Trẻ con đi học, còn #NgườiLớnĐiLàm cùng chuỗi bài viết chia sẻ kinh nghiệm và tổng hợp các bí quyết hữu ích nơi công sở của TML.
Bước 1 – Giai đoạn tìm hiểu trước khi bắt đầu
Xem bài viết tại đây.
Bước 2 – Giai đoạn làm quen và chủ động làm quen
Trước khi làm quen, chúng ta đã có giai đoạn tìm hiểu xem đối tượng mình cần làm quen là ai, họ như thế nào, họ cần gì ở một người mới,.. Chúng ta cũng đã xác định bước đầu luôn là mình có phải là người mà họ cần có hay không.
Dĩ nhiên, doanh nghiệp đó có phải là nơi mà mình muốn làm việc không là câu hỏi quan trọng nhất. Nếu câu trả lời là có thì okay tới luôn!
Hãy nhớ rằng, quan hệ công việc là long term relationship, đừng vội vã đến rồi vội vã đi, hoặc chưa bắt đầu đã đổ bể.
Những câu hỏi dễ thương và đáng yêu như “em có đam mê nhưng chưa biết mình thích gì”, “em không biết làm và chưa bao giờ học nhưng em thích lắm”…
em muốn thử…
em muốn thử…
em muốn thử…
…
Là những câu hỏi các bạn nên dùng trong 4 năm học Đại học. Lúc đó tha hồ mà thử bằng cách xin đi làm việc không lương này nọ – nhưng dù thử thì cũng nhớ là làm thiệt và làm đàng hoàng.
Ở giai đoạn chủ động làm quen này, tất cả những gì chúng ta cần nhớ chỉ có 2 thứ: hồ sơ năng lực phù hợp và tạo ra một sự chú ý có chủ đích và chừng mực.
Thế nào là một hồ sơ năng lực phù hợp?
Một
Trong CV (cũng tức là hồ sơ giới thiệu năng lực) của bạn, bạn cần trả lời những câu hỏi sau:
– Tôi là ai
– Tôi muốn làm gì, và điều này có phù hợp với định hướng công việc mà tôi đang xin vào công ty này hay không → Tại sao tôi xin vào đây mà không phải chỗ khác…
– Tôi có khả năng làm công việc mà tôi ứng tuyển vào hay không → Tôi xin chứng minh khả năng của mình như sau… / Những thứ này sẽ chứng minh lời tôi nói là đúng…
Dù bạn trình bày CV theo kiểu nào, cho nó dài 8 trang hay 2 trang (đùa thôi, 1 hoặc 2 trang A4 thôi nha các bạn),… thì CV của bạn cũng cần giải quyết những câu hỏi trên.
Hai
Họ tên, tuổi, quê quán, nơi ở, học ở đâu, chuyên ngành gì, tốt nghiệp chưa,… là mấy câu hỏi để xác định xem bạn là ai. Phần ‘bạn là ai’ này thường thì chúng ta hay ghi sơ sơ và xấu xấu, thỉnh thoảng lại giấu giếm sợ người ta biết mình là ai, kiểu tuổi thì kiên quyết không khai, học ở đâu thì tuyệt nhiên không nói và hình ảnh thì dẹp luôn.
(Nhân tiện, chuyện hình ảnh là chuyện có cũng được, không có cũng không sao, trừ phi người ta yêu cầu phải gửi kèm hình. Tuy nhiên, đã có hình thì hãy lưu ý đến việc lựa một tấm chính diện, to rõ, đừng chọn ảnh filter quá đà hoặc nhếch nhác quá độ.)
Ba
Tôi-muốn-làm-gì là mục mà nếu dùng CV mẫu sẽ thấy để là Career Objective đó. Và thường thì các bạn (trẻ) sẽ hồn nhiên điền là “Em muốn làm việc trong một môi trường năng động, mọi người thương yêu nhau, cư xử với nhau chan hoà thân ái và học hỏi được nhiều”.
Ai chẳng muốn vậy ơ kìa! Có ai muốn vào môi trường làm việc kém năng động, mọi người không thương yêu nhau, chỉ chực chờ đâm nhau không? Không, không ai muốn!
Vậy chỗ này phải ghi gì? Ghi gì đã nói ở trên.
Ví dụ: Định hướng nghề nghiệp của tôi là chuyên viên trong mảng nhân sự; Tôi muốn làm marketing, tương lai của tôi là marketing; Tôi muốn kinh doanh, sale là lựa chọn cuối cùng của tôi;…
Định hướng rõ ràng, thực tế là minh chứng tốt nhất cho việc tại sao bạn lại nộp đơn vào công ty này mà không phải công ty khác. Trong CV của các bạn, phần này chiếm một tí teo chưa tới 100 chữ ở trên đầu, ngắn gọn, rõ ràng.
Bốn
Phần còn lại, toàn bộ là việc giới thiệu xem bạn có năng lực phù hợp với công việc mà bạn xin vào làm hay không và chứng minh điều đó. Đây là lúc bạn dùng mọi lý lẽ để giới thiệu về năng lực của mình. Có cả tám ngàn thứ để nói về mình, nhưng như nhiều bài trước tôi đã nói, hãy dùng ASK để đánh giá.
A – Attitude (phẩm chất và tính cách phù hợp)
S – Skill (kỹ năng làm việc bắt buộc phải có)
K – Knowledge (hệ thống kiến thức phải có và cần có)
Mỗi ngành nghề đều có một hệ thống ASK tương ứng với ngành đó, không ngành nào giống ngành nào. Vì vậy, nếu cứ đem một CV rải đều tất cả các nơi thì bạn hiểu tại sao người ta không nhận rồi đó. ASK (năng lực) trong mỗi ngành sẽ tăng dần theo số năm làm việc, học hỏi. Và chọn học đúng ngành, làm đúng ngành là cách tiết kiệm thời gian nhất để phát triển năng lực. ASK cũng là cơ sở để thoả thuận tăng lương.
Nói về K – Knowledge (hệ thống kiến thức phải có và cần có) trước. Đây là lý do mà các bạn học Đại học, đúng chuyên ngành với số điểm cao tuyệt đối luôn là ưu tiên hàng đầu trong tuyển dụng nhân sự. Điều này chỉ chứng minh một điều là bạn có kiến thức nhất định và hết sức căn bản về ngành của các bạn làm.
Kiến thức là quá trình tích luỹ, nếu bắt đầu bằng không, người làm việc sẽ cực kỳ vất vả để có thể làm việc. Vì vậy, chọn một sinh viên tốt nghiệp loại ưu học chuyên ngành về marketing cho vị trí marketing vẫn tốt hơn là một bạn sinh viên chẳng biết gì từ ngành khác nhảy qua.
Rõ ràng:
– Kiến thức nền tảng giúp chúng ta nói chuyện với nhau đơn giản, dễ dàng hơn nhiều. Không cùng hệ thống ngôn ngữ sao nói chuyện được chứ đừng nói là làm việc được.
– Bằng đại học chỉ là tờ giấy, nhưng tờ giấy này là bằng chứng duy nhất cho chuyện bạn có đi học, và học có đàng hoàng hay không.
Tóm lại, tất cả những gì mà chúng ta ghi ra trong CV đều cần được chứng minh. Bạn cần làm rõ:
– Những kiến thức nào là cần có cho công việc mà chúng ta đang xin vào
– Chứng minh là mình có cái đó
Với S – Skill (kỹ năng làm việc bắt buộc phải có) và A – Attitude (phẩm chất và tính cách phù hợp) cũng tương tự vậy. Các bạn rất thích ghi ở phần kỹ năng tám ngàn thứ hoành tráng như giao tiếp, thuyết phục, thuyết trình, nói chuyện trước đám đông, làm việc nhóm, lãnh đạo,…
… nhưng khi hỏi làm sao em có được những kỹ năng này thì các bạn hoặc im lặng cười vừa-sinh-ra-em-đã-biết hoặc học-đại-học-xong-là-em-tự-biết.
Nên nhớ kiến thức là quá trình tích lũy, kỹ năng là quá trình rèn luyện đều đặn mỗi ngày. Biết bằng cách đi học hoặc đọc đâu đó không đồng nghĩa với việc làm được. Chỉ nên ghi những thứ các bạn có thể làm được, và chứng minh điều đó bằng những bằng chứng đơn giản.
Ví dụ, bạn đã từng là thủ lĩnh sinh viên 4 năm liền → có thể hiểu được về leadership và biết đâu có cả tinh thần trách nhiệm lẫn hiểu về làm việc nhóm; bạn từng tham dự Mùa hè Xanh 2 năm → tuân thủ kỷ luật và làm việc nhóm,… vân vân.
Nói đến đây các bạn hiểu là 4 năm học Đại học, các bạn cần bổ sung những hoạt động ngoại khóa gì vào đời sinh viên của mình rồi đó. Dĩ nhiên, xin thực tập 3 tháng, 6 tháng ở một công ty nào đó một cách nghiêm túc cũng là bằng chứng cho thấy bạn biết gì đó như làm việc đúng deadline và báo cáo mỗi ngày chẳng hạn.
Phẩm chất và tính cách phù hợp cũng vậy, đừng nói gì về sáng tạo, hoà nhã, bác ái, chan hoà, trung thực, thẳng thắn,… khi bạn không-có-gì-để-chứng-minh. Mà bạn biết làm sao để chứng minh không?
Câu hỏi này dễ mà không dễ lắm, nhưng xin hẹn các bạn bài sau, kèm với việc nói tiếp về thư xin việc (thư giới thiệu) và thư cảm ơn.
Thảo luận về bài viết