Nối tiếp phần 1, hãy cùng chúng tôi tiếp tục điểm qua những câu chuyện ma quỷ tâm linh được truyền tai nhau trong dân gian Việt Nam; với sự tái hiện lại của bộ sách Ma Quỷ Dân Gian Ký của hoạ sĩ Văn Công Duy (nghệ danh: Duy Văn).
Ra mắt lần đầu vào năm 2022, tuyển tậpMa Quỷ Dân Gian Ký của hoạ sĩ Duy Văn có thể được coi là cuốn sách với nội dung và cách trình bày “độc lạ” nhất mà nhiều độc giả từng thấy.
Với phong cách vẽ line art, doodle pha trộn với những nét đặc trưng của tranh Đông Hồ, các loài ma quỷ trong dân gian Việt Nam hiện lên mang đậm cá tính nghệ thuật của tác giả. Không chỉ vậy, đi kèm với mỗi bức họa, Duy Văn cũng không quên cung cấp một số mẩu truyện được người dân bao đời đồn đại về các hiện tượng, sinh vật tâm linh này; khiến người xem không chỉ hiểu thêm về tập tính, phương thức hù dọa mà còn cảm nhận rõ sự quái dị, ghê rợn của chúng.
Tiếp nối sự hưởng ứng của độc giả về cuốn sách, vào năm tiếp theo,Duy Văn đã xuất bảnMa Quỷ Dân Gian Ký: Tinh Linh Đất Việt (Quyển 2). Tuyển tập lần này tiếp tục giới thiệu các chương mới về các loài “yêu quái” nổi tiếng trong sự đồn đại của dân gian. Những sinh vật đáng sợ này có hình hài như thế nào, hãy cùng The Millennials Life tìm hiểu dưới đây.
1. Con Mộc Tinh (Quỷ Xương Cuồng)
Quỷ Xương Cuồng là một hình tượng yêu quái độc đáo trong thần thoại Việt Nam, thể hiện khía cạnh hung bạo và quyền uy của các thế lực huyền bí trong văn hóa dân gian.
Tên gọi “Xương Cuồng” không ám chỉ một cá nhân cụ thể mà diễn tả tính chất hung hãn, không thể kiểm soát – một sức mạnh vượt ngoài tầm kiềm chế của con người.
Ban đầu, Xương Cuồng vốn là một cây Chiên Đàn cổ thụ quý hiếm, hương thơm quyến rũ, thu hút chúng sinh muôn loài. Qua hàng nghìn năm, linh khí ngấm sâu khiến cây Chiên Đàn hình thành một yêu quái bên trong, mà dân gian gọi là Mộc Tinh.
Yêu quái này biết ẩn mình trong hình dạng một nam nhân đẹp đẽ với mái tóc đỏ và dáng tiên hạc, dễ dàng mê hoặc dân làng để rồi nuốt chửng họ trong cơn đói không dứt.
Trong truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ, có nhắc đến trận chiến giữa Lạc Long Quân và Mộc Tinh – thực ra chính là Xương Cuồng. Lạc Long Quân đã đánh đuổi con quái hung tàn này về phía Nam, mang lại bình yên cho người dân, một hành động có thể xem là sự khẳng định sức mạnh của con người trước các lực lượng tự nhiên hung ác.
Tuy nhiên, thay vì bị quên lãng, Xương Cuồng lại tiếp tục hiện diện trong đời sống tâm linh của người Việt qua các hình thức thờ cúng.
Do sợ hãi sức mạnh tà ác củaXương Cuồng, nhiều người dân tin rằng việc thờ cúng nó có thể giúp họ tránh được tai ương; dẫn đến những nghi lễ hiến tế trong quá khứ, tương tự như những tà giáo thờ hung thần và ác quỷ ở nhiều nền văn hóa khác.
2. Chuột Tinh Ngũ Sắc
Chuột là loài gặm nhấm nhỏ bé mà nhiều người không mấy mặn mà, chỉ sau những chú tiểu cường hay “bé Na” (ý chỉ rắn). Người dân ta sợ chuột hơn sợ cọp vì sự phá hoại mùa màng của chúng cực kì ghê gớm. Nỗi sợ chuột đi vào chuyện kể dân gian qua những hình tượng như “chuột khổng lồ” hay “người hóa chuột”. Nổi bật nhất có thể kể đến là Chuột Tinh Ngũ Sắc.
Tên gọi “Chuột Tinh Ngũ Sắc” hay “Tinh Thử Ngũ Sắc” bắt nguồn từ đặc điểm nổi bật của chúng – lớp lông mang 5 màu sắc. Câu chuyện về loài yêu quái này từng xuất hiện trong Thánh Tông Di Thảo – một tác phẩm nổi tiếng thời vua Lê Thánh Tông, ghi dấu về các truyền thuyết huyền bí của thời kỳ nhà Lê Sơ.
Chuột Tinh Ngũ Sắc có vẻ ngoài đáng sợ, với râu trắng như tuyết, đôi môi đỏ như son và máu đen như gỗ mun. Để phân biệt với các loài chuột bình thường, chuột tinh có 4 chân, mỗi chân mọc thêm một ngón thừa. Kích thước của chúng cũng vượt xa loài chuột thông thường, nặng khoảng 30 cân, gần bằng một con chó lớn ngày nay.
Về mặt tâm linh, chuột tinh chủ yếu là chuột đực sống lâu năm, qua thời gian và cơ duyên ăn nhiều tinh khí của trời đất mà phát triển trí khôn và bản năng, trở thành loài yêu quái có trí óc, biết suy nghĩ như con người. Đặc biệt, chúng sở hữu khả năng biến hóa thành người, không sợ lửa và miễn nhiễm với bùa chú.
Chuột tinh thường giả dạng thành những người đàn ông đẹp trai để quyến rũ phụ nữ, lợi dụng những khoảnh khắc người chồng vắng nhà để lẻn vào và hãm hại. Qua việc mê hoặc và hút tinh khí, chúng khiến nạn nhân dần kiệt sức mà chết.
3. Ma Ráp Xác
Với mô tả hết sức kinh dị, lối hù dọa cũng làm con người “hồn xiêu phách lạc” mỗi lần chạm mặt, loài ma này khiến nhiều người liên tưởng tới những con xác sống (zombie) tồn tại bằng xương bằng thịt trong các phim kinh dị Hàn, Mỹ bị ký sinh não, mất ý thức chỉ còn là những cơ thể vô tri.
Tuy nhiên, Ma Ráp Xác lại khá tinh ranh và dường như chúng ý thức được những gì mình sắp thực hiện.
Ma Ráp Xác (theo cách gọi của cuốn Ma Quỷ Dân Gian Ký ) ý chỉ một loài ma quỷ xuất hiện dưới hình thức rớt từng bộ phận của cơ thể xuống, sau đó các bộ phận này tự động ráp lại thành một cơ thể hoàn chỉnh, dặt dẹo mà hù hoạ những người đi đường hay xâm phạm vào khu vực Ma Ráp Xác tồn tại (như nghĩa địa, nhà hoang, rừng cây, miếu thờ…).
Thử tượng tượng mà xem, khi bạn đang ngủ ở một nơi xa lạ, thì hàng loạt âm thanh như thứ gì đó rớt cái “bịch” xuống từ mái nhà.
Trong ánh sáng lờ mờ của ánh đèn ngủ, bạn nhận ra đó là những bộ phận cơ thể người: cái tay, chân, thân người, và một cái đầu bê bết máu. Chúng cứ giãy đành đạch như lúc người ta vừa chặt đầu con cá.
Kinh hãi hơn, các bộ phận đó đột ngột di chuyển lại gần nhau và từ từ ráp lại trước mắt bạn một cơ thể hoàn chỉnh, với cái đầu cứ lắc qua lắc lại như không có xương ở cổ. Đó cũng chính là cách thức mà Ma Ráp Xác làm “tê liệt” con mồi của mình bằng nỗi ám ảnh cực độ.
Việc còn lại là ung dung rút lấy từng phần hồn phách của bạn cho đến khi chỉ còn lại cái xác không hồn. Nhẹ thì mang bệnh nặng sau đó điên dại nặng hơn thì tử vong.
4. Ông Sấu Năm Chèo
Dân gian có câu: “Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà.” là không ngoa, khi nơi đây gắn liền với những lời truyền tụng về sự nguy hiểm, khắc nghiệt của tự nhiên. Số người từng bị nhấn chìm dưới dòng nước Vàm Nao không phải ít. Một trong những nguyên nhân đó đến từ các loài “thủy quái” to lớn ẩn mình bên dưới dòng nước sâu. Nổi tiếng trong số đó là loài cá sấu được dân gian truyền tụng với cái tên Ông Năm Chèo.
“Năm mái chèo” hay Ông Năm Chèo, là một truyền thuyết về loài quái cá sấu 5 chân (chèo) mũi đỏ khổng lồ ở An Giang được người dân địa phương lưu truyền trong dân gian hơn 100 năm. Truyền thuyết này không chỉ phổ biến ở Thất Sơn mà còn lan rộng khắp miệt Cửu Long, với nhiều câu chuyện lẫn dị bản.
Tương truyền, Phật Thầy Tây An, vị đạo sư Bửu Sơn Kỳ Hương, từng nhận định một con cá sấu 5 chân là điềm dữ và khuyên đệ tử Đình Tây nên tiêu trừ. Nhưng Đình Tây vẫn bí mật nuôi nó. Sau này, cá sấu xổng chuồng và trở thành nỗi kinh hoàng cho vùng sông nước, gây nhiều vụ đắm thuyền tại Láng Linh. Dù Đình Tây tìm diệt, nó luôn trốn thoát.
Chuyện Ông Sấu Năm Chèo từ đó mà lan truyền, trở thành biểu tượng cho niềm tin vào thế lực huyền bí của thiên nhiên trong tâm thức dân gian.
5. Ma Trơi
Theo dân gian, Ma Trơi hay Ma Chơi (theo cách gọi Bắc Bộ) là oan hồn của những người chết trận, những nắm xương vô thừa nhận không người chôn cất, vất vưởng trên bãi chiến trường, trong bãi tha ma, hoặc trên cánh đồng hoang vắng.
Ma Trơi có hình thái như một ngọn lửa lập loè yếu ớt, bập bùng theo chiều gió. Nó thoáng chốc biến mất rồi lại bùng lên với ngọn lửa màu xanh nhạt, loáng thoáng bay lên trông rất ảo diệu.
Về đặc tính tâm linh, Ma Trơi tồn tại như một ngọn lửa nhỏ bay lập lờ trong đêm và có thói quen đuổi theo con người. Những người bị Ma Trơi đuổi theo thường phát bệnh, thần trí hoảng loạn, ngớ ngẩn (hay còn có thể nói là bị Ma Trơi “bắt hồn”).
Nhiều tài liệu còn cho rằng, Ma Trơi là linh hồn những đứa trẻ tinh nghịch, vì người ta thấy nó nhảy nhót vui đùa quanh các bia mộ. Chúng đuổi theo người cũng là một dạng của sự đùa nghịch đấy, như thể chơi rượt bắt.
Xem thêm các bài viết khác dưới đây:
- Ma Quỷ Dân Gian Ký: Kho tàng chuyện ma Việt Nam
- Ma Quỷ Dân Gian Ký: Ma Da, truyền thuyết tâm linh đáng sợ vùng sông nước
- #HọNóiLà: Duy Dikon cùng dự án Ma Quỷ Dân Gian Ký – Nét đẹp tâm linh của người Việt