Chúng ta có thể sẽ rất bất ngờ khi biết rằng xà phòng đã có lịch sử từ hàng nghìn năm trước, từ những ngày mà đế chế Babylon còn tồn tại. Từ những kiến thức có được trong lịch sử, con người đã tạo ra xà phòng cũng như các chất tẩy rửa mà chúng ta sử dụng để rửa bát đĩa, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa và tắm rửa ngày nay. Tuy vậy, loại xà phòng mà chúng ta đang sử dụng lại không phải là loại xà phòng mà người cổ đại từng làm ra.
Lịch sử của công thức xà phòng
Nhiều công thức làm ra xà phòng có tuổi đời gần 5000 năm, với các biến thể từ vùng Lưỡng Hà, Ai Cập, Hy Lạp cổ đại và cả La Mã. Trong sách hướng dẫn của một nhà giả kim được xuất bản vào khoảng giữa thế kỷ thứ 8 và thứ 10 cũng ghi lại một phương pháp làm ra xà phòng.
Nhiều bằng chứng cho thấy rằng những người Babylon cổ đại đã học được cách làm xà phòng từ những năm 2800 trước Công nguyên. Trong quá trình khám phá, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những vật liệu giống như xà phòng trong các trụ đất sét của thời đại này. Ta có thể hiểu rằng những hình trụ này như là một hỗn hợp chất béo (từ mỡ động vật) được đun sôi với tro – một phương pháp sản xuất xà phòng khá phổ biến của người xưa.
Các ghi chép cũng cho thấy người Ai Cập cổ đại tắm rửa khá thuyền xuyên. Giấy cói Ebers, một tài liệu y học từ những năm 1500 trước Công nguyên đã mô tả việc người Ai Cập cổ kết hợp dầu động vật và thực vật, cùng với muối kiềm để tạo ra một hỗn hợp có dạng như xà phòng. Loại hỗn hợp này dùng để điều trị các bệnh ngoài da cũng như để giặt giũ.
Nhiều nền văn minh cổ đại khác cũng có những loại xà phòng của riêng họ. Cái tên “Soap” được lấy từ một truyền thuyết La Mã cổ đại về núi Sapo. Người ta cho rằng khi mưa trút xuống những ngọn núi, nước mưa sẽ trộn lẫn với mỡ động vật và tro, tạo ra một hỗn hợp sền sệt giúp làm sạch dễ dàng hơn.
Sự phát triển của xà phòng
Cho đến thế kỷ thứ 7, làm xà phòng đã trở thành một nghệ thuật lâu đời ở Ý, Tây Ban Nha và Pháp. Do có sẵn các nguyên liệu sơ chế, chẳng hạn như dầu từ cây ô liu, nên ba quốc gia này ban đầu là trung tâm sản xuất xà phòng.
Nhưng sau sự sụp đổ của La Mã vào năm 467 sau Công nguyên, thói quen tắm rửa đã giảm đi ở phần lớn các quốc gia tại châu Âu, dẫn đến tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng vào thời Trung Cổ. Một phần lý do của việc hạn chế tắm rửa được cho là đến từ các nguồn nước bị ôm nhiễm do thói quen phóng ố bừa bãi, dẫn đến các căn bệnh về da. Sự ô uế khi đấy đã góp phần gia tăng mức độ trầm trọng của bệnh tật, bao gồm cả căn bệnh dịch hạch Cái chết Đen xảy ra vào thế kỷ 14.
Tuy vậy, việc tắm hàng ngày vẫn được coi trọng ở nhiều quốc gia khác trong thời kỳ Trung Cổ, đặc biệt là ở Nhật Bản. Ngoài ra ở Iceland, những hồ nước với nguồn nước ấm từ suối nước nóng luôn là địa điểm tụ tập yêu thích vào mỗi tối thứ Bảy.
Đến thế kỷ thứ 12, người Anh khôi phục lại nền sản xuất xà phòng. Sản phẩm này cũng được thương mại hóa ở các nước thuộc địa của Mỹ vào năm 1600, nhưng trong nhiều năm, đây vẫn là một công việc gia đình hơn là một ngành nghề phổ biến. Mãi đến thế kỷ 17, việc tắm rửa sạch sẽ mới bắt đầu trở lại thành mốt ở phần lớn châu Âu, đặc biệt là với những khu vực giàu có và kinh tế phát triển.
Trước thế kỷ 19, xà phòng là một mặt hàng bị đánh thuế cao, và được coi là món hàng xa xỉ tại nhiều quốc gia. Chỉ đến khi loại thuế này bị gỡ bỏ, người ta mới có thể sở hữu xà phòng, và từ đó tiêu chuẩn về độ sạch sẽ trong xã hội được cải thiện.
Một bước tiến quan trọng đối với việc sản xuất xà phòng trên quy mô lớn diễn ra vào năm 1791, khi nhà hóa học người Pháp Nicholas Leblanc được cấp bằng sáng chế cho quy trình sản xuất tro soda từ muối thông thường. Tro soda lấy từ tro, có thể trộn với mỡ để tạo ra xà phòng. Phát minh này đã đưa việc sản xuất xà phòng trở thành một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất của Mỹ vào năm 1859, đi cùng với nó là những tiến bộ khác và phát triển năng lực vận hành các nhà máy.
Quá trình sản xuất xà phòng và các nguyên liệu, về cơ bản, vẫn giữ nguyên cho đến năm 1916. Trong Thế chiến thứ Nhất và Thế chiến thứ Hai, tình trạng khan hiếm dầu mỡ động thực vật đã khiến việc sản xuất xà phòng trở nên khó khăn. Bởi vậy, các kỹ sư người Đức đã tìm ra một sản phẩm làm sạch thay thế: một chất tổng hợp được gọi là chất tẩy rửa (detergent – theo tiếng Latin có nghĩa là “để lau sạch”). Chất tẩy rửa này không chứa xà phòng. Thay vào đó, nó chứa các enzym để loại bỏ các vết bẩn trên quần áo và trên da. Các công ty Mỹ đã sử dụng các thành phần hoá học khác nhau để tạo ra loại chất có thể bôi trên bề mặt da giống xà phòng, nhưng khiến bụi bẩn và mỡ bị cuốn đi khi làm sạch và hòa vào nước. Greg McCoy, chuyên gia lưu trữ của công ty Procter & Gamble cho hay: “Chất tẩy rửa có khả năng làm sạch tốt hơn nhiều.”
Vậy loại xà phòng chúng ta đang sử dụng ngày nay là gì?
Trong tài liệu của Cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA), định nghĩa hợp pháp về xà phòng được ghi như sau: “Hầu hết các chất tẩy rửa cơ thể, cả dạng lỏng và rắn, thực chất đều là các sản phẩm tẩy rửa tổng hợp. Người ta ưa thích các chất tẩy rửa bởi đặc tính dễ tạo bọt và không để lại cặn dính. Một số sản phẩm tẩy rửa được bán trên thị trường có nhãn mác là “xà phòng”, nhưng thực chất không phải là xà phòng theo định nghĩa của từ này.”
Các chất tẩy rửa hiện đại cũng có thể chứa các thành phần phụ gia, bao gồm chất làm sáng, chất làm mềm nước, chất làm kháng khuẩn/kháng vi-rút như cồn, benzalkonium chloride và chloroxylenol. Một trong những chất phụ gia chống vi khuẩn hiệu quả nhất – Triclosan – đã bị loại bỏ khỏi các sản phẩm tẩy rửa của Hoa Kỳ, đồng thời bị cấm hoàn toàn vào năm 2016 bởi những lo ngại về môi trường và y tế. Một vài thanh xà phòng hiện đại cũng có thể chứa một vài thành phần như loại xà phòng nguyên thủy: bao gồm mỡ động vật (xuất hiện dưới dạng mỡ động vật natri và mỡ lợn natri), hoặc chất béo thực vật như natri palmitat và natri cocoat. Tuy nhiên về mặt giả kim, hóa học hay pháp lý, chúng không thực sự là xà phòng.
Theo Cleaning Institute và New York Times
Có thể bạn quan tâm:
Lịch sử vắc xin và những câu chuyện thú vị đằng sau liều thuốc “khiên chắn”
Các đại dịch trước đây đã kết thúc như thế nào?
#Thoáng: Toàn cảnh tình dục đồng giới thời cổ đại
Thảo luận về bài viết