#KhôngQuạu là series tổng hợp, chia sẻ và nêu quan điểm của TML về những hiện tượng gần đây với mong muốn khai thác góc nhìn tích cực nhất từ những câu chuyện xung quanh ta.
Vừa qua, thông tin tập đoàn Hàn Quốc Lotte Group sẽ đóng cửa toàn bộ cửa hàng của Lotteria tại Việt Nam được lan truyền khắp các trang báo và mạng xã hội. Tuy nhiên, phía Lotteria Việt Nam đã có thông báo chính thức, cho rằng tờ thông tin từ báo chí Hàn Quốc là chưa chính xác.
Không những thế, đại diện Lotteria còn khẳng định, chuỗi thức ăn nhanh vẫn đang tiếp tục mở rộng và phát triển tại thị trường Việt Nam. Cụ thể hơn, kế hoạch của Lotteria trong thời gian tới là và đầu tư một nhà máy tại Khu công nghiệp Long Hậu (tỉnh Long An) và có thêm 28 cửa hàng mới nữa tại mảnh đất hình chữ S.
Vì sao lại có những hiểu lầm này?
Ngày 16/4, xuất hiện trên bản tin của tờ The Korea Times, bài viết với tựa đề “Tập đoàn Lotte sẽ rút khỏi mảng thức ăn ở khu vực Đông Nam Á” cho biết, đơn vị kinh doanh nhà hàng của Tập đoàn Lotte là Lotte GRS đã ngừng hoạt động chuỗi thức ăn nhanh ở Indonesia kể từ năm ngoái.
Trong khi đó, nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm của Tập đoàn Lotte tại Việt Nam – được thành lập vào đầu năm 2020 nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh của Lotte GRS tại các nước Đông Nam Á lân cận, cũng đang trong quá trình đóng cửa.
Từ đó làm dấy lên thông tin thương hiệu thức ăn nhanh “tuổi thơ” đối mặt trước nguy cơ đóng cửa tại Việt Nam, khiến cộng đồng mạng xôn xao tiếc nuối.
So với hai “địch thủ” khác, doanh thu Lotteria cao hơn ở thị trường Việt Nam
Là một trong những chuỗi gà rán lớn tại Việt Nam, Lotteria hiện đã có hơn 260 cửa hàng, thuộc top những chuỗi đồ ăn nhanh phát triển nhất. Lotte Group – tập đoàn đằng sau Lotteria, cũng đã có hơn 20 năm kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Vietnam Report, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) rơi vào khoảng 10% mỗi năm, vượt trội hơn so với mức tăng trưởng chung của các ngành kinh tế khác. Điều này chứng tỏ, dư địa phát triển ngành này vẫn rất rộng, và Việt Nam là thị trường có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, Lotteria, KFC và Jollibee là ba cái tên gần như thống trị phân khúc thị trường này. Năm 2019, tổng doanh thu của ba chuỗi này đạt gần 4,300 tỷ đồng (tăng hơn 11% so với năm 2018).
Xét trong các đối thủ cạnh tranh gần thì Lotteria đang vượt lên trên những KFC hay Jollibee về doanh thu. Cụ thể trong năm tài chính gần nhất, doanh thu thuần của chuỗi thức ăn nhanh Hàn Quốc đạt mốc 1,683 tỷ đồng, vượt lên trên KFC (1,498 tỷ đồng) và Jollibee (1,178 tỷ đồng).
Doanh thu hơn là thế, nhưng Lotteria thật sự có “nhỉnh” hơn hẳn?
Tiềm năng thị trường đồ ăn nhanh tại Việt Nam rất lớn, tuy nhiên, các thương hiệu như Lotteria, KFC và Jollibee vẫn khá chật vật trong việc tìm kiếm lợi nhuận.
Theo các chuyên gia đánh giá, trong ba thương hiệu thức ăn nhanh dẫn đầu Việt Nam, KFC lại là chuỗi có lợi nhuận tích cực nhất. Ba năm gần đây, chuỗi này duy trì lợi nhuận trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, dù doanh thu cao nhất trong cả ba, nhưng Lotteria vẫn chịu lỗ – tương tự với Jollibee.
Khoản lỗ của Lotteria Việt Nam trong ba năm 2015 – 2016 – 2017 lần lượt 118 tỷ, 135 tỷ và 20 tỷ đồng. Năm 2018, đơn vị vận hành thương hiệu Lotteria tại Việt Nam vẫn duy trì doanh thu hơn 1,000 tỷ đồng/năm những khoản lỗ lũy kế đã lên đến 400 tỷ. Đến năm 2019, thương hiệu đến từ Hàn Quốc thu về 1,683 tỷ đồng (cao hơn KFC gần 200 tỷ đồng) với lợi nhuận gộp 987 tỷ, nhưng vẫn báo lỗ 22 tỷ.
Và trong năm 2020, tình hình kinh doanh của Lotteria Việt Nam cũng không khấm khá hơn. Theo đó, giá trị sổ sách của Lotteria Việt Nam ở mức 553 tỷ đồng vào đầu năm ngoái, nhưng đã giảm xuống còn 322 tỷ đồng do khoản lỗ 231 tỷ đồng.
Chi phí thuê mặt bằng, trang thiết bị, nhân công và vận hành cao lại là vấn đề trọng yếu của Công ty TNHH Lotteria Việt Nam, nghĩa là doanh nghiệp này càng kinh doanh, càng mở rộng thì càng thua lỗ.
Thậm chí, theo nguồn tin của tờ The Korea Times, năm 2020, Lotteria Việt Nam không tạo ra bất kỳ đồng lợi nhuận nào cho Lotte GRS – đơn vị kinh doanh nhà hàng của Tập đoàn Lotte.
Các chuỗi thức ăn nhanh khác kinh doanh có khá hơn?
Đi đầu vào thị trường Việt Nam từ những năm 1996, KFC phải mất đến 7 năm để có đồng lợi nhuận đầu tiên. Trong các năm tiếp theo thì tình hình tài chính “phập phồng”, không đều đặn.
Báo cáo tài chính riêng 2019 của KFC Việt Nam ghi nhận doanh thu gần 1,498 tỷ đồng – chỉ tăng gần 1,3% so với năm 2018. Biên lợi nhuận gộp của KFC giai đoạn 2016-2019 cũng ở mức thấp, dao động 13-18% (giá vốn hàng bán cao). Tuy nhiên, do kiểm soát được chi phí bán hàng nên doanh nghiệp vẫn báo lãi 78 tỷ đồng trong năm 2019. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 và 2018 lần lượt là 88 tỷ đồng và 94 tỷ.
Chuỗi Jollibee của Jollibee Việt Nam vào Việt Nam từ năm 2005 nhưng đến nay Jollibee vẫn còn lỗ lũy kế 63 tỷ đồng, trong khi quy mô vốn điều lệ chỉ 409 tỷ. Trong năm 2019, Jollibee Việt Nam thu về 1,118 tỷ đồng, lợi nhuận gộp lên tới 604 tỷ và phải chịu lỗ 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, có thể kể đến Burger King bắt đầu rót 40 triệu USD vào Việt Nam từ năm 2012, đặt mục tiêu mở 60 cửa hàng trước năm 2016 nhưng đến nay lượng cửa hàng thực tế là 9.
Hay Mc Donald’s ra mắt khá rầm rộ vào năm 2014 với tham vọng có 100 cửa hàng vào năm 2022. Tuy nhiên, hiện thương hiệu này mới chỉ có 23 cửa hàng.
Vì đâu mà việc kinh doanh của các chuỗi thức ăn nhanh lại “sấp mặt” như vậy?
Báo cáo của Euromonitor từng đánh giá, Lotteria, KFC hay Jollibee vẫn giữ vị thế dẫn đầu nhưng tốc độ tăng đã chậm lại đáng kể, một phần do sức nóng trên thị trường fast food được đẩy lên cao khi các mô hình cửa hàng tiện lợi kèm đồ ăn nhanh mở rộng.
Các chuỗi cửa hàng tiện lợi kèm đồ ăn như Ministop hay 7-Eleven đẩy nhanh tốc độ mở rộng đã tạo áp lực lớn đối với phân khúc này, thu hẹp miếng bánh thị phần của những chuỗi thức ăn nhah lâu đời như Lotteria hay các thương hiệu khác.
Bên cạnh đó, nhóm sản phẩm đồ ăn nhanh cũng chịu ảnh hưởng từ sự thay đổi trong tư duy tiêu dùng của khách hàng, khi sức khỏe được ưu tiên hơn.
Một tỷ lệ lớn người tiêu dùng Việt Nam xác định khỏe mạnh và có sức khỏe tốt là dấu hiệu của sự thành công, thay vì giàu có. Mặt khác, mức độ gia tăng của các vụ bê bối thực phẩm và các vấn đề ô nhiễm môi trường buộc mọi người phải quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe.
Báo cáo của Nielsen nhận xét.
Không chỉ thế, các doanh nghiệp đồ ăn nhanh nước ngoài khi vào Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt với sự tiện lợi và đa dạng của ẩm thực đường phố nơi đây. Ngoài ra, giá bán của các mặt hàng đồ ăn nhanh được cho là rẻ ở nước ngoài nhưng lại là đắt đỏ ở Việt Nam.
Nguồn: VietnamBiz, Zing
Xem thêm:
#KhôngQuạu: Người Việt nghèo nên mới không có tiền ăn McDonald’s?
#KhôngQuạu: Người Châu Á không phải là vi-rút, sự kỳ thị mới là dịch bệnh
#KhôngQuạu: Đừng phí thời gian chửi rủa Thơ Nguyễn
Thảo luận về bài viết