Trong bài Lemon Tree của nhóm Peter, Paul, and Mary có đoạn:
“‘Don’t put your faith in love, my boy’, my father said to me
‘I fear you’ll find that love is like the lovely lemon tree’
Lemon tree very pretty and the lemon flower is sweet
But the fruit of the poor lemon is impossible to eat…”
Đây là đúc kết về tình yêu mà một người đàn ông đang truyền đạt lại cho đứa con trai 10 tuổi của mình. Ông nói rằng, tình yêu chẳng khác cây chanh, cây thì đẹp, hoa thì thơm, nhưng quả lại chẳng thể nào ăn nổi. Nói tóm lại, quả chanh là nỗi muộn phiền.
Những quả chanh mà cuộc đời đưa đến chúng ta cũng thế. Phiền phức, khó chịu, đau buồn, tuyệt vọng – toàn là những thứ khó nuốt trôi. Nhưng giờ quả chanh này đã là của bạn. Làm gì với nó sau đó hoàn toàn là chuyện bạn sẽ quyết định.
Để yên đấy, đợi nó hư
Tất cả những chuyện không hay chúng ta gặp phải, không sớm thì muộn, chúng sẽ qua đi.
Khi đang buồn chán, đang tuyệt vọng, đang mất việc, đang thất tình, đang cảm thấy cả thế giới bỏ rơi mình, chúng ta rất dễ nghĩ rằng “chuyện này sẽ không bao giờ kết thúc”. Bạn thấy mình như đang kẹt trong một vòng lặp vô hạn.
Đây cũng là lý do người ta hay nói “chỉ xui một lần thì bao nhiêu cái xui xẻo khác cũng lũ lượt kéo đến.” Một khi tâm trạng không tốt, tinh thần không còn vững vàng, ‘tự nhiên’ chúng ta cũng sẽ lúng túng khi phải đối mặt với những tình huống lẽ-ra-nó-đơn-giản-hơn-thế-này-nhiều – những khó khăn mà khi bình thường, ta dễ dàng giải quyết gọn lẹ.
Trong lập trình, vòng lặp vô hạn vẫn có thể ngừng lại nếu điều kiện kết thúc của nó được đáp ứng. Bất kể bạn đang gặp khó khăn gì, sự kiên nhẫn và lòng dũng cảm sẽ giúp bạn vượt qua nó – hoặc ít nhất là giúp bạn chờ được khoảnh khắc thở phào “Cuối cùng rồi mọi chuyện cũng ổn.”
Nếu đời ném cho một quả chanh và không biết làm gì với nó, cứ để yên, và chờ nó thối rữa.
Ảnh: Neha Dinesh
Vắt chanh vào mắt người khác
Không đâu lại phải lãnh một quả chanh khó chịu, còn chờ gì nữa mà không vắt ra phun vào người khác cho bõ ghét. Dù gì thì mình cũng không dính nước chanh, thế là được.
Khi cuộc sống liên tục ném cho những khổ đau phiền muộn, chúng ta không thể tránh khỏi ý nghĩ muốn ai đó cũng phải nếm trải những cay đắng của cuộc đời.
Đây là tư duy ‘giận cá chém thớt’ mà nhiều người lấy nó ra để ngụy biện rằng họ chỉ đang ‘tự vệ’. Rõ ràng đây không phải tự vệ rồi, vì chúng ta có đánh trả lại chính người đánh mình đâu? Không ai động tay động chân với cuộc đời được, nên đành tìm nào có liên quan tới cái ‘cuộc đời’ này để trút giận vậy. Mà đã là con người, ai lại không liên quan đến ‘cuộc đời’?
Vắt chanh vào mắt người khác có thể giúp bạn thỏa mãn với suy nghĩ “thì ra cuộc đời này cũng còn chút công bằng”, nhưng niềm vui này lợi thì ích hại thì nhiều.
Ảnh: Ben Haist
Vắt chanh vào mắt người khác có thể giúp bạn thỏa mãn, khiến bạn vui lòng với suy nghĩ rằng “thì ra cuộc đời này cũng còn chút công bằng”, nhưng sự vui sướng này lợi thì ích hại thì nhiều.
Đả kích người khác chỉ vì cơn giận của chính mình chưa bao giờ là giải pháp cho bất cứ vấn đề nào. Trừ khi đó là người trực tiếp làm hại ta, còn thì không ai có trách nhiệm với nỗi đau của ai cả. Hơn nữa, những lúc giận cá chém thớt thế này, chúng ta thường không ‘ra tay’ với kẻ yếu ớt, mà lại chọn lấy những người gần gũi, thân cận, yêu thương ta nhất. Vì trong vô thức ta cũng biết rõ rằng họ sẽ vì tình yêu mà không phản kháng.
Để sự tức giận biến thành nỗi cay đắng không chỉ kéo dài nỗi đau, cướp đi năng lượng cảm xúc, mà còn có thể phá hủy những mối quan hệ vô tội khác. Cuối cùng, ta chỉ trở nên hung hãn, đau đớn, và cay đắng hơn mà thôi.
Tìm ai đó có sẵn chai vodka
Sẽ dễ hơn để đối mặt với khó khăn khi xung quanh chúng ta là những nguồn năng lượng tích cực.
Khi gần chạm đáy cuộc đời, hầu như chúng ta không thể nhìn ra ánh sáng đang nơi đâu nữa. Ta bỗng như vỡ ra một điều rằng cuộc sống là mớ hỗn độn của những cuộc đấu tranh và những muộn phiền không hồi kết, hoàn toàn quên mất những điều tốt đẹp khác nó mang lại.
Ngược lại, khi xung quanh chúng ta là những người với tư duy và năng lượng tích cực, họ sẽ có thể:
– giúp ta tiếp tục tiến về phía trước, dù bên ngoài có tăm tối thế nào
– chỉ cho ta thấy những tia sáng dù nhỏ nhoi nhất, mà nếu chỉ có một mình ta sẽ dễ dàng bỏ lỡ
– cho ta thêm sức mạnh để thoát khỏi bóng tối
– nhắc ta nhớ về những gì tốt đẹp còn đang chờ đợi
Tái Ông thất mã, an tri họa phúc. Ông già mất ngựa chưa hẳn đã là họa, mà tự dưng được thêm tuấn mã chắc gì đã có phúc. Mọi vấn đề đều có hai mặt. Trong xấu có tốt, trong tốt có xấu. Chúng ta không cổ vũ tư duy lạc quan độc hại (toxic positivity) – chỉ nhìn cái tốt mà phớt lờ cái xấu. Nhưng những người có khả năng nhìn ra lợi ích của những thứ xui rủi là những người mà sẽ có lúc ta cần họ ở cạnh mình.
Cảm ơn cuộc đời đã ném quả chanh cho mình
Mặc dù nghe có hơi… văn vở, nhưng khó khăn và nghịch cảnh, dù chúng có đau đớn đến đâu, đều là những bài học quý giá cho sự phát triển bản thân và giúp chúng ta trưởng thành.
Những thứ tồi tệ xảy ra trong cuộc sống đều có tiềm năng trở thành những kinh nghiệm hữu ích, cũng như cơ hội để chúng ta cải thiện kỹ năng sống. Đơn cử một số ích lợi mà những quả chanh chua chát không-ai-thèm đem lại:
– khả năng phục hồi cảm xúc (emotional resilience)
– lòng kiên nhẫn
– sự tự tin
– tư duy phản biện (critical thinking)
– tính linh hoạt, khả năng thích ứng
– …
Để trở thành cái bánh thơm ngon, khối bột phải trải qua biết bao nhiêu là ‘gian khó’, nào bị trộn lẫn với mấy thứ linh tinh khác, nào bị nhồi, nào bị cán, nào bị nắn, nào bị nung, nhưng qua mỗi công đoạn, khối bột lại khác đi một ít, rồi thành quả sau cùng thì hấp dẫn không để đâu cho hết.
Vậy nên, đời ném cho quả chanh, ngại gì tiếng cảm ơn, để còn nhanh chân đi học tung hứng, biết đâu sau này còn có thể đi biểu diễn kiếm tiền nhỉ?
Ảnh: Akanksha
Làm một ly nước chanh, hoặc nếu được thì làm hẳn cái bánh
Khi cuộc sống đem đến thách thức, chúng ta hoàn toàn có quyền lựa chọn chuyển đổi chúng thành những cơ hội. Không chỉ những bậc hiền triết thông tuệ, ngay kẻ bỉ ổi đê tiện nhất cũng có tiềm năng trở thành một “thầy giáo”, miễn là có người học được gì từ họ.
Trong tình hình dịch bệnh này, ở yên trong nhà thời gian dài là tuy cần thiết, nhưng nó vẫn là một việc tồi tệ, gây ảnh hưởng đến cả đời sống cá nhân và công việc. Nhưng… cứ thử nghĩ về những thứ chúng ta có thể làm được khi ‘bỗng nhiên’ có thật nhiều thời gian để ở nhà mà xem? Đó là chưa kể đến những lợi ích cụ thể và hiển nhiên nhất của sự khó chịu này, đó là bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Chúng ta luôn tìm ra được cách để tận dụng tối đa những gì mình đang có. Nghịch cảnh vẫn có thể trở thành thuận lợi, miễn là ta dũng cảm đối diện và tiếp cận mọi tình huống xấu một cách lạc quan và cởi mở. Quả chanh dù chua loét vẫn có thể được dùng để làm ra cốc nước mát lạnh hoặc chiếc bánh ngọt ngào nhất.
Kết
Cuộc sống không phải lúc nào cũng trơn tru êm ả, cũng không phải lúc nào cũng diễn ra theo cách chúng ta muốn. Cuộc sống sẽ ném cho chúng ta những quả chanh tệ hại theo cách bất ngờ nhất, vào lúc không sẵn sàng nhất. Nhận về bao nhiêu chanh không quan trọng bằng cách chúng ta chọn sẽ xử lý chúng như thế nào.
Xem thêm:
Tình yêu hay sự nghiệp – Đâu là chân lý và đâu là “chân tường”?
Ngáp – Thí nghiệm về lòng đồng cảm và tính liên kết xã hội
“Khoảng cách” – ngôn ngữ thứ sáu của tình yêu
Alpha male – Có hay không một ‘con được đầu đàn’ trong xã hội loài người?
Thảo luận về bài viết