Hơn cả một điểm mua bán, những khu chợ còn là nơi người ta tìm đến để gặp gỡ, để đùa vui, và kể nhau nghe vu vơ vài chuyện.
Ngày bé, mỗi lần thấy mẹ hay bà xách giỏ lên chuẩn bị đi chợ, là mắt đứa trẻ con nào cũng sáng rỡ. “Mong như mong mẹ về chợ”, bởi mỗi lần đi chợ về, mẹ đều sẽ có quà cho đám con nít ở nhà. Chẳng nhiều nhặn hay to tát gì, chỉ vài cái bánh cái kẹo, bịch chè đậu xanh ăn vào mát cả ruột, hay ít trái cây vườn mà các cô bán hàng quen dúi cho. Vậy thôi mà cứ mong cứ ngóng.
Lớn lên một chút, bọn trẻ con bắt đầu được đi theo mẹ ra chợ, được nhìn tận mắt sờ tận tay từng bó rau con cá, cảm nhận cái không khí mua mua bán bán tuy có ồn ào chen chúc nhưng lại thân thương và ấm áp lạ kỳ.
Rồi thoắt cái, những đứa nhóc con ngày nào đã trở thành người lớn, đã có thể tự ra chợ, tự mua sắm, tự thưởng cho mình những món quà be bé ngày xưa từng mong ngóng. Chỉ không hiểu một điều, là sao ăn mà chẳng thấy ngon như hồi bé nữa…
Vậy đấy, có thể nói rằng chợ là một điều gì đó vô cùng quen thuộc và gắn bó trong ký ức cũng như trong đời sống của mỗi người Việt Nam. Từ khi còn nhỏ cho đến lúc lớn lên rồi già đi, ai cũng ít nhất một lần đặt chân đến những khu chợ, dẫu cho nó là một cái chợ chồm hổm ở làng quê nhỏ hay một khu mua bán tấp nập đông vui ở thành phố lớn.
Chợ là gì và có từ bao giờ?
Thân thương là thế, nhưng khi hỏi định nghĩa chính xác của chợ thì ít ai trả lời được (hay do tâm lý những gì càng thân quen gần gũi thì chúng ta lại càng không mấy để ý đến vì ngỡ đâu mình đã biết quá rõ về nó rồi?).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có khoảng 8.600 chợ lớn nhỏ trên khắp cả nước, trong đó lại được phân loại thành các hạng khác nhau dựa vào quy mô của chợ. Tuy nhiên, để nói chắc chắn Việt Nam có bao nhiêu cái chợ và mấy loại chợ khác nhau thì đành… chịu thua.
Thế nhưng, có một điều không thể phủ nhận, rằng trong tâm thức người Việt thì chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa. Chợ mang nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn thế. Định nghĩa khó đã đành, để trả lời câu hỏi “chợ có từ bao giờ” thì còn khó hơn.
Nhìn chung, chợ có mặt từ rất sớm trong lịch sử loài người. Khi chúng ta bắt đầu sản xuất ra hàng hóa và lương thực nhiều hơn nhu cầu sử dụng, chúng ta sẽ nảy sinh nhu cầu trao đổi – lấy cái mình đang dư thừa đổi lấy vật cần thiết hơn.
Theo một số tài liệu, chợ có lẽ đã xuất hiện từ những ngày đầu lập quốc, khi người Việt đã biết giao lưu buôn bán với người nước ngoài. Tuy nhiên, những bia chợ và thư tịch cổ cũng chỉ đưa ra những khung thời gian áng chừng.
Kim Lũ thị bi ký – tấm bia chợ hiện đang được đặt tại chợ Chủ (Bình Lục, Hà Nam) – có những ghi chép bằng Hán văn, miêu tả rằng nơi đây từ lâu đã có chợ phiên người mua kẻ bán đông đúc. Hồng Đức thiện chính thư thời Lê-Mạc cũng có ghi chép “lệ về việc mở chợ”, quy định “chợ mở sau không được họp cùng ngày và tranh giành với chợ cũ trước đấy.”
Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn cho biết, “Đến thời Thái Tông nhà Lý, mới đóng kinh đô ở Thăng Long, người bốn phương lũ lượt kéo đến, họp tập buôn bán cùng nhau mở chợ cửa Đông.” Đến thời Thái sư Trần Thủ Độ, cả nước có khoảng 100 chợ quê. Lúc ấy, chợ Việt Nam hãy còn là những khu chợ nhỏ, mang đặc trưng của mỗi vùng dân cư ở những khu vực địa lý khác nhau.
Người dân vùng đồng bằng tập trung tại các vùng có sông ngòi, chợ theo đó cũng họp tại các ngã ba nước để thuận tiện giao dịch. Ở những vùng cao, các ngôi làng thường hay nằm ở phía nam dãy đồi để tránh gió bấc, lúc này chợ sẽ “lui về” cuối làng. Còn ở những làng ven biển thì chợ hay họp ngay sát mép sóng.
Đến thế kỷ 16, giao thương với nước ngoài phát triển, những khu chợ quê dần thay áo thành những bến cảng sầm uất. Sang thế kỷ 19, văn minh đường cái mở ra, lúc này xuất hiện thêm những khu chợ đường cái họp ngay ngã ba đường như chợ Bần với món tương nức tiếng gần xa. Người Pháp đã mô tả một phiên chợ quê ở vùng đồng bằng sông Hồng thế này:
Mặt hàng của họ thực nghèo nàn; một người phụ nữ nông dân ngồi suốt buổi trước cái thúng chỉ có vài mớ rau hoặc mấy xu cá. Ngoài những người phụ nữ nông dân bán sản phẩm của đồng ruộng, vườn tược hoặc ao đánh cá được, trong các chợ đó chỉ có một số rất ít người chuyên nghiệp đơn điệu […]: 1 hoặc 2 người thợ rèn sửa chữa nông cụ mà người ta nhờ chữa và bán dao nhỏ, dao phay, những người bán kẹo lạc, bánh đa, đậu phụ, một người đàn bà bán vải.
P. Gourou
Ra chợ là ra chợ chơi
Đi chợ và họp chợ là một trong những đặc điểm văn hóa rất riêng của Việt Nam. Chợ không chỉ là nơi để trao đổi, mua bán, mà đó còn là nơi để mọi người thăm hỏi nhau, để giao lưu với bạn bè tứ xứ. Ngoài ra, chợ còn là “sàn diễn” phô bày tất cả những đặc trưng và nét đẹp văn hóa của mỗi vùng miền.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đào Duy Anh, văn hóa chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương tiện sinh hoạt của loài người, cho nên ta có thể nói rằng văn hóa tức là sinh hoạt. Thế nên, chợ vừa là nơi trưng bày, vừa là nơi tạo ra văn hóa địa phương.
Dường như ở chợ, mọi người đều biết nhau. Người bán quen mặt người mua, còn bạn hàng với nhau thì tất nhiên không phải ai xa lạ. Đứng đợi chị Ba cân xong mớ rau, tiện hỏi thăm “hai đứa nhỏ ở nhà dạo này thế nào?”. Ngồi xuống hàng chè bên hông chợ, các bà các mẹ vừa ăn vừa rôm rả kể từ chuyện ngoài đường đến chuyện trong nhà. Nói không ngoa, muốn không “tối cổ” thì chỉ cần bước chân ra chợ.
Do là “chỗ quen biết” cả, nên một trong những nét độc đáo của văn hóa chợ xưa chính là lối ứng xử thân tình. Vẫn nói thách, vẫn trả giá đấy, nhưng người bán chỉ nói thách một ít thôi còn người mua cũng chỉ trả giá lấy lệ. Giao dịch ngã ngũ, đôi bên vui vẻ hài lòng, hẹn nhau phiên chợ sau gặp lại.
Bên cạnh đó, chợ còn là nơi kết giao bạn bè, trao đổi tình cảm. “Trai khôn tìm vợ chợ đông / Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”. Điều này đặc biệt ý nghĩa vào thời xưa, khi những phiên chợ hầu như là nơi duy nhất mà trai gái có cơ hội gặp gỡ tìm hiểu nhau.
Ngoài ra, chợ còn là nơi khách thập phương có thể dừng chân để tìm hiểu về những sản vật địa phương nơi mình ghé qua. Không chỉ hấp dẫn khách lạ, chợ còn quyến rũ cả “người nhà”. Ai không có nhu cầu mua sắm vẫn có thể ra chợ để ngắm, để chơi, để tám chuyện, để ăn quà,…
Những khu chợ làm nên văn hóa
Chợ là một thứ vừa cụ thể, vì nó hiện hữu trước mắt ta, nhưng cũng vừa trừu tượng, tùy theo hình ảnh của chợ hiện diện trong trong tâm thức mỗi người. Khó để phân loại rạch ròi từng loại chợ riêng biệt.
Xét theo không gian, ta có không gian phương hướng với chợ Đông, chợ Đoài, chợ Nam, chợ Tây,… Nói đến không gian hành chính, sẽ có chợ làng, chợ xã, chợ huyện, chợ tỉnh,… Còn về địa lý, ta lại có chợ đô thị, chợ trung du, chợ vùng cao, chợ nổi.
Nhìn chung, các khu chợ trên cạn sẽ được chia thành quầy hoặc sạp, nằm sát nhau. Mỗi một “cửa tiệm” nho nhỏ đó sẽ họp lại theo từng khu, như khu bán thịt, bán cá, chỗ chuyên đồ khô, rau quả,… Tuy nhiên, ở những khu chợ nhỏ hơn kiểu chợ họp theo buổi, thì người bán không phân chia khu vực cụ thể. Hàng thịt kế sạp rau, đầu chợ bán cá cuối chợ cũng bán cá. Khách muốn mua gì thì cứ nhớ lấy vị trí từng nơi để những lần sau tự tìm đến mua.
Trong khi đó, chợ nổi – những khu chợ họp ngay trên con nước – sẽ khác hơn một chút. Ghe, thuyền tràn kín mặt sông, người bán cho thể đậu một chỗ hoặc chầm chậm di chuyển “cửa hàng” của mình dọc chợ. Địa điểm có chợ nổi thường là các khúc sông tương đối rộng, nước không quá cạn cũng không quá sâu. Trên mũi ghe, người bán sẽ treo những sản phẩm mình có lên những cây bẹo – công cụ “quảng cáo” đắc lực của những cửa hàng lưu động vùng sông nước – giúp người mua có thể biết được ghe này bán loại hàng hóa gì.
Nếu chia theo thời gian, ta sẽ có chợ cóc hay còn gọi là chợ chồm hổm, ý chỉ những phiên chợ nhỏ, chợ tạm tự phát trong thời gian ngắn, không cố định địa điểm cũng như tần suất họp chợ. Ngược với chợ cóc là chợ hôm – ngày nào cũng có. Ngoài ra, còn có chợ sáng, chợ chiều, chợ đêm – họp theo các buổi trong ngày.
Chợ họp theo tuần hay tháng chính là chợ phiên, 3-10 ngày họp một lần. Trong đó, không thể không nhắc đến chợ phiên Bắc Hà – một trong những khu chợ nổi tiếng và lớn nhất ở vùng Tây Bắc nước ta. Chợ nằm trên vùng núi cao thuộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, họp vào sáng Chủ nhật hàng tuần.
Có người đến đây mang theo những sản vật làm ra đem buôn bán. Có người đến đây để mua về những món mà nhà đang thiếu. Cũng có người đến chỉ vì muốn cảm nhận và đắm mình trong cái không khí nhộn nhịp của người qua kẻ lại, của âm thanh rộn ràng và không gian tràn đầy hương sắc. Dù là người dân tộc nào, từ đâu đến thì tất cả họ đã và đang góp phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc cho phiên chợ.
Ngoài những khu chợ họp từng tuần, từng tháng, còn có những chợ phiên “dài hơi” hơn, họp theo năm như chợ Tết, chợ tình. Chợ tình có chợ tình Sapa và chợ tình Khâu Vai nhưng chợ tình Khâu Vai nổi bật hơn cả. Còn có tên gọi khác là chợ Phong Lưu, chợ tình Khâu Vai (Mèo Vạc, Hà Giang) đã có lịch sử lên đến 100 năm.
Mỗi năm, chợ họp một lần vào 27/3 Âm lịch. Không gian chợ chủ yếu để bán đồ ăn thức uống chứ không trưng bày nhiều hàng hóa, vì người tìm đến đây không có nhu cầu mua bán, chỉ cốt để tâm tình và ôn lại kỷ niệm xưa.
Ngoài không gian và thời gian, chợ còn được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau. Theo quy mô và đặc điểm trao đổi, ta sẽ có chợ đầu mối, chợ bán lẻ. Rồi còn chợ tổng hợp – nơi tập hợp hầu như tất cả mọi thứ hàng hóa – và chợ chuyên một mặt hàng nhất định như chợ hoa, chợ trái cây, chợ vải, chợ chiếu.
Nhắc chợ chiếu, không thể không nói đến Định Yên (Đồng Tháp) – cái nôi của làng nghề dệt chiếu truyền thống của Việt Nam. Chợ chiếu Định Yên còn có một cái tên nghe qua hơi… ngại là chợ ma, do mọi người chỉ họp chợ ban đêm để ban ngày còn dệt chiếu.
Chợ trong đời sống ngày nay
Cuộc sống hiện đại hơn, mọi người bận rộn hơn, chợ cũng theo đó mà thay đổi. Chợ truyền thống giờ đây bỗng biến thành những “ông lão bà lão” lạc hậu cổ hủ thế hệ trước đang phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh sạch sẽ hơn, tiện lợi hơn, và quan trọng nhất là tiết kiệm thời gian hơn.
Người đi chợ giờ đây không còn phải chen chúc giữa những sạp hàng tanh nồng mùi thịt cá hay phải lo ngại rau quả có thuốc trừ sâu. Khắp các ngả đường đâu đâu cũng thấy siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi,… với những kệ hàng hóa được sắp xếp ngăn nắp, giá cả niêm yết rõ ràng, xuất xứ và chất lượng sản phẩm được cam kết đảm bảo.
Với sự phát triển của công nghệ trong thời gian gần đây, thì ngay cả những khu chợ offline-hiện-đại nói trên cũng hóa lạc hậu khi so với chợ trực tuyến. Những khu chợ online này cung cấp cho người mua sự lựa chọn gần như vô tận về chủng loại sản phẩm cũng như đơn vị cung cấp. Chẳng cần ra đường nắng nôi khói bụi, chẳng cần gửi xe lích kích tốn tiền, chỉ cần ngồi nhà “chốt đơn” là hàng hóa tự động được đưa đến ngay trước cửa.
Được thứ này, mất thứ kia. Xã hội hiện đại với những phiên chợ tiện lợi khiến chúng ta phải đánh đổi nhiều thứ. Siêu thị sạch sẽ thơm tho, hàng hóa đảm bảo chất lượng, cũng không sợ bị “mua hớ” giá trên trời, nhưng sao vẫn thiếu một điều gì… Chúng ta – người mua – mất đi những cuộc trò chuyện vui vẻ với người bán, vì siêu thị làm gì có ai bán hàng đâu, chỉ có người tính tiền thôi. Giữa “người đi chợ” với nhau cũng đã chẳng buồn hỏi han, tán chuyện, vì ai cũng bận rộn, chỉ muốn nhanh nhanh mua sắm để còn về nhà.
Bên cạnh tác động của “đối thủ cạnh tranh” thì bản thân những khu chợ truyền thống cũng đã ít nhiều thay đổi. Khâu Vai từ lâu đã không còn là phiên chợ tình nguyên bản khi những quầy hàng được mở ra ngày càng nhiều để phục vụ nhu cầu khách du lịch.
Chợ chiếu Định Yên cũng mất đi không khí nhộn nhịp ngày xưa bởi bây giờ khách có thể vào tận nhà để mua sản phẩm. Hay như chợ nổi Cái Răng mặc dù nằm trong danh sách top địa điểm tham quan khi đến miền Tây, nhưng thực chất hồn chợ đã mất từ lâu vì nhu cầu của người dân không còn nữa.
Nói như Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo – Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội – thì văn hóa chợ ngày nay đã khác nhiều. Cả người mua và người bán từ lâu đã tự tách mình ra khỏi chợ. Đi chợ hay họp chợ không còn là thú vui, là nơi để gặp gỡ, làm quen, hay thăm hỏi, trao đổi thông tin, mà chỉ để phục vụ nhu cầu mua sắm đơn thuần.
Chợ thay đổi, nhưng sẽ không biến mất
Mặc dù đang mang số phận bếp bênh trước những thay đổi thời cuộc, nhưng đâu đó trong lòng mỗi người Việt Nam, chợ vẫn giữ một vị trí vô cùng đặc biệt. Hơn cả một địa điểm mua bán, chợ còn là nơi người ta tìm đến để gặp gỡ, để đùa vui, để cập nhật tin tức, để kể nhau nghe vu vơ một vài câu chuyện.
Chợ thay đổi, nhưng chưa biến mất. Đi bất cứ nơi nào, chúng ta cũng vẫn còn thấy chợ. Thành phố lớn có chợ to, vùng quê nhỏ có chợ cóc. Bằng cách này hay cách khác, chợ vẫn len lỏi vào cuộc sống mỗi người Việt Nam. Đám con nít giờ thành người lớn cả rồi, tan làm tranh thủ ghé siêu thị, rảnh rỗi lướt web nhoay nhoáy xem hàng, nhưng cứ mỗi lần về nhà với mẹ thì bỗng chốc lại như trở về ngày bé cùng mẹ đi chợ để xách đỡ đồ để còn về nhà làm cơm.
Và tất nhiên là con-nít-cũ sẽ không quên mua cái bánh cái kẹo cho đám con-nít-mới đang háo hức đợi ở nhà, chỉ để trong một thoáng chốc được nhìn thấy chính mình của những ngày đã qua.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- “Designer” vẽ bảng hiệu quảng cáo ở Sài Gòn trước năm 1975 như thế nào?
- Lade trái thơm – Loại bia quốc dân một thời của người Sài Gòn
- #LocalZine: Xin chào, tớ là Phở, Bánh mì và Bún bò Huế, chúng mình nói chuyện được không?