Cuộc sống bắt đầu khi chúng ta xuất hiện trên đời, và kết thúc khi chúng ta biến mất. Lúc bắt đầu, khi còn là trẻ con, mình chơi. Những đoạn đường tiếp sau, khi trở thành người lớn, mình làm. Và ở quãng giữa hai đầu mút trẻ con–người lớn đó, mình khởi tạo những mối quan hệ, xây dựng gia đình riêng, theo đuổi mục tiêu đặt ra, thỉnh thoảng có những khoảng trầm xả hơi với cái gọi là khủng hoảng cuộc đời, mãi cho đến lúc về hưu “nghỉ làm việc” và chợt một ngày thảng thốt “Thôi chết… sắp hết một đời”.
Và trong cả quá trình sống đó, nói “tôi chẳng học được gì” là không chính xác. Chúng ta có thể học từ tất cả những điều xảy đến với mình. Trải nghiệm là một người thầy tuyệt vời và luôn sẵn sàng truyền dạy, chỉ bảo để ta trưởng thành. Thế nhưng “trò” có chịu học không lại là một chuyện khác.
Già đi là khái niệm đơn giản: ăn càng nhiều cái sinh nhật, chúng ta càng già. Trưởng thành thì phức tạp hơn: khả năng nhìn nhận bản thân (cũng như thế giới) và kỹ năng nhận trách nhiệm cho chính mình phải phát triển. Thật đáng tiếc, quanh ta vẫn tồn tại những người “không bao giờ lớn lên”, những Peter–Pan–không–ở–tại–Neverland: họ lão hóa nhưng không chấp nhận trách nhiệm kiểm soát cuộc sống của chính mình, mãi mãi làm một đứa trẻ trốn dưới cái áo khoác già nua sờn cũ. Họ có thể trông lớn tuổi, nhưng suy nghĩ và hành xử chẳng khác những em bé ít tuổi nhõng nhẽo. Họ có thể sắm vai tiền bối với thâm niên “20 năm trong nghề”, nhưng cái họ thực sự sở hữu là 365 ngày kinh nghiệm được lặp lại 20 lần chứ không phải quá trình học hỏi và phát triển sự nghiệp trải dài 20 năm.
Càng nhiều tuổi, sức khỏe thể chất của chúng ta sẽ càng đi xuống, đó là quy luật sinh–lão–bệnh–tử tự nhiên. Giả như một ngày, thấy mắt hơi mờ, bạn đi khám và… hết hồn khi nghe bác sĩ bảo đã đến lúc bạn cần dùng kính lão để đọc sách và làm việc. Đó là suy giảm tự nhiên của thể chất.
Tuy nhiên, tinh thần của bạn không nhất thiết phải suy giảm theo cách này. Bạn vẫn có thể có một sức khỏe tâm lý tốt ngay cả khi già đi, miễn là bạn đã tạo đủ điều kiện để nó trưởng thành một cách hợp lý và đúng đắn.
1 – Kiên nhẫn
Thông minh công nghệ gia tăng, xã hội ưu tiên sự tiện lợi, thêm vào đó khi càng lớn, chúng ta càng vận dụng mọi biện pháp để có thể đẩy sự nhanh chóng và thuận tiện lên cao nhất, hệ quả tất yếu là lòng kiên nhẫn ta dành cho mọi thứ bị giảm xuống. Chúng ta quen với việc nhu cầu của mình được đáp ứng với tốc độ ngày càng nhanh, đến mức dường như không có gì ngăn cản được. “Tôi muốn cái đó!”, “Tôi cần thứ đó ngay bây giờ!”
Tuy nhiên, chờ đợi là nội tại của cuộc sống. Có những việc không thể diễn ra trong một sớm một chiều, cũng như có những thứ xảy đến với bạn và cách duy nhất bạn có thể làm là chấp nhận.
Bạn hiện là sinh viên và có mong muốn ra nước ngoài học tập, làm việc, sinh sống, trải nghiệm những nền văn hóa khác nhau? Được thôi, nhưng rõ ràng không thể nói hôm nay hôm sau đã lập tức xách gói lên đường. Bạn cần kiên nhẫn. Bạn cần tốn thời gian để học và thông thạo ít nhất một ngoại ngữ. Bạn cần tích lũy cho mình thật nhiều trải nghiệm đa văn hóa thông qua các công việc làm thêm, các chương trình tình nguyện. Bạn cần kiên nhẫn để chuẩn bị thật tốt cho ước mơ của mình.
2 – Lắng nghe và tôn trọng
Và để thực sự biết lắng nghe, trước tiên bạn cần phải biết cách im lặng. Im lặng không chỉ dùng để miêu tả trạng thái “miệng không thốt ra lời”, mà tâm trí cũng phải cần phải tĩnh. Nghe một người tâm sự, nếu bạn còn mải để ý xem họ trông thế nào, hay bận “ngầm” phán xét câu chuyện họ đang kể, tức là bạn đang không thực sự nghe gì họ cả.
Lắng nghe và thấu cảm (empathy) được người khác, thì mới có thể chấp nhận và tôn trọng sự thật rằng mỗi người đều khác nhau. 7 tỉ người trên thế giới này là 7 tỉ tổ hợp genes khác nhau, có 7 tỉ câu chuyện khác nhau, và 7 tỉ cuộc đời khác nhau. Bạn có quyền không thỏa hiệp và chấm dứt mối quan hệ khi cả hai không tìm được tiếng nói chung, nhưng đừng cố gắng khiến người khác phải giống bạn hay cố gắng thay đổi họ khỏi con người thật của mình. Đổi ngược lại là bạn, liệu bạn có thoải mái không khi người khác “buộc” bạn phải làm theo cách họ làm, nghĩ điều họ nghĩ, muốn thứ họ muốn?
3 – Thoát khỏi vùng an toàn
Định nghĩa về vùng an toàn (comfort zone) của mỗi người không giống nhau, và zones của từng người sẽ lại khác. Nhưng nhìn chung, comfort zone là những thứ cho chúng ta sự thoải mái và cảm giác được bảo vệ. Ví dụ như khi bạn sống cùng gia đình, và bạn “thoải mái” vì chuyện cơm áo gạo tiền có người khác lo giúp; hoặc khi bạn chọn ở lại với công việc hiện tại đơn giản chỉ vì bạn đã quen với môi trường làm việc này, đã làm công việc này một thời gian dài, và bạn có một “vị trí” nhất định ở đây.
Vùng an toàn sẽ có ích nếu chúng ta xem nó như một nơi để tìm về và chỉ ở lại trong chốc lát, nhưng sẽ có hại nếu bạn quyết định ở lại đó mãi mãi. Tự thu mình lại giữa những tường thành vô hình của sự thoải mái sẽ đảm bảo cho bạn sự an toàn, đồng thời ngăn cản bạn sống một cuộc đời mà bạn có–thể–đạt–được.
Nếu muốn trưởng thành mà không phải chỉ là già đi, chúng ta cần phải trải nghiệm. Mà muốn có trải nghiệm, thì phải thử. Thử những thứ mới, thử những thứ bạn không dám, không thích, không muốn làm. Cứ thử một lần, biết đâu trải nghiệm sau đó sẽ thay đổi góc nhìn của bạn. Trường hợp thử xong vẫn không thích cũng không hại gì, ít ra bạn sẽ có lý do vững vàng hơn để không làm việc đó sau này.
4 – Chấp nhận và linh hoạt với thay đổi
Uncertainty is the only certainty there is –
John Allen Paulous
Cho dù bạn có cố gắng giữ một cuộc sống ổn định và ra sức kiểm soát mọi thứ trong đời, biến động có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đến lúc đó, bạn có hết sức chống lại thay đổi đi chăng nữa thì nó cũng đã xảy ra. Thay đổi đến với chúng ta bằng nhiều hình thức: những thất bại trước khi thành công, những kế hoạch không diễn ra như dự tính, những ước mơ phải bỏ dở… Chúng dễ dàng khiến bạn thấy mọi hy vọng và mong muốn trong đời mình tan biến nhanh như bong bóng xà phòng.
Hơn nữa, cho dù cuộc sống của bạn không có nhiều thay đổi, thì thế giới xung quanh bạn vẫn đang chuyển động. Bạn có thể kháng cự lại sự tiến lên của xã hội bằng cách ngồi yên, không di chuyển cùng mọi người. Nhưng bạn sẽ phải chấp nhận ở đó một mình, xung quanh chẳng còn ai (và tất nhiên cũng không có ai quay lại tìm bạn).
Chúng ta không biết trước được tương lai, nhưng có thể rèn luyện khả năng bình tĩnh đối diện với mọi vấn đề có thể xảy đến. Chấp nhận và biến chuyển bản thân theo bất cứ thay đổi nào ban đầu cũng sẽ khó khăn, nhưng một khi đã “quen” rồi thì cho dù rơi vào hoàn cảnh nào, bạn cũng sẽ xoay sở tốt thôi. Chấp nhận ở đây không có nghĩa bạn xem cuộc đời như con sông lười vô tận rồi nên buông xuôi để mặc dòng nước đưa tới–đâu–thì–tới. The Millennials Life chỉ đơn giản nghĩ rằng đôi khi, chúng ta nên biết tiết chế “tham vọng” muốn điều khiển và muốn mọi chuyện diễn ra theo kế hoạch đã định trước.
5 – Chịu trách nhiệm
Chịu trách nhiệm ở đây là nhận thức và thừa nhận tất cả những hành động, quyết định của mình, cho dù kết quả sau đó là tốt hay xấu. Bắt đầu nhận lấy trách nhiệm với cuộc đời mình không chỉ để giúp ích chính bản thân, mà còn để san sẻ trách nhiệm và giúp đỡ người khác nữa sau này.
Một trong những biểu hiện của việc biết nhận trách nhiệm là không đổ lỗi và viện lý do. Nếu bạn làm sai, hãy nhận lỗi. Nếu bạn thiếu sót, hãy sửa chữa. The Millennials Life nghĩ rằng, đa số chúng ta đều muốn “giữ hình tượng” bản thân trong mắt người khác. Chính vì thế nên thay vì thẳng thắn thừa nhận “do tôi làm sai”, “tôi đã bất cẩn”,… thì chúng ta tìm mọi cách che giấu và bào chữa lỗi lầm, để người khác vẫn thấy chúng ta thật sự tốt đẹp.
Chúng ta có thể thành công trong việc thuyết phục người khác không nhìn vào những gì mình gây ra, nhưng đó chỉ là một thành công ngắn hạn. Hậu quả dài hạn của việc này là chính chúng ta cũng sẽ dần mất đi khả năng tự nhìn nhận mỗi khi bản thân làm sai, kéo theo đó là tâm lý tự cho mình là nạn nhân (“Tôi không làm sai cả, là do mọi người hãm hại tôi.”). Đến lúc đó, cho dù bạn hóa thành anh Chí Phèo chửi trời chửi đất chửi làng Vũ Đại không chừa một ai, thì cũng chẳng có tác dụng gì (vì cằn nhằn, than thở, phàn nàn chưa bao giờ là biện pháp tốt để giải quyết bất cứ thứ gì cả), ngược lại còn đẩy bạn thêm xa khỏi mọi người.
Đến cuối cùng, không còn ai bên cạnh để thay bạn gánh trách nhiệm, còn bản thân bạn cũng không còn khả năng tự nhìn nhận chứ đừng nói là giải quyết bất cứ vấn đề nào nếu chúng có phát sinh. Càng căng thẳng, càng giận dữ, bạn sẽ càng dễ cho rằng mọi người ai cũng có ý xấu với mình…
KẾT
Theo lý thuyết, cơ thể chúng ta sẽ ngừng phát triển vào quãng giữa những năm 20 tuổi. Thế nhưng chúng ta vẫn có thể cải thiện tốt thể chất và tinh thần của mình sau quãng thời gian này. Bạn sẽ khỏe hơn, chứ không phải yếu đi, mặc dù tuổi của bạn lớn hơn.
Vậy nhưng, để trưởng thành, bạn không cần phải giết đi đứa trẻ tồn tại bên trong mình. Tận sâu bên trong, mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ – bản chất thật sự, bản sắc riêng biệt tạo nên mỗi con người. Trưởng thành thật sự là biết cách dung hòa giữa cái tôi – những thứ bên trong bạn – với cái ta – những yếu tố bên ngoài. Cái chúng ta nên hướng đến là việc làm sao để trở thành phiên bản tốt nhất có thể của chính mình chứ không phải gắng gượng ép mình “phải lớn” theo một khuôn mẫu cụ thể nhất định nào. Để liệt kê cho bạn những “dấu hiệu của trưởng thành” hay “các cách để trưởng thành“, The Millennials Life có thể nói thật dài thật nhiều, nhưng thực hành chúng thế nào cho phù hợp là công việc do bạn quyết định đấy!