Trước sân nhà của ngoại có phết một vệt sơn màu cam nguệch ngoạc ghi năm xây là 1970. Đã năm thập kỷ trôi qua, cùng với sự ra đời của nhiều phát minh gia dụng mới, cuộc sống đã đổi khác đi rất nhiều. Thế nhưng nhà ngoại gần như vẫn vẹn nguyên một nếp sống Việt Nam xưa dung dị, đời thường.
Những hình ảnh gợi nhớ một Việt Nam đạm bạc, dung dị nơi góc nhà của ngoại
Xem thêm:
#Localzine: Khi ký ức ngày xưa trở thành câu chuyện của hiện tại
Gian bếp
Không phải là những gian bếp hiện đại với bếp gas, điện từ, hồng ngoại đặt trên những kệ gạch men bóng loáng, bếp của ngoại là 1 gian phòng nhỏ trong căn nhà ba gian ngày xưa. Kệ bếp được đúc bằng đất đỏ bên trên đặt 1 lò đất nung và một cái kiềng 3 chân.
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Bằng Việt
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa…“
Khung bếp vốn là nguyên liệu còn dư ra từ đợt làm cửa lớn, được cậu hai xẻ, bào láng, đóng thành kệ gỗ rồi đắp đất sét đỏ phía trên. Gỗ xưa thường tốt, cậu lại khéo tay, thế là ngoại có ngay một góc bếp đơn giản, vững chãi. Căn bếp được nhà làm, ngoại chăm cũng từ đó đã trải qua bao tháng ngày nuôi lớn cháu con.
Kiểu xây bếp này rất thịnh hành vào những thập niên 70, 80 của thế kỉ trước ở những vùng quê miền Trung Việt Nam. Thời đó người Việt mình nấu củi, đèn điện cũng chưa có nên gian bếp lúc nào cũng trổ một ô cửa sổ nhỏ nhìn ra mảnh vườn con con. Mục đích chính là để căn phòng sáng sủa, thông thoáng nấu ăn, nữa là để người lớn trong nhà trông mấy luống rau và dăm ba con gà ngoài vườn kẻo người ta bắt trộm.
Dưới kệ bếp có 2 ngăn lớn, một chứa củi khô, một chứa dăm bào gỗ. Mỗi lần nấu ăn, ngoại sẽ thả dăm bào vào bếp rồi quẹt diêm cho bào gỗ rực cháy rồi mới gác củi lên trên Ngoại cho củi nhỏ cho vào trước rồi mới đến các thanh củi lớn. Tới khi lửa bén đều ra là có thể bắc nồi lên chiên nấu ngon lành. Lớn lên với bếp ga bếp điện không khói không mùi, thức ăn ngoại nấu bếp củi là điều gì đó vừa lạ lẫm và vừa hoài niệm của nhiều người bởi mùi vị rất đặc trưng: mùi khói – mùi quê nhà – mùi của ngoại.
Sứ Bát Tràng và giành tích
Hồi xưa cậu đầu đi lính, có người bạn gửi tặng một ấm nước trà gốc Bát Tràng, ngoại vừa nhận đã nâng niu, tới giờ vẫn rất quý. Chiếc ấm trở thành kỉ vật gợi nhắc về “những cái thằng mà ngoại xem như con” – những thằng con trai từ muôn phương đổ về tụ tập uống trà đựng trong ấm Bát Tràng và ủ trong giành tích đầy vỏ trấu. Họ ngồi trước hiên nhà cũ , quây vào cùng nhau hát nhạc Chế Linh vào những đêm trăng thanh. Tiếng hát hoà với tiếng gió gió biển lùa qua mấy tấm tôn kẽo kẹt.
Chiếc giành tích được ra là ra đời vào khoảng 100 năm trước tại làng Gôi, Nam Định với công dụng ủ ấm nước trà, nước chè xanh và các loại nước lá thảo mộc. Giành tích thì được đan bằng tre nứa, sau đó phủ một lớp vải dày bên ngoài rồi nhét vỏ trấu và lá cây xung quanh, ở trung tâm đặt ấm trà nóng để ủ. Nước trà được giữ ấm suốt ngày, làm đồng về rót ra ly uống cạn là người ta sẽ thấy người đầy phơi phới.
Rèm con công
Khi người trẻ rộ lên thú vui hoài cổ hồi những năm 2016, chăn con công, vải con công lừng lẫy một thời bỗng nhiên “hot” trở lại. Người Việt Nam xưa rất ưa chuộng rèm treo cửa họa tiết con công với hoa mẫu đơn bung nở. Hầu hết cửa chính của các nhà thờ tộc lớn hoặc các ngôi nhà có tuổi ở Huế đều làm từ gỗ mun và không thể thiếu rèm nhung con công đi kèm. Khi mở cửa chính, có một bức mành bằng tre, chuỗi gỗ hoặc nhựa che trước gian thờ với quan niệm che chắn và bảo vệ không gian thờ phụng khỏi những thứ ô tạp bên ngoài.
Bình thủy và bộ ly tách
Không phải là hàng xưa của hiếm, bộ ly tách và bình thủy kiểu cũ có tuổi đời khá non trẻ. Vào độ những năm 2000, bộ bình thủy nhựa và bộ li tách quai tai màu trắng vô cùng phổ biến. Mỗi dịp tết đến xuân về, ấm trà bằng đá, bằng sứ thì dành cho người lớn, tụi con nít thì thòm thèm dĩa bánh thuẫn và uống nước lọc trong ly nhựa trắng.
Áo dài lam
Cúng bái là một tín ngưỡng quan trọng trong đời sống người dân ở đất Huế. Những người theo đạo Phật luôn mặc chiếc áo dài lam, đeo tràng hạt bồ đề khấn vái vào những ngày cúng kiếng trong gia đình. Áo dài lam ra đời và phát triển cùng hưng thịnh của đạo Phật phái Bắc Tông, được may từ một loại vải thô có màu lam: màu khói hương trầm, tượng trưng cho sự thanh khiết, hướng thượng cao cả, là màu hoại sắc, tổng hòa của nhiều màu, nói lên tinh thần bình đẳng tuyệt đối của đạo Phật.
Thau nhôm đúc Liên Xô từ thời bao cấp
Lâu lâu trước, cô con gái của ngoại tới tuổi trưởng thành đã hào hứng đi làm ở hợp tác xã nhằm kiếm tiền sắm sửa những vật dụng trong nhà để ngoại xài thoải mái. Cái thời không có bồn rửa hiện đại như bây giờ, một cái thau là vật dụng không thể thiếu trong rất nhiều gia đình, mà thau nhôm Liên Xô thì lại càng quý. Mấy chục năm trôi qua, chiếc thau có cũ kĩ có móp méo thì vẫn cùng ngoại sinh hoạt qua ngày.
Một nếp sống rất Việt Nam
Ngoại dành cả cuộc đời chắt chiu ôm ấp ngôi nhà. Từng góc nhỏ trong đó đã trở thành dấu ấn về một nếp sống bình dị và thanh thản của người phụ nữ Việt xưa. Buổi sớm châm bếp kho một mẻ cá ăn với cơm trắng, đun một ấm nước sôi đổ đầy bình thủy để “lỡ ông bà hàng xóm đi đâu ghé lại còn có miếng nước uống cho sạch miệng.” Sau đó, ngoại quét hiên, đi tới đi lui rồi thăm vườn, nhổ cỏ, rồi la tụi con nít nghịch dại, rồi kêu người hái hộ mấy trái xoài,… Một ngày của ngoại chỉ quanh quẩn ở nhà vì bạn bè người già yếu người đã không còn là người nữa. Người trẻ hiện đại chúng ta có nhiều thú vui: lướt facebook, instagram, tinder, xem youtube, tiktok,… chẳng mấy tí mà hết ngày, nhưng ông bà chúng ta, họ xem việc quanh quẩn nơi góc nhà là niềm an vui và yên lành vào những ngày đất đã gần ngay trước mắt.
Kết
Người xưa thường nói về phụ nữ Việt Nam như những người giữ lửa, còn với nhiều người, khi lớn lên giữa điện đèn náo nhiệt, giữa phố thị đông vui, họ nghĩ về người bà của mình ở quê như những người canh giữ, và duy trì quá khứ. Những người phụ nữ ấy bảo tồn bức tranh về một Việt Nam dung dị, bình lặng trước đổi thay của thời cuộc.
Có thể bạn quan tâm:
#Localzine: Việt Nam là quốc gia hạnh phúc nhất châu Á
#LocalZine: Lịch sử Quốc kỳ Việt Nam qua những thăng trầm lịch sử
#LocalZine: Xe đạp – Những chiếc xe chở nặng ký ức ngày xưa
Thảo luận về bài viết