Khi nói đến ngày lễ Valentine, chúng ta sẽ nghĩ đến những lời tỏ tình, những bó hoa và cả socola để tặng người mình thương yêu. Tuy vậy, lịch sử của ngày lễ Valentine bắt đầu từ khi nào, và tại sao người ta lại nhân ngày 14 tháng 2 hằng năm để vinh danh tình yêu?
Ngày Valentine, còn được gọi là ngày lễ tình yêu hay ngày Thánh Valentine được tổ chức hằng năm vào ngày 14 tháng 2. Đây là một ngày lễ cố định trong Giáo hội Anh giáo và Giáo hội Luther. Tuy được gọi là ngày lễ, trên thực tế, ngày Valentine không được coi là một ngày nghỉ lễ thực thụ ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Lịch sử ngày lễ Valentine
Trong quá khứ, ngày Valentine có cách tổ chức và kỷ niệm đơn giản hơn. Tại Anh và Pháp từ cuối thế kỷ 14, ngày 14 tháng 2 năm được tổ chức như một ngày hội của thanh niên và những người trẻ đang yêu nhau. Nhiều người cho rằng nguồn gốc này có từ một lễ hội La Mã cổ đại, khi các chàng trai trẻ sẽ bốc thăm tên của người con gái mà họ sẽ tham dự lễ hội mùa xuân cùng.
Trên thực tế, ngày 14 tháng 2 được coi là ngày của Thánh Valentine, một vị linh mục dưới thời Hoàng đế La Mã Claudius II (tại vị ở thế kỷ thứ ba sau Công Nguyên, từ năm 268-270). Bất chấp lệnh cấm của Hoàng đế Claudius, ông đã cử hành hôn lễ trong bí mật cho những cặp vợ chồng trẻ theo đạo Cơ đốc và những người lính dưới quyền của Hoàng đế Claudius. Vào thời điểm đấy, lệnh cấm được ban bố bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết, Cơ đốc giáo là một tôn giáo bị cấm vào thời điểm đấy. Ngoài ra bởi đế chế La Mã thường xuyên tham gia vào các cuộc chiến tranh, những người lính trong quân đội triều đình không được phép kết hôn. Vì hành động của mình, Thánh Valentine đã bị hành quyết vào ngày 14 tháng 2. Trước khi ra pháp trường, ông đã gửi lá thư cho người mình yêu – được cho là cô con gái của viên quản ngục – và ký tên “From your Valentine” (Từ Valentine). Bắt đầu từ đó, cụm từ này đã được dùng cho đến ngày nay.
Một giả thuyết khác cho rằng Ngày lễ tình nhân bắt đầu từ thời Trung cổ, theo đó, các loài chim hoang dã sẽ bắt đầu giao phối vào ngày 14 tháng 2. Ở Pháp và Anh vào thế kỷ 14, các cặp đôi trẻ được cho là gắn kết với nhau bởi định mệnh “Valentin và Valentine”, sẽ được cho phép chung sống với nhau như các cặp đôi đã đính hôn trong một năm.
Bên cạnh đó, còn có một lời đồi rằng, nếu một cô gái nhìn thấy người đàn ông đầu tiên đứng trước cửa nhà mình vào ngày Valentine, anh ta có thể sẽ trở thành chồng tương lai của cô. Bởi vậy mà ngày Valentine còn được gọi là ngày Nhiều người yêu. Ở Anh, khi một người đi bốc bài Oracle để xem về tình duyên, họ được yêu cầu rút ra các thẻ bài, trên đấy có tên chồng hoặc vợ tương lai của họ.
Trong thời kỳ Trung cổ, ngày 14 tháng 2 còn là ngày tổ chức các lễ lớn của những người đi biển, các bang hội, nhóm và để chúc mừng tình anh em. Người ta cũng cho rằng ngày lễ Valentine là khởi nguồn cho việc tổ chức các lễ hội lớn, trang hoàng với bóng bay hay vẽ và đeo mặt nạ.
Văn hóa tặng quà và cách tổ chức ngày Valentine của các quốc gia trên thế giới
Trong truyền thống của dân tộc Anglo-Saxon, từ giữa thế kỷ 19, trong ngày Valentine người ta phải trao gửi cho nhau ít nhất là một lời chúc mừng. Tại Anh, những chiếc thiệp kèm theo tranh hay thơ – có thể không đề tên người gửi – sẽ được gửi đến cho người mà ta muốn tỏ tình. Văn hóa này nhanh chóng được phổ biến sang Mỹ. Đến khoảng năm 1868, Công ty bánh kẹo, sản xuất socola Cadbury cho ra mắt những hộp quà hình trái tim bao gồm các thanh socola để mừng Ngày lễ tình nhân.
Ngoài việc gửi những tấm thiệp hay các loại bánh kẹo cho người mình yêu thương, tại Mỹ, ngay cả học sinh tiểu học cũng có thể tặng các bạn học tấm thiệp mà các em tự làm. Cũng giống như nhiều ngày lễ khác, Ngày lễ tình nhân dần trở thành một ngày mà mọi người trao tặng nhau những món quà lớn hơn, với hàng loạt các sản phẩm (trang sức, thiết kế,…) được sản xuất với phiên bản của ngày lễ này.
Tại Đức, ngày lễ Valentine có ít ảnh hưởng văn hóa hơn, trong đó, việc tặng quà gần như không bắt buộc. Tuy nhiên theo xu thế toàn cầu, việc thể hiện tình cảm thông qua tặng phẩm đang ngày càng được chú ý. Theo khảo sát của Viện nghiên cứu khảo sát Statista vào năm 2018, 58,2% nam giới và 50,8% nữ giới được hỏi cho biết họ sẵn sàng tặng quà cho người yêu vào ngày Valentine, với mức chi tiêu tầm 50 euro (khoảng 1.3 triệu đồng). Những món quà phổ biến trong Ngày lễ tình nhân bao gồm socola, trang sức, nội y hoặc hoa. Ngoài ra, doanh số bán hàng vào ngày lễ này cũng cao hơn 400% so với thông thường, với các loại hoa và bó hoa sẽ đắt hơn 8%.
Tại Nhật Bản hay Hàn Quốc, Ngày lễ tình nhân lại được tiến hành theo cách khác với phương Tây. Theo đó, cô gái sẽ tặng socola cho cả người mình thích và cho cả đối tượng mà mình không có tình cảm lãng mạn, cho cả gia đình và bạn bè. Loại socola tặng cho nhóm đối tượng thứ hai được gọi là giri-choco, với từ giri mang nghĩa “nghĩa vụ”, vậy nên món quà này mang nghĩa như một món quà nghĩa vụ với những người cô gái đấy thích.
Nhưng nếu tặng socola cho người mình thích, các cô gái sẽ tặng loại socola tên là honmei-choco, thường có mức giá đắt đỏ và trang trí đẹp mắt hơn. Họ cũng có thể tự làm socola để thể hiện sự chân thành của mình. Nếu đối phương thích cô gái đấy, họ sẽ hồi đáp lại thông qua việc tặng lại socola hay quà vào ngày 14 tháng 3 – hay còn gọi là Lễ Valentine trắng. Ngoài ra tại Hàn Quốc, ngày 14 tháng 4 còn được gọi là Lễ Valentine đen, là ngày những người độc thân ăn mừng sự độc thân của mình cùng những người bạn cũng không có “gấu” khác. Cùng với đó, các quốc gia này với Trung Quốc, Việt Nam còn tổ chức Lễ tình nhân riêngvào ngày 7 tháng 7 Âm lịch (riêng Nhật Bản tổ chức theo ngày dương) để kỷ niệm ngày gặp gỡ của Ngưu Lang – Chức Nữ.
Theo Welt, Hisgo và Asia Society
Có thể bạn quan tâm:
Ngôn ngữ tình yêu của bạn là gì?
App hẹn hò: Những “Ông Tơ bà Nguyệt” online đã ra đời và phát triển như thế nào?
Khoa học lý giải tình yêu như thế nào?
Thảo luận về bài viết