Đôi lúc chúng ta tự hỏi bản thân là tại sao tôi lại yêu người này chứ không phải ai khác. Lý trí thì quyết liệt ngăn cản, nhưng con tim lại cứ rộn ràng. Cảm giác như người phân làm hai rồi tự đấu tranh với nhau thật sự khó chịu.
Khi đến cả giới tính cũng không còn quan trọng trong tình yêu, người ta bất đầu chấp nhận những câu chuyện tình yêu điên cuồng và bất chấp. Nhưng đâu đó có người vẫn còn đang lạc bước trong thế giới hỗn loạn “tôi là ai và đây là đâu”. Họ thích người không nên thích. Họ có một tình yêu mà mọi người xung quanh đều phản đối. Họ hoang mang, đấu tranh với chính bản thân mình. Vậy làm sao để lý giải được việc yêu một người này chứ không phải ai khác. Làm sao để chấp nhận bản thân và tình yêu của mình?
Theo một nghiên cứu về Quan hệ tâm lý học của School of Life* giải thích rằng khi phải lòng một ai, đó là một loại bản năng, không phải do cảm xúc, trực giác hay tia sét nào cả. Có thể gọi đó là bản năng đi tìm bạn đời, sẽ có ba loại được phân tích dưới đây:
*School of Life – một công ty giáo dục chuyên nghiên cứu và cung cấp khoá học lời khuyên về các vấn đề trong cuộc sống có trụ sở chính tại London và có chi nhánh trên nhiều quốc gia trên thế giới. Website: https://www.theschooloflife.com/.
Một: Bản năng hoàn thiện
Trong chúng ta, không ai là hoàn hảo. Mỗi người sẽ có và thiếu đi một số phẩm chất trong tích cách, tâm lý, vật chất và thể chất. Một cô gái mù đường sẽ bị ấn tượng bởi một chàng trai có thể dẫn cô gái đi đến bất cứ nơi nào mà cô muốn. Nếu ta là người hơi bướng bỉnh, ta sẽ tìm một người biết lắng nghe; còn là người ngây thơ, ngô nghê chút lại muốn một người trí tuệ; ta là một người trầm lắng thì lại muốn tìm một người sôi nổi, thú vị. Ở bản năng này, chúng ta tìm kiếm và thông qua tình yêu để khắc phục và hoàn thiện bản thân. Từ đó ta cũng đặt nên các tiêu chuẩn cho gu người mà mình tìm kiếm. Đôi khi, người mà mình thích chính là người mình muốn trở thành.
Hai: Bản năng chấp nhận
Mỗi người đều có một góc khuất, những bí mật không thể thể bật mí, những câu chuyện không thể nói với ai. Hay là người có những sở thích lập dị, hành động kỳ quặc chẳng giống ai bì người xung quanh đàm tiếu. Ta che giấu những điều đó vì lý do nào đó, hay nói ra cũng chả có ai chịu hiểu, cảm giác như luôn đơn độc, thậm chí mệt nhoài khi phải đấu tranh với chính bản thân. Và như thế, ta sẽ bị thu hút bởi một người dường như hiểu được một hay tất cả những điều thầm kín, chấp nhận những thứ lập dị của mình. Họ hiểu ta và như cùng ta đấu tranh lại thế giới. Ở gần họ có chung một mạch suy nghĩ với ta hoặc đơn giản là họ biết và chấp nhận. Tình yêu đó như một phần cảm ơn cho sự thấu hiểu và sẻ chia.
Ba: Bản năng quen thuộc
Cách mà chúng ta hành xử ở hiện tại chính là tái hiện của những trải nghiệm trong quá khứ. Trong tình yêu, ta sẽ bị thu hút bởi những người khiến ta nhớ về những người ta đã yêu quý và gắn bó, có thể là ngoại hình, là cử chỉ hay điệu bộ. Người mà liên tưởng về có thể là cha mẹ, anh chị em, ông bà, thậm chí là người yêu cũ. Ở gần họ, ta cảm giác thấy an toàn, thân thuộc và được chăm sóc, gợi nhớ về những ký ức xưa kia.
Vì sao chúng ta gọi ba điều trên là bản năng? Vì bản năng là thứ mà ta hành động mà không hề nhận ra. Đó là lý do tại sao mình có thể có cảm giác với một người đồng giới, hay khi đó lại vẫn có cảm giác với người khác giới. Nười xưa dùng khoảng cách và thời gian để hình thành tình yêu nên mới có câu “lửa gần rơm, lâu ngày cũng cháy”, trường hợp này cũng có thể phân vào các bản năng trên. Khi ở với nhau quá lâu thì đương nhiên sẽ hiểu nhau hơn, thân thuộc hơn và tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu có thể bù đắp cho nhau rồi bắt đầu hình thành nên tình yêu.
Đón xem phần tiếp theo nói về vấn đề Những rắc rối và cách giải quyết khi yêu: sự hoàn thiện, sự chấp nhận, sự quen thuộc.