Rất ít du khách sẽ đặt chân đến Cao Bằng – một ngôi làng hẻo lánh ở vùng núi phía Bắc Hà Nội bởi nơi đây chẳng có gì hơn thiên nhiên hoang sơ, núi non trùng trùng điệp điệp. Nhưng đối với nhà thiết kế Vũ Thảo, đây như là ngôi nhà thứ hai, nơi mà chị có thể mặc sức sáng tạo và làm nên thương hiệu thời trang bền vững Kilomet 109.
Đôi nét về Vũ Thảo và Kilomet 109
Vũ Thảo, người con đất Thái Bình, là người sáng lập, chủ sở hữu, đồng thời là giám đốc sáng tạo của thương hiệu Kilomet 109 – một thương hiệu thời trang bền vững cao cấp dành cho cả nam và nữ.
Khi được hỏi về ý nghĩa của con số 109, chị Thảo chia sẻ đó là khoảng cách 109 cây số giữa quê hương Thái Bình của chị đến mảnh đất Hà Nội, nơi chị Thảo lựa chọn để phát triển, vươn tầm cho đứa con tinh thần của mình. Còn phần Kilomet thì lại mang nhiều tầng nghĩa khác nhau. Trong may mặc, đây là một đơn vị đo lường; với khách hàng, nó là khoảng cách di chuyển; riêng với những người đứng sau thương hiệu, kilomet có lẽ là một hành trình, một chặng đường làm nên cái tên Kilomet 109 ở Việt Nam và thế giới.
Kilomet 109 không mơ mộng và lãng mạn như những cái tên thường thấy trong thời trang, nhưng lại thể hiện được mục tiêu sáng tạo, và bộc lộ “tính cội nguồn” của một thương hiệu địa phương. Quy tụ những nghệ nhân địa phương tài năng và đầy triển vọng, sử dụng chất liệu sinh thái thân thiện với môi trường từ khâu nuôi trồng, xử lý sợi cho đến dệt nhuộm và thiết kế, sản xuất, ở Kilomet 109 thể hiện rõ tư duy sáng tạo bền vững và nét đẹp truyền thống của làng nghề dân tộc.
Câu chuyện cảm hứng
Với mong muốn đóng góp và cộng tác cùng các doanh nghiệp nhỏ, thợ thủ công và nghệ nhân bản địa, năm 2012 Kilomet 109 ra đời với mong muốn gìn giữ và sáng tạo trên những chất liệu tự nhiên, dựa trên nguồn nguyên liệu địa phương và kỹ thuật truyền thống Việt Nam.
Tuy có một nền di sản văn hóa vô cùng đa dạng và phong phú, ở Việt Nam vẫn còn thiếu các phương thức hiện đại để gìn giữ, phát triển và truyền bá nét đẹp đó. Những đứa trẻ dân tộc thiểu số miền núi dần dần sẽ xuống thành phố để đi học. Lúc đó, chúng sẽ dần thay đổi cách ăn vận – mặc những kiểu quần áo hiện đại hơn, và.. đại trà hơn, mất đi nét đẹp của trang phục dân tộc. Đối với đại đa số người Việt, thời trang của dân tộc thiểu số là không thời trang, lỗi thời, hay thậm chí là “không giống ai.” Nhận ra được sự thiếu hụt trong nhận thức đó, nhà thiết kế Vũ Thảo mong muốn sẽ nâng tầm nghề thủ công may mặc của người dân tộc để sánh với thế giới thời trang ngày nay.
Bên cạnh giá trị dân tộc truyền thống, thời trang của Kilomet 109 còn mang sứ mệnh về những vấn đề môi trường và trách nhiệm xã hội. Mong muốn mang đến những sản phẩm may mặc hiện đại và thân thiện với môi trường.
“Các thiết kế của tôi bị hối thúc bởi những vấn đề môi trường và ý thức trách nhiệm xã hội. Tôi muốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và thợ thủ công địa phương; góp sức để giữ gìn và duy trì các chất liệu, các kỹ thuật truyền thống, “chị Thảo chia sẻ.
Sự kết hợp với cái nghệ nhân người dân tộc
Việt Nam là nơi sinh sống của 54 anh em dân tộc với những ngành nghề thủ công truyền thống khác nhau và dường như nghề thủ công đã trở thành một phần đặc trưng của văn hóa Việt.
Biết thế nên chị Thảo đã lên Cao Bằng học hỏi cách họ nhuộm màu vải tự nhiên, cũng như các kĩ thuật làm lụa dệt vải. Từ Hà Nội đến Cao Bằng mất khoảng tám giờ đi xe. Để đảm bảo năng suất và hiệu quả công việc, chị Thảo phải đi lên đó hai tháng một lần, vừa để tham gia vào việc trồng trọt, thu hoạch các loại cây trồng, vừa để thử nghiệm các màu sắc mới. Các sản phẩm của Kilomet 109 đều là những sản phẩm được nhuộm màu với kĩ thuật truyền thống của người Nùng, Thái, Mường, Dao Tiền, v.v.
Việc hợp tác với những nghệ nhân miền núi cũng đôi lúc có phần khó khăn, bởi sự “chệch nhịp” trong văn hóa, truyền thống, và tư duy sáng tạo. Chẳng hạn như khi làm việc với người dân tộc Nùng An, do họ chỉ quen làm ra màu chàm đen đậm màu truyền thống từ bao đời nay, nhưng chị Thảo với mong muốn tạo ra những sắc chàm nhạt dịu nhẹ hơn cho những thiết kế của Kilomet 109.
“Người dân ở đây (Cao Bằng) đều đã quen làm việc với màu nhuộm truyền thống. Chẳng hạn như màu chàm đen là màu mà họ đã sản xuất qua nhiều thế hệ. Vì vậy, khi tôi bắt đầu làm việc với họ và muốn thử nghiệm những màu sắc mới, ngay từ đầu họ đã không thấy thuyết phục”, chị Thảo chia sẻ.
Song cuối cùng, chị Thảo cùng các nghệ nhân ở làng Cao Bằng đã tìm được tiếng nói chung trong thiết kế, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, làm giàu thêm “tủ quần áo” của Kilomet 109. Từ những chiếc áo biker jacket vải lanh với kỹ thuật lăn đá độc đáo của người H’Mông, đến chiếc áo bu dông nhuộm màu củ nâu kết hợp với vỏ gỗ, hay những chiếc áo lụa tơ tằm nhuộm lá cẩm đỏ…
Nguồn nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.
Ở Cao Bằng, bên cạnh trồng lúa, trồng ngô và chăn trâu, người dân ở đây cũng trồng cây chàm, cây lá cẩm, hay nhiều loại cây trồng khác có khả năng tạo màu tự nhiên đậm sắc và lên màu rất đẹp. Sau một thời gian mày mò và nghiên cứu, nhà thiết kế Vũ Thảo cùng những nghệ nhân làng nghề ở Cao Bằng đã thành công khi tạo nên bảng màu chàm tự nhiên với 10 sắc thái đậm nhạt để sử dụng cho các thiết kế của Kilomet 109. Chị tự hào khi tìm ra được công thức nhuộm màu từ các nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường như lá bàng, lá chè xanh, củ nâu, củ nghệ, vỏ gỗ, v.v.
Là một người đam mê sưu tập trang phục truyền thống của Việt Nam, chị Thảo hướng tới thiết kế những bộ trang phục nhẹ nhàng, tối giản. “Nhiều người coi thời trang bền vững không thú vị. Họ nghĩ phong cách này thường chỉ có tông màu đất nhàm chán. Nhưng điều đó không đúng. Thật chất vẫn còn rất nhiều tông màu khác để thử”, Thảo nói.
Là một quy trình thiết kế khép kín, từ trồng cây bông, cây gai dầu, chăn tằm ươm tơ, giã sợi dệt vải và nhuộm thủ công từ các loại nguyên liệu hữu cơ hoa lá cỏ cây, không khó để nhận ra các thiết kế của Kilomet 109 được chăm chút và đầu tư từ thiết kế đến chất lượng công phu như thế nào. Nhà thiết kế Vũ Thảo mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những trang phục đa năng, kiểu dáng hiện đại năng động và dễ điều chỉnh, nhằm tối giản nhu cầu sở hữu quá nhiều trang phục tương tự nhau như hiện nay.
Website | Facebook | Instagram