếu kiến thức về nhạc lý) với các tổ chức uy tín thế giới (Youtube) và người làm nhạc chuyên nghiệp (GC). Lần đầu tiên, Sơn Tùng bị Youtube “chỉ đích danh” tên tuổi khi thẳng tay ẩn đi MV “Chúng ta của hiện tại” sau khiếu nại vi phạm tranh chấp về bản quyền của nhà sản xuất GC.
Tương tự như cách giải quyết những rắc rối trước, Sơn Tùng tiếp tục không đưa ra câu trả lời rõ ràng. Không thừa nhận, cũng chẳng buồn bải bác, để mặc người hâm mộ “không biết đường nào mà lần.”
Có người bảo vệ “sếp” bằng cách đổ lỗi cho bên thứ ba. Họ cho rằng việc kiện cáo bản quyền beat nhạc cũng là lỗi của nhà sản xuất chứ không phải chỉ riêng mỗi Sơn Tùng. Tuy nhiên, người hâm mộ lại quên rằng, MV Chúng ta của hiện tại được đăng trên kênh chính thức của Sơn Tùng M-TP, được ca sĩ thể hiện và ghi rõ “Official Music Video.” Rõ ràng, với tư cách lãnh đạo công ty chủ quản, nam ca sĩ phải là người chịu trách nhiệm cao nhất với sự việc lần này, chứ khó mà đổ tại nhà sản xuất âm nhạc hay một người nào đó được.
Một lượng lớn người hâm mộ Sơn Tùng cũng đang hành động không được khôn ngoan khi cho rằng nhà sản xuất GC đã “hại” thần tượng của mình. Nhiều người còn tấn công các trang Youtube, Instagram của nhà sản xuất này, khiến anh chàng phải lên tiếng một cách hằn học và bực tức.
Với GC, việc khiếu nại lên Youtube chính là thực thi luật bản quyền, bảo vệ công sức sáng tạo, tạo ra sân chơi công bằng giữa các nghệ sĩ. Sơn Tùng M-TP, phải có trách nhiệm làm rõ những vấn đề khiếu nại, mua bản quyền và thông báo đến người người nghe nhạc.
Tại sao lại ủng hộ thần tượng của mình bằng cách tấn công một người đã làm đúng trong trường hợp này? Đây không phải là thần tượng, đây là mù quáng.
Nước đi này của Sơn Tùng có phải đang bôi đen thêm đất nước Việt Nam không khi chính phía GC đã nói “ở phương Tây chúng tôi người ta không làm như thế”?
Kết
Khán giả nghe nhạc chờ đợi một phát ngôn chính thức từ Sơn Tùng xung quanh những sự việc đã diễn ra. Người hâm mộ của “sếp” thì cần một chỗ dựa và niềm tin. Ai cũng mong muốn câu chuyện có một cái kết rõ ràng, chứ không lửng lơ như thời gian qua.
Đâu có thể “im lặng là vàng” mãi được, phải không, Sơn Tùng M-TP?
Tham khảo: Tifosi
Xem thêm:
#Nghĩ: Hội bà tám và thói quen hít drama của thời đại 4.0
Bức tranh toàn cảnh nền âm nhạc indie tại châu Á
Thảo luận về bài viết