#TìmNguồnLẫnGốc là chuỗi bài viết tìm về lịch sử của tất cả mọi thứ do The Millennials Life tò mò và nghiên cứu.
Nhiều người từng băn khoăn, tại sao cụm từ ‘vaca’ trong từ ‘vaccine’ thường nghe như từ ‘cow’? Theo lịch sử vắc xin, thuật ngữ “vaccine” bắt nguồn từ “Variolae vaccine” trong tiếng Latin, có nghĩa là “bệnh đậu mùa ở bò”. Tuy vậy, việc tiêm vắc xin thì liên quan gì đến căn bệnh đậu mùa ở loài bò?
Lịch sử của việc tiêm vắc xin
Lịch sử vắc xin bắt đầu khi Edward Jenner – một bác sĩ y khoa người Anh sáng chế ra vắc xin cho căn bệnh đậu mùa. Trước khi tìm ra vắc xin, căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của gần nửa triệu dân số châu Âu trong hai thế kỷ 17 và 18. Tuy vậy, con số thật có thể lên tới 300-500 triệu người trên toàn thế giới trong hơn 500 năm trước.
Edward Jenner, khi đấy vẫn còn là cậu bé 13 tuổi, đang học việc cho một bác sĩ phẫu thuật ở một vùng nông thôn. Tình cờ, ông nghe được lời khoe khoang của một cô hầu xinh đẹp, đảm nhận nhiệm vụ vắt sữa bò. Cô có làn da màu hồng đào, mềm mịn và hoàn mỹ đến mức có thể tự hào khoe với mọi người: “Tôi không phải lo mình sẽ bị bệnh đậu mùa, vì tôi từng bị bệnh đậu mùa của bò rồi. Tôi sẽ không bao giờ phải sợ khuôn mặt mình sẽ đầy vết rỗ xấu xí.”
Sau này, khi đã trở thành một nhà khoa học và bác sĩ, ông đã thử nghiệm lý thuyết mà mình đã nghe được: “Việc mắc bệnh đậu mùa sẽ bảo vệ mọi người khỏi những loại bệnh đậu mùa nguy hiểm hơn.” Ông lấy mủ ở mụn đậu, sau đó tiêm vào người một cậu bé. Sau khi cậu bé được chứng minh là đạt trạng thái miễn dịch, ông tiếp tục tiêm cho nhiều đứa trẻ khác, bao gồm cả con của mình – khi cậu chỉ mới 11 tháng tuổi. Kết quả phản hồi ngày càng tích cực. Từ đó Edward Jenner đã thành công trong việc chế tạo loại vắc xin cho căn bệnh đậu mùa, đồng thời được gọi là “cha đẻ của ngành miễn dịch học”.
Tiêm chủng và cấy mầm bệnh
Theo dòng chảy của lịch sử vắc xin, đến đầu những năm 1800, việc tiêm chủng (inoculation) không còn mới và đã trở thành phương pháp chữa bệnh tiêu chuẩn. Tuy vậy, cấy mầm bệnh (variolation), một hình thức chữa bệnh nổi tiếng khi đấy lại có một mặt trái nghiêm trọng. Cấy mầm bệnh (variolation) – đúng như tên của nó – là cách lấy mẫu từ người đã bị nhiễm bệnh đậu mùa, sau đó tiêm vào những bệnh nhân khác với mong muốn là làm họ có phản ứng tự vệ, sau đó sẽ sinh ra phản ứng miễn dịch.
Cách chữa bệnh này cũng có mặt ở Trung Quốc Trung Quốc, Trung Đông, Anh, châu Âu và cuối cùng là châu Mỹ. Đầu thế kỷ 18, các mục sư Thanh giáo như Cotton Mather ở Boston, hay Jonathan Edwards ở Princeton đã phổ biến hóa phương thức này. Ngay cả George Washington cũng ra lệnh cho Lục quân Lục địa được cấy mầm bệnh.
Sự nguy hiểm của phương thức này nằm ở chính việc bệnh nhân phải bị nhiễm bệnh cho đến khi kháng thể có thể tự sinh ra. Trong khoảng thời gian chờ đợi, họ lại có thể vô tình lây nhiễm cho người khác. Ngoài ra, nếu không được tiêm đúng liều lượng hay có sự chú ý của bác sĩ chuyên môn, biện pháp này lại có thể vô tình giết chết người bệnh. Cuối cùng, đã nhiều người phải đối mặt với những phản ứng không mong muốn. Vậy nên, tiêm chủng bằng các loại hoạt chất hoặc kháng thể đã được tạo ra nhằm khắc phục vấn đề này.
Lợi ích của vắc xin
Lợi ích của phương pháp này là tính không lây nhiễm cho những người xung quanh trừ đối tượng được tiêm. Edward Jenner sử dụng phương pháp này lần đầu tiên vào năm 1796. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào năm 1967, nhờ nỗ lực toàn cầu trong việc sản xuất vắc xin hàng loạt cũng như những tiến bộ về công nghệ kim tiêm mà bệnh đậu mùa cuối cùng đã không còn là mối nguy hiểm năm 1979.
Louis Pasteur đã tôn vinh Jenner bằng cách mở rộng thuật ngữ “vắc xin” để ám chỉ đến bất kỳ hình thức kích hoạt hệ miễn dịch một cách nhân tạo nhằm chống lại các bệnh truyền nhiễm. Pasteur và những người kế nhiệm ông cũng đã thành công tạo ra vắc xin phòng bệnh bạch hậu (diphtheria), sởi (measles), quai bị (mumps), rubella và cúm mùa (influenza), giúp cho lịch sử vắc xin có những bước tiến dài và quan trọng.
Về bản chất, vắc xin được chế tạo nhằm ngăn ngừa hoặc giảm bớt ảnh hưởng của việc nhiễm trùng trong tương lai. Trong suốt hai thế kỷ qua, những căn bệnh đã được chế tạo vắc xin để điều trị bao gồm: bệnh đậu mùa, sởi, quai bị, rubella (sử dụng loại vắc xin phối hợp MMR); thủy đậu, zona, bệnh sốt vàng da, thương hàn, viêm gan A và B, bệnh dại; bạch hầu, uốn ván (sử dụng loại vắc xin phối hợp DTP); viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm màng não do vi khuẩn và một số dạng cúm mùa.
Cần lưu ý rằng có nhiều vi-rút cúm, và mỗi lần tiêm ngừa cúm, ta có thể ngừa được 3-4 loại mà mình có thể mắc phải trong mùa cúm tới. Tuy nhiên, các loại cúm liên tục biến đổi, và với mỗi biến thể cúm khác nhau thì bạn cần tiêm chủng khác theo từng năm.
Quá trình phát triển vắc xin
Vắc xin thường mất từ 10 đến 12 năm để phát triển. Quá trình này đôi khi cũng kéo dài đến 20 năm để hoàn thiện. Hiếm có vắc xin nào được chế tạo ra dưới 5 năm. Tuy vậy, với tình hình dịch bệnh Corona diễn ra căng thẳng vào năm ngoái, Operation Warp Speed – một dự án của chính phủ Mỹ – đã được thành lập và đầu tư hàng tỷ đô cho việc nghiên cứu y tế nhằm phát triển và sản xuất vắc xin cho đại dịch này trong thời gian hơn nửa năm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã xác định nhiều giai đoạn phát triển vắc xin. Trong giai đoạn phát triển lâm sàng của họ, có ba giai đoạn thử nghiệm.
Giai đoạn I: bao gồm các nhóm nhỏ người (20–80) nhận vắc xin thử nghiệm và được theo dõi chặt chẽ về loại và mức độ phản ứng miễn dịch.
Giai đoạn II: Mở rộng mẫu số tới những đặc điểm khác đa dạng hơn như: như tuổi tác, các nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh. Giai đoạn này kiểm tra tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch, liều lượng đề xuất, lịch tiêm chủng và phương pháp phân phối của vắc xin.
Giai đoạn III: Bao gồm chuỗi thí nghiệm từ 10 đến 100 nghìn người (thường là 30.000 người) nhằm thử nghiệm tính hiệu quả và an toàn, nghiên cứu bất kỳ tác dụng phụ hoặc tác dụng phụ hiếm gặp nào của vắc xin. Thông thường, cần tối thiểu 40 ngày sau khi tiêm mũi nhắc lại (mũi thứ hai) để kiểm tra hiệu quả và tác dụng phụ. Đi kèm với đó là khoảng thời gian đánh giá về quy trình đồng cấp của nghiên cứu.
Sau khi thử nghiệm Giai đoạn III thành công, nhà phát triển vắc xin sẽ nộp Đơn đăng ký Thuốc mới cho FDA.
Từ đó đến nay, đã có hơn khá nhiều loại vắc xin ngừa Covid-19 được chế tạo: Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Nanocovax, Sinopharm, Sputnik V…
Theo Medium
Ảnh sưu tầm
Có thể bạn quan tâm:
Các đại dịch trước đây đã kết thúc như thế nào?
Những ứng dụng giúp hỗ trợ tâm lý siêu “thần kỳ”
Đừng để lời cảm ơn bị lãng quên
Thảo luận về bài viết