Từ rất lâu rồi, loa phát thanh đã trở thành một trong số những kênh truyền thông tin chính tới người dân. Hình ảnh loa phát thanh gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người. Cho đến hiện tại, loa vẫn được sử dụng khá phổ biến, không chỉ đơn thuần dùng để phát thông tin mà loa đã trở thành bạn tâm tình với nhiều người, nhiều thế hệ.
I. Sự “lỗi thời” của loa phát thanh
Thời gian trước, từng có nhiều thảo luận về chuyện có nên ngừng phát loa phát thanh hay không, vì sự ồn ào, không còn phù hợp với thời đại. Rất nhiều bình luận cùng tham gia thảo luận, đồng ý có, phản đối cũng rất nhiều.
Loa phát thanh đã bền bỉ phục vụ từ thời tivi còn chưa thịnh hành, mạng truyền hình chưa xuất hiện, thời bố mẹ muốn có cái điện thoại “cục gạch” cũng là điều khó khăn,… Sáng thức giấc của ngày ấy với âm thanh khu xóm, tiếng người nói rôm rả ngoài ngõ, mua và bán, tiếng đẩy xe hàng, tiếng còi xe.. tiếng loa phường phát ra từ cây cột điện,.. Nghe loa phát thanh đã được hình thành từ đó.
Tuy nhiên, chuyển động cùng dòng chảy của thời gian. Điện thoại ra đời, internet xuất hiện. Khi mà tin tức được cập nhập nhanh chóng, gần như song song với các sự kiện, thì loa phát thanh được phát vào mỗi buổi sáng sớm hay chiều tối dường như đã quá chậm. Chưa hết, việc phát loa với âm lượng lớn nhằm mục đích có thể truyền đạt to rõ đến mọi người trong phố cũng gây nên nhiều khó chịu, đặc biệt là những nhà xung quanh loa phát thanh. Chính vì thế cũng không lấy làm ngạc nhiên khi nhiều người lên tiếng muốn dừng việc sử dụng loa phát thanh.
II. Giá trị truyền thống khó có thể thay thế trong lòng con người Việt Nam
Trải qua gần 60 năm, thời kỳ lịch sử loa phát thanh có hai nhiệm vụ quan trọng: “phần cứng” phục vụ công tác thông tin tới đời sống người dân, “phần mềm” báo động máy bay địch, còn gọi là báo động phòng không. “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý. Máy bay địch sắp (đang) bay vào không phận tỉnh ta. Đồng bào nhanh chóng xuống hầm trú ẩn. Các lực lượng phòng không sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm bắn rơi máy bay địch”.
Tiếp nối nhiệm vụ bao năm, ngày nay loa phát thanh là kênh truyền thông đưa tin các vấn đề xã hội liên quan trực tiếp đến từng khu vực cụ thể: từ tình hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất dịch vụ, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại địa bàn phường, cho đến chuyện ngừng cấp nước, sửa chữa điện,.. Không chỉ dừng lại ở đó, loa phát thanh cũng là công cụ cảnh báo mọi người, mỗi khi có vấn đề khẩn cấp. Ví dụ, vào mùa lũ, loa phát thanh là công cụ hữu hiệu để cảnh báo khu vực lũ để người dân kịp thời nắm thông tin và chuẩn bị. Một điều mà internet không thể làm được khi mưa lớn mạng yếu.
Giai đoạn cả nước chung ta chống dịch năm 2021, loa phát thanh là kênh thông tin chính để nhà nước có thể cập nhập nhanh các vấn đề cần mọi người lưu ý: lịch tiêm ngừa, test, các trường hợp dương tính mới, thông tin,… Hình ảnh các anh cảnh sát trong bộ cảnh phục nghiêm nghị bật loa, đạp xe treo băng rôn cực dễ thương phát tờ rơi đi khắp các ngõ ngách trên địa bàn phường nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội đã tạo nên hình ảnh đẹp trong giai đoạn khó khăn.
III. Tiếp tục sứ mệnh tới đồng bào
Được đặt tại các vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo loa truyền thanh ứng dụng công nghệ mới như một thiết bị phát thanh không dây, phục vụ phát tin nơi công cộng có tên là MIRA (Mobile Information Radio Amplifier). Thiết bị này có khả năng nhận thông tin từ website qua 3G/ 4G/ Internet, phát thanh tức thời hoặc phát thanh theo lịch.
Với mục đích tuyên truyền những vấn đề thiết yếu, chủ trương của nhà nước,.. giúp người dân ở khu vực mạng yếu hoặc không kết nối được mạng có thế tiếp cận được thông tin một cách dễ dàng nhất
Bị nói “lỗi thời” là thế, loa phát thanh vẫn không ngừng được cải tiến công nghệ, đưa đến những nơi thật sư cần nó và tiếp tục nhiệm vụ của mình với sức sống mạnh mẽ hơn bao giờ hết
Kết
Tới tận bây giờ, loa phát thanh vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tiếng loa thay thế đồng hồ báo thức, là lời chào đầy sức sống của nhiều người. Như một nét văn hóa bình dị, không gì có thể thay thế.
Xem thêm:
#Localzine: Hà Nội và câu chuyện về những đôi bàn chân
#LocalZine: Xích lô máy – ‘Của lạ’ riêng Sài Gòn
#Localzine: Chung cư 42 Nguyễn Huệ – “Đặc sản” khó quên của Sài Gòn
Thảo luận về bài viết