Bắt đầu khá ngẫu nhiên với câu nói quen thuộc “Nè nói nghe nè, hôm nay kể chuyện ma tiếp nha” của một người MC hải ngoại dành tuổi đời còn lại để kể chuyện tâm linh từ khắp mọi nơi gửi về, Văn Công Duy (DiKon) được biết đến là họa sĩ minh họa ma quỷ thông qua dự án Ma Quỷ Dân Gian Ký.
“Với vốn kiến thức ít ỏi của mình, Duy xin góp một tay vào việc hình tượng hoá những loài ma quỷ dân gian nhằm lưu giữ những câu chuyện ông bà để lại làm phong phú thêm đời sống tâm linh,” tác giả DiKon chia sẻ về dự án vẽ ma của mình.
Dự định sẽ cho ra mắt 30 loài ma quỷ và hiện tượng tâm linh, dự án của Duy bắt đầu từ tháng Sáu vừa qua đã đi được gần nửa đoạn đường, với 13 tác phẩm minh họa những con ma quen thuộc với dân gian Việt Nam. Theo chia sẻ của Duy, bạn sẽ cho ra mắt một fanpage riêng dành cho Ma Quỷ Dân Gian Ký, cũng như những sản phẩm ứng dụng như thẻ bài, postcard, và áo thun.
Cùng điểm qua một số tác phẩm nổi trội trong Ma Quỷ Dân Gian Ký được cộng đồng mạng đón nhận nhiệt tình.
Ông Kẹ / Ông Ba Bị
Thuở nhỏ hẳn ai cũng bị người lớn hù dọa về nhân vật đáng sợ này. Bố mẹ bọn trẻ thường đem ra dọa để tránh trẻ con ra ngoài vào ban đêm.
Ông Kẹ hay với tên gọi khác là ông Ba Bị là một “truyền thuyết đô thị” khá nổi tiếng ở Việt Nam và nhiều nền văn hóa trên thế giới. Tạo hình của mỗi quốc gia có khác nhau nhưng nhìn chung là một người đàn ông có ngoại hình gớm ghiếc, cao lớn, chuyên bắt cóc ăn thịt những đứa trẻ ngỗ nghịch.
Trong Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức (1931) có nêu ra định nghĩa về Ba Bị. Theo đó, “Ba bị: Giống quái lạ người ta bịa ra để dọa trẻ con: Ba bị chín quai mười hai con mắt: nghĩa bóng là tồi tàn, xấu xí: đồ ba bị.”
Sở dĩ có cái tên Ba Bị bắt nguồn từ hoạt động bắt cóc trẻ em ven biển thế kỉ 17-18. “Vì mỗi nhóm chia làm 3 tốp, mỗi tốp có một cái bị nên thường gọi là “ba bị.” Mỗi cái bị lại có 3 quai nên là “chín quai.” Tất cả nhóm có 6 người – tổng cộng là “mười hai con mắt.”
Dần dần, những bậc cha mẹ đã lấy hình tượng này để nhắc nhở đứa trẻ nào không ngoan, khóc mãi mà không chịu nín – sẽ bị ông Ba Bị tới bắt, bỏ vào bị mang đi mất, không cho ở với cha mẹ nữa. Lúc đó, trẻ nhỏ khi nghe cha mẹ nhắc đến ông Ba Bị thì sợ hãi nín ngay.
Theo thời gian, hình tượng ông Ba Bị đã dần trở nên phổ biến đến mức gần như đã trở thành thành ngữ và được cha mẹ sử dụng để hù dọa trẻ con.
Chó đội nón mê
Chó đội nón mê hay chó thành tinh là một con ma trong tín ngưỡng dân gian của Việt Nam. Hiện thân là một con chó đực toàn thân màu trắng nhưng có mũi đỏ, hoặc chó đen nhưng chân lại có lông trắng và mũi trắng, đầu có đốm trắng và đuôi cũng trắng nốt.
Loại chó này là yêu ma có thể hại người chủ. Khi nuôi thì là chó bình thường, nhưng đến độ trăng rằm sẽ hiện nguyên hình là một con tinh chó. Con tinh sẽ đội nón chống gậy thậm chí mang guốc mộc để đi lại trong nhà. Có lúc còn leo lên nóc nhà tru lên như sói cho tới sáng hôm sau mới thôi.
Ma Da
Thật thiếu sót khi kể về chuyện tâm linh mà không nhắc đến một trong những truyền thuyết đáng sợ nhất của người Việt vùng sông nước. Đó chính là ma da.
Theo truyền thuyết, ma da thường là linh hồn của những người chết đuối mà không siêu thoát được. Vì thế mà năm này qua năm khác cứ ở dưới đáy sông lạnh. Những ai bơi ở dưới nước nơi hoang vắng, hay một khúc sông trống, ma da sẽ xuất hiện từ bên dưới, kéo tay chân người đó rồi lôi xuống nước. Kết quả là nạn nhân dù có biết bơi và bơi rất giỏi cũng chết đuối.
Xác chết sau khi bị ma da kéo đi sẽ không thể tìm thấy ngay lập tức. Vì thế mà ngày xưa, ở nhiều khúc sông người dân phải mời thầy về cúng viếng, hoặc có người tự tử thì phải hương nhang đầy đủ. Thậm chí lập đàn “xin xác” mới có thể tìm thấy xác nạn nhân.
Mô tả ma da có rất nhiều loại tuỳ theo khí đất và đối tượng chết oan. Ma da đôi khi có hình dạng như trẻ con, có lẽ vì thường chỉ trẻ con mới hay chết đuối khi bơi. Đôi khi lại được kể là đen đúa hoặc xanh nhớt, trơn như rong rêu bám dưới đáy sông. Mặc dù không ai gọi tên ma da thường xuyên nữa, nhưng quan niệm người chết đuối dìm chết người sống vẫn phổ biến ngay cả ở thời hiện đại.
Ở sông nước Miền Tây những năm lũ lụt, người ta mô tả nhìn thấy ma da có màu trắng đục, thân tròn có lông xuôi theo dòng nước như những cái mền lông, những người tránh lụt vô tình ngủ để chân tay xuống nước sẽ bị chúng vây lại nhấn chìm.
Trên thế giới ghi chép về ma da xuất hiện ở Nhật Bản với tên gọi “ yêu quái Funayurei” ma mãnh đã đánh chìm nhiều tàu bè và dìm thuỷ thủ đoàn xuống biển sâu.
Ở Việt Nam hẳn mọi người thuộc nằm lòng bài ca đồng dao Bắc Kim Thang, bài hát nói về hiện tượng Ma Da bắt người, làm cầu tre trở nên trơn trượt rồi dìm chết người thế mạng (anh bán dầu) được ông bà ta truyền lại về loài ma quỷ đáng sợ này.
Ma Vú Dài
Vốn là một trong những con ma nổi tiếng được dân gian truyền miệng đặc biệt là những vùng quê nông thôn Nam Bộ. Cùng với ông Kẹ, Ma Lai Rút ruột, Quỷ nhập tràng, Ma Da… Ma Vú Dài luôn là một nỗi ám ảnh mỗi khi nhắc đến.
Bằng ngôn ngữ chân chất của người dân nam bộ, thấy sao nói vậy: Nó được miêu tả là một cô gái với mái tóc dài, để phần ngực trần dài buông thõng, thường treo mình trên các ngọn cây lớn và trêu ghẹo người đi đêm, bắt hồn những ai nó nhìn thấy.
“Người ta đồn rằng không biết thật sự vú của nó có dài thiệt không, hay là do hai mái tóc dài xõa xuống bay bay nơi ngực nơi bụng làm cho những người gặp nó chợt có ấn tượng là vú nó rất dài. Nhưng có một điều là những ai đã gặp nó đều công nhận là lưỡi của nó rất dài, chân không bao giờ chạm đất, và toàn thân nó trùm bằng một tấm vải trắng.”
Bọn con nít thường được dụ cho bú sữa cho tới khi chúng hoá thành bùn đất, vì thế cho nên Ma Vú Dài là một con ma hay dùng để hù để bọn nhỏ không đi chơi đêm, vì chẳng ai biết chuyện gì xảy ra ở những rặng dừa bụi tre cao chót vót.
Dị bản về Ma Vú Dài thì có 2 bản nguồn gốc Gia Định xưa và Cà Mau, song đều mang ý nghĩa oán hận và trả thù.
Quỷ nhập tràng
Quỷ nhập tràng là một truyền thuyết dân gian kể về hiện tượng người chết trong lúc khâm liệm thì sống dậy và có những hành động khó hiểu. Những câu chuyện về quỷ nhập tràng luôn gắn liền với con mèo đen hay còn gọi là linh miêu. Truyền thuyết kể rằng khi người chết chưa được khâm liệm mà một con mèo màu đen nhảy qua xác chết thì sẽ làm cái xác chết vùng dậy thậm chí là đuổi theo người sống trong thời gian ngắn.
Theo một số truyện sưu tầm khác thì quỷ nhập tràng cũng được hiểu là một linh hồn khác chiếm lấy thân xác một linh hồn yếu ớt hơn – thường là người sắp chết. Nó chiếm lấy thân xác và giả dạng thành người đó để được cung phụng và sống như người bình thường. Vì là ma quỷ nên nó sẽ sinh hoạt khác thường, sợ ánh sáng ban đêm hay đi tìm động vật nhỏ ăn sống hay kiếm chút tiết canh.
Dẫu sao khi đời sống ngày càng hiện đại chuyện quỷ nhập tràng cũng chỉ còn trong tiềm thức của các cụ già thì nó cũng là một thứ tư liệu đáng lưu truyền lại về những loài ma quỷ dân gian.
Một số tác phẩm khác trong Ma Quỷ Dân Gian Ký
Xem chi tiết các tác phẩm của họa sĩ minh họa Duy Văn tại đây.
Thảo luận về bài viết