Nhiều người khi được yêu cầu mô tả về một leader lý tưởng, họ có thể nghiêng về việc sử dụng những tính từ khá nghiêm túc, như: nghiêm khắc, quyết đoán hoặc luôn chú trọng đến kết quả. Tuy nhiên, có một phẩm chất mà hiếm ai nhắc tới khi nói đến sếp của mình, đó là sự hài hước.
Bạn nghe không nhầm đâu! Nếu các leader thi thoảng thuật lại những giai thoại vui nhộn, một câu chuyện cười, hay những nhận xét dí dỏm; thì đó sẽ là một công cụ quan trọng trong việc quản lý nhân viên tốt và tạo nên môi trường cởi mở và năng suất.
Khi được sử dụng đúng cách, sự hài hước có thể làm tăng cường sự trao quyền tâm lý (psychological empowerment – được hiểu là một quá trình tác động chủ quan đến nhận thức và thái độ, để giúp các cá nhân cảm thấy mình có hiệu quả, có đủ năng lực và được ủy quyền để thực hiện nhiệm vụ), hiệu suất công việc và hạnh phúc của nhân viên, đồng thời cũng khiến họ cảm nhận rằng leader của những người đó giỏi trong công việc hơn.
Trên lý thuyết là thế, nhưng tiếc là ở ngoài đời thì nhiều leader lại không được như vậy. Do sự hài hước ở môi trường công sở dễ gặp phải rủi ro nếu bị hiểu lầm hoặc làm người khác bực bội, kết quả là, các leader chỉ phô ra sự hài hước một cách ngẫu nhiên hay tránh sử dụng nó hoàn toàn luôn.
Sự hài hước trong công sở được định nghĩa như thế nào?
Đa số mọi người đều có trực giác tốt khi ai đó đang cố tỏ ra hài hước, nhưng để thật sự hiểu rõ là một vấn đề khác. Nhìn chung, bất kỳ hình thức giao tiếp nào mà tạo ra sự bất ngờ hoặc gây ngạc nhiên, dẫn đến thích thú cho người nghe hoặc khán giả, đều có thể được tính là sự hài hước. Khi đặt vào bối cảnh ở môi trường làm việc, đó có thể là bất kỳ thông điệp nào (bằng lời hoặc không bằng lời), được chia sẻ bởi một leader. Điều quan trọng nhất là phải gây cười hoặc làm cho nhân viên thấy thú vị.
Trong tình huống thích hợp, sự hài hước của các leader sẽ bao gồm việc cố ý chia sẻ một giai thoại vui nhộn trong cuộc họp tưởng chừng căng thẳng, viết vào trong email trao đổi một yếu tố hài hước nào đó, hoặc đưa ra một lời động viên hóm hỉnh cho đội ngũ bán hàng. Cũng có thể, họ sử dụng các hành động hài hước để truyền đạt một hướng dẫn nào đó cho nhân viên.
Nhưng, sự hài hước của các leader cũng có thể là vô tình, chẳng hạn như một lần lỡ lời bất ngờ trong một bài thuyết trình khiến khán giả bên dưới phá lên cười. Dù là gì, thì cả 2 loại hài hước này đều có thể giúp nhân viên cảm thấy có động lực, được trân trọng và giảm bớt căng thẳng trong công việc.
Dùng sự hài hước hiệu quả trong công việc
Ở trên mức độ học thuật, người ta đánh giá sự hiệu quả của một tình huống hài hước dựa trên 2 yếu tố: đó là người đó hài hước đến cỡ nào và mức độ yêu thích của người khác về sự hài hước đó.
Đầu tiên ta nói đến chủ thể (trong ngữ cảnh này là những người leader của chúng ta). Dựa trên ý định của họ, người đó sẽ truyền đạt sự hài hước qua một phương pháp diễn đạt phù hợp (có thể bằng lời nói hoặc chữ viết), đến một nhân viên và để rồi sau đó nhận lại phản hồi thích hợp.
Nhưng sự thành công của quá trình tương tác này (hay mức độ cảm khích của người khác về sự hài hước đó) sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi ‘độ sâu nặng’ của mối quan hệ giữa leader và nhân viên, cũng như bối cảnh mà nó xảy ra (bao hàm văn hóa tổ chức, những gì nhân viên đang làm và ai khác có mặt).
Về phía người tiếp nhận câu đùa đó, sẽ có nhiều đặc điểm ảnh hưởng đến cảm giác của nhân viên, chẳng hạn như giới tính, nền tảng văn hóa và khả năng phản ứng với sự hài hước. Nhân viên có nhiều khả năng sẽ đánh giá cao sự hài hước của leader, nếu:
- Họ có một mối quan hệ chất lượng và đáng tin cậy với leader đó
- Họ nhận thấy rằng leader dụng hài hước với ý định tích cực
- Sự hài hước phù hợp với tình huống
- Câu chuyện cười đó không xúc phạm nhân viên hoặc người khác
Truyền đạt sự hài hước một cách hiệu quả cũng sẽ giống như bất kỳ hình thức giao tiếp khác. Khi đó, một leader phải thành thạo nghệ thuật truyền đạt một thông điệp hài hước, sử dụng giọng điệu phù hợp, tư thế khi kể, và loạt biểu cảm trên khuôn mặt. Hơn nữa, các leader đặc biệt nên để tâm vào việc căn đúng thời điểm để câu chuyện đạt được hiệu ứng mạnh nhất.
Các leader cũng phải có khả năng lắng nghe những phản hồi của nhân viên họ và luôn nhạy bén với các phản ứng cảm xúc khác nhau mà các loại hài hước gợi lên từ các nhân viên khác nhau.
Những điều nên và không nên làm nếu leader muốn trở nên hài hước trong môi trường công sở
Leader mong muốn sử dụng sự hài hước một cách hiệu quả trong môi trường công sở, cần để ý đến các mối quan hệ trong môi trường làm việc. Họ cũng nên điều chỉnh tuỳ thuộc vào đối tượng và bối cảnh khác nhau. Hơn nữa, nếu sử dụng sự hài hước của mình, thì các leader cần vận dụng nó để xây dựng và phát triển lẫn nhau trong môi trường này. Vậy, nếu bạn là một leader thì ta cần phải làm gì? Dưới đây sẽ là một số hướng dẫn chung mà bạn có thể áp dụng:
Những điều nên làm:
- Hiểu rõ nhân viên và phát triển các mối quan hệ trước khi sử dụng sự hài hước với họ. Khi đó, bạn có thể vận dụng các cách để tỏ ra hài hước mà phù hợp với các đặc tính của nhân viên.
- Thường xuyên đan xen các câu chuyện/hành vi hài hước vào các cuộc đối thoại với nhân viên để đạt được kết quả công việc mong muốn.
- Cho phép nhân viên phản hồi lại bằng sự hài hước của chính họ.
Những điều không nên làm:
- Sự hài hước của leader sẽ phản tác dụng trong những trường hợp khi cuộc sống của nhân viên bị đe dọa, hoặc trong những tình huống nghiêm trọng và thảm khốc khác.
- Không bao giờ sử dụng hài hước tiêu cực, như châm biếm hoặc hài kịch cấm kỵ (gọi là black comedy), để bắt nạt hoặc làm giảm giá trị của nhân viên.
- Đừng cố gắng trở thành một diễn viên hài độc thoại tại nơi làm việc (ý ở đây là luôn muốn làm người khác cười nhưng không bao giờ nhận lại được phản hồi của người khác). Ta hãy tự nhiên và ngẫu hứng trong các cuộc đối thoại với nhân viên của mình nhé.
Xem thêm: Cách để kết bạn với đồng nghiệp trong môi trường công sở