Với 9 album phòng thu kể từ khi ra mắt vào năm 2005, cùng với 11 đề cử giải Grammy và 1 giải Golden Globes, Lana Del Rey là một trong những tượng đài của nền âm nhạc Hoa Kỳ thế kỷ 21. Cô cũng là người định hình lại nền âm nhạc pop-alternative và là nguồn cảm hứng của nhiều nghệ sĩ khác sau này.
Trong suốt thập kỷ qua, giọng hát huyền ảo của Lana Del Rey đã mê hoặc khán giả trên toàn thế giới. Kể từ khi ra mắt album phòng thu với hãng thu âm lớn, mang tên Born to Die, cô đã mang đến một âm thanh và phong cách mới mà đã cách mạng hóa ngành công nghiệp âm nhạc.
Với sự kết hợp độc đáo giữa giai điệu ám ảnh, lời ca mang tính thơ và hình ảnh hoài niệm, Lana Del Rey không chỉ tạo nên một con đường riêng biệt cho chính mình, mà còn truyền cảm hứng để tạo ra một làn sóng nghệ sĩ mới phong cách thử nghiệm lời ca nội tâm và phần nhạc nền ảo diệu.
Khởi đầu sự nghiệp của Lana Del Rey
Lana Del Rey, tên thật là Elizabeth Woolridge Grant, sinh ngày 21.06.1985 tại thành phố New York. Cô lớn lên trong một gia đình trí thức, với cha là Robert England Grant Jr., một nhà kinh doanh tên tuổi, và mẹ là Patricia Ann Hill, một giáo viên. Elizabeth có một tuổi thơ bình thường nhưng đầy màu sắc tại Lake Placid, New York, nơi cô bắt đầu phát triển niềm đam mê với âm nhạc.
Từ khi còn nhỏ, Elizabeth đã thể hiện tình yêu đối với âm nhạc và viết lách. Cô thường xuyên tham gia các hoạt động âm nhạc tại trường học và nhà thờ. Năm 15 tuổi, cô được gửi đến trường nội trú Kent School ở Connecticut để hoàn thiện việc học hành và giúp cô vượt qua một số thách thức cá nhân.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Elizabeth theo học tại Đại học Fordham ở New York, nơi cô theo đuổi ngành Triết học. Tuy nhiên, âm nhạc vẫn luôn là niềm đam mê lớn nhất của cô. Trong thời gian học đại học, Elizabeth bắt đầu biểu diễn tại các câu lạc bộ đêm và quán bar xung quanh thành phố New York, nơi cô chơi các bản nhạc gốc của mình dưới nghệ danh Lizzy Grant.
Cô phát hành một số bản thu âm độc lập, nhưng phải đến khi chọn nghệ danh Lana Del Rey vào năm 2010, cô mới thực sự tìm thấy phong cách và hình ảnh riêng. Cái tên Lana Del Rey được lấy cảm hứng từ sự kết hợp của tên nữ diễn viên Lana Turner và mẫu xe Ford Del Rey, thể hiện sự hoài cổ và sang trọng mà cô muốn truyền tải qua âm nhạc của mình.
Những sản phẩm âm nhạc đầu tiên
Kill Kill là EP (đĩa mở rộng) đầu tiên của Lana Del Rey, phát hành vào năm 2008 khi cô còn hoạt động dưới tên Lizzy Grant. EP này bao gồm ba bài hát: Kill Kill, Yayo và Gramma (Blue Ribbon Sparkler Trailer Heaven). Các bài hát trong EP được sản xuất bởi David Kahne, người sẽ cũng đồng hành cùng cô trong album đầu tay, mang tên: Lana Del Ray A.K.A. Lizzy Grant.
Kill Kill mang đến một cái nhìn thoáng qua về phong cách âm nhạc ban đầu của Lana, với sự kết hợp của pop, rock và âm thanh điện tử. Lời bài hát của cô thường xoay quanh các chủ đề về tình yêu, mất mát và sự hoài niệm, tạo nên một không khí u buồn và quyến rũ. Bài hát Yayo trong EP, sau này cũng được thu âm lại và xuất hiện trong phiên bản tái phát hành của album Born to Die.
Lana Del Ray A.K.A. Lizzy Grant là album phòng thu đầu tiên của Lana Del Rey, khi cô còn sử dụng nghệ danh Lizzy Grant. Album này được phát hành độc lập vào năm 2010 thông qua một hãng đĩa nhỏ, tên là 5 Points Records.
Dưới sự sản xuất của David Kahne, album mang âm hưởng của nhạc pop và rock, kết hợp với những yếu tố điện tử và alternative, phản ánh giai đoạn đầu của sự nghiệp âm nhạc của Lana Del Rey. Mặc dù album không đạt được thành công thương mại lớn và bị gỡ khỏi các nền tảng trực tuyến không lâu sau khi phát hành, nó đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình phong cách âm nhạc của Lana.
Những ca khúc trong album như Kill Kill, Queen of the Gas Station và Yayo thể hiện sự kết hợp giữa giai điệu ám ảnh và lời ca u buồn, phong cách đặc trưng mà cô sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm sau này. Cả album Lana Del Ray A.K.A. Lizzy Grant và EP Kill Kill tuy không được công chúng biết đến rộng rãi tại thời điểm phát hành, nhưng đã là là bước đầu giúp Lana Del Rey định hình phong cách âm nhạc và hình ảnh của mình.
Những dự án này đã đặt nền móng cho sự nghiệp sau này của cô, khi cô phát hành Born to Die vào năm 2012 và trở thành một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất trong thập kỷ qua.
‘Người đàn bà sầu muộn’ trong album Born to Die
Vào thời điểm đó, bối cảnh nhạc pop rất khác biệt. Dẫn đầu bởi những nghệ sĩ như Katy Perry, Lady Gaga, Justin Bieber, và nhóm One Direction mới nổi, nhạc pop đầu những năm 2010 được định hình bởi âm thanh tươi sáng và tinh thần lạc quan. Họ có thể đôi khi hát về tan vỡ và đau đớn, nhưng những nỗi đau đó chỉ là tạm thời, và thường được bao trùm bởi những nhịp điệu nhanh và âm thanh synth sáng sủa.
Sau khi ký hợp đồng với hãng đĩa lớn Interscope Records, đó là lúc Lana Del Rey xuất hiện. Với đĩa đơn mở màn cho album debut mới của cô là Video Games, bài hát đã ‘tự tay mình’ lay chuyển thị trường âm nhạc pop.
Điểm khác biệt của bài hát có thể thấy rõ ở phần mở đầu: rất chậm rãi với tiếng chuông cùng đàn hạc, rồi từ đó mở rộng ra thành một dòng nhạc giao hưởng, điều này khác biệt hoàn toàn với bất kỳ thứ gì đang diễn ra trong nhạc làng pop lúc bấy giờ. Nói đến giọng của Lana Del Rey, giọng cô trầm, cũng chậm rãi theo nhạc, luôn kiểm soát và đều đặn và không bao giờ hát quá mạnh.
Phần còn lại của Born To Die cũng tuân thủ với nền âm thanh chung này. Bài hát cùng tên, mở đầu album với những dây đàn nổi bật, cũng là âm thanh từ những sợi dây mà người nghe sẽ cảm thấy xuyên suốt. Bạn còn có thể nghe những âm thanh khác, như tiếng gầm gừ dâng cao của bài National Anthem đến sự ma quái, rùng rợn của bài Dark Paradise. Đây là những lựa chọn táo bạo và đầy bất ngờ nếu nói trong bối cảnh nhạc pop lúc bấy giờ.
Born to Die là sản phẩm âm nhạc tiếp thu các xu hướng của nhạc pop đang hướng tới, lấy từ hip-hop hơn là rock, và khéo léo đan xen âm hưởng của hip-hop Ngoài âm thanh, album này còn có lời ca khác biệt. Tất cả 12 bài hát đều tỏa ra một nỗi buồn sâu sắc và thấm thía. Hơn cả việc than thở về những cuộc chia tay hời hợt, nỗi đau của Lana Del Rey còn sâu xa hơn.
Album đi từ những chủ đề, như: sự đố kỵ của nữ giới trong tình yêu (trong bài This Is What Makes Us Girls, sự tình dục hoá vẻ đẹp và nữ tính (trong bài Carmen, hay chủ nghĩa hư vô và cô đơn sâu sắc (trong bài Summertime Sadness). Sau 12 năm, Lana Del Rey đi từ một người phá vỡ khuôn mẫu của pop, đến trở thành một người tiên phong trong âm nhạc và văn hóa. Cô cho phép nhạc pop có một chút buồn, để tạo nên những hình ảnh mạnh mẽ vừa cảm động vừa đáng nhớ.
Từ Ultraviolence đến Lust for Life: Sự ‘khai quật’ và mở rộng âm thanh của Lana Del Rey
Sau khi phong cách u buồn, giai điệu ám ảnh và lời ca đầy tâm trạng đã làm nên tên tuổi của Lana Del Rey, cô tiếp tục đẩy mình sâu hơn vào thế giới đầy ma mị nhưng không kém phần xa hoa của mình với 3 album tiếp nối: Ultraviolence, Honeymoon và Lust for Life.
Ultraviolence được phát hành vào năm 2014, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Lana Del Rey. Album này thể hiện một sự chuyển mình mạnh mẽ từ âm thanh baroque pop của album trước, sang phong cách rock, với những giai điệu chậm rãi và nặng nề hơn. Được sản xuất bởi Dan Auerbach của ban nhạc The Black Keys, Ultraviolence mang đến một cảm giác u tối và khắc khoải, với những ca khúc như West Coast, Shades of Cool, và bài hát cùng tên với album.
Trong album Ultraviolence, Lana Del Rey khai thác sâu hơn vào những chủ đề như tình yêu đầy bạo lực và sự bất an và đau khổ trong mối quan hệ. Các bài hát thường được bao phủ bởi một lớp mờ ảo của âm thanh guitar điện, mang lại một cảm giác khắc khoải và ám ảnh. Lời ca của cô tiếp tục khám phá những mối quan hệ phức tạp và những cảm xúc sâu thẳm, tạo nên một bức tranh âm nhạc đầy màu sắc và đa chiều.
Năm tiếp theo, Lana Del Rey cho ra mắt album Honeymoon. Âm thanh u buồn của Lana Del Rey giờ đây trở nên lãng mạn và tinh tế hơn. Album này quay trở lại với thể loại baroque pop của Born to Die, nhưng với âm thanh lấy cảm hứng từ dòng nhạc jazz. Người nghe sẽ cảm được sự hoà hợp của âm thanh cổ điển với chút giai điệu điện tử mà Honeymoon mang đến, tạo một cảm giác thư thái và mơ màng, với những bài hát như High by the Beach, Music to Watch Boys To, và bài hát cùng tên.
Lời ca trong Honeymoon tập trung vào những câu chuyện tình yêu lãng mạn nhưng đầy tâm trạng, với một cảm giác hoài niệm và mơ hồ. Lana Del Rey sử dụng giọng hát đặc trưng của mình để kể những câu chuyện về tình yêu, sự mất mát và sự tìm kiếm bản thân. Âm nhạc trong album này tạo ra một không gian âm thanh rộng lớn và mê hoặc, đưa người nghe vào một thế giới của những cảm xúc tinh tế và sâu sắc.
Trong khi đó, album Lust for Life, phát hành năm 2017, có thể được cho vừa là ‘chương cuối cùng’ trong những năm mà nữ ca sĩ nhìn thế giới qua lăng kính ảm đạm, và là bước chuyển mình trong cách viết lời bài hát của mình. Album này kết hợp nhiều yếu tố âm nhạc khác nhau, từ pop, rock, đến hip-hop, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ khách mời (lần đầu tiên Lana Del Rey có những nghệ sĩ khác góp giọng trong album của mình), như: The Weeknd, A$AP Rocky và Stevie Nicks.
‘Tâm trạng’ của album Lust for Life có thể gói gọn trong 2 từ: lạc quan và sự khám phá. Mặc dù vẫn giữ nguyên sự u buồn đặc trưng, Lust for Life mở rộng ra những chủ đề mới, bao gồm cả sự hy vọng và khát khao. Lời ca của Lana Del Rey trong album này thể hiện sự trưởng thành và sự thay đổi trong cách nhìn nhận cuộc sống và tình yêu. Âm nhạc album không chỉ dừng lại ở những giai điệu chậm rãi mà còn sôi động và đầy năng lượng, tạo nên một sự pha trộn độc đáo và phong phú.
Từ sự tăm tối và khắc khoải của Ultraviolence, sự lãng mạn và tâm trạng của Honeymoon, đến sự pha trộn và khám phá trong Lust for Life, tại thời điểm này, Lana Del Rey đã tạo nên một hành trình âm nhạc đầy cảm xúc và đa dạng.
Từ Norman Fucking Rockwell! đến Did You Know That There’s a Tunnel Under Ocean Blvd: Sự trưởng thành trong ca từ của nữ ca sĩ
Lana Del Rey đã khẳng định vị thế của mình như một trong những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn trong làng nhạc hiện đại thông qua những lời ca sâu sắc và trưởng thành. 4 album gần đây của cô: Norman Fucking Rockwell!, Chemtrails over the Country Club, Blue Banisters, và Did You Know That There’s a Tunnel Under Ocean Blvd, không chỉ thể hiện sự phát triển trong phong cách âm nhạc mà còn minh chứng cho sự tiến hóa và trưởng thành trong ca từ của nữ ca sĩ.
Sự trưởng thành trong ca từ là một điểm sáng rõ rệt qua bốn album này. Lana Del Rey không ngừng làm sâu sắc và phức tạp hơn lời ca của mình. Cô chiêm nghiệm về cuộc sống, tình yêu và bản thân với một tầm nhìn triết lý và tự sự.
Từ những câu chuyện tình yêu đầy mâu thuẫn và sự chiêm nghiệm về sự yếu đuối và mạnh mẽ của bản thân trong Norman Fucking Rockwell! đến những hoài niệm và cảm xúc cá nhân trong Chemtrails over the Country Club, Lana đã cho thấy một sự phát triển rõ rệt trong cách cô diễn đạt và chia sẻ cảm xúc.
Lana Del Rey không ngại thách thức các khuôn khổ truyền thống của âm nhạc. Cô kết hợp nhiều thể loại khác nhau, từ folk, rock, hip-hop đến jazz, tạo nên những tác phẩm âm nhạc độc đáo và mới mẻ.
Ví dụ như ca khúc Venice Bitch trong Norman Fucking Rockwell! kéo dài gần 10 phút với sự kết hợp giữa folk và rock, hay A&W trong Did You Know That There’s a Tunnel Under Ocean Blvd kết hợp giữa folk và hip-hop. Những sự pha trộn này không chỉ mang lại sự mới lạ mà còn là sự khẳng định về mục đích ‘làm nhạc vì âm nhạc’ của Lana Del Rey.
Một yếu tố nổi bật khác trong các album này là sự thể hiện yếu tố nữ quyền. Lana Del Rey thường khám phá những khó khăn, thử thách và sức mạnh nội tại của phụ nữ qua lời ca của mình.
Các bài hát không chỉ đơn thuần là câu chuyện về tình yêu và đau khổ, mà còn là sự khẳng định về vai trò và vị trí của phụ nữ trong xã hội. Trong album Blue Banisters, cô thể hiện sự mạnh mẽ và độc lập của phụ nữ, trong khi album Chemtrails over the Country Club khám phá sự tự chủ và cuộc sống của phụ nữ trong bối cảnh xã hội thay đổi.
Không chỉ nhận được sự yêu mến từ người hâm mộ, các album của nữ ca sĩ còn được giới phê bình đánh giá cao. Cả Norman Fucking Rockwell! và Did You Know That There’s a Tunnel Under Ocean Blvd đều được đề cử Grammy, minh chứng cho sự sáng tạo và ảnh hưởng của cô trong làng nhạc hiện đại. Trong bài đánh giá về album Norman Fucking Rockwell!, cô Jenn Pelly của trang phê bình âm nhạc nổi tiếng khó tính Pitchfork có nhận định sau:
“Nữ ca sĩ Lana Del Rey là một trong những ngôi sao phức tạp nhất, một câu đố mà nhiều người không ngừng mong muốn giải đáp được. Đã có người từng gọi những ca khúc của cô là ‘một sự nỗ lực về tâm lý hơn là những bài pop thông thường’. Nhưng đối với Norman Fucking Rockwell!, sự phức tạp đó đã cô đọng lại để tiết lộ một sự thật không thể chối cãi: Cô là nhà soạn nhạc người Mỹ xuất sắc nhất ở thời điểm hiện tại.”
Những sự công nhận này không chỉ khẳng định tài năng của Lana Del Rey, mà còn cho thấy cô đã vượt qua những giới hạn và đặt ra những tiêu chuẩn mới trong âm nhạc. Các sản phẩm âm nhạc như Norman Fucking Rockwell!, Chemtrails over the Country Club, Blue Banisters, và Did You Know That There’s a Tunnel Under Ocean Blvd, Lana Del Rey đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc trong ca từ của mình.
Sự kết hợp giữa lời ca sâu sắc, yếu tố nữ quyền, và sự sáng tạo không ngừng đã tạo nên những tác phẩm âm nhạc độc đáo và đầy cảm xúc. Lana Del Rey giờ đây không chỉ là một nghệ sĩ tài năng mà còn là một người tiên phong trong việc khám phá và thể hiện những khía cạnh đa dạng của cuộc sống và con người qua âm nhạc.
Lời kết
Từ Born to Die đến Ocean Blvd, Lana Del Rey đã xây dựng nên một hành trình âm nhạc đáng kinh ngạc, đầy cảm xúc và sáng tạo. Tất cả sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ 38 tuổi là minh chứng cho dấu ấn sâu đậm mà cô để lại trong làng nhạc quốc tế. Lana Del Rey không chỉ là một nghệ sĩ tài năng mà còn là một biểu tượng của sự sáng tạo và tự do, tiếp tục truyền cảm hứng cho những thế hệ nghệ sĩ khác và người hâm mộ trên toàn thế giới.
Xem thêm:
- Lana Del Rey & Quavo: Sự hợp tác đáng mong đợi từ 2 ngôi sao
- Top 20 bản nhạc hay nhất của Rihanna qua từng giai đoạn