Lập ngân sách tài chính mỗi tháng luôn là một công việc khó khăn. Thế nhưng, điều này sẽ càng trở nên phức tạp nếu thu nhập hay lương mỗi tháng của chúng ta nhận được luôn giao động. Dưới đây là 4 mẹo để bạn có thể duy trì mức chi tiêu của mình.
Ở bài trước, chúng tôi đã gợi ý đến bạn 10 cách để giảm chi phí sinh hoạt trong thời kỳ vật giá ngày càng leo thang, giúp ta không còn “đau ví” mỗi tháng nữa. Thế nhưng, ở trong trường hợp đấy, đó là giả dụ nếu nguồn thu nhập của bạn luôn ổn định (hoặc có thể hơn là vì tiền thưởng/công việc thứ 2); và đặc biệt với sự gia tăng của nhiều người làm công việc freelance, thì việc có nguồn tiền đầy đủ mỗi tháng không phải là điều dễ chút nào.
Trong bài đó, cách đầu tiên mà chúng tôi đề cập đến là chủ động lập kế hoạch ngân sách cho tháng tiếp theo. Đây là một thói quen quan trọng để đảm bảo tài chính luôn ổn định; bằng cách phân bổ tiền cho các khoản chi tiêu sắp tới ngay từ đầu mỗi tháng, bạn có thể yên tâm rằng mình có đủ khả năng để chi trả các hóa đơn cũng như sinh hoạt.
Tuy nhiên, với những người có thu nhập không ổn định, việc dự đoán số tiền sẽ có để sử dụng trong tháng tới có thể là một thách thức. Nếu chẳng may hoặc đang rơi vào trong trường hợp đó, dưới đây là một số cách mà The Millennials Life có thể giúp bạn quản lý tài chính hiệu quả để hướng tới thành công tài chính.
Thách thức của việc lập ngân sách với thu nhập hằng tháng không cố định
Lên kế hoạch tài chính mỗi tháng luôn là một công việc khó khăn, nhưng lại rất cần thiết trong thời điểm hiện tại. Thế nhưng, điều này sẽ càng trở nên phức tạp nếu thu nhập hay lương mỗi tháng của chúng ta nhận được luôn giao động. Thành thử ra, cứ tháng mới lại đến, các khoản chi tiêu sẽ dồn dập “đổ” lên đầu bạn, trong khi đó dòng tiền đến lại đến thất thường – đôi khi là chậm, lúc khác lại nhỏ giọt.
Đối với những ai đang làm freelancer hoặc làm tính lương theo giờ, vấn đề của các khoản tiền hoa hồng, tiền thưởng, hoặc lương đến chậm nằm ở chỗ thu nhập này thường được cảm nhận như một khoản tiền “trời cho” hơn là tiền lương chính thức.
Ta không nhận nó một cách đầy đủ, nên rất dễ có khả năng bản thân sẽ sử dụng luôn số tiền đấy để chi trả cho những thức đang hiện hữu trước mắt, thay vì nghĩ xa hơn. Vì tâm lý tiêu xài “phóng tay” như thế, quản lý dòng tiền cho các chi phí sinh hoạt với thu nhập không đều trở thành một thử thách đáng gờm.
Trước hết ta phải hiểu rõ khúc mắc của vấn đề ở đây: Giá trị của đồng tiền sẽ không thay đổi dù thu nhập đến đều đặn hay không, nhưng cách chúng ta nhận thức về nó có thể khiến việc chi trả/tiêu xài trở nên khác biệt.
Trong tâm lý, hành vi tiêu xài với những đồng tiền nhỏ giọt như trên được gọi là “kế toán nhận thức” (tiếng Anh làMental accounting). Được đề ra bởi tác giả và nhà kinh tế học Richard Thaler, đây là cách con người phân loại và quản lý tiền bạc theo từng mục đích khác nhau trong tâm trí, thay vì xem xét nó tổng thể. Ví dụ, cùng 1 triệu Đồng, bạn có thể tiêu xài nó khác tuỳ vào nguồn gốc của nó đến từ đâu – là lương cứng hoặc tiền thưởng thêm.
Hành vi tâm lý này có thể phản tác dụng khi bạn đưa ra các quyết định tài chính bị chi phối bởi cảm xúc, chẳng hạn như coi khoản hoa hồng là một “món quà bất ngờ”, từ đấy dẫn đến căng thẳng trong chi tiêu tài chính với kết quả không mong muốn – lỡ tiêu hết phần lớn khoản tiền hoa hồng đấy mà không dành riêng một phần cho các khoản chi tiêu sắp tới.
The Millennials Life lấy ví dụ thêm như thế này: Một nhân viên cấp cao kiếm được mức lương hơn sáu con số (trên 100.000 USD) và nhận thêm khoảng 30% tiền thưởng hàng năm. Tuy nhiên, anh ta chi phần lớn tiền thưởng này cho kỳ nghỉ gia đình, coi đây như một khoản “trời cho” để tận hưởng. Kết quả là, gia đình đấy đã tiêu một phần lớn thu nhập sau thuế vào kỳ nghỉ, nhưng lại không ưu tiên các mục tiêu tài chính khác như tiết kiệm hoặc đầu tư.
Từ đó, có thể hiểu gia đình này đã vô thức phân loại lương là “thu nhập chính” để trang trải cuộc sống, còn tiền thưởng thì được xem là “của trời cho” hoặc một khoản riêng biệt không gắn với các nghĩa vụ tài chính quan trọng.
Khi điều này được thực hiện một cách có ý thức (chẳng hạn, họ quyết định ưu tiên kỳ nghỉ trong những năm con cái còn nhỏ), thì không có vấn đề gì vì nó phù hợp với giá trị gia đình và mục tiêu ngắn hạn. Tuy nhiên, khi vô thức hoặc không tính toán kỹ lưỡng, cách phân bổ này có thể gây ra sự mất cân bằng, khiến các mục tiêu dài hạn như tiết kiệm hưu trí, giáo dục cho con cái, hoặc bảo vệ tài chính bị lãng quên.
Vấn đề chính không nằm ở việc gia đình này sử dụng tiền thưởng cho kỳ nghỉ, mà ở sự thiếu ý thức trong việc phân bổ hợp lý nguồn lực tài chính. Để tránh những quyết định tài chính thiếu cân nhắc, cần có sự chủ động trong việc đặt mục tiêu tài chính rõ ràng, cân đối giữa chi tiêu hiện tại và đầu tư cho tương lai.
4 mẹo để lập ngân sách nếu nguồn thu nhập không ổn định
Tuy có vẻ khó khăn, nhưng bạn hoàn toàn có thể lập ngân sách cho mỗi tháng tiếp theo mặc cho mức thu nhập có thấp hay không. Mấu chốt quan trọng nhất mà ta có thể rút ra được từ những mẹo dưới đây, đó là chính bản thân mình phải luôn dự phòng cho tình huống xấu nhất, để từ đấy có thể chuẩn bị tinh thần và chi dòng tiền hợp lý.
1. Lập kế hoạch dựa trên mức tiền thấp nhất có thể nhận
Dù thu nhập có dao động, bạn vẫn có thể dự đoán kịch bản tệ nhất. Ví dụ, nếu làm việc tự do, hẳn bạn đã từng có một tháng nào đấy có mức thu nhập thấp nhất trong sự nghiệp của mình. Hoặc, nếu bạn là nhân viên phục vụ phụ thuộc vào tiền tip, bạn có thể dùng tháng có tiền tip ít nhất làm mốc tham chiếu.
Khi lập ngân sách dựa trên mức thu nhập dự đoán thấp nhất, bạn đảm bảo có thể chi trả cho các chi phí sinh hoạt thiết yếu ngay cả khi tiền lương của bạn ít hơn mong đợi. Nếu lỡ ước tính thu nhập cao hơn thực tế, bạn sẽ phải đối mặt với rủi ro không đủ khả năng chi trả các hóa đơn cần thiết.
2. Chi dòng tiền theo thứ tự ưu tiên
Sau khi xác định mức thu nhập thấp nhất, bạn cần phân bổ từng đồng một có mục đích. Sử dụng số tiền thu nhập dự kiến và lên kế hoạch chi tiêu trước khi tháng mới bắt đầu: Nghĩa là liệt kê các chi phí sinh hoạt hàng tháng theo thứ tự ưu tiên và sử dụng tiền của bạn để chi trả các hóa đơn quan trọng nhất trước.
Bằng cách lập ngân sách dựa trên mức thu nhập thấp nhất, bạn đảm bảo rằng mình có thể chi trả cho các chi phí sinh hoạt ngay cả trong kịch bản tệ nhất. Khi đấy, sự thay đổi duy nhất trong ngân sách của bạn sẽ xảy ra là nếu bạn kiếm được nhiều tiền hơn dự kiến, và thế ta càng có thêm tiền để chi trả cho thứ khác thôi.
3. Xác định đâu là những thứ cần và muốn chi trả
Việc tạo ra danh sách ưu tiên “cần” và “muốn” sẽ giúp bạn xác định những gì bạn sẽ mua nếu kiếm được nhiều tiền hơn dự kiến trong tháng. Danh sách ‘cần’ bao gồm những thứ thu nhập ước tính của bạn phải chi trả, chẳng hạn như chỗ ở, điện nước, và thực phẩm. Danh sách ‘muốn’ chứa các mục mà bạn chỉ mua nếu có thu nhập dư dả hơn dự kiến.
Nếu kiếm được nhiều tiền hơn mức cần để chi trả hóa đơn trong tháng, có các khoản chi tương lai nào khác mà bạn muốn chuẩn bị trước không? Bước này rất quan trọng: Bởi nếu bạn không lập kế hoạch những thứ bạn muốn chi tiêu trong trường hợp có nhiều tiền hơn dự kiến, ta sẽ dễ dàng tiêu nó vào những thứ không cần thiết. Hãy cân nhắc những món đồ bạn muốn mua, hoặc quà sinh nhật sắp tới cho người thân chẳng hạn.
4. Dành một khoản nhỏ cho quỹ khẩn cấp
Quỹ khẩn cấp đặc biệt quan trọng khi thu nhập của bạn không ổn định. Nếu bạn chưa có, chúng tôi khuyến nghị rằng mục đầu tiên trong danh sách “muốn” của bạn nên là một tài khoản tiết kiệm. Dù số tiền đấy có thể không nhiều, quỹ khẩn cấp sẽ là “phao cứu sinh” cho bạn trong nhiều tình huống bất ngờ; nếu không có nó, bạn có thể phải gánh hàng trăm triệu đồng nợ và phá vỡ các mục tiêu tài chính của mình.
Bạn sẽ sử dụng quỹ khẩn cấp đấy cho các chi phí bất ngờ và cấp bách, chẳng hạn như cấp cứu y tế, bảo dưỡng xe máy đột nhiên “chết” giữa đường, hoặc sửa chữa khẩn cấp nhà cửa. Quỹ này không được sử dụng cho các khoản chi tiêu không cần thiết như vé xem hòa nhạc, quần áo mới, hoặc thiết bị điện tử nâng cấp.
Chúng tôi khuyên bạn nên bắt đầu với quỹ khẩn cấp trị giá từ 2-3 triệu Đồng và sau đó tích lũy dần trong vòng 3–6 tháng, sao cho khoản tiền đó có thể lớn hoặc bằng mức thu nhập thấp nhất của bạn. Điều này sẽ giúp bạn có một “tấm đệm” tài chính nếu rơi vào tình huống thất nghiệp hoặc thu nhập giảm sút nghiêm trọng.
Chuẩn bị trước luôn là yếu tố đặc biệt quan trọng khi bạn không có dòng thu nhập ổn định để dựa vào. Bằng cách lập kế hoạch ngân sách và chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp về tài chính, bạn có thể đảm bảo rằng mình vẫn duy trì thành công mức chi tiêu ngay cả khi thu nhập có giảm xuống đến mức thấp nhất.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- #LocalZine: Hơn 100 năm lịch sử tiền giấy Việt Nam
- 10 nghịch lý thú vị giúp mở mang tư duy của bạn
- Tân sinh viên thích nghi với cuộc sống mới